Các trường đại học thuộc tỉnh ở Việt Nam đã đóng góp một phần tích cực trong kết quả đào tạo nguồn nhân lực có trình độ văn hóa, chuyên môn về khoa học và công nghệ, có tay nghề cơ bản cung cấp cho các địa phương, các vùng miền trong cả nước. Đây là loại trường đại học được xếp vào nhóm thứ ba theo phân tầng chất lượng của quy hoạch phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020, là trường đại học định hướng nghề nghiệp – ứng dụng. Trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách chưa xác định rõ vị trí, sứ mệnh của loại trường đại học thuộc tỉnh. Tình trạng đào tạo không gắn với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực và hoàn cảnh của người học đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Hầu hết lãnh đạo các địa phương chưa thể chủ động cân đối cung cầu nguồn nhân lực ở địa phương mình. Để đánh giá và xác định đúng vị trí, vai trò của trường đại học đa ngành đa cấp tại các địa phương, cùng tìm hiểu chính sách đối với trường đại học đa ngành đa cấp tại các nước có nền giáo dục phát triển như: Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc.
Kinh nghiệm của Hoa Kỳ
Ở Hoa kỳ hệ thống giáo dục đại học hết sức phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng. Số sinh viên trên vạn dân cao nhất thế giới, các trường đại học luôn luôn chiếm nhiều vị trí hàng đầu trong các bảng xếp loại của nhiều tổ chức. Cách quản lý giáo dục đại học Hoa Kỳ có một số đặc điểm sau [1]:
– Không phân biệt trường công với trường tư trên nhiều bình diện, các trường đại học hàng đầu phần lớn là trường tư, nhà nước trợ giúp trường tư như trường công;
– Về phân cấp quản lý việc quản lý giáo dục đại học là trách nhiệm của các bang. Ở mỗi bang đều có Hội đồng giáo dục đại học, chịu trách nhiệm về chính sách, phối hợp và phân bố kinh phí công;
– Gắn liền với bang có các trường cao đẳng cộng đồng và các trường đại học bang (State University), có thể coi là trường đại học địa phương, tương tự như Đại học thuộc tỉnh trong Luận án này vì ở Hoa Kỳ không có đơn vị hành chính tỉnh.
Hệ thống giáo dục đại học của Hoa Kỳ rất đa dạng, làm thỏa mãn nhu cầu của người học. Trường Giáo dục cộng đồng trên thế giới có nguồn gốc từ Hoa Kỳ. Xuất phát từ nhu cầu học tập rất đa dạng về ngành nghề, về điều kiện, về hình thức học tập… của người dân mà các trường truyền thống của Hoa Kỳ không đáp ứng được, đòi hỏi Hoa Kỳ phải có một loại hình đào tạo mới phù hợp hơn. Trường Giáo dục cộng đồng của Hoa Kỳ đã ra đời và đưa ra phương châm hoạt động là: “Trường của cộng đồng, do cộng đồng, vì cộng đồng và hướng tới sự phát triển bền vững của cộng đồng”. Từ phương châm đó mà đã thay đổi cả về nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo theo nguyên tắc linh hoạt, uyển chuyển, hiệu quả và đáp ứng nhu cầu người học. Trường Giáo dục cộng đồng ở Hoa Kỳ là một trong những phát minh lớn nhất của thế kỷ 20 ở đất nước này và đã có lịch sử trên 100 năm [2]. Năm 1940 Hoa Kỳ mới có 3 trường Giáo dục cộng đồng hoạt động nhưng nay đã có tới gần 2000 trường ra đời, thu hút gần 50% số sinh viên toàn nước Mỹ [1]. Lịch sử trường Giáo dục cộng đồng ở Hoa Kỳ xuất phát từ những yêu cầu cụ thể của cộng đồng đa sắc tộc và từ những sáng kiến cải tổ quan trọng trong giáo dục đại học trước đó chịu ảnh hưởng nặng nề đại học tinh hoa của Âu Châu, hướng đến nền giáo dục đại học đại chúng [3]. Trường Giáo dục cộng đồng đầu tiên ở Hoa Kỳ mang tên Jolies Junior College, thuộc tiểu bang Illinois, được thành lập năm 1901 [2]. Trong giai đoạn đầu (1850-1920), đề xuất của William R. Harper, viện trưởng Viện đại học Chicago được mọi người chú ý. William R. Harper đề nghị xóa bỏ cơ cấu tổ chức các đại học truyền thống mang nặng tính hàn lâm như đại học của Anh và Pháp thời bấy giờ. Bắt đầu từ năm học 1892-1893 Harper đề nghị chia chương trình cử nhân của Viện đại học Chicago làm hai cấp: cấp I cho hai năm đầu (Junior), cấp II cho hai năm sau (Senior). Chương trình giáo dục cấp I (có thể coi gần giống như chương trình giáo dục đại cương hiện nay) cùng với chương trình thiên về ứng dụng – nghề nghiệp, chắt lọc lại và gắn với trung học thành “trường trung học 6 năm” [2]. Trên cơ sở sự thành công của hệ thống Giáo dục cộng đồng Hoa Kỳ, mô hình Community College với thời gian đào tạo ngắn hạn 2 năm đã bắt đầu du nhập vào các quốc gia khác trên thế giới. Đến nay đã hơn 20 quốc gia phát triển loại hình đại học ngắn hạn theo mô hình này.
Theo nền nếp của hệ thống giáo dục đại học Hoa Kỳ, các trường Giáo dục cộng đồng đào tạo đại học đại cương 2 năm để chuyển tiếp đến các trường đại học liên kết và chương trình nghề nghiệp 3 năm (tính theo tín chỉ). Trường Giáo dục cộng đồng không đào tạo chương trình đại học hoàn chỉnh. Chức năng đào tạo đại học hoàn chỉnh thuộc các đại học, trong đó có các đại học bang. Tất cả những chính sách phát triển đối với loại trường cao đẳng/đại học cộng đồng của Hoa Kỳ đều được luật hóa, đảm bảo đầy đủ điều kiện và tính pháp lý để loại trường này được phát triển bền vững.
Kinh nghiệm của Canada
Những năm 60 ở Canada đang thiếu trầm trọng thợ chuyên môn, thiếu đội ngũ chuyên viên để làm việc và thực hiện công cuộc canh tân kinh tế-xã hội. Các chính phủ liên bang, tỉnh bang và vùng lãnh thổ quyết định góp ngân khoản lập các trường Giáo dục cộng đồng tại các địa phương. Trong vòng 10 năm các trường Giáo dục cộng đồng được lập khắp nơi. Đây là một loại hình trong nhiều loại hình trường cao đẳng của Canada. Hiện tại Canada có trên 140 trường loại hình trường Giáo dục cộng đồng đang hoạt động trên khắp 10 tỉnh và 2 lãnh thổ tự trị. Canada có hệ thống các trường Giáo dục cộng đồng lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ. Chương trình đào tạo của các loại trường này có hai hướng là: Đại học đại cương để chuyển tiếp và huấn nghệ. Các trường Giáo dục cộng đồng của Canada chủ yếu là trường công lập trong đó dạy các môn đại học đại cương và một số ngành nghề chuyên môn giới hạn. Các trường Giáo dục cộng đồng của Canada có các chức năng chính là: Đáp ứng nhu cầu học nghề của học sinh tốt nghiệp trung học không có điều kiện hoặc không muốn tiếp tục học lên ĐH, chuẩn bị cho học sinh sau trung học có triển vọng học lên đại học qua các chương trình giáo dục liên thông, các sinh viên tốt nghiệp đại học có nhu cầu học thêm một chứng chỉ chuyên môn ngắn hạn từ 1-2 năm, đáp ứng nhu cầu giáo dục thường xuyên cho người lớn tuổi. Các trường Giáo dục cộng đồng tại Canada hiện đang thu hút tới trên hai triệu sinh viên đăng ký học bán thời gian và gần một triệu sinh viên đăng ký học toàn thời gian. Tuổi bình quân của sinh viên học toàn thời gian là từ 28-29 tuổi. Đặc điểm chung các trường Giáo dục cộng đồng của Canada là: Đặt cơ sở đào tạo ngay tại cộng đồng; ai muốn học cũng được, chú trọng vào yêu cầu và sự thành công của người học, liên kết với sản xuất và giới chủ, có tầm nhìn toàn cầu, có chuyên môn giỏi đi đôi với kiến thức rộng…Kết quả đạt được của các trường Giáo dục cộng đồng của Canada là rất đáng trân trọng. Cụ thể: 93% học viên tốt nghiệp tìm được việc làm trong ngành của mình (trong vòng 6 tháng kể từ khi ra trường), các học viên tốt nghiệp Giáo dục cộng đồng có mức lương 29% cao hơn các học sinh tốt nghiệp trung học và được thăng chức nhanh hơn; các cơ sở giáo dục đại học địa phương này đóng góp 123 tỷ đô-la vào nền kinh tế (8% của GDP), và có tỷ suất sinh lời là 15% cho mỗi đô la do chính phủ đầu tư [4]. Luật pháp và các chính sách của Canada cho phép các trường Giáo dục cộng đồng và các trường nghề được gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ hàng hóa do học sinh sinh viên làm ra ngay tại khuôn viên nhà trường cùng với nhiều chính sách tuyển dụng, thu hút giáo viên về trường để dạy thực hành nghề khá hấp dẫn và hiệu quả.
Kinh nghiệm của Pháp
Để phù hợp với xu hướng phát triển chung của Thế giới, từ sau chiến tranh Thế giới thứ II, nước Pháp đã thấy được những bất cập của triết lý đại học tinh hoa trong sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nên đã chuyển dần sang triết lý giáo dục đại học đại chúng. “Luật cải cách Giáo dục công bố tháng 11 năm 1975 thức hiện kết hợp chặt chẽ giáo dục phổ thông với giáo dục kỹ thuật, giáo dục nghề nghiệp và đơn giản hóa cấu trúc các loại trường. Sau sơ trung, học sinh có thể đi học nghề ở nhiều loại hình khác nhau. Một nửa học sinh học hết bậc trung học cơ sở học tiếp bậc phổ thông hoàn chỉnh, còn một nửa theo học tại các trường trung học kỹ thuật và công nhân lành nghề bậc cao. Số học sinh này có thể tiếp tục học cao đẳng và đại học như các loại cao đẳng và đại học kỹ thuật chuyên nghiệp [5].
Ở Pháp có 2 loại hình trường mang thuộc tính Giáo dục cộng đồng khá rõ, đó là Trường Kỹ thuật cấp cao (SETS) và Viện đại học Công nghệ (IUT). SETS chủ yếu tuyển sinh những người có bằng tú nghề để đào tạo và cấp bằng kỹ thuật viên BTS. IUT tuyển sinh những người có bằng tú tài nghề, tú tài công nghệ, hoặc bằng kỹ thuật viên, đào tạo 2 năm để trở thành cán bộ kỹ thuật có trình độ tương đương như kỹ thuật viên cao cấp. IUT cấp bằng đại học công nghệ DUT. Giá trị hai văn bằng BTS và DUT là như nhau và có thể xem tương đương văn bằng cao đẳng của Việt Nam. IUT là mô hình giáo dục đại học rất thành công ở Pháp hiện nay. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ở các IUT tìm được việc làm đạt 85% đến 100% [6, tr.300-304]. Với 2 loại hình trường mang thuộc tính Giáo dục cộng đồng được phát huy tốt là nhờ chính sách phân luồng học sinh sau khi học xong trung học cơ sở được triển khai khá động bộ và được quy định chặt chẽ trong các văn bản có tính pháp lý cao.
Kinh nghiệm của Nhật Bản
Nhật Bản là một thành viên quan trọng của các nền kinh tế, khoa học-công nghệ hạng siêu cường trong nhóm G7 của thế giới, là quốc đảo nằm trong khu vực Đông Bắc Á và là nước bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ II năm 1945. Tuy nhiên, sau chiến tranh, Nhật Bản đã vững vàng đứng lên. Trong 3 thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX Nhật Bản có nền kinh tế phát triển ngoạn mục. Sau Chiến tranh thế giới thứ II, do những định chế bắt buộc của khối Đồng minh về phi quân sự hóa…nên mục tiêu của Nhật Bản tập trung vào xây dựng nền kinh tế với trọng tâm đẩy mạnh nền sản xuất công nghiệp và thương mại nhằm phục hưng đất nước bị tàn phá nặng nề. Lúc đó, Nhật Bản thiếu một lực lượng lao động khá lớn những công nhân lành nghề và đội ngũ chuyên viên có trình độ kỹ thuật công nghệ cao. Những thay đổi trong giáo dục Nhật Bản chịu ảnh hưởng lớn của Hoa Kỳ. Năm 1947, sau khi nghiên cứu kỹ tình hình hoạt động trong hệ thống dạy nghề cũ của Nhật Bản, Giáo sư Walter Eells – nguyên tổng thư ký Hiệp hội cao đẳng cộng đồng Hoa Kỳ đã đề xuất với tư lệnh toàn quyền lực lượng đồng minh đồn trú tại Nhật và cố vấn cho Chính phủ Nhật lúc bấy giờ chuyển đổi hoạt động của các trường đại học chuyên nghiệp 3 năm ở Nhật Bản thành các trường đại học đoản kỳ 2 năm. Khi đó, từ 599 trường đại học chuyên nghiệp 3 năm với đủ các ngành nghề như: thủy sản, lâm nghiệp, thương mại, sư phạm… được cấp tốc cải tổ thành 181 trường Giáo dục cộng đồng 2 năm. Giáo sư Walter Eells đã mời một số đồng nghiệp của mình sang Tokyo soạn thảo chương trình và viết giáo trình cùng với các giáo sư của Nhật Bản và các trường Giáo dục cộng đồng này của Nhật Bản đồng loạt khai giảng vào tháng 4/1950. Mô hình giáo dục đại học mới này đã tạo không khí phấn khởi trong mọi tầng lớp nhân dân đang hừng hực khí thế hàn gắn vết thương chiến tranh. Nhiều công nhân lành nghề và những chuyên viên có kỹ năng công nghệ cao được đào tạo nhanh chóng từ 181 trường Giáo dục cộng đồng này, họ là những người trực tiếp làm gia tăng sản lượng quốc gia. Sau 15 năm (năm 1960) kinh tế Nhật Bản bắt đầu đứng vững. Năm 1964, số trường Giáo dục cộng đồng Nhật Bản đã phát triển thành 267 trường, trong đó có 28 trường cao đẳng công lập, 214 trường tư thục và 25 trường do cộng đồng thành lập và quản trị. Các trường đại học đoản kỳ 2 năm của Nhật bản như vừa nêu, ngày nay được gọi là trường cao đẳng kỹ thuật và tuyển sinh đã học xong trung học phổ thông. Nhật Bản hiện có 60 trường cao đẳng công nghệ tuyển sinh sau THCS và đào tạo 5 năm. Các trường này tạo thành hệ thống trường bách nghệ, có đầy đủ đặc tính của trường Giáo dục cộng đồng thuộc hệ thống giáo dục đại học của Nhật Bản [3]. Tại Nhật Bản, chính sách phát triển trường Giáo dục cộng đồng tư thục được xây dựng từ những năm 1960 và rất coi trọng việc bồi dưỡng đội ngũ thiết kế chương trình đào tạo đối với loại trường Giáo dục cộng đồng.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc
Hàn Quốc, từ chỗ là một quốc gia bị tàn phá trong chiến tranh thế giới thứ hai và sau đó là chiến tranh Triều Tiên (1951-1953), sau vài thập kỷ đã vươn lên, xếp vào hàng quốc gia có thu nhập cao, được cả thế giới ngưỡng mộ. Có được bước tiến nhảy vọt này là nhờ sự đóng góp to lớn của giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Cơ cấu hệ thống giáo dục đại học Hàn Quốc cơ bản tương đồng chung với hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay của nhiều nước trên thế giới. Hệ thống giáo dục đại học gồm cao đẳng 2 năm, đại học 4 năm, đào tạo thạc sỹ từ 1 – 2 năm, đào tạo tiến sỹ 3 năm. Các trường đại học, cao đẳng hoạt động theo cơ chế tuyển sinh chặt chẽ. Hàn Quốc coi trọng việc thu hút và sử dụng có hiệu quả các chuyên gia khoa học, công nghệ từ Hàn kiều và người nước ngoài. Giáo dục Hàn Quốc đã có sự phát triển khá nhanh và mạnh mẽ trong vài thập kỷ vừa qua, chuyển từ một nước có 95% dân số mù chữ thành một nước được xếp hạng cao trên thế giới về trình độ phát triển giáo dục. Đặc biệt ấn tượng là sự phát triển của giáo dục đại học với tỷ lệ học đại học khoảng 5% vào những năm 1950 tăng lên 78% vào năm 2000 và 85% vào năm 2004…Loại trường đại học đa cấp, đa ngành ở Hàn Quốc được thành lập từ những năm 1960. Đến năm 1985 Hàn Quốc đã có tới hơn 120 trường loại này và hiện nay loại hình trường này cũng đang phát huy khá tốt…Từ tháng 2/1994 Hàn Quốc đã có cuộc cải cách mạnh mẽ hệ thống dạy nghề sau trung học theo 3 hướng: 1/ Từ một khuôn khổ khép kín, nay đã mở ra hy vọng đảm bảo cho các học sinh tốt nghiệp ở các trường trung cấp có cơ hội tiếp tục học ở các trường cao đẳng, ĐH…; 2/ Hệ thống giáo dục dạy nghề phải hợp tác giữa các trường với nhau; hợp tác giữa các trường với các cơ sở sản xuất, kinh doanh để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu của nền công nghiệp, thương mại phát triển cao và tạo điều kiện để các ngành công nghiệp, thương mại tham gia quá trình đánh giá và quản lý chất lượng đào tạo; 3/ Hệ thống dạy nghề được chuyển từ một hệ thống giáo dục kém hiệu quả sang hệ thống giáo dục hiệu quả hơn thông qua việc cải cách hệ thống văn bằng quốc gia, khai thác tính hiệu quả của công nghệ thông tin [7]. Tính từ năm 1994, Hàn Quốc đã có 161 trường cao đẳng dạy nghề phân bổ khắp trên lãnh thổ với tổng số gần một triệu sinh viên. Hàn Quốc đã củng cố và phát huy vai trò loại hình trường chuyên nghiệp, dạy nghề mang đậm nét thuộc tính của loại trường cao đẳng cộng đồng để chuẩn bị cơ sở cho mọi công dân được mở rộng học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu của xã hội trong kỷ nguyên công nghệ thông tin và nền kinh tế tri thức, đó là loại hình trường cao đẳng dạy nghề đa cấp, đa ngành 2 năm. Đào tạo 2 năm đầu của chương trình đại học và cấp bằng cao đẳng với các danh hiệu nghề nghiệp khác nhau. Nguồn tuyển sinh của các trường này từ tốt nghiệp THPH hoặc tiếp nhận học sinh liên thông từ các trường trung cấp nghề. Đồng thời, sinh viên của các loại trường này được đào tạo liên thông tại các trường đại học. Chính sách đào tạo liên thông đối với loại trường cao đẳng dạy nghề đa cấp, đa ngành 2 năm ở Hàn Quốc khá mềm dẻo, linh hoạt, được thực hiện từ sự chủ động của mỗi nhà trường gắn với đòi hỏi nhu cầu từ thực tiễn, tạo sức hấp dẫn cao trong công tác tuyển sinh của loại trường này.
Kinh nghiệm của Thái Lan
Nguồn nhân lực của Thái Lan cũng yếu kém về trình độ và kỹ năng tay nghề, cũng nằm trong tình trạng chung của các quốc gia Đông Nam Á mặc dù Thái Lan là một quốc gia giữ vai trò quan trọng trong khối ASEAN. Tuy nhiên, sự phát triển của nền kinh tế Thái Lan đi theo hướng dịch vụ với sự đóng góp của nền giáo dục đại học đại chúng có sự du nhập mô hình đại học cộng đồng Hoa Kỳ vào những năm 1970 đã góp phần nâng cao vị thế của Thái Lan ở khu vực Đông Nam Á và thế giới. Trong năm 2002 đã có 10 trường Giáo dục cộng đồng đầu tiên, tiếng Thái gọi là “Vithayalai Chumchon” trong 10 tỉnh [8, tr.135].
Năm 2003, Bộ Giáo dục Thái Lan đã ban hành quy chế quản lý giáo dục các đơn vị trực thuộc trong trường đại học cộng đồng như sau:
(1) Mục tiêu phát triển của trường đại học cộng đồng Thái Lan là: Trường đại học cộng đồng được thành lập theo cơ cấu của đơn vị nhà nước, được quản lý bởi cộng đồng, nhằm cung cấp các chương trình đào tạo chuyên nghiệp và học thuật theo nhu cầu học tập của cộng đồng; cải thiện chất lượng sống của cộng đồng;
(2) Về cơ cấu tổ chức và quản lý trường đại học cộng đồng ở cấp Nhà nước và cấp nội bộ trường. Cấp Nhà nước có Ủy ban đại học cộng đồng trực thuộc Vụ Giáo dục Đại học. Hội đồng quản trị trường đại học cộng đồng trực thuộc sự quản lý của Ủy ban đại học cộng đồng. Cấp nội bộ trường, trong Hội đồng quản trị trường đại học cộng đồng có Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo hoạt động đối với các bộ phận điều hành.
Chương trình đào tạo của hệ thống các trường đại học cộng đồng Thái Lan đang thực hiện gồm có:
(1) Những chương trình cấp bằng gồm: Giáo dục mầm non; Phát triển cộng đồng; Chính quyền địa phương; Công nghiệp du lịch; Điện tử doanh nghiệp; Quản lý; tin học; Nghiệp vụ kế toán; Máy tính doanh nghiệp; Công nghệ chăn nuôi gia cầm; Công nghệ sản xuất nông nghiệp; Công nghệ cơ khí và sửa chữa máy móc tự động; Công nghệ điện;
(2) Các khóa đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ bao gồm: Hướng dẫn viên du lịch nội thành; Tiếng Anh dành cho người phục vụ đánh gôn và tiếng Anh giao tiếp; Tiếng Campuchia dành cho mậu dịch biên giới; Kinh doanh vàng bạc, đá quý; Sử dụng máy tính cho mua bán nhỏ; Dịch vụ cấp cứu y tế; Kỹ thuật viên ngành dược; Chăm sóc sức khỏe người già…
Các chính sách được quy định như trên của Thái Lan đã tạo nhiều thuận lợi cho các trường đa cấp đa ngành của Thái Lan thực hiện được sứ mệnh nổi trội của loại trường này
Hiện nay, Thái Lan đã có 17 trường đại học ngắn hạn hoạt động theo mô hình đại học cộng đồng Hoa Kỳ, đang đào tạo khoảng 12.000 sinh viên theo các chương trình cấp bằng cao đẳng và thu hút khoảng 30.000 học viên cho các chương trình ngắn hạn thuộc dịch vụ giáo dụcCĐ…[9].
Kinh nghiệm của Trung Quốc
Trung Quốc là nước rất quan tâm tới việc cải cách hệ thống giáo dục quốc gia, trong đó có hệ thống giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp. Trung Quốc chủ trương xây dựng những đại học hàng đầu và các đại học nghiên cứu đẳng cấp quốc tế, làm động lực chuyển công cuộc hiện đại hóa sang giai đoạn mới, giai đoạn canh tân và sáng tạo đồng thời cũng dần dần đại chúng hóa giáo dụcĐH. Trong vài thập niên vừa qua, Trung Quốc đã cải cách giáo dục theo 5 phương châm chiến lược, bao gồm: giáo dục hướng về hiện đại hóa; giáo dục hướng ra thế giới; giáo dục hướng tới tương lai; giáo dục phải phục vụ việc nâng cao tố chất của con người; giáo dục phục vụ phát triển kinh tế. Nghiên cứu hệ thống dạy nghề của Trung Quốc, chúng ta nhận thấy, hệ thống này đã được cơ cấu lại theo hướng đổi mới và mở cửa ra thế giới với những yếu tố mang tính chất giáo dục của Giáo dục cộng đồng. Chẳng hạn: Coi trọng đào tạo kỹ năng, định hướng thực hành, không phân biệt đối xử giữa việc dạy kỹ năng, định hướng thực hành với việc dạy chữ; hệ thống dạy nghề có 3 cấp trình độ (trình độ 1, trình độ 2 và trình độ 3); dạy nghề trình độ 3, tuyển đồng thời các học sinh tốt nghiệp các trường trung học và các trường dạy nghề trình độ 2 (gồm trường trung học chuyên nghiệp, trường đào tạo công nhân kỹ thuật cao, trường dạy nghề). Dạy nghề trình độ 3 được thực hiện bởi 5 loại trường, đó là: trường đại học công nghệ (hiện có 30 trường), trường đại học nghề định hướng thực hành ngắn hạn (hiện có 101 trường), lớp nghề bậc cao 5 năm trong các trường trung cấp chuyên nghiệp, các học viện đại học và các viện giáo dục dành cho người lớn (gồm 180 học viện), các viện được cải tổ với chương trình đào tạo được định hướng thực hành từ 2-3 năm. Dạy nghề trình độ 3 có khả năng liên thông rất lớn, tạo điều kiện cho người học có nhiều cơ hội và khả năng phát triển trình độ là không hạn chế[10].
Những năm gần đây, chủ trương cải cách hệ thống các trường đại học Trung Quốc luôn được tăng cường, đặc biệt là việc cải cách các trường đại học địa phương, ở đó có sự hình thành một loại hình trường đại học mới gắn chặt với cộng động địa phương, do địa phương thành lập, mang thuộc tính Giáo dục cộng đồng và được gọi là “đại học độc lập”. “Thế mạnh của loại hình trường đại học mới này là các trường có thể dẽ dàng thu hút nguồn vốn xã hội từ bên ngoài, do vậy làm phong phú thêm nguồn lực cho giáo dục đại học cũng như kỹ năng quản lý. Điều quan trọng hơn là, loại hình trường này đã tạo thêm sức sống cho hệ thống trường đại học, thúc đẩy sự gắn kết sâu sắc hơn giữa các trường đại học và quá trình phát triển kinh tế-xã hội”[11]. Các chính sách cải cách các trường đại học địa phương để hình thành loại hình trường đại học mới gắn chặt với cộng đồng và do địa phương thành lập được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính pháp lý và đảm bảo các điều kiện để các trường này thực hiện tốt sứ mệnh của mình với cộng đồng
Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển loại trường đại học đa cấp, đa ngành của các nước nêu trên cho thấy nhiều nét tương đồng nhau về chính sách phát triển như: việc xác định vị trí pháp lý và sứ mệnh đối với loại trường này khá rõ ràng, phản ánh đúng bản chất loại trường đào tạo theo hướng ứng dụng, thực hành, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ; kỹ năng thực hành được đề cao và gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp; sản phẩm làm ra do thực hành nghề được sinh viên nhà trường tiêu thụ trực tiếp với giá thành hợp lý, làm giảm mức đóng học phí cho người học và tăng thời lượng thực hành nghề cho học sinh sinh viên; các chính sách đưa ra đều hài hòa, hướng tới lợi ích của cộng đồng, của doanh nghiệp và của người dạy, người học; hiệu quả đầu tư tài chính bám sát mục tiêu, sứ mệnh nhà trường và đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn; chính sách tuyển dụng đội ngũ giáo viên dạy thực hành khá phù hợp, thu hút được đội ngũ tay nghề cao và các nghệ nhân tham gia giảng dạy kỹ năng thực hành; chính sách hợp tác quốc tế, mở rộng mối quan hệ của các trường luôn được các trường đề cao; việc khảo sát nhu cầu người học được các trường tiến hành thường xuyên hằng năm nên tính cộng đồng và sự gắn kết với địa phương của loại trường này thể hiện khá tốt; việc quy hoạch mạng lưới phát triển loại trường này được coi trọng và phân bổ khá đều ở các địa phương, các vùng miền khác nhau của mỗi quốc gia; cơ chế quản lý và phương thức đào tạo của loại trường này khá phù hợp và được xã hội chấp nhận, cơ bản đáp ứng kịp thời nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia…Có thể khẳng định rằng, dù tên gọi của loại hình trường này có khác nhau đối với gần 30 quốc gia trên thế giới nhưng chúng đều là các trường đại học ngắn hạn của cộng đồng. Các loại trường này đều hoạt động theo cơ chế mở, có chức năng nhiệm vụ gắn với yêu cầu của cộng đồng, vì sự phát triển của cộng đồng, đa dạng về phương thức và hình thức đào tạo, mềm dẻo và linh hoạt trong việc tổ chức quá trình đào tạo…Chúng ta không nên rập khuôn nguyên mẫu loại hình trường đại học đa cấp, đa ngành của nước nào, nhưng chúng ta đều nhận thấy sự cần thiết cần phải phát triển nhanh chóng loại hình trường này ở Việt Nam trước nhu cầu bức xúc về nguồn nhân lực và xu thế hội nhập với nền giáo dục đại học thế giới.
Tài liệu tham khảo
- Lâm Quang Thiệp và các tác giả khác (2007), Giáo dục đại học Hoa Kỳ. Nxb Giáo dục.
- Allen A.Witt, James L.Wattenbarger, James F. Gollattscheck and Joseph E. Suppiger (1995), America’s Community Colleges: The First Century, Copyright 1994 The American Association of Community Colleges, second Printing, Printed in the USA.
- Nguyễn Văn Thùy, Trần Ngọc Lợi (1996), Khái lược Đại học cộng đồng Hoa Kỳ, Xuất bản lần thứ nhất, Lansing, Michigan, Hoa Kỳ.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (1993), Hội thảo Việt Nam – Canada về Đại học cộng đồng, Hà Nội.
- Vũ Ngọc Hải, Trần Khánh Đức (2003). Hệ thống giáo dục hiện đại trong những năm đầu thế kỷ XXI. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
- Vũ Ngọc Hải (chủ biên), Nguyễn Minh Đường, Đặng Bá Lãm, Phạm Đổ Nhật Tiến, (2013) Quản lý nhà nước hệ thống giáo dục Việt Nam trong đổi mới căn bản toàn diện và hội nhập quốc tế. Nxb Giáo dục Việt Nam.
- Ngô Xuân Bình (2002), Tìm hiểu cải cách giáo dục ở Hàn Quốc. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Rosalind Latiner Raby, Edward J.Valeau (2011). Community College Models, Globalization and Higher Education Reform, Springer.
- Sumate Yamnoon – Phó Tổng Thư ký Vụ Giáo dục đại học, Bộ giáo dục Thái Lan (2005), “Các trường cao đẳng Cộng đồng Thái Lan”, báo cáo tại Hội thảo Giáo dục cộng đồng Việt – Mỹ ngày 11/11/2005 tại Tỉnh Kiên Giang, Việt Nam.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (2005), Đề án đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2010. Hà Nội.
- Xie Weihe (2004), “Đại học Thanh Hoa CHND Trung Hoa, thách thức của xã hội tri thức và đổi mới giáo dục đại học Trung Quốc”, Các báo cáo tham luận Diễn đàn quốc tế về giáo dục Việt Nam: Đổi mới Giáo dục đại học và hội nhập quốc tế; Hội đồng QGgiáo dục, Hà Nội.