Trong nền kinh tế của hầu hết các quốc gia ngày nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) chiếm vị trí và vai trò rất quan trọng, được coi là “cỗ máy tạo việc làm”, là động lực cho tăng trưởng. Với quy mô vừa và nhỏ nên DNVVN có thể thích ứng kịp thời hơn đối với những thay đổi của tình hình thực tế và nhờ đó giúp nền kinh tế của quốc gia ứng phó tốt hơn với những biến động. Tuy nhiên, cũng do quy mô vừa và nhỏ của mình nên DNVVN gặp phải nhiều bất lợi và khó khăn trong cạnh tranh với các doanh nghiệp và tập đoàn lớn. Chính vì vậy, chính phủ của các quốc gia thường có những chính sách hỗ trợ cho DNVVN nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp này phát triển và đóng góp nhiều hơn cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ là gì?
Hiện nay, khái niệm về DNVVN, siêu nhỏ được quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong đó có thể hiện các tiêu chí xác định quy mô doanh nghiệp: Lĩnh vực, số lao động, doanh thu, nguồn vốn.
Ưu thế của doanh nghiệp vừa và nhỏ
Mỗi doanh nghiệp ở mỗi ngành nghề, lĩnh vực hay ở các quốc gia khác nhau đều có những đặc điểm nổi bật khác nhau. Tuy nhiên, khi so sánh với các doanh nghiệp quy mô lớn, DNVVN nhìn chung có một số đặc điểm được xem như những ưu thế, cụ thể như sau:
DNVVN được thành lập dễ dàng vì không đòi hỏi nhiều vốn, số lượng lao động không nhiều, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng thấp. Vì vậy, DNVVN thường gặp thuận lợi hơn trong việc thâm nhập thị trường mới, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mới hoặc những mặt hàng có tỷ suất lợi nhuận cao nhưng đi kèm thường là rủi ro lớn. Đồng thời, DNVVN cũng có nhiều động cơ để hướng vào các hoạt động kinh doanh mới mang tính rủi ro cao vì với tính chất nhỏ bé về quy mô, DNVVN sẽ khó cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn trong các hoạt động kinh doanh thông thường.
Mặc dù cần ít vốn đầu tư để hoạt động nhưng DNVVN vẫn có khả năng trang bị những công nghệ mới và tương đối hiện đại. Nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, DNVVN ngày càng có nhiều khả năng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại vào trong hoạt động của mình, nhờ đó đạt được năng suất lao động cao và cung cấp những sản phẩm và dịch vụ có chất lượng tốt.
DNVVN sau khi thành lập xong thường nhanh chóng đi vào sản xuất kinh doanh do việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho hoạt động diễn ra trong thời gian ngắn, đồng thời không mất nhiều thời gian thành lập bộ máy quản lý nên hiệu suất hoạt động của DNVVN thường cao hơn so với các doanh nghiệp lớn.
Do có bộ máy tổ chức quản lý gọn nhẹ, nên hầu hết DNVVN đều năng động hơn, nhạy bén hơn đối với những thay đổi của thị trường. Khi nhu cầu của thị trường thay đổi hay khi gặp khó khăn, nội bộ doanh nghiệp dễ dàng bàn bạc đi đến thống nhất thực hiện điều chỉnh, DNVVN dễ dàng thực hiện thay đổi máy móc thiết bị, chuyển hướng sản xuất kinh doanh các mặt hàng để đáp ứng nhanh chóng những nhu cầu mới của thị trường, vượt qua khó khăn và đạt hiệu quả kinh tế cao trong thời gian ngắn. Trên thực tế, bắt đầu từ những năm 1990, nhiều công ty lớn trong một số lĩnh vực như vận tải, giáo dục, dịch vụ du lịch… trên toàn cầu có xu hướng điều chỉnh và phân chia thành các công ty nhỏ để tăng hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, nhờ cơ cấu gọn nhẹ, DNVVN có tính chủ động và linh hoạt cao hơn về giá cả, và đây là một trong những ưu thế quan trọng của các DNVVN nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. DNVVN có khả năng cung cấp các dịch vụ có giá cả thấp, đồng thời đưa ra nhiều mức giá linh hoạt khác nhau, phù hợp với túi tiền và nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.
Đa số các DNVVN không cần diện tích sản xuất tập trung lớn, do đó có thể đặt trụ sở doanh nghiệp tại nhiều nơi, nhiều địa phương để thuận tiện cho sản xuất và cung ứng hàng hoá dịch vụ ra thị trường một cách nhanh nhóng, giảm chi phí vận chuyển. Khả năng này giúp DNVVN phát huy được lợi thế về giảm đầu tư ban đầu cho cơ sở vật chất, tận dụng được các nguồn lực phân tán, đồng thời cũng tạo ra tính linh hoạt cao trong tổ chức sản xuất.
Một số hạn chế của DNVVN
Ngoài những đặc điểm mang tính ưu điểm như trên, DNVVN ở các nước cũng có nhiều điểm hạn chế chung so với các doanh nghiệp quy mô lớn.
Chính từ đặc điểm cần ít vốn để hoạt động nên DNVVN bị hạn chế về khả năng cạnh tranh. Do tiềm lực tài chính thấp nên DNVVN thiếu nguồn lực để thực hiện các ý tưởng kinh doanh lớn, các dự án đầu tư lớn và trong thời gian dài. Cũng do nguồn vốn hạn chế nên DNVVN thường gặp khó khăn trong việc đầu tư cho nghiên cứu thiết kế cải tiến công nghệ, mua sắm và trang bị những công nghệ hiện đại đòi hỏi nguồn vốn lớn, hạn chế trong việc đào tạo và nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân viên của mình, từ đó ảnh hưởng đến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh trên thị trường.
Nhìn chung các DNVVN còn nhiều hạn chế về trình độ quản lý và phương thức điều hành doanh nghiệp. Phần lớn DNVVN được thành lập trên cơ sở góp vốn của nhiều thành viên trong gia đình, bạn bè, đồng nghệp… và người chủ sở hữu thường đồng thời là người quản lý, giám đốc hay quản đốc. Đa số các chủ DNVVN chưa được đào tạo cơ bản, đặc biệt những kiến thức về kinh tế thị trường,về quản trị kinh doanh, họ quản lý bằng kinh nghiệm và thực tiễn là chủ yếu. Do vậy mức độ chuyên môn trong quản lý thường không cao, đôi khi việc tách bạch giữa các bộ phận không rõ ràng, những người quản lý các bộ phận cũng thường tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất. Và hệ quả rõ ràng là môi trường làm việc ở các DNVVN chưa phát huy tốt tính tự chủ, sáng tạo của nhân viên. Không ít DNVVN vẫn còn xa lạ với việc xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh lâu dài và bền vững với những mục tiêu, sứ mệnh được xác định rõ ràng, cụ thể trong từng giai đoạn, từng điều kiện và hoàn cảnh.
DNVVN không có lợi thế về quy mô, đồng thời mỗi DNVVN chỉ chiếm một phần nhỏ trong thị phần của toàn thị trường, hoặc đóng vai trò là những nhà thầu phụ cho các doanh nghiệp lớn, do đó vị thế cạnh tranh thấp và trong nhiều trường hợp thường bị động và phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh và định hướng phát triển của các doanh nghiệp lớn.
DNVVN nhìn chung thường bị hạn chế hơn so với các doanh nghiệp lớn trong việc thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác với các đơn vị kinh tế bên ngoài địa phương và trong các mối quan hệ với các cơ quan chính quyền, với các tổ chức tài chính như ngân hàng và các quỹ, với các đơn vị báo chí…. Nguyên nhân chủ yếu là do quy mô thị trường của các DNVVN thường bó hẹp trong phạm vi địa phương và do hạn chế về khả năng tài chính dành cho các hoạt động quảng bá của doanh nghiệp.
Mặt khác, những khó khăn (thường là do chi phí cao) trong việc thu thập thông tin về những người vay trên thị trường tài chính là nguyên nhân khiến những người cho vay thường hạn chế đối với những người đi vay nhất định, thay vì để lãi suất thực hiện đầy đủ chức năng của nó. Việc thiếu thông tin về những khách hàng tiềm năng, tăng lãi suất đã thu hút những nguời đi vay chấp nhận mạo hiểm tham gia thị trường, giảm lợi nhuận của các bên cho vay. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp nhỏ thường là những đối tượng đầu tiên bị hạn chế tiếp cận thị trường tín dụng.
Ở nhiều nước đang phát triển, các cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện đầy đủ các quy định về kinh doanh và quyền sở hữu, khó cung cấp thông tin đầy đủ về các thị trường, làm gia tăng các chi phí giao dịch trên thị trường, và đôi khi cao đến mức không thể chấp nhận được. Trong môi trường đòi hỏi chi phí giao dịch cao như vậy, việc mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp kinh doanh đơn lẻ thường bị hạn chế do hàng loạt các giao dịch trong kinh doanh có thể bị chi phối bởi mối quan hệ thân quen (Tyler Biggs (2002), tr.23-24).
Trong khi đó, các doanh nghiệp quy mô lớn thường cung cấp những sự thay thế riêng có thể lấp đầy khoảng trống của cơ cấu thể chế công ở những nền kinh tế này. Các doanh nghiệp lớn tự thiết lập những thoả thuận nhằm bảo vệ quyền sở hữu của mình trước những mối đe doạ từ bên ngoài, chi phí nhiều cho việc tiếp cận thông tin và đầu tư bằng nhiều cách khác nhau nhằm thực hiện những giao dịch với bên ngoài. Trong những trường hợp như vậy, những thoả thuận về thể chế riêng được tạo ra sẽ gắn bó mật thiết với sản xuất và các hoạt động của doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp lớn thậm chí còn thấy hiệu quả trong việc thực hiện những cơ cấu thể chế tư nhân tại các nước phát triển, nơi những thoả thuận thể chế công đối với các mục tiêu này đã ở mức cao, và thường bảo vệ tính tự quản của các cơ cấu do họ thiết lập hơn là những cơ cấu công.
DNVVN dĩ nhiên cũng có nhu cầu cần có những cơ cấu thể chế riêng, đặc biệt là trong những môi trường chi phí giao dịch cao. Tuy nhiên, khả năng của họ trong việc thực hiện những vấn đề này lại hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính là tính hiệu quả về quy mô đối với việc thiết lập các thoả thuận về thể chế riêng. Một doanh nghiệp nhỏ sẽ có tỷ lệ giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị doanh số thấp hơn và số lượng các giao dịch thị trường trên mỗi đơn vị doanh số cao hơn so với một doanh nghiệp lớn. Đồng thời, sẽ có những yếu tố chi phí cố định nhằm tìm kiếm và đòi hỏi thông tin kinh doanh liên quan đến nhu cầu của doanh nghiệp, và do đó các doanh nghiệp nhỏ sẽ phải chịu gánh nặng chi phí nhiều hơn trên mỗi đơn vị doanh số để có được thông tin.
DNVVN thường hướng tới các thị trường nội địa và không có nhiều mối liên hệ với thị trường công nghệ nước ngoài. Như đã đề cập, chi phí để đào tạo và nâng cao trình độ đối với các DNVVN trên mỗi đơn vị doanh số sẽ cao hơn so với các doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, DNVVN không có sẵn những kỹ sư và nhân viên kỹ thuật như các doanh nghiệp lớn. Hơn nữa, nhiều tác giả cho rằng môi trường học tập ở nhiều nước đang phát triển không thể đáp ứng được những “nhu cầu đặc biệt” của các doanh nghiệp nhỏ kể cả trong trường hợp tốt nhất. Chính vì vậy, thị trường dành cho các dịch vụ phát triển doanh nghiệp cần được tạo điều kiện thuận lợi, nhằm tăng cường và tạo ra cơ hội đào tạo và nâng cao trình độ hơn nữa cho các doanh nghiệp nhỏ (Tyler Biggs (2002), tr.27).
Đinh Mạnh Tuấn
Nguồn trích dẫn trong bài
- Tyler Biggs (2002), “Is small beautiful and worthy of subsidy? – Literature review”.