Tiếp theo loạt bài có liên quan đến phát triển kinh tế bền vững như: Các điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế bền vững; Chính sách thuế đối với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam; Tác động của chính sách thuế đối với phát triển kinh tế bền vững… Theo yêu cầu của bạn đọc, Hoa tiêu tri thức tiếp tục làm rõ hơn nội hàm khái niệm phát triển kinh tế bền vững.
1. Khái niệm về phát triển kinh tế
Phát triển kinh tế là quá trình thay đổi theo hướng tiến bộ về kinh tế của một quốc gia trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng.
Khái niệm phát triển kinh tế không hoàn toàn đồng nhất với khái niệm tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng về lượng kết quả đầu ra hoạt động của nền kinh tế trong một thời kỳ nhất định. Tăng trưởng kinh tế là điều kiện để phát triển kinh tế. Ở những nước đang phát triển, đặc biệt là những nước đang phát triển có mức thu nhập bình quân đầu người thấp, nếu không đạt được mức tăng trưởng tương đối cao và liên tục trong nhiều năm, thì khó có điều kiện kinh tế để cải thiện mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội.
Tăng trưởng kinh tế có thể được thực hiện bởi những phương thức khác nhau và do đó có thể dẫn đến những kết quả khác nhau. Nếu phương thức tăng trưởng kinh tế không gắn với sự thúc đẩy cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, không làm gia tăng, mà thậm chí còn làm xói mòn năng lực nội sinh của nền kinh tế, sẽ không thể tạo ra sự phát triển kinh tế. Những phương thức tăng trưởng như vậy, rốt cục, cũng chỉ là kết quả ngắn hạn, không những không thúc đẩy được phát triển, mà bản thân nó cũng khó có thể tồn tại được lâu dài. Nội dung chủ yếu của phát triển kinh tế được luận giải như sau:
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế dài hạn. Đây là điều kiện tiên quyết để tạo ra những tiến bộ về kinh tế, nhất là ở các nước đang phát triển thu nhập thấp.
Thứ hai, cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng tiến bộ. Xu hướng tiến bộ của quá trình thay đổi này ở những nước đang phát triển, đang hoặc chưa trải qua quá trình công nghiệp hoá thể hiện ở quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá và đô thị hoá; đó không đơn thuần là sự gia tăng về quy mô, mà còn bao hàm việc mở rộng chủng loại và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ được sản xuất ra; hoạt động của nền kinh tế ngày càng gia tăng hiệu quả và năng lực cạnh tranh, tạo cơ sở cho việc đạt được những tiến bộ xã hội một cách sâu rộng.
Thứ ba, những tiến bộ kinh tế chủ yếu phải xuất phát từ động lực nội tại. Đến lượt mình, kết quả của những tiến bộ kinh tế đạt được lại làm gia tăng không ngừng năng lực nội sinh của nền kinh tế (thể hiện ở những tiến bộ về công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nguồn vốn trong nước…).
2. Khái niệm phát triển kinh tế bền vững
Phát triển bền vững là sự phát triển mang tính chất tổng thể, bao trùm tất cả các vấn đề trong một quốc gia như phát triển bền vững về kinh tế, phát triển bền vững về chính trị, phát triển bền vững về môi trường, phát triển bền vững về y tế, phát triển bền vững về giáo dục đào tạo, phát triển bền vững về văn hóa xã hội, về an ninh quốc phòng về chỉ số phát triển con người… Về nội dung này, bài viết chỉ nghiên cứu trên khía cạnh phát triển kinh tế bền vững.
Nội dung phát triển kinh tế bền vững phải bao hàm cùng một lúc cả yêu cầu về mức độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế. Điều đó có nghĩa là phải thể hiện ở khả năng duy trì tăng trưởng GDP ở mức cao một cách lâu dài và có hiệu quả. Bền vững trong phát triển kinh tế chỉ đạt được khi tăng trưởng kinh tế cao nhưng phải có hiệu quả, vay nợ thấp và tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội ngày càng lớn.
Khi tăng trưởng kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà tiêu hao quá nhiều tài nguyên thiên nhiên thì không được coi là phát triển bền vững. Phát triển kinh tế nhưng thu nhập của người lao động không tăng thì không phải là phát triển kinh tế bền vững.
Phát triển kinh tế bền vững đòi hỏi mức độ tăng tăng trưởng kinh tế cao, tuy nhiên phải đảm bảo cấu trúc tăng trưởng GDP và cơ cấu ngành kinh tế hợp lý. Đây là yếu tố phản ánh khá rõ nét chất lượng tăng trưởng kinh tế. Cấu trúc tăng trưởng phản ánh xu thế hiệu quả và bền vững của các yếu tố bên trong cấu thành tăng trưởng GDP, đó là cấu trúc tăng trưởng theo đầu vào, cấu trúc tăng trưởng theo đầu ra và cấu trúc tăng trưởng theo ngành. Kết quả của cấu trúc tăng trưởng theo ngành phản ánh qua cơ cấu ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế phải đảm bảo việc phát triển ngành, lĩnh vực, vùng có lợi thế so sánh và phải phù hợp với xu thế phát triển tất yếu trên thế giới.
Tăng trưởng GDP và tỷ lệ nợ công là những chỉ tiêu quan trọng hàng đầu để đánh giá nền kinh tế có phát triển bền vững hay không, vì vậy đứng trên góc độ vĩ mô, để nền kinh tế có thể phát triển bền vững thì cần phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển từ thành phần kinh tế làm ăn kém hiệu quả sang thành phần kinh tế làm ăn hiệu quả hơn. Để kinh tế phát triển bền vững thì cần phải thay đổi cấu trúc của nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư phát triển của khu vực kinh tế sản xuất kinh doanh có hiệu quả đồng thời giảm tỷ trọng vốn đầu tư của những khu vực kinh tế làm ăn kém hiệu quả, có tốc độ tăng trưởng GDP thấp.
Để nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh và bền vững, có thể sử dụng các công cụ kinh tế để tác động vào các nhân tố sau đây:
– Tăng kim nghạch xuất nhập khẩu và hướng đến thặng dư cán cân thương mại. Khi cán cân thương mại giữa xuất khẩu và nhập khẩu cân bằng hoặc có thặng dư sẽ là cơ sở rất tốt để thu về nguồn ngoại tệ cho đất nước, ổn định tỷ giá hối đoái, là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước điều hành tốt hơn chính sách tiền tệ, như vậy sẽ làm ổn định kinh tế vĩ mô góp phần giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.
– Phân bổ vốn đầu tư hợp lý vào các ngành trong nền kinh tế, tập trung vào những ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh nhằm tạo ra tốc độ tăng GDP cao và bền vững nhất.
– Tăng hiệu quả đầu tư trong nền kinh tế, nó được thể hiện ở hệ số ICOR càng thấp càng tốt.
– Giảm thâm hụt ngân sách nhà nước, tiến tới thặng dư ngân sách.
– Giảm dần nợ công, kể cả nợ của Chính phủ và nợ của các doanh nghiệp Nhà nước đối với nước ngoài được Nhà nước bảo lãnh. Thực hiện tốt điều này sẽ giúp nền kinh tế phát triển bền vững, tránh được suy thoái kinh tế thậm chí mất khả năng thanh toán của Việt Nam trong tương lai.
– Đảm bảo tỷ lệ lạm phát vừa phải để có thể ổn định kinh tế vĩ mô từ đó giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững.
– Có cấu trúc nguồn thu ngân sách nhà nước phù hợp để đảm bảo nguồn thu từ thuế tăng trưởng bền vững đồng thời vẫn đảm bảo việc tạo nguồn thu lâu dài, hiệu quả và ổn định cho ngân sách.
Phát triển kinh tế bền vững cũng đồng nghĩa với phát triển nền kinh tế bền vững. Nền kinh tế của bất kỳ một quốc gia nào cũng được tạo nên bởi các yếu tố cấu thành nên nền kinh tế, các yếu tố này bao gồm kiến trúc thượng tầng về kinh tế và hạ tầng kinh tế. Kiến trúc thượng tầng về kinh tế gắn liền với những định hướng, mục tiêu phát triển về kinh tế của một quốc gia và gắn liền với cấu trúc của nền kinh tế. Kiến trúc hạ tầng kinh tế sẽ gắn liền với các chủ thể hoạt động trong nền kinh tế đó, tức là các thành phần kinh tế, khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Mối quan hệ trong quá trình sản xuất kinh doanh và cung cấp các sản phẩm dịch vụ của các khu vực kinh tế, các doanh nghiệp trong nền kinh tế sẽ tạo ra những huyết mạch trong nền kinh tế, huyết mạch này có lưu thông tốt hay không phụ thuộc rất lớn vào kiến trúc thượng tầng.
Các yếu tố cấu thành nên nền kinh tế trong quá trình hoạt động đã tác động qua lại với nhau và cùng thể hiện ra bên ngoài thông qua các chỉ tiêu để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế. Sức khỏe của nền kinh tế được thể hiện thông qua một hệ thống các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô bao gồm các chỉ tiêu chủ yếu như tăng trưởng GDP hàng năm của toàn xã hội, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người, chỉ số lạm phát trong nền kinh tế, nợ công của quốc gia, cán cân thương mại tức là chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu, hiệu quả vốn đầu tư của toàn xã hội và của các khu vực kinh tế, tỷ trọng vốn đầu tư được phân bổ trong nền kinh tế, mối quan hệ giữa thu chi ngân sách nhà nước để thể hiện nền kinh tế là thặng dư hay bội chi Ngân sách và cấu trúc các nguồn thu để đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới cũng đều có cấu trúc nền kinh tế gồm khu vực kinh tế Nhà nước, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Để kinh tế phát triển bền vững thì tỷ trọng vốn đầu tư vào các khu vực kinh tế phải phù hợp với sự phát triển nội tại và tiềm năng của các khu vực kinh tế đó.
Trong giai đoạn đầu đối với các quốc gia trên thế giới khi bắt đầu quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước thì tốc độ tăng trưởng GDP là khá cao, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1961 – 1980 của Hàn quốc là 8,79%, của Thái Lan trong 20 năm đầu quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa là 7,61%, của Malaysia là 7,89%, của Trung quốc là 9,63% (giai đoạn 1979-2003) [1].
Những chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá nền kinh tế có phát triển bền vững hay không đó chính là chỉ tiêu về tỷ lệ nợ công trên GDP; chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng của nợ công so với tốc độ tăng trưởng về GDP, chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người so với tốc độ tăng trưởng nợ công và chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng về thuế nộp vào ngân sách nhà nước so với tốc độ tăng trưởng nợ công. “Trong giai đoạn 20 năm đầu của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa của các nước Sing-ga-po, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc thì tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước của những nước này dao động trong khoảng từ 1,5% đến 3,2% thậm chí Trung quốc trong hàng chục năm liền, liên tục thặng dư ngân sách” [2].
Theo luật của Liên minh Châu Âu (bao gồm 25 nước thành viên EU) thì để được tồn tại trong Liên minh này, bội chi ngân sách nhà nước hàng năm chỉ được phép dưới 3% GDP, nếu bất kỳ một nước thành viên nào chi tiêu Ngân sách vượt quá tỷ lệ 3%GDP thì phải cân đối thu chi Ngân sách để đưa về tỷ lệ đã quy định, trong trường hợp trong 3 năm không khống chế được tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước thì sẽ phải ra khỏi cộng đồng kinh tế chung EU [3].
Với những dẫn chứng đưa ra từ các nước nêu trên để nền kinh tế phát triển bền vững thì tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trong hai mươi năm đầu của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước phải đạt khoảng 8% một năm và bội chi ngân sách nhà nước dưới mức 3% một năm.
Đối với các nước trong khu vực như Hàn quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia và 25 nước thuộc Liên minh Châu âu, trong hai mươi năm đầu của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, ở các nước này tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế đều lớn hơn rất nhiều so với bội chi ngân sách nhà nước và hầu hết các nước đó đều có tốc độ tăng trưởng của GDP lớn hơn so với tốc độ tăng trưởng của nợ công, chính vì thế sau nhiều thập kỷ các quốc gia này đều đã trở thành các nền kinh tế lớn mạnh trên thế giới và rõ ràng về cơ bản kinh tế của các quốc gia này là phát triển bền vững.
Trong giai đoạn hai mươi năm đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đối với các nước như Singapore, Hàn quốc, Ma-lay-xia, Thái Lan, Trung quốc và các nước thuộc liên minh Châu âu, hệ số ICOR của nền kinh tế là khá thấp, dao động trong khoảng từ 2,1 đến 3,5 lần, chính vì thế hiệu quả đầu tư của toàn bộ nền kinh tế là rất cao, tạo ra nhiều giá trị thặng dư cho nền kinh tế và cũng gắn liền với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt khoảng 8% [4].
Trong từng thời kỳ khác nhau, phát triển kinh tế bền vững sẽ được đánh giá theo các tiêu thức khác nhau, trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các yếu tố về tài nguyên thiên nhiên, chi phí lao động chưa cao, dẫn đến hệ số ICOR sẽ thấp hơn so với giai đoạn nền kinh tế đã phát triển. Trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của bất kỳ nền kinh tế nào thì tốc độ tăng trưởng của GDP cũng cao hơn so với khi nền kinh tế của đất nước đó đã trở thành nền kinh tế hiện đại. Việt Nam hiện nay đang bắt đầu bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do đó nội dung của bài viết chỉ làm rõ phạm trù phát triển kinh tế bền vững đối với các quốc gia mới bắt đầu bước vào thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Lịch sử phát triển kinh tế thế giới trong hơn nửa thế kỷ trở lại đây, kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, cho thấy không có nhiều quốc gia duy trì được mức tăng trưởng ổn định trong một khoảng thời gian dài. Theo Báo cáo tăng trưởng của Ủy Ban Phát Triển và Tăng trưởng thế giới thì chỉ có 13 quốc gia và vùng lãnh thổ đạt được mức tăng trưởng trung bình it nhất 7% trong vòng 25 năm đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Brunei, Brasil, Armenia, Chile, Malaysia, Đài Loan, Hồng kong, Ma cau và Malaysia, tăng trưởng kinh tế của các nước này trong một khoảng thời gian đủ dài để có thể nói là bền vững. Trong các quốc gia này, có 7 quốc gia đã vượt lên đạt mức thu nhập cao của các nước phát triển bao gồm Singapore, Nhật Bản, Brunei, Hàn Quốc, Macau và Đài Loan, trong khi các quốc gia còn lại hầu hết đều vướng vào bẫy thu nhập trung bình và vẫn chưa thực sự vượt lên. Đốivới 7 quốc gia đã vượt lên trở thành các nền kinh tế phát triển thì tăng trưởng kinh tế bình quân trong khoảng thời gian 20 năm đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đều đạt mức trung bình trên 8% mỗi năm.
Sau khi phân tích và tổng hợp về chính sách và chiến lược phát triển của các quốc gia này, Báo cáo tăng trưởng đưa ra năm tiêu chí chung làm nên thành công về tăng trưởng đó là:
Tôn trọng sự phân bổ thông tin và nguồn lực theo cơ chế thị trường: Cơ chế thị trường giúp đưa ra các tín hiệu giá cả, tạo nên các cơ chế kiến thiết và điều động các nguồn lực một cách hợp lý nhất mà không cần đến sự điều hành và quản lý thiếu hiệu quả của Nhà nước. Thành công của 7 quốc gia nói trên chính là xây dựng một cơ chế thị trường vững mạnh, mặc dù các chính sách thực hiện có khác nhau và Chính phủ vẫn can thiệp ở một mức nhất định giúp khám phá ra lợi thế so sánh của mình kết hợp các nguồn lực kinh tế một cách tốt nhất nhằm phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn.
Có tầm nhìn định hướng cho tương lai rõ ràng đúng đắn: Đây là nhân tố xúc tác, giúp các quốc gia nói trên có thể duy trì được đà tăng trưởng của mình dựa vào lượng tiết kiệm và đầu tư cao của toàn bộ nền kinh tế. Khi toàn bộ các yếu tố khác tạo nên động lực tiềm năng cho sự tăng trưởng, thì vốn đầu tư sẽ là nhân tố quyết định để các tiềm năng này trở thành hiện thực. Hầu hết các quốc gia này đều được hưởng lợi rất nhiều từ các nguồn tiết kiệm nội địa, bao gồm tiết kiệm Chính phủ, tiết kiệm doanh nghiệp và tiết kiệm của các hộ gia đình, trong đó thành phần cuối cùng đóng vai trò quan trọng bậc nhất. Để duy trì điều này, Chính phủ phải có một tầm nhìn đúng đắn nhằm khuyến khích và định hướng người dân từ bỏ một phần tiêu dùng hiện tại, tiết kiệm nhiều hơn, tin tưởng vào việc phát triển chung của toàn bộ nền kinh tế sẽ mang lại cho họ một mức thu nhập vượt trội trong tương lai. Thống kê cho thấy rằng tỷ lệ tiết kiệm của các quốc gia Đông Á thuộc nhóm 7 nước có nền kinh tế phát triển, đều đã có sự gia tăng tiết kiệm của toàn bộ nền kinh tế lên đến gần 40% GDP. Mặt khác các quốc gia thành công đều sử dụng nợ vay để đầu tư một cách có hiệu quả, họ luôn ưu tiên phân bổ nguồn lực để tập trung phát triển kinh tế tư nhân, hạn chế đầu tư vào thành phần kinh tế Nhà Nước.
Tích cực mở của và hội nhập kinh tế: là yếu tố quan trọng tạo điều kiện để các quốc gia có thể đẩy mạnh mức tăng trưởng của mình, nó giúp các quốc gia đi sau có thể nhập khẩu các ý tưởng, công nghệ và phương thức sản xuất mà các quốc gia công nghiệp đi trước phải mất hàng trăm năm mới có thể đạt được. Hội nhập kinh tế quốc tế còn giúp các quốc gia này tiếp cận với một thị trường tiêu thụ rộng lớn trên toàn thế giới. Hầu hết các quốc gia thành công đạt tăng trưởng bình quân trên 7% trong vòng 25 năm, ngoại trừ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, đều có sản lượng tiềm năng khá nhỏ so với quy mô của thị trường thế giới, quy mô nhỏ giúp họ phát huy lợi thế nhờ chuyên môn hóa cao một cách dễ dàng nhằm gia tăng đáng kể năng suất và mở rộng sản xuất lên gấp nhiều lần so với việc đóng cửa nền kinh tế.
Duy trì ổn định trong kinh tế vĩ mô: là nhân tố không thể xem nhẹ, nếu một quốc gia muốn tăng trưởng cao và bền vững trong một khoảng thời gian dài. Bất cứ dao động bất thường nào về giá cả, tỷ giá, lãi suất hay các chính sách vĩ mô đều có thể ảnh hưởng tiêu cực lên khu vực tư nhân, vốn luôn là thành phần tạo nên động lực phát triển trong một nền kinh tế thị trường. Theo Báo cáo tăng trưởng, các quốc gia thành công nói trên đều đã tạo điều kiện cho ngân hàng trung ương có không gian để thực hiện chính sách tiền tệ độc lập với các mục tiêu chính trị nhằm điều tiết lạm phát và không tổn hại đến tăng trưởng. Bên cạnh đó Chính phủ của các quốc gia này đã thực hiện kỷ luật tài khóa nghiêm ngặt tránh những rủi ro khủng hoảng có thể xảy ra cho nền kinh tế.
Quản lý Nhà Nước hiệu quả: Sự điều hành và quản lý của một Chính phủ có năng lực, có trách nhiệm và đáng tin cậy đã góp phần tạo nên sự thành công của các quốc gia nói trên. Điều này được thể hiện trong chiến lược phát triển của các nhà hoạch định chính sách đối với nền kinh tế, không chỉ đơn thuần là tập trung vào công nghiệp hóa, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu mà còn phải đi kèm với sự tiến bộ trong đời sống xã hội cũng như có những phương thức phân phối lại thu nhập cho người dân [5].
Từ những bài học thực tiễn rút ra ở các nước trong khu vực và trên thế giới đối với quá trình phát triển kinh tế trong giai đoạn từ 20 đến 30 năm đầu tiên của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, kết hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam, có thể rút ra nội hàm của phát triển kinh tế bền vững bao gồm những nội dung sau đây:
Phát triển kinh tế bền vững là sự phát triển nhằm thỏa mãn những nhu cầu về kinh tế của thế hệ hiện tại mà không làm ảnh hưởng xấu đến khả năng đáp ứng những nhu cầu về kinh tế của thế hệ tương lai, có nghĩa là phải tránh cho nền kinh tế bị suy thoái, vỡ nợ, mất khả năng thanh toán trong tương lai.
Vì vậy phải hạn chế vay nợ để tránh hậu quả xấu cho tương lai của nền kinh tế. Chỉ có thể phát triển kinh tế bền vững khi tăng trưởng GDP phải ở mức cao, từ 8% một năm trở lên trong thời gian dài trên 20 năm. Để có thể phát triển kinh tế bền vững thì tốc độ tăng trưởng của nợ công phải thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế, bội chi ngân sách nhà nước mỗi năm không vượt quá 3% GDP và hệ số ICOR cần phải thấp hơn 3,5 lần. Không thể phát triển kinh tế bền vững khi cấu trúc của nền kinh tế là què quặt không phù hợp với tiềm năng, nội lực của các thành phần kinh tế, khu vực kinh tế. Khi cấu trúc của nền kinh tế phù hợp với các thành phần kinh tế, sẽ giúp các thành phần kinh tế phát triển một cách hiệu quả nhất, đồng thời có tác dụng phân bổ, sử dụng các nguồn lực về vốn đầu tư phát triển về khai thác sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên khoáng sản của đất nước và về nguồn nhân lực một cách phù hợp.
Nguồn tham khảo: Ngô Văn Khương (2016)
Nguồn trích dẫn:
[1] Aschauer Alan David (1990), Public Investment and Private Sector Growth; The Economic Benefits of Reducing America’s, Third Deficit.
[2] Union Européenne (1999), La politique monétaire de l’Union européenne, Maison d’édition Largus.
[3] Union Européenne (2002), La politique budgétaire de l’Union européenne, Maison d’édition Largus.
[4] Robert C.Guell (2002), Development Economic, Mc Growth-Hill, Higher Education.
[5] Vũ Minh Long (2014), Một số vấn đề của kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.