Đối với hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM), chủ thể quản lý nhà nước là Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi… Quốc hội ban hành và giám sát thực hiện. Chính sách tiền tệ và các đạo luật về hoạt động ngân hàng phải do Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng trong phạm vi cả nước. Thông qua hoạt động thực thi quyền hành pháp, Chính phủ tổ chức thực hiện pháp luật về hoạt động tín dụng, ngân hàng; triển khai các chính sách tiền tệ để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội; chi phối trực tiếp hay gián tiếp về huy động vốn và ban hành quyết định liên quan đến xây dựng và thực hiện chính sách tài chính – tiền tệ; điều hành, phối hợp giữa chính sách tiền tệ với các chính sách vĩ mô khác như chính sách tài khóa, giá cả,… để định hướng hoạt động cho các NHTM trong từng giai đoạn nhất định. Trong những cơ quan thực hiện quản lý nhà nước đối với NHTM thì Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng và là chủ thể tác động trực tiếp nhất tới ngành ngân hàng nói chung và hệ thống NHTM nói riêng. Với chức năng phát hành tiền và điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước có khả năng ứng phó với các biến số kinh tế vĩ mô quan trọng trong thị trường tài chính như lạm phát, lãi suất, vốn khả dụng của các ngân hàng, từ đó tác động tới thị trường tài chính. Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm trước Chính phủ về thực hiện quản lý nhà nước đối với tổ chức, hoạt động của các tổ chức tín dụng, thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với những tổ chức này.
Trong phạm vi bài viết sẽ giới hạn chủ thể quản lý nhà nước đối với các NHTM là Ngân hàng Nhà nước. Do vậy, khi nghiên cứu về quản lý nhà nước đối với các NHTM về hệ thống KSNB. Do vậy, trên phương diện quản lý của Ngân hàng Nhà nước đối với hệ thống KSNB trong NHTM, gồm các nội dung sau:
1. Xây dựng và duy trì hoạt động của hệ thống KSNB trong NHTM
Đây là yêu cầu bắt buộc đối với các NHTM, theo đó NHTM phải xây dựng hệ thống KSNB giúp Tổng giám đốc (Giám đốc) điều hành thông suốt, an toàn và đúng pháp luật mọi hoạt động nghiệp vụ. Bảo đảm chấp hành chế độ hạch toán, kế toán theo quy định và phải có hệ thống thông tin nội bộ về tài chính, về hoạt động, về tình hình tuân thủ trong ngân hàng và tình hình kinh tế, thị trường bên ngoài hợp lý, tin cậy, kịp thời nhằm phục vụ cho công tác quản trị, điều hành hiệu quả. NHTM phải thường xuyên kiểm soát việc chấp hành pháp luật và các quy định nội bộ; trực tiếp kiểm soát các hoạt động nghiệp vụ trên tất cả các lĩnh vực tại trụ sở chính, sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp và công ty con của ngân hàng. Đồng thời, các NHTM phải thường xuyên kiểm soát việc chấp hành pháp luật và các quy định nội bộ đối với công ty liên kết theo quy định của pháp luật. Khi phát hiện những sai phạm, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh phải kịp thời hoạch định và thực hiện biện pháp khắc phục. Việc xây dựng hệ thống KSNB trong NHTM phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
Một là, phân cấp ủy quyền rõ ràng, minh bạch; bảo đảm tách bạch nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân, các bộ phận trong ngân hàng. NHTM thực hiện việc phân cấp ủy quyền phải được thiết lập, thực hiện hợp lý, cụ thể, rõ ràng, tránh xung đột lợi ích; bảo đảm một cán bộ không đảm nhiệm cùng một lúc những cương vị, nhiệm vụ có mục đích, quyền lợi mâu thuẫn hoặc chồng chéo với nhau; đảm bảo mọi cán bộ trong tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không có điều kiện để thao túng hoạt động, không minh bạch thông tin phục vụ cho mục đích cá nhân hoặc che giấu hành vi vi phạm quy định của pháp luật và quy định nội bộ của ngân hàng.
Hai là, ngân hàng có quy định về hạn mức rủi ro cụ thể đối với từng cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện giao dịch. Ngân hàng phải phổ biến đến toàn thể cán bộ, nhân viên hiểu được tầm quan trọng của hoạt động kiểm soát nội bộ; vai trò của từng cá nhân trong quá trình kiểm soát nội bộ có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao và phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các quy định, quy trình kiểm soát nội bộ liên quan.
Ba là, quy trình thẩm định, chấp thuận và duyệt cho phép thực hiện giao dịch; bảo đảm một quy trình nghiệp vụ phải có ít nhất hai cán bộ tham gia, một người thực hiện giao dịch và một người kiểm soát giao dịch, không có cá nhân nào có thể một mình thực hiện và quyết định một quy trình nghiệp vụ, một giao dịch cụ thể, ngoại trừ những giao dịch trong hạn mức được ngân hàng cho phép phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Hệ thống KSNB trong các NHTM phải thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá
Để đảm bảo hoạt động của hệ thống KSNB có hiệu lực, hiệu quả thì cá nhân, bộ phận ở các cấp của ngân hàng phải thường xuyên, liên tục kiểm tra và tự kiểm tra việc thực hiện các quy định, quy trình nội bộ có liên quan và phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện hoạt động nghiệp vụ được giao. Người điều hành bộ phận, đơn vị nghiệp vụ và cá nhân có liên quan phải thường xuyên xem xét, đánh giá về tính hiệu lực và hiệu quả của hệ thống KSNB; các tồn tại, bất cập của hệ thống KSNB phải được báo cáo kịp thời với cấp quản lý trực tiếp; các tồn tại, bất cập lớn có thể gây tổn thất hoặc nguy cơ rủi ro phải được báo cáo ngay cho Tổng giám đốc (Giám đốc), HĐQT, Hội đồng Thành viên, BKS. Lãnh đạo đơn vị, bộ phận của ngân hàng phải báo cáo về kết quả tự đánh giá về hệ thống KSNB tại đơn vị mình; đề xuất biện pháp xử lý đối với những tồn tại, bất cập (nếu có) gửi lãnh đạo cấp quản lý trực tiếp theo định kỳ hoặc đột xuất, theo yêu cầu của lãnh đạo cấp quản lý trực tiếp.
Định kỳ hằng năm, Tổng giám đốc (Giám đốc) NHTM phải tiến hành tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá hệ thống KSNB của từng đơn vị, bộ phận điều hành, kinh doanh, tác nghiệp và từng hoạt động nghiệp vụ. Việc tự kiểm tra, đánh giá bao gồm việc rà soát và đánh giá về tính đầy đủ, tính hiệu lực và hiệu quả của hệ thống KSNB dựa trên việc xác định và đánh giá rủi ro, nhằm xác định các vấn đề còn tồn tại của hệ thống KSNB và chỉ ra các thay đổi cần thiết đối với hệ thống KSNB để xử lý, khắc phục các vấn đề đó. Tổng giám đốc (Giám đốc) NHTM phải lập báo cáo về kết quả tự kiểm tra, đánh giá hệ thống KSNB. Báo cáo này phải cập nhật được các rủi ro, nêu tóm tắt các hoạt động chính của ngân hàng, các rủi ro liên quan tương ứng và các hoạt động kiểm tra, kiểm soát ở cấp độ toàn ngân hàng, cấp độ từng đơn vị, bộ phận và từng hoạt động.
3. Hoạt động của hệ thống KSNB trong NHTM phải được đánh giá độc lập
Việc đánh giá độc lập của kiểm toán độc lập đối với hệ thống KSNB được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về kiểm toán độc lập đối với các NHTM. Để đảm bảo tính khách quan của việc xem xét và hoàn thiện, hệ thống KSNB của các NHTM phải được đánh giá độc lập theo quy định tại khoản 3 Điều 40 Luật Các tổ chức tín dụng. Nội dung đánh giá độc lập của kiểm toán nội bộ đối với hệ thống KSNB bao gồm rà soát, đánh giá và báo cáo về tính đầy đủ, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ liên quan đến các hoạt động, lĩnh vực được kiểm toán thông qua việc xác định và đánh giá rủi ro, xác định các tồn tại của hệ thống KSNB và chỉ ra các thay đổi cần thiết đối với hệ thống KSNB để xử lý, khắc phục. Việc rà soát, đánh giá về tính thích hợp, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống KSNB được thực hiện định kỳ hằng năm. Kiểm toán nội bộ của ngân hàng phải thực hiện báo cáo đánh giá độc lập là một phần của báo cáo kiểm toán nội bộ hàng năm. Kết quả kiểm toán nội bộ phải được báo cáo kịp thời cho Hội đồng quản trị, Hội đồng Thành viên, BKS và gửi Tổng giám đốc (Giám đốc) ngân hàng đồng thời gửi cho Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).
4. Báo cáo hoạt động của hệ thống KSNB với cơ quan quản lý Nhà nước
Ngân hàng nhà nước thực hiện quản lý hệ thống KSNB của các NHTM thông qua việc báo cáo của các NHTM. Báo cáo về hệ thống KSNB phải cập nhật các tồn tại, hạn chế, rủi ro mới phát sinh của hệ thống KSNB trong toàn bộ NHTM bao gồm các bộ phận tại trụ sở chính, chi nhánh và các đơn vị phụ thuộc khác của NHTM theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại. Báo cáo về hệ thống KSNB bao gồm: Báo cáo hằng năm về kết quả tự kiểm tra, đánh giá kiểm soát nội bộ; về quản lý rủi ro; về đánh giá nội bộ về mức đủ vốn; về kiểm toán nội bộ.
Thời hạn nộp báo cáo hằng năm về kết quả tự kiểm tra, đánh giá kiểm soát nội bộ là 45 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Thời hạn nộp báo cáo kiểm toán nội bộ là 60 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm toán nội bộ, NHTM gửi báo cáo kiểm toán nội bộ của năm tài chính. Trường hợp không kiểm toán nội bộ trong năm tài chính, NHTM không phải gửi báo cáo. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm toán nội bộ đột xuất, NHTM gửi báo cáo kiểm toán nội bộ đột xuất.
Tham khảo thêm
Bùi Thanh Sơn (2020). Kiểm soát nội bộ trong các ngân hàng thương mại Việt Nam. Luận án tiến sĩ Kinh tế (Chuyên ngành Quản lý kinh tế). Học viện Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Hà Nội.