Cùng với tốc độ tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng là một nội dung rất quan trọng của tăng trưởng kinh tế (TTKT). Tuy nhiên, tăng trưởng về mặt chất lượng chỉ mới được nhắc đến nhiều trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây và hiện vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về chất lượng tăng trưởng. Có quan điểm cho rằng, có thể đánh giá chất lượng TTKT thông qua đầu ra hay kết quả đạt được từ TTKT như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, năng suất của nền kinh tế, chất lượng cuộc sống được cải thiện, sự bình đẳng trong phân phối thu nhập, bình đẳng về giới trong phát triển, bảo vệ môi trường sinh thái… Quan điểm khác lại nhấn mạnh đến khía cạnh đầu vào của quá trình tăng trưởng, như việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tăng trưởng, khả năng nắm bắt và tạo cơ hội bình đẳng cho các đối tượng tham gia đầu tư, quản lý hiệu quả các nguồn lực đầu tư…
Nhìn từ góc độ rộng hơn, chất lượng tăng trưởng có thể được xem xét bao gồm các nội dung của phát triển bền vững, trong đó chú trọng tới tất cả ba thành tố: Kinh tế, xã hội và môi trường của quá trình tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên, theo cách hiểu hẹp, chất lượng tăng trưởng có thể chỉ được giới hạn ở một khía cạnh nào đó, ví dụ như chất lượng đầu tư, chất lượng giáo dục, chất lượng dịch vụ công… Tóm lại, cho đến nay chưa có một khái niệm chính thức về chất lượng TTKT, tuy nhiên đã có nhiều quan điểm khác nhau của các tác giả trong nước và quốc tế về vấn đề này.
2.1. Các quan niệm về chất lượng tăng trưởng kinh tế:
+ Chất lượng TTKT theo quan niệm hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào: Tăng trưởng được hình thành theo hai phương thức:
(i) Tăng trưởng theo chiều rộng, tức là tăng thêm các yếu tố đầu vào như vốn, lao động và khai thác tài nguyên;
(ii) Tăng trưởng theo chiều sâu, thể hiện ở tăng NSLĐ, tăng hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào như trên, tăng cường chất lượng quản lý, nâng cao hiệu quả áp dụng KHCN, hoàn thiện môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý và thể chế… có thể thấy, tăng trưởng theo chiều sâu hiện nay là khá phổ biến ở các nước công nghiệp, khi các yếu tố tăng trưởng chiều rộng đã được khai thác ở mức cao. Còn đối với các nước đang phát triển, tăng trưởng theo chiều rộng hiện nay vẫn đang là chủ đạo. Trong quá trình phát triển từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức, các yếu tố thể hiện tăng trưởng theo chiều sâu như chất lượng nguồn nhân lực, KHCN sẽ có vai trò ngày càng quan trọng so với các yếu tố truyền thống (tài nguyên thiên nhiên, vốn vật chất, lao động…). Việc nghiên cứu chất lượng TTKT hiểu theo quan niệm hiệu quả (tăng trưởng theo chiều sâu) là cơ sở tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng một cách bền vững.
+ Quan niệm chất lượng TTKT là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả: Tính hợp lý của quan niệm này là coi chất lượng là sự biến đổi cơ cấu bên trong của sự vật. Cụ thể, cơ cấu tăng trưởng thể hiện thông qua chỉ tiêu điểm phần trăm đóng góp của các ngành vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, và chỉ tiêu tỷ trọng đóng góp của mỗi ngành trong tổng mức tăng trưởng của nền kinh tế. Cơ cấu tăng trưởng cũng có thể được xét theo khu vực thể chế, thành phần kinh tế, vùng, miền và theo yếu tố sản xuất (vốn, lao động, năng suất nhân tố tổng hợp)…
+ Quan niệm chất lượng TTKT là nâng cao phúc lợi của công dân và gắn kết tăng trưởng với phúc lợi cuộc sống và công bằng xã hội. Theo quan niệm này, thước đo của chất lượng TTKT cần được thể hiện ở việc TTKT cuối cùng sẽ đáp ứng phúc lợi của người dân như thế nào? Phúc lợi cuộc sống không chỉ thể hiện ở thu nhập bình quân đầu người mà còn là chất lượng cuộc sống, môi trường xã hội, môi trường tự nhiên, cơ hội học tập và một cuộc sống trường thọ và khỏe mạnh… còn công bằng xã hội thể hiện ở tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống, khoảng cách giàu – nghèo được thu hẹp và ngày càng giảm bớt sự khác biệt ở về cơ hội trong việc mưu cầu một cuộc sống tốt hơn trong xã hội. Các nghiên cứu cho thấy, nếu quan tâm đến tăng trưởng mà ít chú ý tới công bằng xã hội sẽ dẫn đến bất ổn xã hội và tăng trưởng không thể bền vững. Ngược lại, nếu quá đề cao công bằng xã hội thì có thể sẽ triệt tiêu động lực và tiềm năng vật chất để thúc đẩy tăng trưởng. Sự kết hợp hài hòa giữa TTKT và công bằng xã hội sẽ tạo ra chất lượng cao của TTKT.
+ Quan niệm chất lượng TTKT là phát triển bền vững: Một trong những đặc trưng của TTKT có chất lượng là sự tăng trưởng đó phải đạt được mục đích phát triển bền vững. Phát triển bền vững là phải bảo toàn và phát triển ba nguồn vốn: Tài nguyên môi trường, vốn nhân lực và vốn vật chất. Trong đó, tài nguyên môi trường tự nhiên hiện nay được quan tâm đặc biệt, vì quá trình CNH, HĐH của các quốc gia trong thời gian qua thường dẫn tới hủy hoại về môi trường. Các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, mức độ ô nhiễm lúc đầu tăng cùng với tốc độ TTKT cho tới khi thu nhập bình quân đầu người đạt tới 12.00 USD/năm. Thu nhập bình quân đầu người tiếp tục tăng thì chất lượng môi trường giai đoạn tiếp theo được cải thiện rõ rệt.
+ Quan niệm chất lượng TTKT là thể chế dân chủ trong môi trường chính trị – xã hội của nền kinh tế: Tác động của TTKT đối với quá trình đổi mới hệ thống chính trị từ lâu đã được quan tâm. Các công trình nghiên cứu của Huntington (1991), Rueschemeyer và Stephens (1992)… cho thấy tính minh bạch, ít tham nhũng và sự tham gia của người dân vào quản lý kinh tế – xã hội sẽ tác động mạnh đến TTKT và ngược lại, tức là có mối tương quan chặt chẽ giữa thu nhập đầu người và mức độ dân chủ hóa của thể chế chính trị – xã hội. Theo các tác giả này, dân chủ chính là biểu hiện mặt chất lượng của TTKT.
2.2. Khái niệm chất lượng tăng trưởng kinh tế:
+ Từ các quan điểm nói trên về chất lượng TTKT, một số nhà kinh tế học đã đưa ra những khái niệm đầy đủ hơn về chất lượng TTKT. Theo quan điểm của Thomas, Dailami và Dhareshwar (2004), chất lượng TTKT được thể hiện trên hai khía cạnh: (i) Tốc độ tăng trưởng cao cần được duy trì trong dài hạn và (ii) Tăng trưởng cần thiết phải đóng góp trực tiếp vào cải thiện phúc lợi cuộc sống một cách bền vững và xóa đói giảm nghèo.
+ Theo quan điểm của một số nhà kinh tế học như Lucas (1993), Sen (1999), Stiglitz (2000), thì chất lượng TTKT biểu hiện tập trung ở các tiêu chuẩn chính như sau:
(i) Yếu tố năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) cao, đảm bảo cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng dài hạn và tránh được những biến động từ bên ngoài;
(ii) TTKT phải đảm bảo nâng cao hiệu quả kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế;
(iii) tăng trưởng đi kèm với phát triển môi trường bền vững;
(iv) tăng trưởng hỗ trợ cho thể chế dân chủ luôn đổi mới, đến lượt nó thúc đẩy tăng trưởng ở tỷ lệ cao hơn;
(v) tăng trưởng phải đạt được mục tiêu cải thiện phúc lợi xã hội và giảm đói nghèo.
+ Theo quan điểm của Nguyễn Thị Tuệ Anh và Lê Xuân Bá (2005), chất lượng TTKT thể hiện cả ở yếu tố đầu vào như việc quản lý và phân bố các nguồn lực trong quá trình tái sản xuất, đồng thời cả ở kết quả đầu ra của quá trính sản xuất với chất lượng cuộc sống được cải thiện, phân phối sẩn phẩm đầu ra đảm bảo tính công bằng và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Từ những quan điểm và khái niệm đã nêu ở trên, có thế khái quát khái niệm về chất lượng TTKT như sau: “Chất lượng TTKT cao cần phải bao gồm: Nền kinh tế phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, thể hiện qua NSLĐXH, năng suất nhân tố tổng hợp tăng và ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp với từng thời kỳ phát triển, nền kinh tế có tính cạnh tranh cao, mức sống của người dân không ngừng tăng lên, TTKT đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, và quản lý kinh tế của nhà nước có hiệu quả”.
2.3. Đo lường chất lượng tăng trưởng kinh tế:
Trong các thước đo chất lượng TTKT đã được sử dụng ở Việt Nam và trên thế giới có thể quy về ba nội dung chất lượng TTKT có tính chất khái quát như sau:
(i) TTKT xét theo các yếu tố bên trong (nội tại) của quá trình sản xuất xã hội như tăng trưởng gắn liền với chuyển đổi cơ cấu, tăng trưởng xét theo quan điểm hiệu quả, các yếu tố tác động đến tăng trưởng, tăng trưởng gắn liền với năng lực cạnh tranh. Nói khái quát là tăng trưởng xét trên góc độ các yếu tố kinh tế.
(ii) Tăng trưởng gắn liền với nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của người dân, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động, đảm bảo công bằng xã hội.
(iii) Tăng trưởng gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên, không gây ô nhiễm môi trường hoặc khai thác bừa bãi, làm cạn kiệt tài nguyên của đất nước.
Phù hợp với 3 nội dung trên có 2 nhóm chỉ tiêu đánh giá chất lượng TTKT.
a. Các thước đo chất lượng TTKT trên góc độ các yếu tố kinh tế
Các chỉ tiêu phản ánh chuyển dịch cơ cấu kinh tế:
Cơ cấu kinh tế thể hiện cấu trúc nội tại của nền kinh tế, được biểu hiện qua tỉ trọng và quan hệ của các yếu tố cấu thành. Cơ cấu kinh tế quyết định sự phát triển hài hòa, nhịp nhàng của tất cả các yếu tố cấu thành và cuối cùng đem lại kết quả tăng trưởng chung cho nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế có thể được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau:
Cơ cấu ngành và nội bộ ngành: Là cơ cấu kinh tế xem xét số lượng và chất lượng cũng như các mối quan hệ giữa các ngành và nội bộ từng ngành trong nền kinh tế. Theo hệ thống thống kê hiện nay, nền kinh tế Việt Nam được phân chia thành ba nhóm ngành lớn là Nông – Lâm nghiệp – Thủy hải sản, Công nghiệp – xây dựng và Dịch vụ. Bên cạnh đó, việc chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ từng ngành cũng cần được xem xét.
Cơ cấu lãnh thổ: Là cơ cấu kinh tế được xem xét theo phân bổ lực lượng sản xuất giữa các vùng lãnh thổ trong nền kinh tế. Quá trình chuyển dịch cơ cấu vùng lãnh thổ vừa cần đảm bảo được sự phát triển cân đối, hài hòa giữa các vùng để đảm bảo tính bền vững trong quá trình phát triển, vừa phải xem xét đến vai trò động lực và thế mạnh của từng vùng để lôi kéo và thúc đẩy các vùng khác phát triển.
Dưới góc độ sở hữu, cần xem xét có bao nhiêu loại hình sở hữu kinh tế tồn tại và phát triển trong hệ thống kinh tế, trong đó loại hình nào có ý nghĩa quyết định đối với nền kinh tế trong từng thời kỳ, quan hệ giữa các loại hình sở hữu ra sao trong xu thế phát triển chung của toàn bộ nền kinh tế.
Các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh tế:
Nền kinh tế hoạt động có hiệu quả hay không được thể hiện qua các chỉ tiêu: Năng suất sử dụng các yếu tố đầu vào (chủ yếu là lao động và vốn); tỉ trọng đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) với TTKT và tỷ lệ chi phí trung gian trong sản xuất.
Chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sử dụng đầu vào lao động: Là NSLĐ được tính trên nhiều góc độ khác nhau. NSLĐ cho toàn bộ nền kinh tế (NSLĐ xã hội) là tỷ số giữa GDP (theo giá cố định) và số lao động (hoặc giờ lao động). Nếu GDP bình quân trên mỗi lao động càng lớn, thì NSLĐ xã hội càng cao.
Dưới góc độ ngành hay doanh nghiệp, thay GDP bằng các chỉ số khác tương đương như giá trị sản phẩm của ngành/doanh nghiệp, từ đó có chỉ số giá trị sản phẩm trên một giờ lao động, là chỉ số theo dõi NSLĐ của ngành hay doanh nghiệp.
Chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sử dụng đầu vào vốn: Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho biết, để tăng thêm một đơn vị GDP đòi hỏi phải tăng thêm bao nhiêu đơn vị vốn đầu tư thực hiện trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm), ký hiệu là ICOR. Do vậy, hệ số này phản ánh hiệu quả của việc sử dụng vốn đầu tư trong việc tạo nên tăng trưởng. Hệ số ICOR thấp chứng tỏ cần ít vốn hơn để tạo ra một đơn vị sản lượng, và đầu tư như vậy có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, có một điều lưu ý là theo quy luật lợi tức biên giảm dần, khi nền kinh tế tăng trưởng thì với giả định các điều kiện khác không đổi, xu hướng là cần phải có nhiều vốn hơn mới tạo ra được một đơn vị sản lượng, tức là phải cần hệ số ICOR cao hơn. Nói cách khác, cần một tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP cao hơn để duy trì cùng một tốc độ tăng trưởng.
Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP): Có ba yếu tố chính làm tăng GDP là vốn vật chất, lao động và các nhân tố khác (gộp chung lại gọi là nhân tố tổng hợp). Để đánh giá hiệu quả tác động của nhân tố này, người ta sử dụng chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp (TFP). Năng suất nhân tố tổng hợp được xác định là “phần dư” trong tăng trưởng GDP sau khi trừ đi vai trò của việc tăng số lượng vốn được sử dụng trong sản xuất và lao động. “Phần dư” này phản ánh việc tăng chất lượng của các yếu tố khác, bao gồm: Tổ chức lao động, chất lượng máy móc, vai trò của quản lý và tổ chức sản xuất,… Có thể thấy, tốc độ tăng TFP và tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế phản ánh đầy đủ và tổng hợp nhất hiệu quả sử dụng các nguồn lực sản xuất, hiệu quả ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, trình độ tổ chức, quản lý sản xuất của mỗi quốc gia.
Các chỉ tiêu phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế:
Khả năng cạnh tranh của một nền kinh tế được xem xét dưới ba góc độ: Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp: Để đánh giá khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước người ta thường sử dụng chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn sản xuất kinh doanh hoặc trên doanh thu. Tỷ suất lợi nhuận càng cao nghĩa là doanh nghiệp sản xuất càng có hiệu quả. Khi tốc độ TTKT cao và tỉ suất lợi nhuận có cùng xu thế thì doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả và nền kinh tế có chất lượng tăng trưởng tốt.
Khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước: Hàng hóa sản xuất trong nước có thể được chia làm hai loại: Hàng xuất khẩu và hàng thay thế nhập khẩu.
(i) Khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu được tính bằng tỉ lệ kim ngạch xuất khẩu trên giá trị sản xuất hay GDP. Tỉ lệ xuất khẩu của một nước càng cao chứng tỏ nước này sản xuất ra sản phẩm đảm bảo chất lượng tốt, được thị trường thế giới ưa chuộng nên xuất khẩu tốt, có khả năng cạnh tranh tốt, và ngược lại. Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu còn thể hiện ở tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu trong nước, từ nền kinh tế trong nước. Nếu như hàng xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu trong nước càng nhiều, tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm từ nguyên liệu trong nước càng cao, thì có nghĩa là với cùng tổng giá trị xuất khẩu như nhau, có thể thu được nhiều ngoại tệ cho đất nước hơn, tận dụng được nhiều công ăn việc làm cho người dân hơn.
(ii) Khả năng cạnh tranh của hàng thay thế nhập khẩu: Trên thực tế, hàng thay thế nhập khẩu thường được bảo hộ bởi các hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc nước ta đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho thấy, những hàng rào bảo hộ này sẽ ngày càng hạ thấp và tiến đến phải dỡ bỏ hoàn toàn. Bởi vậy, việc đánh giá sức cạnh tranh của hàng sản xuất trong nước với hàng nhập khẩu là điều rất quan trọng, để nhận biết năng lực sản xuất của đất nước trong tiến trình hội nhập kinh tế. Để đánh giá khả năng cạnh tranh của hàng sản xuất trong nước so với hàng nhập khẩu, ta có thể xem xét mức chênh lệch giá giữa hai loại hàng hóa này, tỷ trọng nhập khẩu hàng tiêu dùng so với tổng kim ngạch nhập khẩu, mức độ nhập siêu của nền kinh tế…
Năng lực cạnh tranh quốc gia: Là một chỉ tiêu tổng hợp thể hiện khả năng đạt được tăng trưởng bền vững, thu hút được đầu tư, đảm bảo ổn định kinh tế, xã hội, nâng caoo đời sống của người dân của một nền kinh tế. Hàng năm, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tiến hành điều tra, so sánh và xếp hạng năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế trên thế giới, thông qua chỉ số năng lực cạnh tranh tăng trưởng (GCI). Chỉ số (GCI) được xây dựng trên cơ sở ba thành tố cơ bản: Môi trường kinh tế vĩ mô, chất lượng của các định chế quốc gia và khoa học công nghệ.
Trong đó:
(i) ổn định kinh tế vĩ mô là một yếu tố quan trọng đầu tiên đánh giá năng lực cạnh tranh của một quốc gia. Thực tế cho thấy, kinh tế vĩ mô và mọi mặt của đời sống xã hội của một đất nước không ổn định thì đất nước đó không thể phát triển. Không thể có chất lượng tăng trưởng tốt nếu đất nước không ổn định về kinh tế vĩ mô.
(ii) Yếu tố thứ hai của (GCI) là thể chế công của đất nước. Trong nền KTTT, khu vực kinh tế tư nhân là khu vực sản xuất ra của cải. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân vẫn phải hoạt động trong khuôn khổ quốc gia và phải tuân thủ luật pháp. Vì vậy, (GCI) bao hàm việc đo lường chất lượng của định chế công và coi đó là yếu tố quan trọng thứ hai của năng lực cạnh tranh tăng trưởng của một quốc gia.
(iii) Yếu tố thứ ba là phát triển KHCN của một đất nước. Các nhà kinh tế trường phái Tân cổ điển cho rằng nguồn gốc cơ bản của sự TTKT về mặt dài hạn chính là phát triển KHCN.
WEF sử dụng các số liệu chính thức và kết quả điều tra tại trên 100 quốc gia để xác định ba chỉ số cấu thành, nhằm biểu thị ba tiêu chí cạnh tranh TTKT nêu trên để xác định năng lực cạnh tranh của một quốc gia.
b. Các thước đo chất lượng TTKT liên quan đến đảm bảo phúc lợi xã hội
Các thước đo này phản ánh tác động và hiệu quả xã hội của tăng trưởng, thể hiện tác động lan tỏa của tăng trưởng đến các đối tượng thụ hưởng thành quả của tăng trưởng trong xã hội. Các chỉ tiêu phúc lợi xã hội thể hiện chất lượng của quá trình TTKT bao gồm:
(i) Giải quyết vấn đề lao động, việc làm và thất nghiệp;
(ii) giải quyết vấn đề xóa đói giảm nghèo;
(iii) những tiến bộ về phúc lợi xã hội (y tế và giáo dục);
(iv) bảo đảm công bằng xã hội. Trên thực tế, rất khó định lượng được chính xác và đầy đủ chất lượng TTKT trong mối quan hệ với phúc lợi xã hội, và sau đây bài viết chỉ đưa ra một số thước đo trên khía cạnh tiến bộ và công bằng xã hội.
Tăng trưởng kinh tế gắn với giải quyết việc làm và thu nhập.
TTKT phải đi đôi với việc tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, giảm tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị và thời gian nông nhàn ở khu vực nông thôn, tạo các cơ hội tăng thu nhập của người lao động. Các thước đo chất lượng TTKT và giải quyết việc làm, tăng thu nhập bao gồm: So sánh tốc độ tăng số lao động trong nền kinh tế quốc dân với tốc độ TTKT, tỉ lệ thất nghiệp và tỉ lệ thời gian lao động không được sử dụng ở nông thôn, tăng trưởng thu nhập và chi tiêu, cơ cấu thu nhập và chi tiêu của các hộ gia đình…
Tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo.
Trong một nền kinh tế tăng trưởng có chất lượng, TTKT phải đi kèm xóa đói giảm nghèo. Các chỉ tiêu như tỷ lệ nghèo đói của quốc gia, của vùng, khu vực; tỷ lệ nghèo của người thiểu số, tốc độ giảm tỉ lệ nghèo đói, % giảm nghèo so với % TTKT… thường được sử dụng để phản ánh mối quan hệ giữa TTKT và xóa đói giảm nghèo.
Tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.
Tiến bộ xã hội là yếu tố cấu thành của chất lượng tăng trưởng. Tiến bộ xã hội được thể hiện rõ nhất ở hai lĩnh vực: Giáo dục- Đào tạo và Y tế. Những tiêu chí về cơ sở vật chất và mạng lưới của lĩnh vực GD-ĐT và y tế, số lượng và cơ cấu học sinh, số lượng và cơ cấu giáo viên, cán bộ y tế… gia tăng và cải thiện sẽ phản ánh TTKT đã dẫn đến nâng cao phúc lợi xã hội cho người dân. Trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật được nâng cao, sực khỏe và chăm sóc y tế đôi với người dân được cải thiện (tuổi thọ, tỉ lệ chết ở trẻ sơ sinh, tỉ lệ suy dinh dưỡng…) có thể coi là kết quả của sự gia tăng phúc lợi xã hội và thể hiện rõ nét chất lượng TTKT. Chỉ số phát triển con người (HDI), do chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) đưa ra và sử dụng đầu tiên vào năm 1990, là một chỉ tiêu tổng hợp, thể hiện khá toàn diện tiến bộ của một quốc gia trên hai mặt kinh tế (GDP/người) và xã hội (tuổi thọ và trình độ giáo dục). Ngoài ra, từ năm 1997, chỉ số nghèo về con người (HPI-1) cũng được áp dụng khá rộng rãi để đo lường thành tựu về phúc lợi xã hội đối với các nước đang phát triển.
Tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội
Công bằng xã hội là một biểu hiện của tiến bộ xã hội. Do nội hàm của khái niệm công bằng xã hội là khá rộng nên khái niệm này – tuy rất thông dụng và phổ biến – nhưng lại rất phức tạp và khó thống nhất trong việc đo lường. Trong các công trình nghiên cứu, các báo cáo phát triển chính thức ở cấp độ quốc gia cũng như quốc tế thường sử dụng một số công cụ và thước đo chủ yếu như: Đường cong Lorenz; Hệ số Gini; mức độ thỏa mãn nhu cầu cơ bản của con người; chỉ số phát triển xã hội tổng hợp; chỉ số chất lượng vật chất của cuộc sống…
Tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường
Các chỉ số bảo vệ môi trường bao gồm: Diện tích đất có rừng che phủ, bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học; số hộ được sử dụng nước sạch ở nông thôn; tỷ lệ thu gom chất thải đô thị, mức độ ô nhiễm nguồn nước ngầm, ô nhiễm nguồn nước mặt, ô nhiễm không khí và ứ đọng chất thải rắn, hệ thống xử lý chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp, các chỉ số tiêu hao năng lượng, mức thải CO2,…
Tham khảo thêm
Đặng Thành Chung (2020). Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Thái Lan và Malaysia sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu và bài học cho Việt Nam. Luận án tiến sĩ Kinh tế (Chuyên ngành Kinh tế Quốc tế). Học viện Khoa học Xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Hà Nội.