Thương mại quốc tế giúp các công ty không chỉ khai thác tối đa các nguồn lực trong nước mà còn có thể khai thác những nguồn lực từ các quốc gia khác. Khi các công ty đa quốc gia (MNCs) phát triển và mở rộng thị trường, thành lập các chi nhánh, công ty con ngoài biên giới, trong điều kiện có các yếu tố phù hợp thúc đẩy việc chuyển giá (bên trong và bên ngoài), các công ty con này hoạt động chuyến giá với nhiều mục đích khác nhau, mục đích chuyển giá nhằm:
1. Thứ nhất: Tối ưu hóa số thuế phải nộp:
Hình minh họa mục đích tối đa hóa lợi nhuận, tối ưu hóa số thuế phải nộp
Hiện nay, luật pháp của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới không quy định cụ thể hành vi “lách thuế/tránh thuế” của các doanh nghiệp là hành vi hợp pháp hay bất hợp pháp và điều này đã tác động không nhỏ đến hoạt động chuyển giá tại các công ty đa quốc gia (MNCs) trên phạm vi toàn cầu và diễn ra ở hầu hết các công ty đa quốc gia (MNCs) có cấu trúc phức tạp, với nhiều công ty con ở các nước khác nhau.
Một công ty con trong số đó có thể cung cấp nguyên liệu thô, sau đó nguyên liệu này sẽ được tiếp tục chế biến ở một quốc gia và bằng sáng chế lại được cấp ở một nơi khác… các công ty đa quốc gia tìm kiếm những cơ hội cắt giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận từ việc tận dụng lợi thế so sánh của các nước sở tại thông qua việc lợi dụng các thị trường có mức thuế suất thấp và tìm kiếm ưu đãi về đầu tư. Theo đó, thay vì trả đủ thuế thu nhập doanh nghiệp tại một quốc gia (nơi hoạt động sản xuất kinh doanh) lợi nhuận sẽ được DN chuyển đến “Thiên đường thuế” ở các quốc gia khác nhau để giảm thiểu số thuế phải nộp [2].
2. Thứ hai: Cạnh tranh, mở rộng thị phần, chiếm lĩnh thị trường:
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các công ty đa quốc gia (MNCs) ngày càng mở rộng thị trường và có thêm nhiều chi nhánh, công ty con trên nhiều quốc gia khác nhau; hệ thống mua, bán hàng hoá, cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị, dịch vụ cho nhau càng phát triển thì hoạt động chuyển giá càng tạo sự không công bằng trong cạnh tranh giữa doanh nghiệp có vốn FDI với doanh nghiệp trong nước. Chẳng hạn, một doanh nghiệp có vốn FDI sử dụng công cụ “chuyển giá” để tối ưu hoá lợi nhuận về công ty mẹ ở nước ngoài trong khi đó báo cáo thua lỗ tại quốc gia đang kinh doanh để khỏi đóng thuế và nhiều trường hợp được hoàn thuế Giá trị gia tăng, hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy công ty có vốn FDI đó sẽ có nhiều nguồn lực về tài chính hơn để đầu tư vào các hoạt động tiếp thị, quảng cáo, có lợi thế cạnh tranh mạnh hơn các doanh nghiệp khác. Mặt khác các công ty đa quốc gia (MNCs) thường sử dụng biện pháp giảm giá hàng bán để thâm nhập thị trường và từng bước chiểm lĩnh thị trường trong nước [3].
3. Thứ ba: Thôn tính đối tác liên doanh
Các DN có vốn FDI luôn có lợi thế hơn các doanh nghiệp trong nước nhận đầu tư bởi luôn có các công ty mẹ ở chính quốc hỗ trợ về vốn, nguyên vật liệu, nguồn nhân lực, kinh nghiệm quản lý …nhưng liên doanh của họ kinh doanh vẫn bị thua lỗ, song lại vẫn liên tục mở rộng quy mô sản xuất và doanh thu tăng, bởi phương pháp của họ là chuyển giá để chuyển lãi về công ty mẹ. Họ chấp nhận nhập khẩu nguyên liệu, máy móc đầu vào từ công ty mẹ với giá thật cao, chi phí khống thật lớn, rồi công ty liên doanh bán lại hàng hóa sản xuất cho công ty mẹ với giá thật thấp để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Hàng năm các doanh nghiệp liên doanh còn phải dành một khoản ngoại tệ không nhỏ cho việc nhập về những nguyên liệu, máy móc cao hơn giá trị thực của nó, khi tình trạng thua lỗ ảo kéo dài, thậm chí khoản lỗ có thể vượt quá giá trị vốn góp của DN, lúc này đại diện phần vốn của nước tiếp nhận đầu tư trong liên doanh có thể không chịu nổi và phải bán cổ phần, rút vốn, nhường sân cho đối tác, như vậy công ty liên doanh nước ngoài đã chuyển thành công ty 100% vốn nước ngoài. Thực tế cho thấy, không ít các doanh nghiệp liên doanh đã bị các công ty đa quốc gia (MNCs) thôn tính theo kiểu này [4, tr.26], [5, tr.46].
4. Thứ tư: Giải quyết các khó khăn nhất thời bên trong của doanh nghiệp
Trong nhiều trường hợp, khi các công ty đa quốc gia (MNCs) ở nước ngoài kinh doanh bị thiếu vốn hoặc bị thua lỗ thì họ sẵn sàng sử dụng biện pháp chuyển giá để điều tiết dòng tiền về các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính, từ đó san sẻ các khoản lỗ, tận dụng nguồn vốn kinh doanh và giảm rủi ro trong thanh khoản. Mặt khác các công ty đa quốc gia (MNCs) khi đầu tư đã có cơ hội để thanh lý các công nghệ, máy móc thiết bị đã lạc hậu hoặc không còn giá trị cao tại nước mình sang nước nhận đầu tư, khi chuyển giá để giảm thiểu số thuế phải nộp tại các nước nhận đầu tư thì các MNC cũng có thể tránh được áp lực phải tăng thu nhập (tiền lương) cho người lao động tại các liên doanh [6].
5. Thứ năm: Phòng ngừa rủi ro gây thiệt hại do lạm phát, tỷ giá…
Thông qua hoạt động chuyển giá, các công ty đa quốc gia (MNCs) định giá cao các yếu tố đầu vào của liên doanh, từ đó rút ngắn thời gian thu hồi vốn, giảm thiểu các rủi ro trong sản xuất kinh doanh, sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư, vì vậy mà các luồng vốn có xu hướng chảy ngược ra khỏi nước tiếp nhận đầu tư, làm cho kế hoạch phát triển kinh tế của của nước nhận đầu tư bị lệch hướng do bị thay đổi cơ cấu vốn, làm mất cân đối cán cân ngoại tệ dẫn đến tình trạng nhập siêu. Nếu quốc gia nào có tỷ lệ lạm phát cao, đồng tiền ở nước này có xu hướng mât giá, thì các công ty đa quốc gia (MNCs) có thể sử dụng biện pháp chuyển giá để bảo toàn vốn đầu tư thông qua việc thanh toán nhanh hay thanh toán chậm các khoản tiền giao dịch kinh tế, đồng thời tối thiểu hóa số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại quốc gia tiếp nhận đầu tư [3, tr.44], [5, tr.47].
Tham khảo
- Lê Quang Hùng (2018). Chuyển giá và chống chuyển giá trong quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Học viện Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội.
- Wolosoff T. (1996). “IRS Issues Final Transfer Pricing Penalty Regulations”, 12 Tax notes Int’l 706, Mar. 4, 1996.
- Sulman J.S (1970). “Transfer pricng in Multinaltion Company”, Summer 1970, tr. 39-51.
- Phan Duy Minh (2012). “Vấn đề chuyển giá của công ty đa quốc gia”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Hoạt động chuyển giá – Những vấn đề lý luận, thực tiễn và biện pháp hạn chế, Nxb. Tài chính, tr 21-29.
- Dưong Văn An (2016). Chuyển giá trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) – Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam. Luận án Tiến sỹ kinh tế.
- Tổng cục Thuế (2013). Tài liệu hội thảo “Chuyên đề quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá”.