Bài viết phân tích đánh giá hoạt động hợp tác quốc tế về thuế theo các tiêu chí định lượng và định tính và 2 yếu tố ảnh hưởng (trong nước và quốc tế) đến hoạt động hợp tác quốc tế về thuế giữa các quốc gia
1. Các tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động hợp tác quốc tế về thuế
1.1. Các chỉ tiêu định lượng
Thứ nhất, số lượng các hiệp định thuế được ký kết. Tiêu chí này phản ánh về số lượng chung của các hiệp định thuế được ký kết, bao gồm cả hiệp định thuế riêng biệt và hiệp định thương mại đa phương trong đó có nội dung hợp tác về thuế. Số lượng hiệp định thuế được ký kết bao gồm cả hiệp định thuế ký mới và hiệp định thuế ký sửa đổi, bổ sung. Số lượng hiệp định thuế được ký kết thường tính theo một năm hoặc có thể được tính cho một thời kỳ 5 năm hoặc 10 năm để so sánh nếu như những thời kỳ đó có những yếu tố tác động lớn có thể phân kỳ dài nhằm thấy rõ sự khác biệt về số lượng hiệp định thuế đã được ký kết do ảnh hưởng của những yếu tố tác động lớn đó. Khi sử dụng các chỉ số thống kê để thấy sự biến động theo thời gian có thể thấy hoạt động này thay đổi theo chiều hướng tăng lên hay giảm đi, qua đó, phản ánh sơ bộ kết quả tốt lên hay xấu đi. Tuy vậy, để đánh giá xem chỉ tiêu này tốt hay chưa tốt còn phải so sánh với yêu cầu phải ký kết các hiệp định thuế để giải quyết các mối quan hệ hợp tác đầu tư và thương mại quốc tế giữa các quốc gia đặt ra.
Thứ hai, số lượng các hoạt động/sự kiện hợp tác quốc tế về thuế được chủ trì hoặc tham gia tổ chức thực hiện. Như đã phân tích trên, có nhiều nội dung hợp tác quốc tế cụ thể như: tổ chức diễn đàn quốc tế về thuế, tổ chức hội nghị hoặc hội thảo quốc tế về thuế, tổ chức các cuộc trao đổi chuyên môn về thuế, các khóa đào tạo hoặc tập huấn về thuế… Các hoạt động này có sự tham gia của nhiều quốc gia và thường được giao cho một quốc gia chủ trì tổ chức. Số lượng các hoạt động này càng tăng, chứng tỏ hoạt động hợp tác quốc tế ngày càng nhiều và nó cho thấy sự tin tưởng của các quốc gia khác với năng lực tổ chức của quốc gia được giao chủ trì tổ chức sự kiện. Tỷ lệ thay đổi theo thời gian của số lượng các hoạt động có thể cho thấy xu hướng biến động tốt lên hay xấu đi của hoạt động này. Tuy vậy, việc đánh giá tỷ lệ đó cần được xem xét cẩn trọng trong việc cân nhắc đến bối cảnh và các nhân tố tác động đến việc tổ chức các hoạt động đó.
Thứ ba, số lượng các nguồn tin hoặc cơ sở dữ liệu được trao đổi. Trao đổi thông tin (cung cấp thông tin và nhận thông tin do đối tác cung cấp) là một trong những nội dung quan trọng nhất của hợp tác quốc tế về thuế. Do vậy, xét riêng về mặt lượng, số lượng nguồn tin được trao đổi càng nhiều thì kết quả của hoạt động hợp tác quốc tế ngày càng cao và ngược lại. Chỉ tiêu này kết hợp với các chỉ tiêu thứ tư dưới đây sẽ phản ánh rõ hơn kết quả của hoạt động hợp tác quốc tế về thuế. Tương tự như các chỉ tiêu trên việc đánh giá chỉ tiêu này cần sử dụng phương pháp chỉ số thống kê sẽ cho thấy rõ xu hướng biến động tốt lên hay xấu đi.
Thứ tư, số thuế ngăn ngừa gian lận nhờ thông tin hợp tác quốc tế. Một trong những mục tiêu rất quan trọng của hợp tác quốc tế là ngăn ngừa hoạt động chuyển giá, chuyển lợi nhuận và và trốn lậu thuế. Các nguồn tin mà cơ quan thuế các nước cung cấp nếu xác thực và đúng thời gian có thể giúp cơ quan thuế đối tác ngăn ngừa gian lận thuế. Bởi vậy, số thuế ngăn ngừa gian lận được nhờ thông tin có được từ cơ quan thuế đối tác chính là một chỉ tiêu định lượng đánh giá kết quả hợp tác quốc tế về thuế. Chỉ số thống kê theo thời gian có thể giúp đánh giá xu hướng biến động tốt lên hay xấu đi của chỉ tiêu này.
Thứ năm, số lượng các thỏa thuận APA song phương và đa phương được ký kết. APA song phương và đa phương là một trong những phương thức quan trọng giúp quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết trên tinh thần chia sẻ lợi ích giữa cơ quan thuế các nước với nhau và với các công ty đa quốc gia. Thực hiện APA thay vì doanh nghiệp phải kê khai giao dịch liên kết và cơ quan thuế phải tổ chức thanh tra, kiểm tra số liệu kê khai của doanh nghiệp có nhiều lợi ích cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế. Vì lẽ đó, số lượng các thỏa thuận APA song phương và đa phương được ký kết càng nhiều thì kết quả hoạt động hợp tác quốc tế về thuế càng tốt.
Thứ sáu, số lượng công chức thuế được thụ hưởng các hoạt động hợp tác quốc tế. Một trong những mục tiêu của hợp tác quốc tế về thuế là nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tạo điều kiện cho công chức thuế giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với các đối tác nước ngoài. Số lượng công chức thuế được thụ hưởng các hoạt động hợp tác quốc tế càng nhiều thì công tác hợp tác quốc tế càng tốt.
1.2. Các tiêu chí định tính
Thứ nhất, chất lượng các hiệp định thuế được ký kết. Các hiệp định thuế hoặc hiệp định thương mại tự do trong đó có quy định về nội dung hợp tác quốc tế được ký kết luôn phải tuân thủ các nguyên tắc của hợp tác quốc tế, trong đó có nguyên tắc bảo vệ lợi ích quốc gia. Một hiệp định thuế có chất lượng tốt là hiệp định thuế giải quyết hài hòa các mối quan hệ lợi ích giữa các quốc gia theo nguyên tắc “đôi bên cùng có lợi”. Nếu một hiệp định được ký kết mà khi thực hiện nó gây bất lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia thì xét trên phương diện quốc gia bị ảnh hưởng bất lợi, nó là một hiệp định có chất lượng không tốt.
Thứ hai, chất lượng các hội nghị hoặc sự kiện hợp tác quốc tế được chủ trì tổ chức. Mặt chất của các hội nghị hoặc sự kiện hợp tác quốc tế thường thể hiện ở việc đạt được các nội dung của chương trình nghị sự đặt ra trước đó, sự chu đáo trong các khâu tổ chức các hội nghị hoặc sự kiện. Nếu được các đối tác tham gia đánh giá cao và hài lòng thì hoạt động hợp tác quốc tế này đạt kết quả tốt và ngược lại.
Thứ ba, uy tín, vị thế của quốc gia trong hợp tác quốc tế về thuế. Uy tín của một quốc gia trong hợp tác quốc tế về thuế càng cao thì kết quả của hoạt động hợp tác quốc tế về thuế càng tốt. Uy tín, vị thế này thường được thể hiện ở sự tin tưởng giao cho chủ trì các sự kiện/hội nghị quan trọng hoặc có nhiều đề xuất được chấp nhận.
Thứ tư, sự hài lòng của công chức thuế sau khi tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về thuế. Như đã nêu trên, một trong những mục tiêu của hoạt động hợp tác quốc tế về thuế là mở rộng cơ hội để giao lưu, trao đổi chuyên môn giữa cán bộ thuế của các nước với nhau, để đào tạo, bồi dưỡng công chức thuế. Các hoạt động này dành cho người thụ hưởng là công chức thuế. Bởi vậy, nếu đối tượng được thụ hưởng có mức độ hài lòng cao thì kết quả hoạt động hợp tác quốc tế tốt và ngược lại. Tiêu chí định tính này có thể được đo lường bằng phương pháp phỏng vấn hoặc khảo sát bằng bảng hỏi.
Thứ năm, sự hài lòng của người nộp thuế khi đàm phán ký kết APA. Đàm phán APA song phương và đa phương là một trong những hoạt động hợp tác quốc tế về thuế. Có 3 bên khi đàm phán APA song phương và nhiều hơn 3 bên khi đàm phán APA đa phương và trong cả 2 trường hợp đó đều có một đối tác quan trọng của các cơ quan thuế là các công ty thành viên của các công ty đa quốc gia. Đây là người nộp thuế của cơ quan thuế các nước, đem lại nguồn thu cho ngân sách các nước và là chủ thể hoạt động kinh tế của các nước. Vì lẽ đó, người nộp thuế hài lòng khi đàm phán APA là một tiêu chí phản ánh chất lượng và kết quả APA. Tiêu chí định tính này có thể được đo lường bằng phương pháp phỏng vấn hoặc khảo sát bằng bảng hỏi.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động hợp tác quốc tế về thuế
2.1. Các yếu tố trong nước
Thứ nhất, các yếu tố thuộc về cơ sở pháp lý quốc gia cho sự hợp tác quốc tế về thuế. Cơ sở pháp lý là một yếu tố đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng quyết định đến hoạt động hợp tác quốc tế về thuế. Các quốc gia chỉ có thể hợp tác quốc tế về thuế với nhau thông qua những thoả thuận, cam kết được thể hiện trong các văn bản pháp lý quốc tế được ký kết. Trên cơ sở những ký kết đó, các quốc gia sẽ nội luật hoá vào trong hệ thống pháp luật quốc gia, cũng như ban hành các văn bản pháp lý để triển khai. Do đó, nếu trong hệ thống pháp luật quốc gia mà chưa được thể hiện những quy định về hợp tác quốc tế về thuế hoặc những nội dung pháp lý hợp tác thể hiện không đầy đủ, sai lệch thậm chí là có sự xung đột với quy định pháp luật quốc gia thì hoạt động hợp tác quốc tế về thuế giữa các quốc gia sẽ không thể triển khai được hoặc nếu có triển khai thì cũng sẽ bị cản trở, không đem lại hiệu quả.
Thứ hai, các yếu tố thuộc về năng lực hợp tác của cơ quan thuế, cơ quan tài chính quốc gia. Để thực hiện hợp tác quốc tế về thuế thì cơ quan thuế quốc gia được xem là cơ quan đóng vai trò chủ đạo trong thực hiện. Thông thường ở các quốc gia, cơ quan thuế là một cơ quan thuộc cơ quan tài chính. Dù có những tên gọi khác nhau, song thực chất lĩnh vực thuế là lĩnh vực do ngành tài chính trực tiếp chịu trách nhiệm tham mưu và tổ chức thực hiện. Vì vậy, năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về thuế của ngành tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng là một nhân tố có ý nghĩa quyết định đến kết quả hợp tác quốc tế về thuế.
Khi xem xét cụ thể đến năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về thuế của ngành tài chính, ngành thuế lại cho thấy phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác như: tổ chức bộ máy; cơ chế sử dụng công chức, chế độ tiền lương và thu nhập; công tác thanh tra, giám sát thực thi công vụ, nguồn nhân lực bao gồm cả số lượng và chất lượng (được biểu hiện qua trình độ chuyên môn thể hiện sự hiểu biết về thuế quốc tế, luật pháp quốc tế, trình độ ngoại ngữ, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin là những yếu tố then chốt) và phẩm chất đạo đức của công chức; khả năng tổ chức quản lý và điều hành hoạt động; mức độ chủ động trong hợp tác quốc tế về thuế; cơ sở vật chất và nguồn kinh phí tổ chức hoạt động; khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động hợp tác quốc tế về thuế; cơ sở dữ liệu thông tin quản lý thuế… Tất cả những yếu tố trên có những tác động khác nhau và chi phối đến việc thực hiện hợp tác quốc tế về thuế của mỗi quốc gia.
Thứ ba, công tác chỉ đạo điều hành của chính phủ. Hoạt động hợp tác quốc tế về thuế bên cạnh phụ thuộc vào năng lực hợp tác của cơ quan thuế với vai trò chủ đạo thì chính phủ mỗi quốc gia, với vai trò là cơ quan hành pháp cao nhất, cũng có những tác động rất mạnh mẽ. Năng lực quản lý, điều hành của chính phủ là yếu tố tác động đến mọi lĩnh vực của hoạt động quản lý nhà nước. Chính phủ là cơ quan triển khai những cam kết quốc tế hợp tác về thuế và trực tiếp chỉ đạo cơ quan thuế quốc gia thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó có nhiệm vụ hợp tác quốc tế về thuế. Tùy theo phân cấp thẩm quyền mà cơ quan thuế quốc gia có thể trực tiếp quyết định và thực hiện một số hoạt động hợp tác quốc tế về thuế và phải đệ trình để chính phủ trực tiếp quyết định một số nội dung hợp tác quốc tế về thuế. Vì vậy, công tác chỉ đạo điều hành của chính phủ là một nhân tố quan trọng quyết định kết quả hợp tác quốc tế về thuế.
2.2. Các yếu tố quốc tế
Thứ nhất, các yếu tố liên quan đến môi trường chính trị khu vực và quốc tế. Hợp tác quốc tế về thuế là hoạt động hợp tác của các quốc gia trên thế giới với nhau. Cơ sở đầu tiên của sự hợp tác là các đối tác phải là “bạn” của nhau. Nếu là “kẻ thù” của nhau thì đương nhiên không thể hợp tác với nhau. Hiển nhiên, sẽ chẳng thể có bất kỳ hoạt động hợp tác nào có thể diễn ra giữa Mỹ với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Một quốc gia có mối quan hệ đối tác hay đối tác toàn diện hay đối tác đặc biệt với những quốc gia nào thì hoạt động hợp tác về thuế của quốc gia đó đương nhiên sẽ tương ứng với mối quan hệ chính trị đó. Môi trường chính trị không chỉ chịu sự tác động bởi các quan hệ về ý thức hệ mà còn chịu sự chi phối của việc giải quyết các mối quan hệ lợi ích quốc gia, các mối quan hệ về tôn giáo, xung đột sắc tộc… Môi trường chính trị khu vực và quốc tế không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ hợp tác quốc tế về thuế giữa các quốc gia trong các mối quan hệ ấy mà còn ảnh hưởng đến các quốc gia lân cận với tư cách là yếu tố ràng buộc đa phương của các quốc gia với nhau.
Thứ hai, đó là thiện chí của các bên đối tác trong hợp tác quốc tế về thuế. Hợp tác nói chung và hợp tác quốc tế về thuế là sự phối hợp giữa các quốc gia trong lĩnh vực thuế, giống như khi vỗ tay thì cần cả hai bàn tay. Cái bắt tay chỉ có thể thực hiện bởi cả hay bàn tay cùng chìa ra và nắm bắt bàn tay đối tác. Do hợp tác quốc tế về thuế được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện và đồng thuận như đã phân tích trên nên thiện chí của đối tác trong hợp tác quốc tế về thuế là một yếu tố quyết định kết quả của một mối quan hệ hợp tác quốc tế cụ thể. Nếu một bên đối tác chỉ quan tâm đến lợi ích của mình mà không quan tâm xác đáng đến lợi ích của đối tác thì hoạt động hợp tác quốc tế về thuế không thể thành công. Trong bối cảnh toàn cầu hoá như hiện nay, giữa các quốc gia luôn có sự tồn tại về lợi ích và việc cạnh tranh lẫn nhau. Chính vì vậy, nếu không có sự hài hoà về mặt lợi ích thông qua thiện chí hợp tác lẫn nhau thì rất có thể xảy ra những xung đột, tranh chấp về thuế gây thiệt hại cho các bên.
Thứ ba, sự khác biệt về văn hóa, chính trị và trình độ phát triển kinh tế. Hợp tác quốc tế về thuế là một bộ phận của hoạt động hợp tác kinh tế giữa các quốc gia. Bản thân vấn đề kinh tế luôn chịu sự tác động của các yếu tố văn hóa, chính trị của của một quốc gia như một chỉnh thể kinh tế – chính trị – xã hội không thể tách rời. Sự khác biệt về văn hóa, chính trị và trình độ phát triển kinh tế có thể có ảnh hưởng nhất định, tạo thuận lợi hoặc gây khó khăn cho hoạt động hợp tác quốc tế về thuế ở một mức độ nhất định.
Tham khảo thêm
Bùi Việt Hùng (2020). Hợp tác quốc tế về thuế trong điều kiện hiện nay của Việt Nam. Luận án tiến sĩ Kinh tế (Chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng). Học viện Tài chính. Hà Nội.