Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI – Foreign Direct Investment), đây là hình thức đầu tư mang tính dài hạn của các nhân hay đơn vị nước này vào một nước khác bằng việc sử dụng vốn FDI để xây dựng các sở kinh doanh, sản xuất, do đó chủ đầu tư sẽ là người nắm quyền quản lý và điều hành mô hình kinh doanh, sản xuất đó để thu lợi nhuận một cách tối đa.
Đầu tư là gì?
Đầu tư là một trong những nhân tố có vai trò quyết định tới sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Đầu tư là việc sử dụng các nguồn lực hiện tại nhằm biến các lợi ích dự kiến thành hiện thực trong tương lai.
Theo Luật đầu tư năm 2014 của Việt Nam: “Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư” [2].
Theo khái niệm này, đầu tư là phải bỏ vốn, đó là các tài sản hữu hình và vô hình để tiến hành các hoạt động đầu tư theo các hình thức được pháp luật cho phép, như vậy tất cả các nhà đầu tư đều được tham gia đầu tư vào các lĩnh vực trong nền kinh tế mà không vi phạm những quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quan niệm này lại chưa phản ánh được mục tiêu của các nhà đầu tư là phải sinh lợi nhuận.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là gì?
Có nhiều cách tiếp cận khác nhau về FDI. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, FDI là “Một khoản đầu tư với những quan hệ lâu dài, theo đó một tổ chức trong một nền kinh tế thu được lợi ích lâu dài từ một doanh nghiệp đặt tại một nền kinh tế khác” [3]. Định nghĩa này nhấn mạnh đến khía cạnh hoạt động đầu tư của FDI.
Theo UNCTAD: FDI bao gồm vốn được cung cấp (trực tiếp hoặc thông qua các công ty liên quan khác) bởi nhà Đầu tư nước ngoài cho các doanh nghiệp, hoặc vốn mà nhà Đầu tư nước ngoài nhận được từ doanh nghiệp mà họ đầu tư ở nước ngoài. FDI gồm có ba bộ phận: vốn cổ phần, thu nhập tái đầu tư và các khoản vay trong nội bộ công ty [4]. Định nghĩa này nhấn mạnh đến khía cạnh vốn đầu tư ở nước ngoài của FDI.
Theo WTO, “FDI xảy ra khi một nhà đầu tư từ một nước (nước chủ đầu tư) có được một tài sản ở một nước khác (nước tiếp nhận đầu tư) cùng với quyền quản lý tài sản đó” [5]. Trong định nghĩa này khía cạnh về mặt quản lý được nhấn mạnh.
Tại khoản 3, Điều 2, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 xác định: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc tổ chức, cá nhân nước ngoài đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền nước ngoài hoặc bất kỳ tài sản nào được Chính phủ Việt Nam chấp thuận để hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hoặc thành lập xí nghiệp liên doanh hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài”. Định nghĩa này nêu khá toàn diện về các đặc tính của FDI.
Luật đầu tư năm 2014 của Việt Nam chỉ rõ: “ Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam” [2], theo đó có thể hiểu FDI là hình thức nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Từ các quan điểm trên, có thể nhận định đầu tư trực tiếp nước ngoài như sau: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài là sự di chuyển vốn, tài sản, công nghệ, kinh nghiệm quản lý từ nước chủ đầu tư sang nước tiếp nhận vốn đầu tư để thành lập hoặc kiểm soát doanh nghiệp nhằm mục đích kinh doanh thu lợi nhuận từ các hoạt động đầu tư đó”.
FDI là một quan hệ kinh tế có nhân tố nước ngoài, bản chất của FDI là: Có sự thiết lập quyền sở hữu về tư bản của công ty của một quốc gia ở một nước khác với mục đích tìm kiếm lợi nhuận lâu dài; Hoạt động FDI có liên quan đến sự kết hợp giữa quyền sở hữu với quyền quản lý các nguồn vốn đã đầu tư; Có kèm theo quyền chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý; Có liên quan đến việc mở rộng thị trường của các công ty đa quốc gia.
Đặc điểm của đầu tư trực tiếp nước ngoài [6]:
Thứ nhất, mục đích hàng đầu của FDI là tìm kiếm lợi nhuận. Trong khi các hình thức đầu tư gián tiếp thu được lợi tức tài chính ổn định, nguồn thu của nhà đầu tư hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mà họ đầu tư vốn, vì vậy thu nhập mà chủ đầu tư nhận được là thu nhập từ kinh doanh và kém ổn định hơn. Xét về mặt tích cực, nhà đầu tư được tự chủ hoàn toàn trong hoạt động kinh doanh của mình, toàn quyền ra quyết định về tài chính và chịu trách nhiệm lãi, lỗ với khoản đầu tư. Đó chính là động lực thúc đẩy các nhà đầu tư tập trung đưa ra những quyết định phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và cũng là lý do các dự án FDI thường đạt được hiệu quả kinh doanh cao hơn so với các hình thức đầu tư khác.
Thứ hai, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên tham gia phụ thuộc vào tỷ lệ vốn góp, theo đó rủi ro và lợi nhuận cũng sẽ được san sẻ cho các bên. Nếu nhà Đầu tư nước ngoài đầu tư 100% vốn thì họ có toàn quyền quản lý và điều hành công ty. Trong trường hợp liên doanh, nhà đầu tư có quyền tham gia điều hành theo mức độ vốn góp của mình.
Thứ ba, FDI thường đi kèm với việc chuyển giao công nghệ cho quốc gia tiếp nhận đầu tư. Khi thực hiện hoạt động Đầu tư nước ngoài, bên cạnh vốn bằng tiền và các tài sản hữu hình như máy móc, thiết bị, bất động sản…, nhà đầu tư còn mang theo quy trình công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, các phát minh sáng chế, kinh nghiệm và kỹ năng quản lý đến nước chủ nhà. Đây là một trong những điểm trọng yếu mà các nước nơi có địa phương tiếp nhận vốn đầu tư thường hướng tới khi kêu gọi thu hút vốn FDI.
Thứ tư, FDI có tác động trực tiếp và lâu dài tới cơ cấu kinh tế và mức độ phát triển của quốc gia tiếp nhận vốn đầu tư. FDI mang tới cho quốc gia tiếp nhận những công nghệ mới, góp phần tạo lập các lĩnh vực và ngành nghề mới. Sự phát triển của khu vực FDI trong một số ngành, lĩnh vực nhất định sẽ trực tiếp làm thay đổi cơ cấu kinh tế và có tác động lâu dài đến mức độ phát triển của quốc gia tiếp nhận vốn đầu tư.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài [6], [7]
Thu hút vốn FDI là tổng thể các chính sách và biện pháp mà nước (địa phương) tiếp nhận vốn đầu tư thực hiện nhằm khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng đầu tư về số lượng, giá trị dự án FDI đăng kí và thực hiện vào quốc gia (địa phương) tiếp nhận vốn đầu tư.
Đặc điểm của thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào địa phương:
– Chủ thể của thu hút vốn FDI vào địa phương là chính quyền địa phương với thẩm quyền ở cấp tỉnh, đại diện cho lợi ích của địa phương.
– Thu hút vốn FDI vào địa phương được tiến hành trước khi dự án FDI đi vào hoạt động tại địa phương đó.
– Thu hút vốn FDI vào địa phương phụ thuộc vào năng lực và tư tưởng nhận thức của lãnh đạo, hoạt động của cơ quan xúc tiến đầu tư ở địa phương. Địa phương ở cấp tỉnh có phạm vi và lợi thế để thu hút đầu tư là hạn hẹp hơn so với cấp độ quốc gia.
– Thu hút vốn FDI vào địa phương phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các địa phương khác trên cả nước. Những địa phương có điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư như: Sự sẵn có của nguồn lực đầu vào với giá cả cạnh tranh; chất lượng nguồn nhân lực; môi
trường đầu tư thuận lợi, nhất là hiệu lực quản lý theo luật pháp, kết cấu hạ tầng; khoảng cách đến thị trường; chi phí cạnh tranh về vận chuyển,… thì có lợi thế trong thu hút vốn FDI nhiều hơn.
Sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài [6], [7]
Sử dụng vốn FDI bao gồm những hoạt động sau khi đã hình thành dự án, bắt đầu từ khi triển khai thực hiện dự án cho đến khi kết thúc dự án. Đối tượng thực hiện ở đây là các doanh nghiệp FDI.
Đứng trên góc độ quản lý của chính quyền địa phương tiếp nhận vốn đầu tư, sử dụng FDI là việc mang lại hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội của vốn FDI đối với địa phương tiếp nhận vốn đầu tư.
Sử dụng FDI của địa phương tiếp nhận đầu tư được xem xét ở các khía cạnh: Sử dụng FDI với hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội của nơi tiếp nhận vốn FDI.
Đặc điểm sử dụng FDI của địa phương tiếp nhận đầu tư:
Thứ nhất, sử dụng FDI đối với địa phương tiếp nhận đầu tư đem lại những hệ quả về mặt kinh tế và xã hội đối với địa phương tiếp nhận FDI.
Thứ hai, sử dụng FDI phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế chung của từng địa phương, từng vùng và cả nước.
Thứ ba, sử dụng FDI phải gắn liền với việc tạo ra hiệu ứng và tác động lan tỏa đối với kinh tế của địa phương tiếp nhận vốn đầu tư.
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Thanh Tâm (2018). Thu hút và sử dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh Vĩnh Phúc. Luận án tiến sĩ kinh tế. Học viện Khoa học Xã hội – Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội.
2. Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2014), Luật Đầu tư, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. IMF (1993), Balance of payment manual, Fith Edition, Washington DC.
4. UNCTAD (1999), World Investment Report1999, United Nations New York and Geneva.
5. UNIDO FIA Working Paper: Fiscal incentives and enterprise performance.
6. Nguyễn Quỳnh Thơ (2017),“Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Học viện Ngân hàng, Hà Nội.
7. Phùng Xuân Nhạ (2013), Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam: Lý luận và Thực tiễn, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.