Trong bài viết này, Hoa tiêu tri thức tiếp tục giới thiệu bài viết phân tích, nghiên cứu về khái niệm “năng lực” trên thế giới ở Việt Nam với các nội dung: Năng lực là gì?; Các thành tố, cấu trúc năng lực; Những yếu tố ảnh hưởng đến năng lực.
1. Những nghiên cứu về năng lực trên thế giới
1.1. Năng lực là gì?
Năng lực (tiếng Anh: competency) là khái niệm được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến, không chỉ trong môn Ngữ văn mà trong nhiều môn học và lĩnh vực khác. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ tiếng Latinh, nguyên gốc là “competentia” có nghĩa là “gặp gỡ”. Khái niệm này được quan tâm bắt đầu vào những năm 70 của thế kỷ XX. Các nhà nghiên cứu tiếp cận khái niệm “năng lực” nhiều góc nhìn khác nhau, trong đó 3 cách phổ biến nhất là: quan điểm tiếp cận dựa vào những đặc điểm chung (the generic approach), quan điểm tiếp cận dựa vào nhận thức (the connitive approach) và quan điểm tiếp cận dựa vào hành vi (the behaviourist approach). Dù xuất phát từ những cách tiếp cận khác nhau các định nghĩa đều có điểm gặp gỡ khi bàn về cấu trúc và thành tố của khái niệm này.
1.2. Các thành tố, cấu trúc năng lực
Khi bàn về năng lực (NL), các nhà nghiên cứu quan tâm nhiều nhất đến khái niệm này ở phương diện NL hành động. P.D. Ashworth và Judy Saxton đã khẳng định rằng đây là một khía cạnh mô tả hành động của con người và chưa được xác định một cách rõ ràng về thuộc tính cá nhân, hành động hay kết quả của hành động. Ý tưởng về NL cũng đã tạo ra nhiều tranh luận về vấn đề NL mang tính cá nhân và không thể bao trùm tất cả các loại hành vi hoặc hành động tâm trí có liên quan. Áp dụng NL như một mô hình kết quả đối với giáo dục và đào tạo mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Ý tưởng về mô hình NL cũng được tham chiếu đến từng cá nhân với những đòi hỏi về kĩ năng cao hơn và có xu thế đơn giản hóa mối quan hệ giữa lí thuyết với thực hành [2, tr.3-25].
Kiến thức, kĩ năng, thái độ và hành vi là ba thành tố cốt lõi được chú ý tới trong nội hàm khái niệm NL. Trong quá trình hình thành và phát triển NL, các yếu tố này có quan hệ mật thiết, tác động, bổ trợ lẫn nhau. Sơ đồ truyền thống nhất của cấu trúc năng lực được thể hiện ở hình sau đây:
Năng lực theo tiếp cận truyền thống
(Trong đó, knowledge: kiến thức, skills: kĩ năng, attitude: thái độ, traditional competency: năng lực truyền thống, able to peform workplace task: có thể thực hiện các nhiệm vụ). Các thành tố của NL được hình thành đơn lẻ với từng cá nhân và kết nối chặt chẽ với nhau. Vì thế, “NL mang tính đặc thù, đại diện cho từng cá nhân, được thể hiện qua cách suy nghĩ, hành động trước mỗi tình huống của từng người và được đánh giá trong cả một quá trình” [3].
Xuất phát từ cách tiếp cận chức năng, cũng đề cập đến các yếu tố kiến thức, kĩ năng, thái độ, động cơ… giống với David C.MeCleland, Rychen và Salganik [4] làm rõ thêm mô hình cấu trúc NL như sau:
Cấu trúc năng lực
Từ góc độ tâm lý học, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh tính đặc thù cá nhân của NL. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng NL là sự huy động đồng thời 8 lĩnh vực trí năng của cá nhân, bao gồm: ngôn ngữ, lô gic toán học, không gian, vận động cơ thể, âm nhạc, giao tiếp, tự nhận thức, và tự nhiên [5]. Mỗi học sinh có thể có sở trường về một hoặc nhiều loại trí năng nhất định. Ảnh hưởng của tâm lý – yếu tố nền tảng đến các loại trí năng này rất quan trọng. Shen Qunying nhấn mạnh cho rằng NL là trạng thái hoặc phẩm chất với đủ điều kiện, phạm vi đặc biệt của kĩ năng, kiến thức. Đây là một khái niệm phức tạp về mặt ngữ nghĩa, không chỉ có kiến thức và KN mà còn gồm khả năng giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến tâm lý xã hội (cảm giác và thái độ) để thỏa mãn các nhu cầu tổng hợp [6, tr.78].
Năm 2018, The European Framework of 8 Key Competences (Khung 8 năng lực của Châu Âu) [7, tr.4] nhấn mạnh 8 NL chính, đó là: các NL cốt lõi; NL số; NL khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học; NL ngôn ngữ; NL đọc hiểu; NL nhận thức và diễn tả văn hóa, NL khởi nghiệp; NL công dân; NL cá nhân, xã hội và học tập. Trong 8 NL trên, đọc hiểu là một trong những NL quan trọng nên việc phát triển NL này cho học sinh ngay từ tiểu học được chúng tôi đặc biệt quan tâm.
1.3. Những yếu tố ảnh hưởng đến năng lực
Nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến NL, nhiều tác giả quan tâm tới sự phụ thuộc của NL vào bối cảnh, môi trường và điều kiện thực hiện. Trong đó, môi trường là yếu tố được quan tâm nhiều nhất.
Năm 1999, trong công trình Concepts of competence, Definition and Selection of competencies (Khái niệm và sự lựa chọn NL), Franz E.Weinert [8] đã đưa ra 9 cách tiếp cận NL với những yếu tố ảnh hưởng từ các góc độ: nhận thức chung; nhận thức chuyên biệt; mô hình NL – thực hiện; NL – điều độ – thực hiện; khái niệm – quy trình – thực hiện; NL khách quan, NL hành động; NL then chốt và siêu NL.
Năm 2016, Khoirudin Asfani và cộng sự đã chỉ ra rằng phương pháp giảng dạy của giáo viên, sự hài lòng trong học tập của học sinh và thành tích cũng như động lực của các em là những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của quá trình hình thành và phát triển NL cho học sinh. Muốn đạt hiệu quả cao, chúng ta phải chú trọng đến thái độ, kĩ năng, kiến thức, bằng cấp, NL, đặc điểm tính cách của giáo viên và khả năng giao tiếp, động lực và điều kiện học tập của học sinh, điều kiện cơ sở vật chất, môi trường lớp học [9].
2. Những nghiên cứu về năng lực ở Việt Nam
Cũng như trên thế giới, ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu cũng quan tâm nhiều đến tìm hiểu nội hàm khái niệm và các thành tố của NL và đưa ra những cách tiếp cận khác nhau đối với thuật ngữ này (như: tiếp cận từ góc độ từ nguyên học, từ góc độ tích hợp,…).
Khái niệm NL gắn liền với NL hành động được nhiều tác giả đề cập đến nhất.
Theo Lê Phương Nga, “NL hành động không phải chỉ là phép cộng số học đơn thuần kiến thức, KN, thái độ mà từng môn học trang bị cho học sinh mà là sự thể hiện tổng hòa các kiến thức, kĩ năng, thái độ, là sự tích hợp những hiểu biết và khả năng thực hành của người học thể hiện trong việc giải quyết một nhiệm vụ cụ thể” [10, tr.3]. Việc sử dụng thuật ngữ này gắn liền với quan điểm giáo dục hướng vào NL hành động với các thành tố chính là kiến thức, kĩ năng, thái độ. Tác giả đặc biệt chú trọng đến việc thực hành để hình thành NL cho học sinh – cũng chính là con đường hình thành NL tốt nhất với người học, đặc biệt là ở giai đoạn hình thành các KN cơ bản của học sinh tiểu học. Ngoài ra, tác giả còn bổ sung thêm mức độ sẵn sàng hành động. Đây là yếu tố quyết định tới động lực và hiệu quả của quá trình hình thành và phát triển NL cho học sinh. Để có thể hình thành và nâng cao mức độ sẵn sàng hành động cho học sinh, giáo viên cần vận dụng kiến thức về tâm lý lứa tuổi sư phạm linh hoạt vào thực tiễn.
Xuất phát từ quan điểm tâm lý học, NL được xem là sản phẩm của những thuộc tính tâm lý cá nhân. Làm rõ quan điểm này, tác giả Nguyễn Minh Quân cho rằng kết quả tổng hợp của các đặc điểm, thuộc tính tâm lí của mỗi cá nhân có sự phù hợp với yêu cầu, đặc trưng của một hoạt động nhất định nhằm đảm bảo cho hoạt động đó đạt hiệu quả cao chính là NL [11, tr.33-35]. Vì thế, giáo viên cần lựa chọn những phương pháp phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh.
Bàn về cấu trúc NL, năm 2015, trong bài “NL và đánh giá theo NL”, Hoàng Hòa Bình nhấn mạnh hai đặc trưng cơ bản của NL là: được bộc lộ qua hoạt động và đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Theo tác giả, cách hiểu về NL chính là cơ sở để đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả giáo dục [12, tr. 21- 32]. Như vậy, tiếp cận từ góc độ NL để đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá kết quả học tập của học sinh từ đó có cách thức phát triển kĩ năng đọc hiểu văn bản của học sinh là hợp lý.
Tiếp cận từ góc nhìn ngôn ngữ và liên văn hóa, năm 2016, trong bài viết “Nghiên cứu từ NL ngôn ngữ đến NL liên văn hóa” [13, tr.1-9], Nguyễn Quang chỉ ra rằng các loại NL được đặt trong các chu cảnh khác nhau của quan tâm học thuật và nhu cầu xã hội. Trong đó, các NL và chu cảnh tương ứng là: NL ngôn ngữ – chu cảnh ngôn ngữ-tâm lí, NL dụng học – chu cảnh ngôn ngữ-xã hội, NL giao tiếp – chu cảnh giao tiếp nội văn hóa và NL liên văn hóa – chu cảnh giao tiếp liên văn hóa. NL liên văn hóa là khu vực nghiên cứu liên ngành đang rất được quan tâm trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục ngoại ngữ với mục đích hình thành các công dân toàn cầu trước các vận hội và thách thức của quá trình toàn cầu hóa.
Có thể thấy rằng, mặc dù xuất phát từ những góc nhìn đa chiều, nhưng các nhà nghiên cứu đều gặp gỡ nhau ở những nội hàm cơ bản khi nghiên cứu về khái niệm NL là: NL được hình thành và phát triển gắn liền với môi trường sống và học tập; NL được hình thành thông qua hành động, cấu trúc của NL bao gồm 3 thành tố cốt lõi: kiến thức, KN và thái độ. Những điểm chính này cũng thống nhất với quan niệm của các nhà nghiên cứu trên thế giới.
Tham khảo thêm
- Thạch Thị Lan Anh (2020). Dạy học đọc hiểu cho học sinh lớp 1 giai đoạn Học vần theo định hướng phát triển NL người học. Luận án tiến sĩ khoa học giáo dục (Chuyên ngành: Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Văn và tiếng Việt). Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hà Nội.
- D. Ashworth và Judy Saxton (2006), On competence, Journal of further and higher education, Vol. 14.
- R-(1982), The competent manager: A model for effective performance, NewYork Wiley.
- Dominique Simone Rychen and Laura Hersh Salganik, (2003), “A holistic model of competence”, Key competencies for a successful life and a well – functioning society, Hogrefe and Huber Publishers, pp 41-62.
- Gardner, H. (1983), Frames of mind: The theory of multiple intelligences, Nxb New York: Basic Books, America.
- Shen Qunying (2018), Comprehension and E-C Translation of Competence- Related PISA Terms Based on What Kind of People to Be Cultivated, Science Journal of Education. Vol. 6, No. 3, 2018, pp 76-80.
- European commission, Commisssion staff working document, 2018.
- Franz E.Weinert (1999), Concepts of competence: Definition and Selection of Competencies, OECD.
- Khoirudin Asfani, Hary Suswanto & Aji P. Wibawa (2016), Influential factors of students’ competence, World Transactions on Engineering and Technology Education, Vol 14, No. 3, 2016.
- Lê Phương Nga (2013), Đảm bảo mục tiêu phát triển NL giao tiếp cho học sinh trong quá trình dạy học các tri thức Tiếng Việt ở trường tiểu học, Tạp chí Khoa học (Đại học Hà Nội), tập 58, số 1/2013.
- Nguyễn Minh Quân (2016), Dạy học tiếng Việt ở tiểu học theo định hướng phát triển năng lực, Tạp chí Dạy và học ngày nay, số tháng 4/2016.
- Hoàng Hòa Bình (2015), Năng lực và đánh giá theo năng lực, Tạp chí khoa học đọc hiểuSP TPHCM số 6 (71), 2015.
- Nguyễn Minh Quân (2016), Dạy học tiếng Việt ở tiểu học theo định hướng phát triển năng lực, Tạp chí Dạy và học ngày nay, số tháng 4/2016.