1. Ngân sách Nhà nước và chi ngân sách Nhà nước
Ngân sách Nhà nước (ngân sách nhà nước) là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước trong dự toán đã được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước quyết định và được thực hiện trong một năm để đảm bảo các chức năng của Nhà nước. Hoạt động thu, chi của ngân sách nhà nước là hoạt động tài chính của Nhà nước nên rất đa dạng và phong phú về hình thức. Tuy nhiên, hoạt động thu chi ngân sách nhà nước đều phải phục vụ cho mục tiêu kinh tế xã hội nhằm đem lại những lợi ích nhất định. Trong đó, lợi ích quốc gia, lợi ích chung được đặt lên hàng đầu và chi phối các lợi ích khác.
Quá trình thực hiện các chỉ tiêu thu, chi ngân sách nhà nước nhằm hình thành quỹ tiền tệ tập trung của Nhà nước là quá trình phân phối và phân phối lại giá trị tổng sản phẩm xã hội, phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trên các lĩnh vực, trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Theo đó, các hình thức thu, chi của ngân sách nhà nước không giống bất kỳ hình thức thu chi của quỹ nào. Thu của ngân sách nhà nước phần lớn đều mang tính chất bắt buộc, còn các khoản chi của ngân sách nhà nước lại mang tính chất không hoàn lại.
Đối với thu của ngân sách nhà nước, Nhà nước đã sử dụng quyền lực thông qua hệ thống pháp luật để bắt buộc mọi pháp nhân và thể nhân phải đóng góp một phần thu nhập của mình cho ngân sách nhà nước, điều này để thể hiện việc các chủ thể kinh tế thực hiện nghĩa vụ của mình với Nhà nước. Sự bắt buộc đó là hoàn toàn khách quan phục vụ cho lợi ích của toàn xã hội không phải phục vụ cho lợi ích riêng của Nhà nước. Phần nộp vào ngân sách nhà nước của các chủ thể sẽ tiếp tục được phân phối lại nhằm thực hiện các chức năng của Nhà nước và phục vụ cho các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Như vậy bản chất của ngân sách nhà nước là hệ thống các mối quan hệ kinh tế giữa Nhà nước và các thành viên trong xã hội, phát sinh trong quá trình Nhà nước huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính, nhằm đảm bảo thực hiện các chức năng quản lý và điều hành nền kinh tế, xã hội của Nhà nước.
* Các khoản thu ngân sách nhà nước
Theo quy định về phạm vi ngân sách, tại Điểm a, b, Khoản 1, Điều 5 Luật ngân sách nhà nước năm 2015, thu ngân sách nhà nước gồm:
– Toàn bộ các khoản thu từ thuế, lệ phí;
– Toàn bộ các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan Nhà nước thực hiện, trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ;
– Các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp Nhà nước thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
* Các khoản chi ngân sách nhà nước:
Khoản 2 điều 5 của Luật ngân sách nhà nước 2015, chi ngân sách nhà nước là một hệ thống các mối quan hệ rất đa dạng, phức tạp, bao gồm:
– Các khoản chi đầu tư phát triển
– Các khoản chi thường xuyên
– Các khoản chi trả nợ lãi của Nhà nước.
– Các khoản chi dự trữ Nhà nước
– Các khoản chi viện trợ và khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
Ngân sách nhà nước được cân đối theo nguyên tắc tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên và góp phần tích luỹ ngày càng cao vào đầu tư phát triển. Nếu có bội chi thì số bội chi đó phải nhỏ hơn chi đầu tư phát triển, tiến tới cân bằng thu – chi ngân sách. Nếu có vay để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước thì phải trên nguyên tắc tiền vay được không sử dụng cho tiêu dùng mà chỉ sử dụng vào mục đích phát triển và có kế hoạch thu hồi vốn vay để đảm bảo cân đối ngân sách, chủ động trả nợ đến hạn.
2. Tác động của chi ngân sách Nhà nước đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm
Chi ngân sách Nhà nước là công cụ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa với các tác động cụ thể như sau:
Thứ nhất, chi ngân sách Nhà nước cho phát triển cơ sở hạ tầng
Cơ sở hạ tầng phát triển sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động giao thương trên thị trường trong nước cũng như thị trường khu vực và thế giới trở nên dễ dàng, thuận tiện. Cơ sở hạ tầng phát triển một cách toàn diện giúp làm giảm chi phí vận chuyển từ nguồn nguyên liệu đầu vào đưa vào sản xuất cho đến phân phối tới hệ thống bán lẻ trong và ngoài nước. Trong khi đó, đầu tư vào xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng đòi hỏi nguồn vốn lớn và phải do Nhà nước đóng vai trò định hướng nên chi ngân sách nhà nước vẫn đóng vai trò chủ yếu trong đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Các quốc gia có nền kinh tế phát triển, tích lũy của nền kinh tế lớn nên hoạt động chi ngân sách nhà nước cho phát triển cơ sở hạ tầng khá phong phú, đạt hiệu quả cao, theo đó, chi phí vận chuyển, lưu thông hàng hóa được tiết kiệm làm tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa. Tại các nước đang phát triển, nhu cầu chi lớn nhưng khả năng thu hạn chế nên vẫn còn tình trạng cơ sở hạ tầng phát triển không theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế.
Thứ hai, chi ngân sách Nhà nước cho nâng cao trình độ lao động
Lực lượng lao động có trình độ cao làm tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp và làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Hơn nữa, với yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ, hàng hóa ngày càng phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe của thị trường, theo đó mới có thể gia tăng giá trị của hàng hóa. Trình độ lao động hạn chế thì sẽ không cho phép doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Mặc dù doanh nghiệp là chủ thể trực tiếp sử dụng lao động sẽ phải có chương trình đào tạo chuyên sâu sao cho phù hợp với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp nhưng nhìn chung, trình độ lao động phản ánh phần nào kết quả hoạt động của hệ thống giáo dục đào tạo quốc gia. Chi cho giáo dục là một nội dung chi ngân sách nhà nước nên việc chi như thế nào sẽ tác động đến trình độ đào tạo lực lượng lao động cho nền kinh tế, từ đó tác động đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa.
Thứ ba, chi ngân sách Nhà nước cho phát triển công nghệ, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển
Thế giới đã chứng kiến đến cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, cùng với đó, công nghệ ngày càng trở nên quan trọng trong phát triển kinh tế, thể hiện sức cạnh tranh của một nền kinh tế. Đi đầu cho phát triển công nghệ là các nước công nghiệp phát triển và thực tế của các nền kinh tế mới nổi cũng cho thấy, quốc gia nào sở hữu công nghệ tiên tiến, nền kinh tế quốc gia đó sẽ có sức cạnh tranh cao, hàng hóa do quốc gia đó cung cấp có lợi thế cạnh tranh đặc biệt trên thị trường thế giới. Hiểu rõ vai trò của công nghệ, nhiều công ty quốc tế đã có những dự án đầu tư lớn vào phát triển, sáng tạo công nghệ để trở thành người dẫn đầu về công nghệ, tạo ra xu hướng sản xuất và tiêu dùng trên toàn cầu. Tuy nhiên, Nhà nước không thể đứng ngoài lĩnh vực đầu tư này.
Bên cạnh vai trò định hướng các hoạt động đầu tư công nghệ trong chiến lược công nghệ quốc gia thì chi ngân sách nhà nước cũng tham gia vào các dự án công nghệ, nghiên cứu và phát triển mang tính trọng điểm, có tính lan tỏa cao đến toàn xã hội. Việc chi ngân sách nhà nước cho đầu tư và phát triển chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong tổng chi ngân sách nhà nước cho thấy chủ trương phát triển công nghệ của quốc gia đó.
Tham khảo thêm
Hà Thị Liên (2019). Sử dụng công cụ tài chính vĩ mô nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng may mặc xuất khẩu Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Học viện Tài chính, Hà Nội.