Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp với những đặc điểm khác biệt với những ngành kinh tế khác. Trong đó, đặc điểm nổi bật là sự phát triển của nó phụ thuộc rất đáng kể vào tài nguyên du lịch của địa phương. Do đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm của một tỉnh có đặc điểm, điều kiện tài nguyên hoàn toàn tương đồng để rút ra bài học kinh nghiệm cho tỉnh khác trong phát triển du lịch bền vững là rất khó. Bởi lẽ đó, trong bài viết này sẽ nghiên cứu một số mô hình phát triển du lịch bền vững và không bền vững ở một số địa phương trong và ngoài nước để gạn lọc những yếu tố đáng quan tâm, rút ra những bài học kinh nghiệm cho phát triển du lịch bền vững.
1. Kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững
– Phát triển du lịch ở đảo Nami (Hàn Quốc): Đảo Nami thuộc thành phố Chuncheon, Hàn Quốc. Hòn đảo này thực tế đã từng có nhiều thành công về mặt kinh tế trong hoạt động du lịch suốt hơn 20 năm. Tuy nhiên, do các yếu tố văn hóa và môi trường, sinh thái ít được chú trọng trong quá trình khai thác và tổ chức du lịch, đến năm 1990 môi trường du lịch trên đảo suy thoái nghiêm trọng, lượng khách theo đó cũng suy giảm nhanh chóng.
Năm 2002, Nami tiến hành cải tạo lại môi trường sinh thái và khôi phục hình ảnh du lịch của đảo với nhiều biện pháp cụ thể:
+ Phục hồi hệ sinh thái: Ban quản lý đảo đã tiến hành một loạt các hoạt động cải thiện môi trường sinh thái như xử lý việc chôn lấp rác thải bất hợp pháp; quy hoạch lại diện tích cây xanh, thả các thú tự nhiên bị nuôi nhốt để tái tạo lại môi trường sống tự nhiên vốn có của đảo. Tổ chức cho khách cũng như cộng đồng địa phương tham gia các hoạt động trồng cây, trồng rừng và gắn biển tên. Xây dựng trung tâm tái chế rác thải cho mục đích cải tạo môi trường. Quan trọng hơn, đảo đã thành công trong việc tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và đưa văn hóa tái chế trở thành biểu tượng được ghi nhận.
+ Phát triển văn hóa: Một chiến lược bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc đã được xây dựng và thực hiện. Nhiều khu vực, tòa nhà được chuyển đổi mục đích sử dụng để mở rộng không gian văn hóa và nghệ thuật, giúp du khách có cơ hội khám phá, trải nghiệm nghệ thuật dân gian truyền thống của địa phương.
+ Huy động sự tham gia của cộng đồng: Thu hút cộng đồng bản địa tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội, cung cấp hàng lưu niệm thủ công phục vụ du khách; chú trọng vai trò của cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái.
+ Hợp tác, liên kết phát triển du lịch, tăng cường quảng bá: Tạo không gian để nhiều tổ chức quốc tế sử dụng cho các sự kiện thường xuyên như trại hè, sân chơi văn hóa…; xây dựng và nỗ lực mở rộng mạng lưới liên kết quốc tế; tích cực quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức như đăng cai sự kiện, hỗ trợ sản xuất các bộ phim ăn khách với bối cảnh trên đảo, thực hiện nhiều sáng kiến quảng bá độc đáo khác.
Những nỗ lực tái tạo lại môi trường du lịch đã đưa Nami trở lại vị trí vốn có của nó là một trong những điểm đến du lịch tiêu biểu của Hàn Quốc. Số khách du lịch gia tăng hàng năm và quan trọng hơn, các khảo sát cho thấy, hầu hết du khách đều hài lòng và mong muốn quay trở lại, cộng đồng địa phương cũng được chia sẻ thỏa đáng lợi ích từ du lịch, môi trường sinh thái, văn hóa địa phương tiếp tục được bảo vệ bền vững [Nguyễn Thị Phương Linh, 2016][2].
– Mô hình phát triển du lịch sinh thái núi Bà Nà (Đà Nẵng): Núi Bà Nà là một trong những ngọn núi đẹp nhất Đà Nẵng. Núi cao 1.482m so với mặt biển, có hệ động thực vật đa dạng, độc đáo với hơn 543 loài thực vật, 256 loài động vật có xương sống. Trong số đó, có nhiều loài động thực vật quý hiếm như trầm hương, sến mặt, trĩ sao, vượn má nhung… Khu du lịch Bà Nà được người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ XX với hàng trăm ngôi biệt thự, lâu đài rất đẹp nhưng qua thời gian và chiến tranh, một số biệt thự đã xuống cấp, bị tàn phá. Bước vào thời kỳ đổi mới, ý thức được giá trị của hệ sinh thái núi Bà Nà, thành phố Đà Nẵng đã xây dựng, hoàn thiện quy hoạch khu du lịch sinh thái trên đỉnh núi, với quan điểm phát triển ở đây các loại hình du lịch thân thiện với thiên nhiên. Quy hoạch được tổ chức thực hiện nghiêm túc, thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực tài chính, quản trị, có chiến lược phát triển du lịch bền vững. Các công trình lưu trú, nghỉ dưỡng, hệ thống giao thông đường bộ, cáp treo đều được xây dựng theo hướng dựa vào thiên nhiên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến thiên nhiên và môi trường. Đến khu du lịch sinh thái Bà Nà, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành, hệ sinh thái được khoanh vùng, giữ gìn và bảo vệ nghiêm ngặt. Các sản phẩm du lịch được khai thác là du lịch sinh thái, dã ngoại, tham quan, nghiên cứu… [Pha Lê, 2016 [3], Phạm Côn Sơn, 2010 [4].
– Phát triển du lịch văn hóa di sản ở Huế: Huế là cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật Cung đình. Với một kho tàng di sản văn hóa phong phú, có giá trị và tầm vóc quốc tế, trong đó có 2 di sản văn hóa thế giới, Huế là điểm đến quan trọng trong các hành trình du lịch di sản của du khách. Ngành du lịch Thừa Thiên – Huế đã có những giải pháp thiết thực, mang tính lâu dài để phát huy bền vững tiềm năng, lợi thế tài nguyên cho phát triển du lịch. Trong đó, công tác bảo tồn di sản được thực hiện rất tích cực, thường xuyên, có tính chiến lược với nhiều giải pháp cụ thể như đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích, bảo tồn và vinh danh văn hóa phi vật thể, tôn tạo cảnh quan môi trường quanh các khu di sản, hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực. Duy trì mối quan hệ tương tác cùng phát triển lâu bền giữa hoạt động du lịch và công tác bảo tồn di sản: Bảo vệ di sản truyền thống để thu hút và phục vụ phát triển du lịch văn hóa đồng thời thông qua hoạt động du lịch để giới thiệu, phát huy giá trị di sản và sử dụng nguồn thu từ du lịch trực tiếp đầu tư trở lại cho bảo tồn di sản. Công tác bảo vệ môi trường du lịch nhìn chung được chính quyền địa phương và ngành du lịch rất quan tâm trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, các hoạt động du lịch. Ngành du lịch cũng đã có nhiều giải pháp xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng như du lịch làng nghề, du lịch nhà vườn…, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách khá hiệu quả thu hút nguồn lực xã hội, huy động sự tham gia của cộng đồng, lắng nghe ý kiến cộng đồng và các ý kiến phản biện trước khi quyết định đầu tư, giải quyết thỏa đáng mối quan hệ lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, khách du lịch, cộng đồng trong phát triển du lịch [Phan Thanh Hải, 2013][5].
2. Một số trường hợp phát triển du lịch không bền vững cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm
– Phát triển du lịch ở thành phố Venice (Ý) – Sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế song tiềm ẩn nguy cơ suy thoái tài nguyên du lịch và môi trường: Venice là thủ phủ của vùng Veneto và của tỉnh Venezia ở Đông Bắc nước Ý. Thành phố có bề dày lịch sử, văn hóa khá lâu đời và nổi tiếng không chỉ với các công trình kiến trúc hoành tráng, các kiệt tác nghệ thuật mang dấu ấn văn hóa, lịch sử qua các thời kỳ, mà còn bởi sự khác biệt trong kỹ thuật xây dựng công trình, giao thông đi lại, bởi phong cảnh thơ mộng, nghệ thuật thủ công truyền thống và nhiều nét đặc trưng riêng biệt khác. Venice được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1987 và đã nhiều năm được các tổ chức có uy tín bình chọn nằm trong Top 20 di sản đẹp nhất thế giới. Với sự nổi tiếng của mình, hàng năm Venice được đón một lượng khách du lịch lớn hơn rất nhiều lần dân số bản địa và số này ngày càng tiếp tục gia tăng. Về mặt kinh tế, các hoạt động du lịch đem lại cho Venice nguồn thu rất lớn. Tuy nhiên, sự gia tăng về số lượng khách đã đặt Venice đối diện với những nguy cơ tiềm ẩn về tính bền vững trong phát triển du lịch. Số khách thực tế đến Venice nay đã khoảng gần 30 triệu lượt/năm, vượt gấp gần 3 lần so với sức chứa tối đa của du lịch thành phố. Lượng khách du lịch quá lớn, lại mang tính mùa vụ cao đã khiến dịch vụ ở Venice luôn trong tình trạng quá tải cùng với nguy cơ các công trình, di sản bị xuống cấp và ô nhiễm môi trường ngày càng khó kiểm soát. Các nghiên cứu còn cho rằng, dưới tác động của sự quá tải về lượng khách cùng những hoạt động du lịch của các du khách này, Venice sẽ có nguy cơ bị chìm lún nhanh hơn nhiều so với hiện nay. Một số sáng kiến, giải pháp đã được Chính phủ Ý, chính quyền địa phương đưa ra trong đó có những ý tưởng về việc cần giảm tính thời vụ của du lịch hoặc phải có chính sách hạn chế số lượng khách đến Venice, song vẫn còn nhiều tranh luận do sự co kéo của các quan điểm. Tổ chức “World Monument Fund” chuyên về bảo tồn di sản đã xếp Venice là một trong số 69 di tích lịch sử, văn hóa và khai quật tầm cỡ thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng [Engelbert Ruoss, Loredana Alfarè, 2013 [6].
– Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa ở làng cổ Đường Lâm – những vấn đề cần suy nghĩ: Làng cổ Đường Lâm (thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) có diện tích 164ha, dân số hơn 6.000 người. Với một quần thể di tích phong phú, nhiều di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, nhiều ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt, những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và cảnh quan thiên nhiên, Đường Lâm được ghi nhận là làng Việt cổ điển hình vùng đồng bằng sông Hồng và được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật quốc gia.
Từ khi được xếp hạng, lượng du khách về tham quan làng cổ tăng nhanh. Một số nhà cổ đã được hướng dẫn và tham gia làm du lịch theo mô hình du lịch cộng đồng cải thiện đời sống.
Tuy nhiên, nhiều vướng mắc, bất hợp lý ngày càng lớn trong quản lý di tích gắn với phát triển du lịch đã khiến người dân địa phương, từ tự hào về ngôi làng của mình, dần trở nên bức xúc, và đỉnh điểm là sự kiện tháng 4/2013, một số người dân làng cổ cùng ký “đơn xin trả lại danh hiệu di sản” với lý do: Không những không được hưởng lợi từ danh hiệu di sản và du lịch làng cổ mà còn phải chịu nhiều ràng buộc khắt khe và không hợp lý kéo dài ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống.
Sự kiện này đã được báo chí phản ánh khá nhiều và nhìn nhận từ góc độ phát triển du lịch bền vững cho thấy một số vấn đề sau:
+ Danh hiệu di tích quốc gia và những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan thiên nhiên của làng cổ tạo nên thương hiệu, là những điểm mạnh, cơ hội và điều kiện quý giá cho phát triển du lịch bền vững. Thương hiệu, các điểm mạnh và cơ hội này đã phần nào được du lịch khai thác ở khía cạnh kinh tế, đem lại nguồn thu cho du lịch. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế từ du lịch làng cổ còn thấp.
+ Công tác bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch đạt được một số kết quả. Song trên thực tế, việc triển khai các hoạt động bảo tồn còn hạn chế, bất cập: Chậm có quy hoạch giãn dân để bảo vệ di tích; chậm có quy định cụ thể liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật và kiến trúc khi người dân có nhu cầu sửa chữa nhà cổ; số di tích được Nhà nước đầu tư trùng tu còn ít; chưa có sự thống nhất và công bằng trong quản lý và xử lý những trường hợp vi phạm quy định về sửa chữa nhà, dẫn đến các công trình lai tạp ngày càng nhiều, mất dần tính nguyên bản trong kiến trúc làng cổ.
+ Vai trò, quyền lợi gắn với trách nhiệm của người dân địa phương chưa được đảm bảo. Người dân ít được hưởng lợi từ du lịch: tiền thu vé chỉ được trích một phần rất nhỏ cho tôn tạo các di tích; chỉ một số lượng nhỏ gia đình có di tích nhà cổ có thể thu lợi từ du lịch, trong khi tất cả cộng đồng đều cùng phải tuân thủ các quy định khắt khe về bảo tồn làng cổ và cùng phải chịu như nhau một số ngoại ứng tiêu cực từ du lịch làng cổ (ô nhiễm môi trường, đảo lộn sinh hoạt…); chậm có phương án giải quyết các nhu cầu thiết yếu (ở, vệ sinh, môi trường) cho người dân.
Việc làm đơn “xin trả lại danh hiệu làng cổ” chỉ là phản ứng tiêu cực về nhận thức của một số người dân địa phương. Tuy nhiên, qua sự việc này và phân tích các hoạt động du lịch gắn với bảo tồn di tích làng cổ ở Đường Lâm cho thấy các nguyên tắc phát triển du lịch bền vững cần được chú trọng hơn trong tổ chức các mô hình du lịch tương tự nói riêng và trong mọi hoạt động du lịch nói chung [Nguyễn Văn Mạnh, 2008 [7], Bùi Thị Hải Yến, 2006 [8].
3. Kinh nghiệm rút ra cho phát triển du lịch bền vững
Từ mô hình phát triển du lịch bền vững và không bền vững của các địa phương trong nước và quốc tế có thể rút ra những kinh nghiệm thực tế về phát triển du lịch bền vững:
– Tài nguyên du lịch là lợi thế rất quan trọng của phát triển du lịch nhưng việc khai thác quá mức vì mục tiêu kinh tế tất yếu dẫn đến nhanh chóng cạn kiệt nguồn lực này, điều đó làm cho du lịch không thể phát triển bền vững.
– Để du lịch phát triển bền vững, đồng thời với việc khai thác tài nguyên du lịch các địa phương cần có các giải pháp bảo vệ và tôn tạo các tài nguyên du lịch quan trọng như cảnh quan thiên nhiên, các công trình và di sản văn hóa của địa phương.
– Các mô hình du lịch bền vững đều dựa trên quy hoạch hợp lý của địa phương. Quy hoạch phát triển du lịch bền vững phải trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc phát triển du lịch bền vững; phân tích, đánh giá đúng tiềm năng, hiện trạng tài nguyên du lịch, các nguồn lực phát triển du lịch; luận chứng phù hợp các phương án phát triển du lịch bền vững, cân đối giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường và phải có tính ổn định lâu dài. Có sự triển khai nghiêm túc, nhất quán, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch.
– Để phát du lịch bền vững, các địa phương cần thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực và chiến lược phát triển du lịch dài hạn.
– Vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng dân cư liên quan đến các tài nguyên du lịch địa phương cần được đảm bảo đầy đủ, nghiêm túc và tích cực.
Cộng đồng địa phương nơi có điểm du lịch phải được tham gia, được ghi nhận ý kiến trong quá trình xây dựng quy hoạch, xây dựng các chính sách về du lịch có liên quan trực tiếp đến cộng đồng; được bảo đảm các quyền lợi cả trong quá trình xây dựng và thực hiện các dự án du lịch (được bồi thường thỏa đáng khi bị ảnh hưởng, được hỗ trợ, tạo điều kiện về sinh kế, ổn định cuộc sống); được ưu tiên khi tham gia tuyển dụng lao động cho các hoạt động du lịch trên địa bàn, được tham gia và chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch, được đảm bảo môi trường sống bằng hoặc tốt hơn so với trước khi có hoạt động du lịch trên địa bàn; có trách nhiệm trực tiếp góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, bảo vệ các giá trị văn hóa bản địa.
– Liên kết, hợp tác để xây dựng chuỗi các dịch vụ có chất lượng hợp lý từ vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, ăn uống… tại các khu du lịch tập trung để thu hút khách du lịch và tăng thu nhập từ các dịch vụ đó cho địa phương và doanh nghiệp.
– Quảng bá, tuyên truyền những sản phẩm, địa danh nổi tiếng có thương hiệu của du lịch địa phương là giải pháp quan trọng để thu hút khách du lịch bền vững.
Tài liệu tham khảo
[1]. Dương Hoàng Hương (2017). Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ.
[2] Nguyễn Thị Phương Linh (2015), “Kinh nghiệm cải tạo, phát triển du lịch đảo Nami để trở thành điểm du lịch tiêu biểu Hàn Quốc”, http://www.itdr.org.vn
[3] Pha Lê (2016), “10 top destinations in central Viet Nam”,
[4] Phạm Côn Sơn (2010), Cẩm nang Du Lịch – Đà Nẵng Hội An Mỹ Sơn nơi ước hẹn, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
[5] Phan Thanh Hải (2013), “Cố đô Huế – 20 năm bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch”, http://dantri.com.vn
[6] Engelbert Ruoss, Loredana Alfarè (2013), “Sustainable tourism as driving force for cultural heritage sites development”, CHERPLAN.
[7] Nguyễn Văn Mạnh (2008), “Phát triển bền vững du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”, Tạp chí Phát triển Kinh tế, (214).
[8] Bùi Thị Hải Yến (2006), Quy hoạch du lịch, Nxb Giáo dục, Hà Nội.