Sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, dưới tác động của các nhân tố trong và ngoài nước, Malaysia đã dần đoạn tuyệt với mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu, khai thác tài nguyên, lao động và hiệu quả thấp đã phát huy hết tác dụng trước đây và chuyển sang mô hình tăng trưởng kinh tế mới. Mô hình Kinh tế mới (NEM) không chỉ hướng vào thị trường bên ngoài, mà còn coi trọng hơn việc khai thác thị trường nội địa, phát triển những ngành có năng suất và hiệu quả cao nhờ những cải cách trong giáo dục, y tế và an sinh xã hội, đổi mới khoa học-công nghệ và đảm bảo công bằng xã hội. Mục đích là đưa Malaysia sớm thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành nền kinh tế phát triển, xanh và bền vững vào năm 2020.
1. Những vấn đề đặt ra với mô hình tăng trưởng kinh tế của Malaysia từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu
Từ hơn một thập kỷ trở lại đây, nhất là từ khi nổ ra KHKTTC, thế giới và khu vực đang phải đương đầu với không ít thách thức nghiêm trọng. Tất cả những thay đổi trong bối cảnh quốc tế và khu vực như: Sự tác động của cách mạng khoa học công nghệ; xu hướng chuyển sang nền kinh tế tri thức của các quốc gia; sự ràng buộc của các quốc gia bởi những quy tắc quốc tế khi tham gia vào quá trình hội nhập toàn cầu; sự mở cửa, hợp tác ngày càng sâu rộng giữa các quốc gia, khu vực; giá nguyên vật liệu ngày càng tăng;… đều tác động đến các quốc gia, đòi hỏi các quốc gia phải có những chuyển đổi để ứng phó, thích ứng, tồn tại và phát triển. Malaysia cũng chịu những tác động như vậy của bối cảnh quốc tế và khu vực khiến quốc gia này phải tiến hành chuyển đổi MHTTKT để thích ứng.
Cùng với đó, những vấn đề của bản thân MHTTKT cũ và những đòi hỏi mới ở trong nước cũng là nguyên nhân chính khiến Malaysia chuyển đổi MHTTKT.
Thứ nhất, Malaysia mặc dù là một nước đang phát triển tiên tiến có thành tựu TTKT đầy ấn tượng, song vào đầu thế kỷ XXI cũng đang bị kẹt trong tình trạng khó khăn chung của kinh tế toàn cầu và đang phải tìm cách thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình. Theo đánh giá của các nhà khoa học trong và ngoài Malaysia, sở dĩ quốc gia này rơi vào bẫy thu nhập trung bình là do:
(i) Nước này thiếu ngành “công nghiệp thứ ba”, tức lâu nay họ quá coi trọng những ngành công nghiệp chế tạo dựa vào đầu tư, sử dụng và khai thác tài nguyên thiên nhiên (nhất là dầu mỏ, khí đốt) và lao động có tay nghề thấp;
(ii) do giáo dục thiếu chất lượng, thiếu bí quyết công nghệ;
(iii) do Nhà nước, mà cốt lõi là chính phủ liên minh do Tổ chức Thống nhất Mã Lai (UMNO) đứng đầu, vẫn can thiệp sâu vào nền kinh tế bằng các biện pháp bảo hộ và nâng đỡ các doanh nghiệp lớn, của Nhà nước;
(iv) do nước này “nghiện” MHTTKT hướng về xuất khẩu, với cơ sở hạ tầng kém, thay vì tích cực hướng tới sản xuất theo chuỗi có giá trị gia tăng cao và tìm kiếm bí quyết và công nghệ cần để sản xuất những sản phẩm như thế [2], [3].
Thứ hai, mặc dù ngay từ trước khi nổ ra KHKTTC, Malaysia đã cố gắng đa dạng hoá thị trường xuất khẩu nhằm giúp làm giảm bớt tính dễ tổn thương của nền kinh tế nước này trước các tác động bên ngoài, và gần đây đã có các chính sách nhằm khai thác triệt để thị trường nội địa, song do quy mô tương đối nhỏ của thị trường trong nước, nên tương lai của nền kinh tế Malaysia sẽ tiếp tục phụ thuộc vào sự thành bại kinh tế của một số bạn hàng chính (như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và ASEAN), cho đến nay vẫn tiêu thụ một phần đáng kể xuất khẩu của Malaysia. Để giảm thiểu được tình trạng phụ thuộc đó, không có cách nào khác, Malaysia phải có sự điều chỉnh chiến lược hay mô hình kinh tế đối ngoại.
Thứ ba, với sự cố gắng lâu dài của chính phủ của cựu thủ tướng Mahathir Mohammed, Malaysia được coi là quốc gia đang phát triển tiên tiến nhất trong ASEAN, có cơ sở hạ tầng phát triển hơn cả và nguồn nhân lực được chăm lo trên cả ba phương diện giáo dục, y tế và an sinh xã hội. Tuy vậy, so với mục tiêu đề ra cũng như với yêu cầu phát triển để trở thành “các con Hổ con ở châu Á” [3], những lĩnh vực trên ở Malaysia vẫn được coi là kém phát triển, không phù hợp, và đang là những trở ngại lớn cho sự phát triển của cả nền kinh tế lẫn sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, không những kém phát triển, mà độ bao phủ của hệ thống giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và an sinh xã hội còn rất chênh lệch giữa các vùng và nhóm dân cư. Trong thực tế, những người nghèo ở cả đô thị lẫn các vùng nông thôn và đảo xa của Malaysia rất ít có cơ hội để tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ này, nhất là những dịch vụ chất lượng cao. Điều đó không chỉ tạo ra nguồn nhân lực không như mong đợi, mà còn gây ra sự bất bình đẳng, bất công và hậu quả là bất mãn xã hội ngày càng sâu sắc.
Thứ tư, mặc dù chính trường Malaysia không bị chao đảo mạnh và kéo dài như một vài nước ASEAN láng giềng, song trật tự chính trị trong nước đang thay đổi nhanh chóng và đó cũng là một trong những động lực chính thúc đẩy sự chuyển đổi MHTTKT của nước này. Cụ thể, sau 55 năm tồn tại chính quyền liên minh cầm quyền do một đảng (UMNO) chi phối, nền chính trị Malaysia đòi phải có một chính phủ kiểu mới cho người Malaysia. Trên cơ sở nhận thức được thực trạng và những vấn đề nan giải của nền kinh tế và xã hội của Malaysia, UMNO và chính phủ của Thủ tướng Rajib Tun Razak. kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2009, đã cho rằng, muốn xây dựng được một đất nước thật sự phồn vinh, thì Malaysia phải sẵn sàng thay đổi.
2. Một số định hướng chính trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế
Những định hướng chuyển đổi MHTTKT chủ yếu của Malaysia được thể hiện trong Mô hình Kinh tế mới (New Economic Model – NEM), công bố ngày 30/3/2010, thay cho Chính sách kinh tế mới (New Economic Policy – NEP); và Kế hoạch lần thứ 11 của Malaysia, giai đoạn 2016-2020 (Rancangan Malaysia Kesebelas- RMKe-11). Các chuyển đổi nhằm chuyển từ chính sách dựa vào chủng tộc, ưu tiên cho người gốc Mã Lai sang các chính sách hành động ưu tiên cho giải quyết vấn đề, đáp ứng nhu cầu, từng bước tự do hoá nền kinh tế và loại bỏ dần dần sự bảo hộ và can thiệp quá sâu của Nhà nước, nhằm làm cho kinh tế Malaysia có sức cạnh tranh hơn, thị trường hơn và thân thiện hơn với nhà đầu tư, có tốc độ tăng trưởng cao và có chất lượng, và người dân có thu nhập cao hơn; nhằm đạt được tầm nhìn để biến Malaysia trở thành quốc gia phát triển và có thu nhập cao vào năm 2020.
2.1. Mô hình Kinh tế mới (NEM) được chính phủ Malaysia xây dựng dựa trên ba nguyên tắc chủ yếu sau:
Nguyên tắc thứ nhất là thu nhập cao, có nghĩa là lương cao. Để đạt được điều đó, tăng trưởng cao của Malaysia thời gian tới không chỉ đến từ nhân tố vốn như trước mà chủ yếu đến từ năng suất lao động cao, thông qua việc khai thác các kỹ năng và đổi mới sáng tạo, cải thiện sự hợp tác giữa các tầng lớp, xây dựng thương hiệu có uy tín và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Nguyên tắc thứ hai là cam kết đạt được sự tăng trưởng bền vững không chỉ trong các hoạt động kinh tế của đất nước, mà còn trong tác động của phát triển kinh tế đến môi trường và các nguồn tài nguyên quý giá của đất nước. Có nghĩa là thay vì tập trung vào các ngành công nghiệp khai thác và công nghiệp chế tạo cần nhiều tài nguyên thiên nhiên và lao động rẻ ít được đào tạo, mà sẽ chuyển dần sang xây dựng các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có thể kết nối được với các mạng sản xuất toàn cầu và khu vực, và các ngành công nghiệp thứ ba như tài chính, tín dụng đạo Hồi và du lịch.
Nguyên tắc thứ ba là phải tạo được sự đồng thuận và thu hút được sự tham gia của toàn xã hội, không ai bị gạt ra khỏi tiến trình phát triển của đất nước, được tạo cơ hội để đóng góp vào việc tạo ra và chia xẻ sự giàu có của đất nước. Tất cả người Malaysia, bất kể chủng tộc và nguồn gốc xuất thân, đều có cơ hội và nghĩa vụ đóng góp và được tận hưởng công bằng những kết quả của tăng trưởng kinh tế. NEM sẽ thu hẹp chênh lệch giữa nhóm 40% dân số ở đáy bậc thang kinh tế-xã hội với các giai tầng khác trong một khoảng thời gian hợp lý, bằng cách giúp họ tận dụng được những cơ hội để đảm bảo có việc làm tốt hơn, nâng cao được năng suất lao động và tham gia vào các kinh doanh mạo hiểm và các hoạt động kinh tế khác để nâng cao được thu nhập của họ. Những lợi ích của nền kinh tế thu nhập cao gồm sức mua cao hơn và chất lượng sống tốt hơn, bảo trợ xã hội và chăm sóc sức khoẻ có chất lượng,…
2.2. Những định hướng chuyển đổi
Ba nguyên tắc chủ yếu trên của NEM sẽ được thực hiện thông qua Chương trình thay đổi kinh tế (Economic Transformation Program – ETP), được phát triển và hoàn chỉnh trên cơ sở Tầm nhìn 2020 (Wawasan 2020) được đề ra từ đầu những năm 2000, với 8 sáng kiến cải cách chiến lược sau đây [3]:
(1) Chú trọng hồi sinh và phát triển khu vực tư nhân để khu vực này có thể đảm nhiệm được vai trò dẫn dắt quá trình tăng trưởng kinh tế;
(2) Phát triển lực lượng lao động chất lượng cao;
(3) Tạo ra một nền kinh tế nội địa có sức cạnh tranh cao;
(4) Làm cho khu vực kinh tế công hợp lý hoá và có hiệu quả hơn với tư cách là người tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân, thay vì trước đây các tổng công ty lớn gắn với nhà nước được coi là đối thủ cạnh tranh;
(5) Quyết tâm xây dựng một nền kinh tế minh bạch, thân thiện với thị trường, dựa vào thành tựu (merit-based), và tuỳ thuộc vào nhu cầu (conditioned on need);
(6) Xây dựng cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế tri thức;
(7) Tăng cường thêm các nguồn tăng trưởng;
(8) Đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Phân tích kỹ ta thấy, tám sáng kiến cải cách trên thực chất thể hiện những định hướng cải cách chủ yếu sau:
Thứ nhất, Malaysia sẽ tập trung đạt được sự tăng trưởng thông qua việc nâng cao năng suất lao động, chứ không phải dựa nhiều vào tích luỹ, mặc dù không coi nhẹ đầu tư. Malaysia sẽ chuyển hướng sang phát triển mạnh các quy trình sáng tạo và công nghệ mũi nhọn làm cơ sở chắc chắn nhất để tạo ra được những hàng hoá và dịch vụ có giá trị gia tăng cao trong tương lai.
Thứ hai, Malaysia sẽ hướng tới một sự TTKT do khu vực tư nhân dẫn dắt và lấy thị trường làm động lực phát triển, thay vì do đầu tư công thông qua các tổng công ty nhà nước lớn thống trị trong một số lĩnh vực kinh tế. Trong tương lai, nhà nước chỉ tập trung vào việc tạo sân chơi bình đẳng (môi trường pháp lý và cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội) cho các doanh nghiệp và người dân tham gia đóng góp vào tiến trình đổi mới của đất nước. Cụ thể, đầu tư của nhà nước chỉ dành cho các dự án về cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) và ngay cả trong các lĩnh vực này, nhà nước cũng kêu gọi sự hợp tác đầu tư của khu vực tư nhân dưới hình thức hợp tác công tư (PPP). Theo thủ tướng Najib, về cơ cấu ngành, nền kinh tế Malaysia sẽ giảm dần sự phụ thuộc quá nặng vào các ngành công nghiệp dầu mỏ và khí gas cũng như vào các công việc không cần kỹ năng trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Từng bước phát triển các ngành tiêu biểu cho nền kinh tế trí thức, trong đó có công nghệ thông tin, các ngành điện và điện tử, các ngành công nghiệp dựa vào nguồn nguyên liệu dầu cọ, dầu mỏ, khí đốt, nhiên liệu sinh học, hàng tiêu dùng, du lịch và nông nghiệp. Malaysia quyết tâm phấn đấu chiếm lĩnh vai trò dẫn đầu trong công nghệ xanh bằng cách phát triển các dịch vụ, công nghệ và các ngành công nghiệp xanh có giá trị cao và phấn đấu trở thành một trung tâm sinh học hàng đầu thế giới. Tuy vậy, đồng thời với việc đánh giá cao sức mạnh của các ngành cũng như lĩnh vực chủ chốt, thủ tướng Rajib vẫn khẳng định dứt khoát, chính phủ sẽ không nắm độc quyền những ngành sẽ dẫn dắt tăng trưởng, mà phải giảm dần sự can dự của khu vực công vào những hoạt động cạnh tranh trực tiếp với khu vực tư nhân.
Thứ ba, chính phủ sẽ phân quyền cho các địa phương trong việc ra các quyết định. Điều đó có nghĩa là các nhà chức trách bang và địa phương sẽ được giao quyền và chịu trách nhiệm phát triển và hỗ trợ nhiều hơn cho các sáng kiến riêng của mình. Bởi vì chính họ, chứ không phải ai khác, mới là những người hiểu rõ được điều kiện, hoàn cảnh, nhu cầu và năng lực của chính mình. Do đó, không ai, ngoài họ, có thể hiểu sát và thực tiện tốt hơn các vấn đề và các quyết sách của mình.
Thứ tư, Malaysia sẽ khuyến khích sự phát triển của các địa phương và các nền kinh tế vùng bằng cách xây dựng hoặc dưới hình thức các cụm liên kết ngành hoặc các hành lang kinh tế – để khai thác các nền kinh tế quy mô, và do vậy giảm bớt tình trạng quá tập trung sức mạnh kinh tế, đông chật và tắc nghẽn ở một vài đại đô thị, tiến tới tạo ra sự phát triển đồng đều trên khắp cả nước.
Thứ năm, tiếp tục hỗ trợ khu vực công nghiệp tư nhân chừng nào sự hỗ trợ đó hướng đến sự sáng tạo, chấp nhận mạo hiểm kinh doanh, và các hàng hoá và dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Chính nguyên tắc chung đó sẽ định hướng cho sự hỗ trợ chứ không phải những nguyên tắc “chọn kẻ thắng” trước đây.
Thứ sáu, Malaysia hoan nghênh tài năng đến từ mọi nơi. Bất cứ người nào, dù trong hay ngoài nước, dù xuất thân từ tầng lớp và chủng tộc nào, nếu có thể và có nguyện vọng đóng góp được cho sự chuyển đổi của Malaysia sang một nền kinh tế sáng tạo, có giá trị gia tăng cao, đều được chấp nhận và hoan nghênh.
Thứ bảy, Malaysia cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi và Malaysia cũng cần phải thích ứng, phải xác định rõ vị trí của mình trong nền kinh tế đó, và phải định hướng lại chiến lược phát triển của mình cho phù hợp. Suốt thế kỷ XX, các cường quốc kinh tế mạnh nhất của thế giới là Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản, nên Malaysia, cũng như nhiều nước khác, đã hướng các mạng lưới sản xuất và cung cấp của mình sang phục vụ các thị trường này. Ngày nay, trung tâm TTKT thế giới đang chuyển dần về phía Đông, và Malaysia cần phải phát triển các mạng lưới khu vực mới, tập trung quanh các nền kinh tế đang nổi lên nhanh chóng ở châu Á.
3. Một số chuyển đổi thực tế sau khủng hoảng
Để thực hiện những định hướng chuyển đổi MHTTKT sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Malaysia đã thực hiện những điều chỉnh chủ yếu sau:
Thứ nhất, cải cách thể chế, nâng cao tính minh bạch của nền kinh tế. Để thực hiện chính sách tự do hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính phủ Malaysia đã thi hành những cải cách thể chế trên tất cả các lĩnh vực đầu tư, tài chính, môi trường kinh doanh. Trong lĩnh vực đầu tư, nhà nước chủ trương duy trì môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích khu vực tư nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hàng năm, chính phủ sẽ thu nhận các kênh thông tin phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc tổ chức các cuộc đối thoại nhằm điều chỉnh kịp thời các chính sách [4].
Thứ hai, điều chỉnh chính sách kinh tế. Do những tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu; cùng với đó là những yêu cầu mới đặt ra khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập, chính phủ Malaysia đã có những điều chỉnh chính sách cho phù hợp với bối cảnh phát triển mới của khu vực. Điều chỉnh chính sách rõ rệt nhất chính là việc Hội đồng Tư vấn Kinh tế Quốc gia (NEAC) Malaysia đã đưa ra chính sách kinh tế với tên gọi “Mô hình Kinh tế Mới” (NEM) vào tháng 3/2009. Tiếp đó, tháng 6/2010, Malaysia đã thông qua Kế hoạch Malaysia thứ 10 (TMP, 2011-2015). Và gần đây nhất là Kế hoạch Malaysia thứ 11 (RMKe-11, 2016- 2020). Có thể nói, cả NEM, TMP và RMKe-11 đều đưa ra các chiến lược và chính sách phát triển kinh tế phù hợp với Kế hoạch Tổng thể của AEC và tình hình của đất nước. Mục tiêu chủ yếu của toàn bộ điều chỉnh chính sách được đưa ra là thực hiện chuyển đổi Malaysia từ một nước thu nhập trung bình thành một nước phát triển vào năm 2020 với các chương trình chuyển đổi kinh tế, xã hội và chính phủ. Theo đó, khuôn khổ chính sách của chuyển đổi dựa trên 4 trụ cột:
(i) Một nước Malaysia (One Malaysia) với mục tiêu duy trì và nâng cao sự thống nhất trong đa dạng;
(ii) Chương trình Chuyển đổi Kinh tế (ETP) với mục tiêu theo đuổi là NEM, được ban hành tháng 3/2010;
(iii) Thực hiện các mục tiêu của các Kế hoạch Malaysia lần thứ 10, 11. Trong đó, phần trụ cột quan trọng nhất chính là ETP và NEM với các mục tiêu: Một quốc gia thu nhập cao (GDP đầu người đạt khoảng 15.000 – 20.000 USD vào năm 2020), các cộng đồng tộc người đều được hưởng lợi ích từ thành quả của sự tăng trưởng, một quốc gia phát triển bền vững, đáp ứng đủ các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến các thế hệ tương lai.
Với các chương trình và mục tiêu đặt ra, những điều chỉnh chính sách kinh tế của chính phủ Malaysia cho phù hợp với bối cảnh hội nhập mới thể hiện ở 3 nội dung:
(i) Những điều chỉnh không chỉ giải quyết các vấn đề về cơ cấu kinh tế mà vấn đề quan trọng hơn là cải cách thể chế, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp;
(ii) điều chỉnh chính sách không chỉ tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn duy trì mức tăng trưởng bền vững, chú trọng đến công bằng xã hội và công bằng giữa các tộc người;
(iii) điều chỉnh chính sách không chỉ phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao mà quan trọng hơn là chú trọng đến chất lượng và nâng cao hiệu quả của tăng trưởng…
Như vậy, nội dung của điều chỉnh chính sách kinh tế của Malaysia sau KHKTTC và trong hội nhập AEC được thể hiện tập trung ở việc triển khai các biện pháp chính sách bao gồm: Chuyển đổi thông qua nâng cao năng lực cho khu vực tư nhân, tìm kiếm các nguồn lực tăng trưởng mới; tập trung phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi khu vực công thông qua cải cách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh, nâng cao quá trình đổi mới, thu hẹp khoảng cách phát triển, tạo ra một xã hội thống nhất, hài hoà,… Trong đó, những điều chỉnh chính sách sẽ tập trung vào việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp như:
(i) Loại bỏ các rào cản đối với việc cấp phép đầu tư cho cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thực hiện giảm chi phí kinh doanh. Đảm bảo môi trường công bằng cho các nhà đầu tư như quyền kinh doanh, sở hữu, đảm bảo các nguyên tắc của luật pháp, sở hữu trí tuệ…;
(ii) Thúc đẩy cạnh tranh qua tự do hoá và giảm điều tiết với việc thông qua luật cạnh tranh, đảm bảo tự do hoá cho tất cả các khu vực, giá cả thị trường minh bạch và công bằng;
(iii) Tạo điều kiện để khu vực tư nhân tham gia vào chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Chính phủ sẽ đóng vai trò trung tâm trong các nỗ lực giúp các doanh nghiệp liên kết vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong “Mô hình kinh tế mới” và các Kế hoạch 10, 11, Malaysia sẽ tập trung vào những nguồn lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế với cách tiếp cận mới, dựa trên động lực tăng trưởng là khu vực tư nhân, tăng năng suất lao động, hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho các ngành, phát triển các cụm và hành lang kinh tế.
Bên cạnh việc khuyến khích phát triển khu vực tư nhân và các doanh nghiêp, chính sách phát triển mới của Malaysia tập trung phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, hệ thống giáo dục tương lai của Malaysia được dẫn dắt bởi các ưu tiên tăng trưởng của quốc gia và đạt được tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Điểm quan trọng hàng đầu là hệ thống giáo dục quan tâm đến nhu cầu của các ngành và đào tạo ra những học sinh với kỹ năng theo yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, hệ thống đó cũng đề ra mục tiêu phải xây dựng được các tài năng của quốc gia từ giáo dục tiểu học, trung học đến đào tạo nghề, kỹ thuật và đại học. Nội dung thứ 2 của phát triển nguồn nhân lực là đào tạo và tái tạo lại kỹ năng cho lực lượng lao động. Đây là một bộ phận tạo ra các tài năng quốc gia bên cạnh nguồn từ hệ thống giáo dục. Nội dung thứ 3 của phát triển nguồn nhân lực là thu hút các tài năng trên toàn cầu. Theo đó, chính phủ và khu vực tư nhân sẽ cùng nhau làm việc để tạo các điều kiện thu hút các tài năng người Malaysia đang làm việc ở nước ngoài và các tài năng người nước ngoài về làm việc ở đất nước với các đãi ngộ như nhà ở cho họ và gia đình, các thủ tục nhập cư, cấp phép làm việc đơn giản hơn.
Một trong những nội dung quan trọng khác của điều chỉnh chính sách của Malaysia là thực hiện chuyển đổi khu vực công. Quá trình chuyển đổi khu vực công ở Malaysia trước hết được tập trung vào việc cải thiện quá trình ra quyết định, thực hiện cách tiếp cận một chính phủ toàn tâm toàn ý cho việc cung cấp các dịch vụ; kết cấu lại các cơ quan chủ chốt của chính phủ. Nội dung thứ hai của chuyển đổi khu vực công là thực hiện những cải cách nhằm phân phối dịch vụ công có hiệu quả bao gồm: Xây dựng một chính phủ trong sạch, có tính xây dựng, đảm bảo việc thiết kế các chính sách hiệu quả, xây dựng một hệ thống giám sát với sự tham gia không chỉ là các cơ quan của chính phủ mà còn có các tổ chức phi chính phủ như các hãng tư nhân, các nhóm xã hội dân sự, nâng cao vai trò của kiểm toán, đấu tranh chống tham nhũng. Bên cạnh đó, việc tăng cường quản lý tài chính công cũng chú trọng đến các giải pháp như đa dạng hóa nguồn thu của chính phủ, hợp lý hóa các khoản trợ cấp, các khuyến khích về thuế, cải thiện quản lý ngân sách, đảm bảo tính minh bạch của hệ thống tài khóa. Trong năm 2011 và 2012, chính phủ Malaysia cũng đã yêu cầu Tập đoàn Khazanah, cánh tay đầu tư của chính phủ, phải thoái vốn ra khỏi Công ty bưu điện quốc gia, còn Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Nhà nước, Petronas, cũng đã được yêu cầu xác định hai công ty con sẽ được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán trong năm 2012.
Đồng thời, chính phủ Malaysia cũng đang xem xét các biện pháp tư nhân hoá có liên quan đến nhiều công ty gắn với chính phủ khác nữa, và tập trung vào tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho khu vực tư nhân. Ngoài ra, thực tế vài năm qua cũng cho thấy, trừ rất ít ngoại lệ, Malaysia cũng đang dần dần chấm dứt tình trạng kiểm soát giá cả và trợ cấp, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, thực phẩm và thực thi một số loại thuế gián tiếp mới (như thuế dịch vụ và hàng hoá) (Từ nhiều năm qua, ngân sách của chính phủ Malaysia luôn phụ thuộc nặng vào các nguồn thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt, trong khi các khoản trợ cấp lại chiếm tỉ lệ cao trong các khoản chi tiêu chính phủ. Không những thế, trong tổng thu nhập của chính phủ, phần của tất cả các khoản thuế trực tiếp luôn chiếm một tỉ trọng lớn, tới 72,1% năm 2015, và 74,7% năm 2017 [58]. Do đó, việc áp dụng thuế hàng hoá và dịch vụ (GST) như dự kiến sẽ giúp đa dạng hoá cơ sở thuế ra khỏi các loại thuế trực tiếp. GST cũng có thể cho phép thuế suất thuế thu nhập công ty giảm xuống). Malaysia đã cũng đã bắt đầu cải tổ hệ thống kinh tế dựa vào chủng tộc tồn tại suốt hơn 40 năm đã gây trở ngại cho FDI.
Cùng với chuyển đổi khu vực công, Malaysia thực hiện nâng cao quá trình đổi mới, xây dựng cơ sở hạ tầng và năng lực tri thức bao gồm: Tạo ra một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp sử dụng nhân công có kỹ năng, xây dựng lại các quỹ đầu tư, hỗ trợ các doanh nhân; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị, tạo ra mối quan hệ giữa nghiên cứu và triển khai, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ… ; thiết lập các cơ quan, trung tâm nghiên cứu công nghệ, triển khai Mô hình Đổi mới Quốc gia năm 2007, đảm bảo cân bằng giữa đổi mới do công nghệ chi phối với các chính sách do thị trường điều tiết.
Malaysia đề ra chính sách thu hẹp khoảng cách phát triển. Những đổi mới chính sách nhằm giảm bất bình đẳng và chênh lệch phát triển giữa các khu vực bao gồm: Giảm những khác biệt về thu nhập thông qua các chương trình hỗ trợ cho các nhóm người bất lợi, tập trung vào nhóm 40% thu nhập thấp nhất; giảm sự khác biệt giữa các khu vực với các giải pháp phát triển có hiệu quả các cụm kinh tế; nâng cao khả năng tiếp cận các cơ hội một cách công bằng và bình đẳng, như cơ hội về việc làm, giáo dục, y tế, cơ hội kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội,… Ngoài ra là các giải pháp về thúc đẩy tính cạnh tranh, gắn với thị trường, các thủ tục và tiêu chuẩn minh bạch,…
Đồng thời, nhằm từng bước tạo ra sự đồng thuận trong toàn xã hội và thu hút được sự tham gia bình đẳng của mọi tầng lớp dân cư vào tiến trình phát triển đất nước, Malaysia đã và đang có các chính sách:
(i) khuyến khích người Malaysia, nhất là những người có trình độ chuyên môn cao, đang làm việc ở nước ngoài về nước;
(ii) Xem xét lại các quy định phân biệt đối xử về chủng tộc trong Chính sách Kinh tế mới (NEP) và thi hành một số chính sách và chế độ mới để từng bước loại bỏ bớt các đặc quyền của người Bumiputra và nhấn mạnh đến tính minh bạch, coi trọng thành tựu (merit), và tập trung vào giải quyết vấn đề và nhu cầu. Theo thủ tướng Najib, người gốc Mã vẫn được hưởng lợi nhờ chính phủ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ và ưu tiên cho người nghèo khó (mà phần đông là người gốc Mã), song chính phủ cũng sẽ giúp đỡ những nhóm bất lợi trong các chủng tộc khác. Ông khẳng định: “Ưu tiên trước hết của chúng ta phải là xoá nghèo, bất kể chủng tộc. Chúng ta không thể có thu nhập cao, có nền kinh tế bền vững và thu hút được sự tham gia của mọi tầng lớp trong xã hội, nếu chúng ta không tìm cách loại bỏ được tình trạng bất bình đẳng thu nhập” [3].
Chính phủ cũng đã tiến hành đầu tư mạnh vào việc nâng cấp và phát triển các cơ sở hạ tầng theo Chương trình chuyển đổi kinh tế (ETP), nhờ đó đầu tư công (chủ yếu cho cơ sở hạ tầng) năm 2017 đã tăng 14,1% so với năm 2016 [2].
Ngoài việc nỗ lực vực dậy và khai thác nhu cầu của thị trường trong nước, Chính phủ Malaysia vài năm qua còn tiến hành đa dạng hoá thị trường xuất khẩu bằng cách nhanh chóng chuyển hướng thị trường xuất khẩu từ các nước truyền thống như EU, Bắc Mỹ sang các thị trường khác như châu Á, Trung Đông.
Thứ ba, tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ. Sau khủng hoảng TCTC, Malaysia đã xác định đây là chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế tri thức. Các chính sách mới của nước này tập trung vào đầu tư phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo; điều chỉnh phân phối lại lực lượng lao động; tăng cường thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình đào tạo, trong đó có cả đào tạo ở nước ngoài. Phát triển con đường hướng nghiệp cho công nhân kỹ thuật để họ có được lao động lành nghề.
Thứ tư, đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế khu vực. Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, Malaysia là một trong những quốc gia đi đầu trong ASEAN đưa ra sáng kiến đấy nhanh tiến trình liên kết kinh tế khu vực. Đối với việc thực hiện AFTA, Malaysia đã chủ trương:
(i) Phân loại các lĩnh vực ưu tiên thành nhóm các sản phẩm có mức độ hội nhập nhanh, trung bình, và sẽ dỡ bỏ dần sự bảo hộ đối với các sản phẩm này;
(ii) thực hiện các chính sách phân biệt có chủ ý nhằm phát huy năng lực cạnh tranh của các sản phẩm mà nước này có thế mạnh và nâng dần các sản phẩm có mức độ hội nhập trung bình và thấp thông qua chính sách đa dạng hóa sản phẩm, áp dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực quản lý, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, thực hiện các biện pháp ưu đãi, khuyến khích,…
Đối với thị trường ngoài khu vực, Malaysia đặc biệt chú trọng khai thác thị trường các nền kinh tế mới nổi đó là Trung Quốc, Ấn Độ và các nước đang phát triển khác. Bên cạnh đó, trước trào lưu gia tăng của các hiệp định tự do thương mại song phương (FTA) của các nước trong khu vực, Malaysia cũng đã tiến hành các cuộc đàm phán ký kết với Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Australia, New Zealand,…
4. Đánh giá về chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế ở Malaysia
4.1. Những thành tựu chủ yếu
Có thể nói chương trình chuyển đổi kinh tế là một sáng kiến của chính phủ Malaysia. Chương trình là một kế hoạch chuyển đổi kinh tế toàn diện để thúc đẩy nền kinh tế Malaysia trở thành nền kinh tế có thu nhập cao. Chương trình này đã thu được những thành tựu cơ bản:
– Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người cho thấy nền kinh tế Malaysia đang trong quá trình tăng trưởng mạnh. Năm 2009, sau khủng hoảng KTTC, GDP bình quân đầu người của Malaysia chỉ đạt hơn 8.500 USD/người/năm, thì trong các năm sau đó, chỉ số này liên tục tăng, đến 2016 đã đạt hơn 11.000USD/người/năm. Và Chính phủ Malaysia đã đặt mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người của nước này lên mức 15.000 USD/năm kể từ năm 2019, hướng tới mục tiêu đưa Malaysia vào danh sách các nước có thu nhập cao trong năm 2020.
Đơn vị: 1000 USD
Thu nhập bình quân đầu người của Malaysia, giai đoạn 2007 – 2016
– Các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều đạt được những thành tựu đáng kể:
+ Lĩnh vực nông nghiệp: Malaysia là nước điển hình có ngành nông nghiệp đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Nông nghiệp đóng vai trò cung cấp lương thực, thực phẩm và trở thành ngành mũi nhọn cung cấp nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp chế biến, phục vụ mục tiêu xuất khẩu. Nhờ phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp còn góp phần tạo nên sự đồng nhất quốc gia, giải quyết đói nghèo và bất bình đẳng xã hội.
+ Các ngành dịch vụ ở Malaysia ngày càng trở nên quan trọng đối với nền kinh tế (năm 2017, dịch vụ chiếm 54,3% GDP). Sự phát triển chung của ngành dịch vụ là một phần của chiến lược phát triển quốc gia để liên doanh với các khu vực tăng trưởng mới và mở rộng cơ sở kinh tế cho xuất khẩu. Ngành này sẽ cung cấp cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững trong nền kinh tế để đạt được tầm nhìn trở thành một nước phát triển vào năm 2020. Theo IMP3, các dịch vụ phi chính phủ được nhắm mục tiêu phát triển với tốc độ hàng năm là 7,5%. Dịch vụ xây dựng cũng dự kiến sẽ tăng 5,7% mỗi năm. Chính phủ Malaysia cũng dự kiến sẽ đầu tư gần 687,7 tỷ RMB hoặc 228.384 tỷ đô la Mỹ trong vòng mười lăm năm tới vào các dịch vụ riêng lẻ.
+ Lĩnh vực công nghiệp là một yếu tố không kém quan trọng của nền kinh tế Malaysia. Năm 2017, ngành công nghiệp chiếm 45,6% GDP của Malaysia. Malaysia có tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp cao thứ 37 trên thế giới với tốc độ 7,5%. Trong đó, một số ngành công nghiệp phát triển sôi động như: Ngành công nghiệp dầu khí, năm 2017, Malaysia là nước sản xuất dầu lớn thứ 24 và là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ 17 trên thế giới. Trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên ở Malaysia do Petronas quản lý – công ty Fortune 500 thuộc sở hữu hoàn toàn của chính phủ Malaysia.
Để thúc đẩy phát triển mỏ dầu, Petronas duy trì các hợp đồng chia sẻ với các công ty như Exxon-Mobil và Royal Dutch Shell để thăm dò dầu khí. Malaysia cũng đã hợp tác với Thái Lan để chia sẻ Khu vực Phát triển Malaysia – Thái Lan. Ngành công nghiệp ô tô: Ngành ô tô ở Malaysia là một ngành đang rất phát triển, với các khách hàng nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Malaysia là nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với số lượng hơn nửa triệu xe/năm. Một số công ty Malaysia đã sản xuất một số mô hình hợp tác với các nhà sản xuất Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc châu Âu, đồng thời phát triển xe ô tô hoàn chỉnh của Malaysia. Các nhà sản xuất ô tô của Malaysia bao gồm: Pronton (Perusahaan Otomobil Nasional Berhad), là nhà tiên phong của nhà sản xuất xe hơi Malaysia; Perodua (Perusahaan Otomobil Kedua Sdn Berhad), trong đó động cơ được dựa trên mô hình Daihatsu; Bufori và TD 2000 , các nhà sản xuất ô tô “cổ xưa” có trụ sở tại Malaysia (mặc dù có nguồn gốc từ Úc); Naza (Tập đoàn Naza – lắp ráp xe Kia Motors và Peugeot); và Inokom. Ngành công nghiệp giải trí ngày càng phát triển của Malaysia: Các sản phẩm điện ảnh và truyền hình đóng góp rất lớn vào GDP của quốc gia.
Trong báo cáo về “Đóng góp kinh tế của ngành công nghiệp điện ảnh và phim ở Malaysia” của tổ chức Oxford Economics đã nhấn mạnh rằng trong năm 2016, ngành công nghiệp phim ảnh và truyền hình ở Malaysia đã trực tiếp đóng góp khoảng 3,3 tỷ USD cho nền kinh tế Malaysia trong tổng sản phẩm quốc nội, chiếm 0,3% tổng GDP quốc gia. Ngành công nghiệp này trực tiếp hỗ trợ khoảng 10.994 việc làm cho người lao động. Theo bản báo cáo của Oxford Economics, riêng việc sản xuất phim đã chiếm 50% tổng sản lượng phim, phân phối và triển lãm của khu vực kinh tế Malaysia và 44% công việc của ngành. Công nghiệp tài chính phát triển: Malaysia có nền công nghiệp tài chính ngày càng phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng Hồi giáo. Cho đến nay, ngành này là nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng Hồi giáo lớn nhất ở châu Á Thái Bình Dương. Malaysia cũng đang cạnh tranh với Bahrain để trở thành nhà dẫn đầu thế giới về ngân hàng Hồi giáo.
– Lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải: Malaysia có cơ sở hạ tầng phát triển nhất tại châu Á: Có hệ thống viễn thông đứng sau Singapore tại Đông Nam Á. Malaysia có bảy cảng quốc tế, cảng chính là Klang; có 200 khu công nghiệp cùng với các chuyên khu như Khu Công nghệ Malaysia hay Khu Công nghệ cao Kulim. Hệ thống đường bộ của Malaysia trải dài 98.721 km và có 1.821 km đường cao tốc. Malaysia có 118 sân bay, hệ thống đường sắt do nhà nước vận hành, có tổng chiều dài 1.849 km.
– Lĩnh vực thương mại đầu tư: Từ khi chuyển hướng phát triển kinh tế từ hướng nội sang hướng ngoại, hoạt động ngoại thương của Malaysia trở nên rất năng động, là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Malaysia cũng đã có chính sách phù hợp cho từng thời kỳ để phát triển ngoại thương bao gồm: Ưu đãi các dự án đầu tư (gồm cả đầu tư trong nước và nước ngoài) và miễn giảm thuế cho các dự án sản xuất hàng xuất khẩu; thành lập các khu thương mại tự do (FTA); khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu; cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu 100% vốn cổ phần của xí nghiệp nếu xuất khẩu được từ 80% sản phẩm trở lên; thực hiện tín dụng xuất khẩu trong đó có cả bảo hiểm các rủi ro trong xuất khẩu; đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ liên quan đến xuất khẩu; thành lập cơ quan chuyên trách về xuất khẩu; tổ chức nhiều hội chợ xúc tiến xuất khẩu; tổ chức các phái đoàn thương mại (kể cả các phái đoàn cấp cao) ra nước ngoài để tìm hiểu cơ hội kinh doanh và đầu tư; thường xuyên đổi mới cơ cấu mặt hàng xuất khẩu.
Theo số liệu được công bố bởi cơ quan Thống kê Malaysia, Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2016 của Malaysia đạt 1.485 tỷ RM, tăng 1,5% so với năm 2015, trong đó xuất khẩu đạt 785,93 tỷ RM, tăng 1,1% và nhập khẩu 698,66 tỷ RM, tăng 1,9%. Trong năm 2017 kim ngạch xuất khẩu của Malaysia đạt 791,3 tỷ RM và nhập khẩu đạt 726,1 tỷ RM.
Bảng các chỉ số xuất nhập khẩu của Malaysia, giai đoạn 2016 – 2017
Nguồn: Thông tin thị trường Malaysia: Tổng quan kinh tế và quan hệ hợp tác kinh tế với Việt Nam,
4.2. Những vấn đề tồn tại
Việc chuyển đổi MHTTKT, mà cụ thể là việc thực thi NEM, mặc dù với những mục đích tốt đẹp, song không tránh khỏi những khó khăn và trở ngại.
(i) Một trong những nguyên nhân khiến Malaysia rơi vào bẫy thu nhập trung bình là quốc gia này đã không thay đổi chính sách phát triển từ giai đoạn thoát nghèo. Chính phủ nước này vẫn áp dụng Chính sách Kinh tế mới (NEP), được xây dựng và thực thi từ những năm 1970, khi đó cơ cấu nền kinh tế của Malaysia cũng như bối cảnh tác động hoàn toàn khác so với thời kỳ sau KHKTTC. Chính sách này kiên định với hướng phát triển dựa vào tri thức, do vậy đã làm cho đầu tư trong khu vực tư nhân giảm từ mức 32,7% so với GDP năm 1995 xuống còn 9,5% so với GDP năm 2008 (Woo Wing Thye, 2009). Chính sách kinh tế mới cũng tập trung nhiều vào phân phối lại thu nhập thay vào việc tạo ra thu nhập, nên đã ít huy động được nguồn vốn con người. Việc áp đặt mức hạn ngạch cho cơ cấu sở hữu đã làm cho các hãng kinh doanh của người Hoa không mặn mà với việc khai thác thị trường bản địa, đã chuyển hướng sang các thị trường khác thuận lợi hơn. Đây cũng chính là lý do mà trong một thời kỳ dài, ở Malaysia có rất ít hãng kinh doanh chuyển từ sản xuất hàng thay thế nhập khẩu sang hàng xuất khẩu. Các hạn ngạch về hạn mức vay ngân hàng, nhượng quyền kinh doanh, hợp đồng với các cơ quan chính phủ, việc làm đã làm gia tăng tham nhũng. Nhìn chung, việc duy trì Chính sách Kinh tế mới đã bộc lộ rất nhiều hạn chế làm cho nền kinh tế Malaysia phát triển chậm chạp trong thời gian dài.
(ii) Sự bất bình đẳng trong thu nhập ở Malaysia cũng là một vấn đề cần lưu tâm. Một nghiên cứu về mức lương của Bộ Nguồn nhân lực ở Malaysia vào năm 2012 cho thấy, 9.09 triệu lao động Malaysia trong số 12 triệu lao động của nước này nhận mức lương trung bình mỗi tháng là 1.881 Ringit, tương đương với 6.700 USD mỗi năm (Ramakrishnan, 2014). Như vậy, có khoảng 75% số lao động ở Malaysia có mức thu nhập còn thấp hơn mức bình quân của mức thu nhập trung bình tại thời điểm nghiên cứu (là 8.350 USD/năm), cho dù thu nhập bình quân của Malaysia đang ở mức trung bình cao. Điều này cũng có nghĩa là khoảng cách giàu nghèo ở Malaysia ở mức rất cao. Một số lượng nhỏ người có mức thu nhập trung bình rất cao đã làm cho thu nhập bình quân của cả nước cao hơn nhiều so với mức thu nhập của số đông dân cư. Nghiên cứu trên cũng cho thấy, mức lương của các lao động tăng bình quân là 2,4% mỗi năm. Với mức tăng đó dự tính là phải mất 33 năm thì thu nhập bình quân của lao động Malaysia mới đạt mức 15.000 USD/năm. Như vậy, xem ra mục tiêu đạt mức thu nhập bình quân 15.000USD/ người vào năm 2020 để được bước vào nhóm nước có mức thu nhập cao mà chính phủ Malaysia đặt ra khó có thể đạt được (Ramakrishnan, 2014).
(iii) Hệ thống giáo dục của Malaysia cũng được cho là có vấn đề, cụ thể là không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và còn nhiều điểm hạn chế. Các nhà làm chính sách giáo dục cho rằng Malaysia cần nhiều lao động có khả năng phân tích và giải quyết vấn đề, thành thạo tiếng Anh và có các kỹ năng làm việc tốt. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% số sinh viên theo học các trường đào tạo nghề, thấp hơn nhiều so với mức 44% ở các nước phát triển. Năm 2012, việc giảng dạy môn Toán và khoa học bằng tiếng Anh trong các trường này bị bãi bỏ sau khi đã áp dụng thí điểm trong 9 năm và tiêu hết 7 tỷ Ringit (tương đương với khoảng hơn 2 tỷ USD). Cùng với đó, năm 2014, sau khi đã chi tiêu hết 6 tỷ Ringit sau 3 năm, hệ thống đánh giá dựa vào trường học được cho là có vấn đề nghiêm trọng và cần được xem xét lại (Ramakrishnan, 2014). Những dự án của ngành giáo dục Malaysia liên tiếp thất bại cho thấy nhiều vấn đề còn hạn chế của nước này trong chính sách phát triển nguồn nhân lực.
(iv) Chương trình chuyển đổi kinh tế (ETP) năm 2009, nhằm thu hút đầu tư lớn vào Malaysia với mục đích thúc đẩy tăng trưởng GDP lên mức trên 6% mỗi năm, đặt mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người của nước này lên mức 15.000 USD/năm kể từ năm 2019, hướng tới mục tiêu đưa Malaysia vào danh sách các nước có thu nhập cao trong năm 2020. Nhưng trên thực tế, sau 5 năm thực hiện chính sách chuyển đổi, chỉ tiêu này chỉ đạt khoảng 5%, làm cho mục tiêu trên khó có thể thực hiện được. Sau năm 2014, kinh tế Malaysia có nhiều hứa hẹn bởi sự cải thiện của nền kinh tế toàn cầu, làm cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Malaysia cũng sẽ có nhiều cơ hội cải thiện. Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước, đầu tư và chi tiêu chính phủ ít đi làm cho trợ cấp cũng giảm đi; đồng thời năm 2014, lạm phát ở Malaysia tăng lên, cộng thêm việc ra đời của một số loại thuế vào năm 2015, tạo ra áp lực tăng lương lớn, tạo ra một đợt lạm phát chi phí đẩy ở Malaysia.
Những hạn chế trên làm cho chính phủ Malaysia tiếp tục phải thực hiện các cải cách mạnh mẽ hơn. Kế hoạch Malaysia lần thứ 11 (RMKe-11, 2016- 2020) đặc biệt hướng đến các chính sách để phát triển nguồn nhân lực của nước này.
(v) Hệ thống chính trị hiện nay của Malaysia thực chất là dành cho người gốc Mã, chiếm đa số trong dân cư cả nước, hàng loạt những lợi lộc, từ các khoản vay rẻ và các khoản chiết khấu tài sản đến việc được ưu đãi trong giáo dục, được ưu tiên tuyển dụng và được quyền mua ưu tiên các cổ phần trong các công ty. Mặc dù Chính phủ, nhất là tổ chức UMNO, đã nhiều lần tìm cách đảm bảo với người Mã, cơ sở bầu cử cốt lõi của nó, rằng các quyền của họ sẽ không bị đụng chạm ngay cả khi thực thi NEM, song để làm cho họ tin, ủng hộ và tham gia vào quá trình cải tổ lại tiến trình phát triển của đất nước cũng là một vấn đề rất nan giải của chính phủ liên minh Malaysia.
(vi) Vì công cuộc chuyển đổi mô hình lần này là rất căn bản, không chỉ đòi hỏi phải có sự thay đổi quyết liệt về nhận thức, sự đồng thuận toàn xã hội, cần phải có thời gian, mà còn cần phải có nguồn lực (vốn và con người có năng lực đổi mới), trong khi những nguồn lực đó hiện không phải là quá sẵn ở Malaysia.
(vii) Cuối cùng nhưng không phải là kém quan trọng nhất, liệu người Malaysia nói chung và chính phủ liên minh do UMNO chi phối có đủ quyết tâm chính trị để thực hiện triệt để những quyết sách đã vạch ra hay không vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ, nhất là trong tình hình chính trị và kinh tế ở Malaysia hiện đang hết sức phức tạp và UMNO vẫn coi trọng chiếc ghế của mình trong Quốc hội, đồng thời là trong chính phủ liên minh.
Tham khảo thêm
- Đặng Thành Chung (2020). Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Thái Lan và Malaysia sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu và bài học cho Việt Nam. Luận án tiến sĩ Kinh tế (Chuyên ngành Kinh tế Quốc tế). Học viện Khoa học Xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Hà Nội.
- Lê Đăng Minh (2018), Kinh tế – xã hội các nước Đông Nam Á, Nxb Kinh tế tp. Hồ Chí Minh.
- Lưu Ngọc Trịnh (Chủ biên, 2014), Mô hình phát triển nào cho kinh tế Đông và Đông Nam Á sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu? Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Lê Đăng Minh (2018), Kinh tế – xã hội các nước Đông Nam Á, Nxb Kinh tế tp. Hồ Chí Minh.