Tiêu chí đánh giá mức độ phát triển của Doanh nghiệp xã hội (DNXH) hiện vẫn là đề tài đang được tranh luận tại nhiều diễn đàn và quốc gia trên thế giới. Hiện tại chưa có hệ thống tiêu chí đánh giá mức độ phát triển của các DNXH một cách thống nhất. Tuy nhiên, theo khái niệm phát triển DNXH trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng trên đây, sự phát triển DNXH trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng phải được đánh giá trên cả chiều rộng và chiều sâu. Vì thế, các tiêu chí được dùng để đánh giá sự phát triển của DNXH bao gồm các tiêu chí đánh giá sự phát triển về chiều rộng và các tiêu chí đánh giá sự phát triển về chiều sâu.
Trong đó, các tiêu chí được dùng để đánh giá sự phát triển của các DNXH trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng về chiều rộng bao gồm 5 tiêu chí cơ bản sau đây:
1. Mức độ tăng trưởng số lượng các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng:
Chỉ số ưu tiên hàng đầu phát triển Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng đó là tăng trưởng số lượng các doanh nghiệp này. Chỉ khi số lượng các DNXH trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng tăng thì mức độ đóng góp trong việc giải quyết các vấn đề xã hội mới được mở rộng. Tuy nhiên, DNXH trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng là một loại hình doanh nghiệp đặc thù, để khuyến khích các doanh nghiệp thành lập mới hoặc các tổ chức chuyển đổi hoạt động sang mô hình DNXH rất cần những định hướng phát triển và chính sách hỗ trợ, ưu đãi từ Chính phủ. Chỉ khi các tổ chức nhận thấy việc hoạt động dưới mô hình DNXH mang lại nhiều thuận lợi hơn các loại hình tổ chức khác thì họ mới tính tới việc đăng ký hoạt động dưới hình thức DNXH.
Do đó, trong quá trình phát triển các DNXH, rất cần xây dựng những chính sách hỗ trợ, ưu đãi cụ thể để khuyến khích các tổ chức đăng ký kinh doanh hoạt động dưới hình thức DNXH, góp phần trực tiếp gia tăng số lượng loại hình doanh nghiệp này trong nền kinh tế.
2. Mức độ tăng trưởng quy mô các DNXH (bao gồm quy mô vốn kinh doanh và quy mô lao động là nhóm người yếu thế):
Quy mô doanh nghiệp là một trong những tiêu chí ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Sự phát triển các Doanh nghiệp xã hội không chỉ được đánh giá bằng tiêu chí quy mô vốn đầu tư mà còn bằng cả quy mô lao động là nhóm người yếu thế.
Nếu như quy mô vốn đầu tư quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thì quy mô lao động là nhóm người yếu thế trong doanh nghiệp giúp đo lường mức độ đóng góp của doanh nghiệp trong việc thực hiện các mục tiêu xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Do đó, đây là hai tiêu chí cần được phân tích trong quá trình đánh giá mức độ phát triển của các DNXH trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng.
3. Sự chuyển dịch cơ cấu:
Sự chuyển dịch cơ cấu cũng được coi là một tiêu chí đánh giá mức độ phát triển của các Doanh nghiệp xã hội bởi cũng như các doanh nghiệp truyền thống, để tồn tại và phát triển hoạt động kinh doanh, các DNXH phải gia tăng sản xuất, mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp mình và có những đóng góp nhất định cho nền kinh tế. Sự chuyển dịch cơ cấu này bao gồm sự thay đổi về doanh thu và cơ cấu lao động. Đối với các DNXH trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng thì sự chuyển dịch cơ cấu được thể hiện rõ nhất trong sự chuyển dịch cơ cấu lao động địa phương tham gia vào các hoạt động Du lịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, có thể thấy, mục đích hoạt động của các DNXH nói chung và DNXH trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng nói riêng là nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường, vì lợi ích cộng đồng thông qua hoạt động kinh doanh. Chính vì thế, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này không chỉ được đánh giá thông qua hiệu quả kinh tế mà còn thông qua những tác động xã hội mà nó tạo ra cho cộng đồng, môi trường tại điểm đến Du lịch cộng đồng.
Do đó, các tiêu chí được dùng để đánh giá sự phát triển của các DNXH trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng về chiều sâu bao gồm:
4. Hiệu quả kinh doanh:
Đối với doanh nghiệp, hiệu quả kinh doanh không chỉ là thước đo chất lượng phản ánh trình độ tổ chức quản lí kinh doanh mà còn là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Trong điều kiện kinh tế thị trường ngày càng mở rộng, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì đòi hỏi doanh nghiệp kinh doanh phải có hiệu quả. Hiệu quả kinh doanh càng cao, doanh nghiệp càng có điều kiện mở rộng và phát triển.
Đối với Doanh nghiệp xã hội, hiệu quả kinh tế chính là bàn đạp để thực hiện các mục tiêu xã hội mà mình cam kết theo đuổi… Tuy nhiên, xét cho cùng, hoạt động kinh doanh diễn ra trên cơ sở trao đổi hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ giữa doanh nghiệp và khách hàng. Chính vì thế, để đạt được hiệu quả kinh tế, quan trọng nhất là doanh nghiệp phải thỏa mãn được nhu cầu của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ một cách tốt nhất bằng cách mang lại cho họ sự hài lòng cao
nhất về sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Do đó, một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển về chiều sâu của các DNXH trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng là sự thỏa mãn của khách hàng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ Du lịch cộng đồng mà các doanh nghiệp này cung cấp cho du khách.
5. Hiệu quả xã hội:
Đánh giá hiệu quả xã hội mà một DNXH đạt được phải dựa vào mục tiêu xã hội mà doanh nghiệp đã xác định ngay từ đầu khi thành lập. Đối với một DNXH, các tiêu chí đánh giá hiệu quả xã hội được thể hiện ở những nội dung sau:
* Tác động kinh tế tới cuộc sống của cộng đồng địa phương:
– Số lượng việc làm trực tiếp và gián tiếp trong các DNXH;
– Tỷ lệ việc làm truyền thống của địa phương so với việc làm trong các DNXH;
– Thu nhập trực tiếp và gián tiếp từ các DNXH;
– Doanh thu, mức lãi và lỗ của các DNXH tại địa phương.
* Tác động xã hội tới cuộc sống của người dân cộng đồng địa phương:
– Số lượng thành viên cộng đồng tham gia vào các hoạt động xã hội của DNXH;
– Tỷ lệ phụ nữ làm việc trong lực lượng lao động tại các DNXH tại các địa phương (kể cả thâm niên, mức lương, trợ cấp so với các đồng nghiệp năm);
– Số lượng nữ quản lý trong các DNXH tại địa phương;
– Số lượng và các loại hình sự kiện văn hóa- xã hội – môi trường được bảo vệ và nâng cấp;
– Khối lượng thông tin phản hồi tích cực và tiêu cực của các đối tác về các hoạt động của DNXH.
* Tác động môi trường tại địa phương:
– Số lượng và các loại hình dự án bảo tồn môi trường được thực hiện liên quan tới các hoạt động của các DNXH;
– Mức độ ô nhiễm trong cộng đồng và môi trường;
– Mức độ hủy hoại môi trường thiên nhiên địa phương do hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNXH tạo nên;
– Số lượng thành viên cộng đồng tham dự các khóa đào tạo liên quan đến môi trường do DNXH tổ chức (bao gồm loại hình, trình độ và thời gian khóa học);
– Mức độ sử dụng nguồn lực/ sự sẵn có của nguồn lực (nước, đất, điện).
Trên đây là một số tiêu chí đánh giá sự tăng trưởng của các DNXH trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng mà các tổ chức hoạch định chính sách có thể dựa vào để cân nhắc khi xây dựng những chính sách phù hợp nhằm phát triển loại hình doanh nghiệp này.
Tham khảo thêm
Vũ Hương Giang (2019). Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực du lịch cộng đồng tại Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương. Hà Nội.