Trên thế giới, công tác quản lý phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy nghề luôn được coi trọng, để quản lý phát triển đội ngũ giáo viên và giảng viên dạy nghề, mỗi nước có những chương trình sáng kiến, cách làm khác nhau, mục tiêu là nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong mỗi thời kỳ lịch sử. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nhu cầu về nguồn nhân lực đã qua đào tạo nghề là rất lớn, do đó việc nghiên cứu kinh nghiệm quản lý phát triển đội ngũ giáo viên và giảng viên dạy nghề của một số nước tiên tiến có ý nghĩa quan trọng, trên cơ sở đó rút ra một số bài học kinh nghiệm có thể áp dụng phù hợp và bền vững với điều kiện Việt Nam.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Hoa tiêu tri thức (https://ditiep.com), trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết về chủ đề này.
1. Kinh nghiệm một số nước
1.1. Mỹ
Trong hệ thống giáo dục Mỹ [90], hầu hết những trường dạy nghề và kỹ thuật đều thuộc quyền quản lý của tư nhân. Chính phủ chỉ trực tiếp can thiệp vào công tác đào tạo nghề thông qua bộ luật về đào tạo nghề (“Carl D. Perkins Career and Technical Education Act”) và cung cấp nguồn vốn hỗ trợ cho chính sách đào tạo chung. Tổ chức “Learning Forward” là tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất Mỹ với mục tiêu bảo đảm sự thành công của tất cả mọi học sinh, sinh viên thông qua việc phát triển đội ngũ giảng viên và cải tạo trường lớp. Mục tiêu của tổ chức là “mỗi ngày, mỗi nhà giáo dục đào tạo đều tham gia vào công tác dạy và học một cách chuyên nghiệp và hiệu quả để mỗi học sinh, sinh viên đều đạt được thành tích tốt nhất”. Tổ chức đánh giá cao việc xây dựng một hệ thống đào tạo đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp và xem đây là điều kiện tiên quyết. Ngoài ra còn thực hiện các cuộc khảo sát về hệ thống giáo dục trong cả nước, họ chỉ ra rằng, mỗi bang của Mỹ đều có mức độ riêng về hiệu quả phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy. Ví dụ năm 2010, trung bình, một số bang ở Mỹ dành 33 đến 56 giờ trong cả năm cho việc phát triển tầm chuyên nghiệp cho cán bộ giảng dạy.
Theo “Learning Forward”, việc cải thiện công nghệ trong trường học cũng là một nhân tố quan trọng. Ở Mỹ, các giảng viên được đào tạo và khuyến khích sử dụng các thiết bị kĩ thuật số để hỗ trợ công tác dạy và học. Khoảng 2/3 giảng viên ở Arkansas được tiếp nhận đào tạo chuyên nghiệp về sử dụng máy tính và quản lý lớp học bằng các thiết bị điện tử. Năm 2001 “Learning Forward” đã thông qua tiêu chuẩn đào tạo cán bộ giảng dạy, và phổ biến rộng rãi đến đại diện các trường tham dự hội thảo. Theo đó, các trường sẽ hướng đến ba mục tiêu cơ bản: Công bằng, chất lượng, và kết nối.
Mỹ đi đầu trong việc xây dựng chuẩn nghề nghiệp nhà giáo: năm 1989, Ủy ban quốc gia về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo (National board for Professional Teaching Standards, NBPTS) ban hành văn bản về những điều mà nhà giáo phải biết và có khả năng thực hiện, coi đó là hệ giá trị nền tảng để xây dựng các chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu cải cách giáo dục Mỹ cho thế kỷ XXI. NBPTS xây dựng các chuẩn nâng cao của GV; trên cơ sở đó, cơ quan quản lý giáo dục của một số bang xây dựng và ban hành các chuẩn nghề nghiệp của giảng viên với quan điểm toàn diện và liên tục trong phát triển nghề dạy học.
1.2. Australia
Hệ thống đào tạo nghề gồm các các trường giáo dục kỹ thuật và nâng cao (TAFE), hầu hết các trường này gắn với khu công nghiệp để sinh viên có việc làm, mục tiêu đào tạo luôn gắn chặt với thực tiễn.
Đào tạo giảng viên ở Australia thay đổi qua nhiều thời kỳ và các chương trình đào tạo giảng viên đa dạng, linh hoạt theo nhu cầu đào tạo và chú trọng nghiên cứu, đổi mới các phương pháp giáo dục và học tập trong đào tạo giảng viên. Chương trình đào tạo giảng viên do các trường xây dựng theo hướng dẫn, chuẩn đào tạo giảng viên của quốc gia và bang. Các chương trình được xây dựng phải có luận chứng để trình duyệt, thẩm định theo quy định. Cấu trúc chương trình gồm: Kiến thức chuyên ngành, phương pháp giáo dục, kiến thức, kỹ năng sư phạm, thực hành giảng dạy chuyên ngành [96]. Tại từng bang đều có cơ quan do thống đốc ra quyết định thành lập, cơ quan này chịu trách nhiệm xây dựng và ban hành chuẩn nhà giáo, làm cơ sở cho việc đăng ký nhà giáo, tức là cấp giấy đăng ký cho nhà giáo đạt chuẩn.
Tổ chức Teaching Australia là cơ quan nghiên cứu độc lập của Úc, có nhiệm vụ củng cố và phát triển nghề dạy học, cho rằng chuẩn nghề nghiệp của giảng viên là sự phát biểu rõ ràng về những gì mà nhà giáo phải biết, có khả năng thực hiện, trên cơ sở các giá trị của nghề dạy học, kinh nghiệm của những giảng viên thành đạt và kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực dạy học. Trước đây chuẩn nghề nghiệp nâng cao của nhà giáo được xây dựng bởi các hiệp hội nhà giáo theo chuyên ngành, nhưng hiện nay trách nhiệm này thuộc Teaching Australia xây dựng để đảm bảo tính tương thích và nhất quán.Chuẩn được xây dựng theo một khung quốc gia về chuẩn nghề nghiệp giảng viên và do Liên bộ Giáo dục, việc làm, đào tạo, và Bộ Thanh niên ban hành.
1.3. Cộng hòa liên bang Đức
Hệ thống đào tạo nghề của CHLB Đức được đánh giá rất cao với mô hình song hành. Xí nghiệp là nơi đào tạo nghề chủ yếu nhưng phải thỏa mãn yêu cầu: Chỉ đào tạo nghề cho thanh thiếu niên dưới 18 tuổi, phải có đội ngũ giảng viên phù hợp, phải có kế hoạch đào tạo cụ thể phù hợp với quy chế chung, bảo đảm tự cấp kinh phí (thay vì tại các trường, kinh phí do nhà nước cấp).
Tại Đức, các bang đều có chuẩn đào tạo giảng viên. Chuẩn gồm 04 lĩnh vực là dạy học, giáo dục, đánh giá, đổi mới và phát triển. Trước năm 2000, giảng viên Đức được đào tạo trong các trường Đại học sư phạm nhưng sau năm 2000, giảng viên được đào tạo trong các trường đại học đa ngành và thực hiện theo tiêu chuẩn Châu Âu. giảng viên tập sự là giai đoạn 2 của đào tạo giảng viên sau giai đoạn đào tạo đại học. Bồi dưỡng giảng viên do các bang và trường thực hiện với nhiều chương trình, nhiều cấp độ bồi dưỡng đa dạng, có hệ thống tư vấn hỗ trợ, có mạng bồi dưỡng trên Internet.
1.4. Hàn Quốc
Từ những năm 1960, đội ngũ giảng viên dạy nghề ở Hàn Quốc đã được đào tạo bài bản dưới sự quản lý của Vụ đào tạo nghề. Hầu hết giảng viên đều phải hoàn thành chương trình đào tạo 4 năm Trong giảng dạy mỗi giảng viên chỉ đảm nhận một số lượng HS nhất định để đảm bảo chất lượng giảng dạy.
Đội ngũ giảng viên được chia thành các cấp bậc: giảng viên được phân thành giảng viên chính, bậc 1, bậc 2, trợ giảng, cố vấn giáo dục, thư viện viên, giảng viên dạy nghề và giảng viên điều dưỡng. Mỗi bậc giảng viên đều phải thi để đạt chứng chỉ.
Đào tạo, bồi dưỡng GV:
– Chương trình đào tạo chứng chỉ: khi giảng viên chuyển bậc chứng chỉ, họ được học 30 ngày tại viện giáo dục quốc gia để thi nhận chứng chỉ mới;
– Đào tạo chung: giảng viên được 10 ngày/năm để học cập nhật kiến thức mới;
– Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ dành cho phó giảng viên chính trở lên;
– Chương trình bồi dưỡng đặc biệt: đây là chương trình thời hạn từ 2 đến 3 năm do Bộ giáo dục tổ chức để nâng cao kiến thức trong những lĩnh vực đặc biệt.
– Tham quan nước ngoài: giảng viên được dành 10 đến 12 ngày để đi tham quan nước ngoài nhằm mở rộng hiểu biết và nâng cao trình độ.
Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ giảng viên được thực hiện ở viện giáo dục chuyên ngành. giảng viên được đánh giá hàng năm dựa trên năng lực và kinh nghiệm. Chính phủ liên tục cải cách giáo dục trong đó có những hình thức đánh giá như gửi nhận xét cho giảng viên. nhận xét từ HS và những cải cách đó phải có sự thống nhất của hiệp hội giảng viên.
1.5. Trung Quốc
Trong gần một thập kỷ qua, hệ thống giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề của Trung Quốc có những đổi mới liên quan đến chính sách. Chính phủ Trung Quốc xây dựng hệ thống các cơ sở đào tạo nghề một cách bài bản từ đào tạo trung học, kĩ thuật, nâng cao, đến các cơ sở phi Chính phủ. Hiện nay , đội ngũ cán bộ giảng dạy ở các cơ sở dạy nghề đang thiếu cả về kiến thức chuyên môn lẫn kinh nghiệm thực tiễn. Để giải quyết tình hình này, trường dạy nghề thay đổi hệ thống nhân sự, định hướng kế hoạch giảng dạy và ổn định đội ngũ chuyên môn. Các trường còn có thể tăng cường đội ngũ cán bộ giảng dạy bằng cách mời các doanh nhân thành đạt hoặc các đối tượng lao động có kinh nghiệm và tay nghề cao đến trường giảng dạy.
Do sự giảm sút chất lượng giảng dạy ở một số chuyên ngành, các khóa đào tạo và nâng cao chất lượng giảng dạy cho các cán bộ nghề được cung cấp thông qua các bộ môn quản lý. Đội ngũ cán bộ được tham dự các khóa huấn luyện đào tạo dựa trên nền tảng yêu cầu của môn dạy; các khóa huấn luyện nâng cao trình độ chủ yếu để nâng cao kiến thức và kĩ năng nghề và khả năng truyền đạt.
Nhằm cung cấp các kiến thức chuyên môn, thực tiễn kinh nghiệm, và đáp ứng sự thay đổi của kĩ thuật, các trường dạy nghề thường hợp tác với các công ty, và gửi giảng viên nòng cốt đến làm việc. Đổi lại, các trường cũng thường xuyên mời các nhân viên ở công ty đến làm việc để cung cấp các khóa đào tạo, bài giảng và hội thảo. Các buổi hội thảo giảng dạy này chủ yếu nhằm cung cấp các thông tin, kĩ thuật mới nhất, nâng cao trình độ cho các học viên. Các khóa đào tạo cho đội ngũ giảng dạy và quản lý được phân chia theo các cấp độ khác nhau.
1.6. Nhật Bản
Từ năm 1951, để đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục nghề nghiệp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, Luật Thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp đã được ban hành làm cơ sở pháp lý cho quá trình hiện đại hóa, chuẩn hóa (chương trình, thiết bị) cho các loại hình giáo dục kỹ thuật-nghề nghiệp. Từ năm 1957, Nhật Bản đã có chính sách tăng trợ cấp (10%) lương cơ bản cho giảng viên dạy kỹ thuật và dạy nghề các trường trung học bậc cao.
Sau Chiến tranh thế giới thứ II (1945), cùng với quá trình hình thành hệ thống giáo dục mới theo mô hình Mỹ, hệ thống đào tạo giảng viên ở Nhật Bản có sự thay đổi về cơ bản. Những thay đổi chính thể hiện ở hai điểm sau:
– Chương trình đào tạo giảng viên được thiết kế gồm 3 phần là: Giáo dục đại cương, giáo dục chuyên ngành và giáo dục nghề nghiệp giáo viên (nội dung chính để cấp chứng chỉ giảng viên).
– Các trường sư phạm được tổ chức lại thành các trường đại học đào tạo giảng viên trong bốn năm và việc đào tạo giảng viên cũng có thể được tiến hành trong các trường đại học khác.
Theo Luật về chứng chỉ công chức giáo dục (Educational Personnel Certification Law) ban hành năm 1949, đào tạo giảng viên dược tiến hành ở các trường đại học, cao đẳng. Những ai muốn trở thành giảng viên phải có được chứng chỉ giảng viên sau khi tốt nghiệp, chứng chỉ giảng viên được cấp bởi Hội đồng giáo dục tỉnh, thành. Có hai loại chứng chỉ là chính quy và tạm thời.
Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu giảng viên kỹ thuật/dạy nghề cho các trường phổ thông và nghề nghiệp, Nhật Bản đã thành lập các trường cao đẳng sư phạm kỹ thuật (03 năm). Các trường này gắn kết chặt chẽ với các khoa công nghệ ở các đại học quốc gia. Hiện nay, việc đào tạo mới giảng viên cho lĩnh vực giáo dục kỹ thuật-nghề nghiệp chủ yếu được thực hiện ở các trường cao đẳng công nghệ và các khoa sư phạm kỹ thuật ở các Trường đại học quốc gia, đại học công. Việc bồi dưỡng thường xuyên giảng viên kỹ thuật nghề nghiệp được tổ chức chủ yếu ở các trung tâm giáo dục kỹ thuật ở các vùng, địa phương.
2. Kinh nghiệm áp dụng vào phát triển đội ngũ giảng viên dạy nghề Việt Nam
Qua tham khảo kinh nghiệm một số nước về phát triển đội ngũ giảng viên, có thể rút ra một số kinh nghiệm áp dụng vào điều kiện Việt Nam như sau:
2.1. Sự phát triển giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp luôn gắn liền với sự tiến bộ khoa học-kỹ thuật hiện đại, phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, gắn liền với các cuộc cải cách giáo dục ở các quốc gia.
2.2. Ở nhiều nước đã và đang phát triển, chuẩn nghề nghiệp giảng viên được xây dựng và sử dụng trong những chương trình đào tạo giảng viên ban đầu, chương trình hỗ trợ giảng viên và chương trình phát triển nghề nghiệp giảng viên thường xuyên.
2.3. Nhìn chung, việc đánh giá giảng viên thường dựa vào mức độ giảng viên đạt được chuẩn nghề nghiệp ban hành theo một qui trình và trên cơ sở là các chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo phải do chính các nhà giáo tham gia xây dựng. Ví dụ: ở Mỹ là do Ủy ban quốc gia về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo (national board for professional teaching standards, NBPTS) ban hành. Ở Australia là do tổ chức Teaching Australia, một tổ chức độc lập, hưởng ngân sách nhà nước, phối hợp với các hiệp hội giáo chức toàn quốc ban hành. Một số quốc gia thông qua đánh giá, giảng viên được cấp chứng chỉ hành nghề giảng dạy (Mỹ, Australia, Thái Lan,Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia…)
– Sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề và các công ty, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề và chất lượng đội ngũ giảng dạy là một yêu cầu không thể thiếu trên cơ sở lợi ích của cả hai bên.
Kết luận
Một số vấn đề mới trong kinh nghiệm phát triển đội ngũ giảng viên ở các nước như kinh nghiệm về đào tạo, bồi dưỡng giảng viên. xây dựng quỹ khuyến kích phát triển giảng viên, cấp chứng chỉ hành nghề, sát hạch giảng viên, chuẩn nghề nghiệp giảng viên… cần được nghiên cứu vận dụng ở nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.