Bài viết phân tích và làm rõ khái niệm ngân hàng thương mại theo cách hiểu của Pháp, Đan Mạch và của Việt Nam, đồng thời nêu các đặc trưng cơ bản cũng như các hoạt động chủ yếu của loại hình ngân hàng quan trọng này trong nền kinh tế mỗi quốc gia.
1. Khái niệm ngân hàng thương mại
Thuật ngữ “ngân hàng” -“Bancabank” được bắt đầu biết đến từ thời kỳ Phục hưng tại Italia có nghĩa là chỉ chiếc ghế băng nơi các nhà buôn có thể gặp gỡ để trao đổi tiền tệ. Từ đó, “ngân hàng” được dùng để gọi thay thế cho những cửa hiệu đổi tiền, chuyển tiền, cầm đồ, giữ hộ tài sản quý để thực hiện chức năng thanh toán trong trao đổi, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ. Sau một quá trình dài ra đời và phát triển, ngân hàng thương mại hiện nay là một trong những tổ chức trung gian tài chính ra đời sớm nhất trên thế giới với quy mô tài sản quản lý khổng lồ và phạm vi hoạt động rộng khắp các lĩnh vực, được coi là một trong những trung gian tài chính lớn nhất, dù ở quốc gia nào.
Ngân hàng thương mại (NHTM) và dịch vụ ngân hàng thương mại ở các quốc gia khác nhau sẽ được hiểu theo những khái niệm khác nhau. Ví dụ như:
Tại Pháp theo Luật Ngân hàng năm 1941, ngân hàng được hiểu là: “những xí nghiệp hay cơ sở nào hành nghề thường xuyên nhận của công chúng dưới hình thức ký thác hay hình thức khác các số tiền mà họ dùng cho chính họ vào các nghiệp vụ chiết khấu, tín dụng hay dịch vụ tài chính” [2]. Theo cách hiểu này, ngân hàng hoạt động với hai nghiệp vụ chính là nhận tiền của công chúng theo các cách thức của mình (chủ yếu là hình thức ký thác) để rồi sử dụng số tiền nhận được đó thực hiện hoạt động cung ứng tiền ra thị trường qua hoạt động chiết khấu, tín dụng hoặc cung cấp các dịch vụ tài chính của ngân hàng.
Tại Đan Mạch 1930 ngân hàng là: “những nhà băng thiết yếu gồm các nghiệp vụ nhận tiền ký thác, buôn bán vàng bạc, hành nghề thương mại và các giá trị địa ốc, các phương tiện tín dụng và hối phiếu, thực hiên các nghiệp vụ chuyển ngân, đứng ra bảo hiểm,…” [3]. Đan Mạch đã đưa chức năng của ngân hàng với phạm vi hoạt động rộng hơn, hoạt động đa dạng hơn so với Pháp. Tại đây, các ngân hàng vẫn thực hiện hai nghiệp vụ chính là nhận tiền gửi (nhận tiền ký thác) và cung ứng tiền (tín dụng, hối phiếu,..). Bên cạnh đó, các ngân hàng Đan Mạch còn thực hiện hoạt động mua bán vàng bạc, địa ốc, cũng như thực hiện thanh toán và bảo hiểm cho các chủ thể trong nền kinh tế.
Tại Việt Nam, ngân hàng thương mại được hiểu là: “tổ chức kinh doanh tiền tệ và tín dụng, mà hoạt động chủ yếu và thường xuyên là nhận tiền gửi, cho vay và cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế” [4].
Như vậy có thể thấy dù ở quốc gia nào, cách thể hiện ra sao thì ngân hàng thương mại nhìn chung đều là một chủ thể kinh doanh trên lĩnh vực tín dụng và tiền tệ gắn liền với nguyên tắc hoàn trả, và hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận.
Các ngân hàng thương mại có một số các đặc trưng sau:
Thứ nhất, ngân hàng thương mại là một doanh nghiệp kinh doanh hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Lợi nhuận của ngân hàng thương mại được thể hiện qua số chênh lệch giữa chi phí huy động nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi và chi phí cho vay (hoặc chi phí đầu tư nguồn vốn đó). Để có thể gia tăng nguồn lợi nhuận của mình, các ngân hàng thương mại phải thực hiện đi vay để cho vay. Từ đó thể hiện hai hoạt động này là hai hoạt động cơ bản của ngân hàng thương mại.
Thứ hai, ngân hàng thương mại là tổ chức được phép nhận tiền gửi gắn với trách nhiệm hoàn trả. Hoạt động nhận tiền gửi là một trong những hoạt động chính ngân hàng thương mại thực hiện trước khi tiến hành cung cấp các sản phẩm tín dụng hoặc đầu tư khác của mình. Trong quá trình huy động vốn thông qua nhận tiền gửi, ngân hàng thương mại đảm bảo hoàn trả cho khách hàng vốn gốc và lãi sau một thời gian nhất định theo cam kết, và hoạt động này được pháp luật bảo trợ.
Thứ ba, ngân hàng thương mại sử dụng tiền gửi đã huy động được tiến hành thực hiện cho vay, chiết khấu và đầu tư. Có thể nói, lượng tiền gửi ngân hàng thương mại huy động được có quy mô rất lớn, và để gia tăng lợi nhuận của mình các ngân hàng thương mại sẽ thực hiện chủ yếu các hoạt động tín dụng (có thể là cho vay trực tiếp với các chủ thể cần vốn hoặc có thể là cho vay thông qua chiết khấu các giấy tờ có giá của khách hàng). Bên cạnh hoạt động tín dụng, ngân hàng thương mại để giảm thiểu rủi ro trong quá trình hoạt động cũng như gia tăng thêm lợi nhuận, họ còn sử dụng một phần tiền gửi đã huy động được đó thực hiện đầu tư vào những lĩnh vực có khả năng sinh lời trong tương lai (như đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, vàng,…).
Thứ tư, ngân hàng thương mại thực hiện các khoản thanh toán và cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho khách hàng. Nếu như nói hai hoạt động nhận tiền gửi và tín dụng là hai hoạt động sơ khai, cơ bản của các ngân hàng thương mại từ khi ra đời đến nay, thì việc cung cấp thanh toán và các dịch vụ khác của ngân hàng là hoạt động được ra đời sau nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và các chủ thể trong quá trình phát triển của hệ thống ngân hàng thương mại. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, với sự phát triển của hệ thống ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thanh toán cả trong nước và trên quốc tế. Với sự ra đời của các hình thức thanh toán đa dạng (thanh toán qua thẻ, thanh toán qua mạng internet,…) đã giúp khách hàng của ngân hàng dễ dàng và thuận tiện hơn trong quá trình thanh toán, đồng thời yếu tố an toàn cũng được đề cập.
2. Các hoạt động chủ yếu của ngân hàng thương mại
Ngân hàng thương mại từ khi mới hình thành đã thực hiện hai hoạt động kinh doanh chính là: hoạt động huy động vốn và hoạt động sử dụng vốn, còn được gọi là hoạt động luân chuyển tài sản. Đến nay, với nhu cầu của nền kinh tế, NHTM đã thực hiện thêm hoạt động thứ ba là hoạt động cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế.
2.1. Hoạt động tạo lập nguồn
Hoạt động huy động vốn là hoạt động đầu tiên, mang tính chất tiền đề cho một NHTM khi mới bắt đầu kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ và tín dụng. Hoạt động huy động vốn này sẽ tạo lập nguồn vốn hoạt động ban đầu cho NHTM, đồng thời đảm bảo nguồn vốn hoạt động cho các NHTM đó trong quá trình tồn tại và phát triển. NHTM huy động vốn từ ba nguồn cơ bản, đó là: nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn vốn tiền gửi, và nguồn vốn đi vay.
Nguồn vốn chủ sở hữu: là nguồn vốn thuộc sở hữu của chủ NHTM, là nguồn vốn được hình thành đầu tiên trong quá trình hoạt động của NHTM và được bổ sung trong quá trình hoạt động. Thông thường nguồn vốn này chiếm tối đa 10% tổng số vốn NHTM huy động. Mặc dù chiếm tỷ lệ khiêm tốn, nhưng vai trò của nguồn vốn này rất quan trọng. Nguồn vốn chủ sở hữu phản ánh về năng lực tài chính của NHTM, phản ánh cho khả năng phòng ngừa rủi ro của NHTM, là điều kiện để các NHTM có thể phát triển, và đồng thời là một yếu tố gia tăng lòng tin của khách hàng. Nguồn vốn chủ sở hữu của NHTM bao gồm: vốn điều lệ, lợi nhuận để lại, các quỹ hình thành trong quá trình kinh doanh, tài sản khác theo quy định,…
Nguồn vốn tiền gửi: NHTM là một trong những tổ chức được phép nhận tiền gửi của khách hàng gắn liền với nguyên tắc hoàn trả. Trong quá trình hoạt động, NHTM thực hiện nhận tiền gửi dưới các dạng: tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, và tiền gửi tiết kiệm. Nguồn vốn tiền gửi cũng được các nhà kinh tế phân chia thành hai nhóm, là: tiền gửi giao dịch (tiền gửi không kỳ hạn) với mục đích chủ yếu phục vụ cho hoạt động thanh toán qua ngân hàng; và tiền gửi phi giao dịch được khách hàng gửi vào ngân hàng với mục đích chủ yếu là an toàn, tích lũy, cũng như hưởng lợi. Tiền gửi phi giao dịch chủ yếu được cấu thành từ tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi tiết kiệm của doanh nghiệp và cá nhân.Mỗi khoản tiền gửi sẽ đem lại cho NHTM những nguồn vốn với qui mô và thời hạn khác nhau. Nguồn vốn tiền gửi là nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn huy động của NHTM. Với cơ chế đa dạng về loại hình tiền gửi, lãi suất, thời hạn, NHTM thực hiện huy động vốn tiền gửi từ nhiều chủ thể khác nhau trong nền kinh tế với chi phí huy động đa dạng.
Nguồn vốn từ đi vay: Trong quá trình hoạt động, NHTM thực hiện đi vay từ hai chủ thể là NHTW và tổ chức tín dụng (TCTD) khác để bù đắp khoản thiếu hụt về vốn của mình. NHTWM thực hiện chức năng ngân hàng của các ngân hàng nên đôi khi sẽ tiến hành cho các NHTM vay khi cần thiết. Các NHTM có thể vay vốn tại NHTW. Ngoài đi vay của NHTW, NHTM thực hiện vay của các NHTM và các TCTD khác trên thị trường tiền tệ để bổ sung những khoản vốn thiếu hụt trong thời gian ngắn của mình. Hoạt động vay mượn vốn lẫn nhau giữa các NHTM được thực hiện trên thị trường liên ngân hàng.
Nguồn vốn khác: Ngoài hai nguồn vốn huy động chủ yếu trên, NHTM còn thực hiện hoạt động phát hành chứng khoán, các giấy tờ có giá để gia tăng tổng vốn huy động. Một số chứng khoán và giấy tờ có giá được NHTM phát hành như: chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu, kỳ phiếu ngân hàng, và một số các giấy tờ có giá khác. Các chứng khoán do NHTM phát hành đa dạng về lãi suất, đa dạng về kỳ hạn, đa dạng về tính chất đã giúp cho họ huy động được một lượng vốn từ nhiều chủ thể khách hàng khác nhau trên nền kinh tế, giúp cho NHTM gia tăng được khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường. Mặc dù huy động qua phát hành các giấy tờ có giá không phải là một hoạt động thường xuyên của NHTM, nhưng đây là kênh có quy mô huy động vốn chỉ sau nguồn vốn tiền gửi.
Như vậy, ngoài vốn chủ sở hữu, nguồn vốn tiền gửi và nguồn vốn từ phát hành giấy tờ có giá mang lại quy mô vốn huy động chủ yếu cho NHTM. Nguồn vốn từ đi vay chủ yếu giúp NHTM huy động trong thời gian ngắn để đảm bảo yếu tố bù đắp thanh khoản.
2.2. Hoạt động sử dụng vốn
Sau khi huy động được nguồn vốn, NHTM muốn tìm kiếm được lợi nhuận phải thực hiện hoạt động thứ hai của mình là hoạt động sử dụng vốn. Hoạt động sử dụng vốn của NHTM được diễn ra chủ yếu với một số các hoạt động sau:
Hoạt động ngân quỹ: Là hoạt động mang tính chất bắt buộc đối với các NHTM trong quá trình hoạt động của mình. Các hoạt động ngân quỹ có vai trò đảm bảo tính thanh khoản của các NHTM. Hoạt động ngân quỹ bao gồm:
(1) lượng tiền mặt dự trữ tại kho của NHTM. Đây là những khoản không tạo ra lợi nhuận cho NHTM nhưng sẽ giúp cho NHTM luôn có khả năng thanh toán cho khách hàng của mình nếu khách hàng đến rút tiền bất ngờ;
(2) gửi tiền tại NHTW. NHTM gửi tiền tại NHTW dưới hai dạng là tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi thanh toán (tiền gửi không kỳ hạn). Trong quá trình gửi tiền, NHTM sẽ được nhận lãi tiền gửi theo quy định của NHTW;
(3) gửi tiền gửi tại các NHTM khác. Các khoản tiền gửi này chủ yếu dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn hoặc tiền gửi trong ngắn hạn.
Hoạt động cấp tín dụng: Là hoạt động chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hoạt động sử dụng vốn của NHTM. Thông qua cấp tín dụng, NHTM thực hiện thỏa thuận hoặc cam kết với khách hàng để khách hàng được quyền sử dụng một lượng tiền nhất định trong một thời hạn nhất định, gắn liền với nguyên tắc hoàn trả. Hoạt động cấp tín dụng của NHTM được phản ánh qua nhiều hình thức, bao gồm: cho vay; chiết khấu; tái chiết khấu các giấy tờ có giá; bảo lãnh ngân hàng; hoặc cho thuê tài chính. Trong các hình thức của hoạt động cấp tín dụng, hoạt động cho vay chiếm tỷ trọng chủ yếu của NHTM.
Đầu tiên là hoạt động cho vay: Đây cũng là hoạt động phản ánh tính chất truyền thống của NHTM với tư cách là chủ thể đi vay để cho vay trên thị trường. Nói cách khác, đây là hoạt động mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho NHTM. Các NHTM thực hiện cho vay đối với hầu hết các chủ thể trong nền kinh tế theo thời gian: cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng hoạt động cho vay của NHTM bản thân nó chứa đựng nhiều rủi ro (rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất, rủi ro chính trị, rủi ro đạo đức, rủi ro chính sách,…).
Tiếp theo hoạt động cho vay là hoạt động bao thanh toán: Khi ngân hàng thực hiện ứng trước tiền hàng hóa dịch vụ cho người bán thông qua việc mua lại các khoản phải thu hoặc các khoản phải trả sẽ được gọi là nghiệp vụ bao thanh toán của ngân hàng thương mại.
Nghiệp vụ bảo lãnh của ngân hàng xuất phát từ sự lo ngại rủi ro sẽ phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế của các chủ thể. Theo đó, ngân hàng sẽ thực hiện cam kết bồi thường cho bên bị thiệt hại do bên đối tác gây ra khi các bên tham gia hợp đồng. Thực hiện nghiệp vụ này, ngân hàng sẽ phát hành chứng thư bảo lãnh và gửi cho bên nhận bảo lãnh với cam kết bồi thường thay thế cho bên được bảo lãnh nếu bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết đối với bên nhận bảo lãnh, trong trường hợp này các khoản nợ và thực hiện hoàn trả cho ngân hàng sẽ thuộc về bên được bảo lãnh theo thỏa thuận trước đó.
Nghiệp vụ chiết khấu giấy tờ có giá là nghiệp vụ ngân hàng thực hiện cung cấp tín dụng cho khách hàng thông qua hoạt động mua các công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá chưa đến hạn thanh toán của khách hàng. Song song với đó, nghiệp vụ tái chiết khấu được thực hiện khi NHTM mua lại các giấy tờ có giá đã được chiết khấu theo phương thức mua hẳn của khách hàng khi chưa đến thời hạn thanh toán.
Và nghiệp vụ tín dụng cuối cùng của NHTM là nghiệp vụ cho thuê tài chính. Nghiệp vụ cho thuê tài chính là hình thức cấp tín dụng với thời gian trung và dài hạn bằng tài sản. Đây được coi là một trong những hoạt động sử dụng vốn chủ yếu của ngân hàng khi đem về thu nhập chiếm 60%-80% trên tổng thu nhập của ngân hàng. Tuy nhiên, đi cùng với việc đem lại thu nhập lớn, hoạt động cho thuê tài chính cũng gắn liền với nhiều rủi ro của ngân hàng. Những nhân tố như: quy mô, cơ cấu tín dụng; khả năng bù đắp rủi ro; chất lượng tín dụng,… ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động này của ngân hàng.
Hoạt động đầu tư: Để có thể gia tăng lợi nhuận nhưng vẫn có thể đảm bảo an toàn tài chính, các NHTM thực hiện kết hợp hoạt động cho vay với hoạt động đầu tư, từ đó làm đa dạng hóa hoạt động sử dụng vốn của mình, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động. Một số lĩnh vực đầu tư được NHTM lựa chọn là: đầu tư góp vốn liên doanh, liên kết; đầu tư trên thị trường chứng khoán (chứng khoán nợ, chứng khoán vốn của Chính phủ và các tổ chức kinh tế),… Hoạt động đầu tư khi thành công sẽ giúp các NHTM gia tăng được khả năng thanh khoản cũng như giảm thiểu được rủi ro, đa dạng hóa được hình thức sử dụng vốn của mình.
Hoạt động khác: Bên cạnh các hoạt động trên, các NHTM còn có một số các hoạt động khác, có thể kể đến như: các khoản phải thu nhưng chưa thu; vốn sử dụng mua sắm trang thiết bị; lỗ trong kinh doanh buộc ngân hàng phải chi phí;…
2.3. Hoạt động trung gian hưởng hoa hồng thương mại
Kết hợp cùng hai hoạt động truyền thống của mình, NHTM ngày nay thực hiện cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho khách hàng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong điều kiện hội nhập, phát triển kinh tế, đồng thời góp phần gia tăng thu nhập cho mình. Các dịch vụ ngân hàng do NHTM cung cấp như: dịch vụ thanh toán và ngân quỹ, dịch vụ bảo lãnh (trong tín dụng, đấu thầu, xuất nhập khẩu,…), dịch vụ kinh doanh ngoại tệ, dịch vụ ủy thác, dịch vụ đại lý và kinh doanh chứng khoán…. Bên cạnh đó, với sự phát triển của khoa học công nghệ, các NHTM cung cấp các dịch vụ mới trong lĩnh vực tiền tệ và tín dụng như: dịch vụ thẻ, Internet banking,…
Hoạt động trung gian hưởng hoa hồng thương mại là những hoạt động khi NHTM đóng vai trò như một chủ thể trung gian giữa các khách hàng của mình (nhận thu hộ, chi hộ, ủy nhiệm) để hưởng thù lao, hoặc khi NHTM cung cấp các dịch vụ ngân hàng nhằm thu phí. Những nghiệp vụ trung gian hưởng hoa hồng thương mại này không phải hoạt động huy động để tạo nguồn vốn, cũng không phải là khoản vay hoặc đầu tư, mà thực chất là một hoạt động phi tín dụng. Hoạt động trung gian hưởng hoa hồng thương mại bao gồm một số hoạt động chính là:
– Hoạt động ngân hàng điện tử: Với sự bùng nổ của cách mạng công nghệ 4.0 và sự phát triển của khoa học công nghệ, dịch vụ ngân hàng điện tử đã phát triển theo hai mảng hoạt động: ngân hàng trực tuyến và ngân hàng theo mô hình kết hợp. Ngân hàng trực tuyến sẽ chỉ tổn tại trên môi trường có mạng internet, các dịch vụ của ngân hàng này 100% sẽ được cung cấp qua môi trường mạng. Ngược lại, ngân hàng theo mô hình kết hợp giữa ngân hàng truyền thống thực hiện điện tử hóa các dịch vụ truyền thống của mình. Như vậy, loại hình ngân hàng thứ hai sẽ thực hiện kết hợp trong cung ứng dịch vụ và sản phẩm của mình, bao gồm: dịch vụ và sản phẩm truyền thống, với dịch vụ và sản phẩm trên những kênh phân phối mới.
– Dịch vụ ngoại hối: NHTM tư vấn cho khách hàng trong kinh doanh ngoại hối, nên mua hay bán loại ngoại tệ nào trong những thời điểm nào; thực hiện mua bán hộ ngoại tệ (hoặc vàng, đá quý,…) cho khách hàng trên tài khoản; thực hiện môi giới ngoại hối cho khách hàng; và cung cấp dịch vụ về bảo quản hộ các loại ngoại hối,…
– Dịch vụ bảo lãnh: NHTM thực hiện bảo lãnh hộ khách hàng của mình trong nhiều lĩnh vực, như: thanh toán, dự thầu, xuất nhập khẩu,…
– Dịch vụ thanh toán chuyển tiền: Dịch vụ thanh toán chuyển tiền của NHTM giúp cho khách hàng trong thanh toán được thuận tiện hơn, gia tăng yếu tố an toàn, cũng như giảm thiểu chi phí trong giao dịch. Một số các dịch vụ thanh toán tiêu biểu do NHTM cung cấp kể đến như: ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu,…
– Dịch vụ tư vấn tài chính: NHTM thực hiện tư vấn cho khách hàng trên một số khía cạnh, đó là: về kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, về thuế, về xây dựng dự án đầu tư cho các doanh nghiệp, về phát hành chứng khoán cho doanh nghiệp, về thiết lập kế hoạch tài chính cho doanh nghiệp cũng như cho cá nhân,…
Những hoạt động trung gian hưởng hoa hồng thương mại còn được gọi là các hoạt động phi tín dụng của NHTM. Ngoài các hoạt động trên, hoạt động phi tín dụng của NHTM còn bao gồm: dịch vụ thu hộ; dịch vụ đại lý và ủy thác; dịch vụ giữ hộ tài sản; một số các công ty con hoạt động chuyên cung cấp các dịch vụ (bảo hiểm, chứng khoán, quản lý quỹ, bất động sản,..). Những hoạt động này chứa đựng ít rủi ro hơn cho NHTM trong quá trình hoạt động và đem lại thu nhập cho ngân hàng đó. Việc gia tăng tỷ trọng của các hoạt động này là xu thế các NHTM hiện đại đang theo đuổi và hướng tới.
Tham khảo thêm
- Lê Thị Thúy (2020). Hiệu quả kinh doanh của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Học viện Tài chính. Hà Nội.
- Quốc hội Pháp (1941), Luật Ngân hàng, Paris.
- Quốc hội Đan Mạch (1930), Luật Ngân hàng, Đan Mạch
- Nguyễn Văn Tiến (2015), Giáo trình Quản trị ngân hàng thương mại, NXB Thống kê, Hà Nội.