Bài viết tập trung phân tích và làm rõ các khái niệm tự học là gì, vai trò tự học, đặc điểm, kỹ năng và năng lực tự học của học sinh. Cụ thể:
1. Khái niệm về tự học
Nhà tâm lí học N.A.Rubakin [2] xem quá trình tự tìm lấy kiến thức có nghĩa là tự học. Tự học là quá trình lĩnh hội tri thức, kinh nghiệm xã hội, lịch sử trong thực tiễn hoạt động cá nhân bằng cách thiết lập các mối quan hệ cải tiến kinh nghiệm ban đầu, đối chiếu với các mô hình phản ánh hoàn cảnh thực tại, biến tri thức của loài người thành vốn tri thức, kinh nghiệm, kĩ năng, kỹ xảo của chủ thể.
Theo Đặng Vũ Hoạt và Hà Thị Đức [3]: “Tự học là một hình thức nhận thức của cá nhân, nhằm nắm vững hệ thống tri thức và kĩ năng do chính người học tự tiến hành ở trên lớp hoặc ở ngoài lớp, theo hoặc không theo chương trình và sách giáo khoa đã được qui định”.
Theo từ điển Giáo dục học của tác giả Bùi Hiền (2001): “Tự học là quá trình hoạt động lĩnh hội tri thức khoa học và rèn luyện kĩ năng thực hành…” [4].
Tự học thể hiện bằng cách tự đọc tài liệu giáo khoa, sách báo các loại, nghe radio, truyền hình, nghe nói chuyện, báo cáo, tham quan bảo tàng, triển lãm, xem phim, kịch, giao tiếp với những người có học, với các chuyên gia và những người hoạt động thực tiễn trong các lĩnh vực khác nhau. Người tự học phải biết cách lựa chọn tài liệu, tìm ra những điểm chính, điểm quan trọng trong các tài liệu đã đọc, đã nghe, phải biết cách ghi chép những điều cần thiết, biết viết tóm tắt và làm đề cương, biết cách tra cứu từ điển và sách tham khảo, biết cách làm việc trong thư viện,… tự học đòi hỏi phải có tính độc lập, tự chủ, tự giác và kiên trì cao.
Tự học là một giải pháp khoa học giúp giải quyết mâu thuẫn giữa khối lượng kiến thức đồ sộ với quỹ thời gian không nhiều khi học ở nhà trường. Tự học giúp tạo ra tri thức bền vững cho mỗi người bởi lẽ nó là kết quả của sự hứng thú, sự tìm tòi, nghiên cứu và lựa chọn.
2. Vai trò của tự học
Có phương pháp tự học tốt sẽ đem lại kết quả học tập cao hơn. Khi học sinh biết cách tự học, họ sẽ có ý thức và xây dựng thời gian tự học, tự nghiên cứu giáo trình, tài liệu, gắn lí thuyết với thực hành, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.
Tự học của học sinh trung học phổ thông còn có vai trò quan trọng đối với yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường phổ thông. Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa người học sẽ phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học trong việc lĩnh hội tri thức khoa học. Vì vậy, tự học chính là con đường phát triển phù hợp với quy luật tiến hóa của nhân loại và là biện pháp sư phạm đúng đắn cần được phát huy ở các trường phổ thông [5].
Theo phương châm học suốt đời thì việc “tự học” lại càng có ý nghĩa đặc biệt đối với học sinh trung học phổ thông. Vì nếu không có khả năng và phương pháp tự học, tự nghiên cứu thì khi lên đến các bậc học cao hơn như cao đẳng, đại học, sau đại học,… học sinh sẽ khó thích ứng do đó khó có thể thu được một kết quả học tập và nghiên cứu tốt. Hơn thế nữa, nếu không có khả năng tự học thì chúng ta không thể đáp ứng được phương châm “Học suốt đời” mà Hội đồng quốc tế về giáo dục đã đề ra vào tháng 4 năm 1996 [6].
3. Đặc điểm của tự học
Hoạt động tự học của người học có những đặc điểm cơ bản sau [6]:
– Tự học là quá trình học tập tự giác, tích cực, độc lập của người học.
– Tự học của học sinh diễn ra dưới sự hướng dẫn, giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp của giáo viên.
– Trong quá trình tự học, người học huy động các chức năng tâm lí (nhận thức-thái độ-hành vi) của bản thân, bằng những hành động học tập cụ thể lĩnh hội những tri thức, kĩ năng nghề nghiệp.
– Tự học diễn ra trong môi trường học tập, chịu sự tác động bởi các điều kiện học tập của người học.
4. Kỹ năng tự học
Kĩ năng tự học là những phương thức thể hiện hành động tự học thích hợp, tương ứng với mục đích và những điều kiện hoạt động, hình thành kỹ xảo đúng trong hoạt động tự học, đảm bảo cho hoạt động tự học của học sinh đạt được kết quả. Nói cách khác, kĩ năng tự học là hệ thống những thao tác đảm bảo cho con người sẵn sàng và có khả năng thực hiện hành động tự học đạt kết quả.
Kĩ năng tự học bao gồm 3 nhóm kĩ năng:
– Nhóm kĩ năng định hướng tự học: kĩ năng tiếp nhận và phát hiện vấn đề, kĩ năng lập kế hoạch tự học phù hợp với đặc điểm tâm – sinh lí của bản thân.
– Nhóm kĩ năng thực hiện hoạt động tự học: kĩ năng nghiên cứu tài liệu học tập, kĩ năng giải quyết các bài tập nhận thức, kĩ năng thực hành.
– Nhóm kĩ năng tự kiểm tra, đánh giá hoạt động tự học.
Trong các nhóm kĩ năng nói trên, nhóm kĩ năng tự kiểm tra, đánh giá ở học sinh là rất đáng lưu tâm. Các em biết đánh giá được kết quả đúng sai của việc tự học và mức độ đạt được trong quá trình tự học. Thực tế cho thấy, học sinh rất chú trọng đến việc “ kiểm tra lại kết quả từng nhiệm vụ đã giải quyết có hợp lí không”, “Tìm nguyên nhân dẫn đến các khiếm khuyết trong công việc”, điều đó chứng tỏ ý thức đối với công việc đã làm của học sinh.
Có thể nói, các yếu tố tâm lí cơ bản trong hoạt động tự học của học sinh có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của tự học giúp học sinh định hướng cho hoạt động tự học, thái độ tự học tích cực thể hiện các em có hứng thú, say mê tự học và kĩ năng tự học quyết định trực tiếp đến kết quả tự học của học sinh.
5. Năng lực tự học
Năng lực tự học nói chung là khả năng xác định được nhiệm vụ học tập một cách tự giác, chủ động; tự đặt được mục tiêu học tập để đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu thực hiện; thực hiện các phương pháp học tập hiệu quả; điều chỉnh những sai sót, hạn chế của bản thân khi thực hiện các nhiệm vụ học tập thông qua tự đánh giá hoặc lời góp ý của giáo viên, bạn bè; chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ khi gặp khó khăn trong học tập.
Năng lực tự học của học sinh phổ thông là khả năng học sinh lập được kế hoạch tự học một cách khoa học, thực hiện có hiệu quả kế hoạch tự học đã lập, tự đánh giá kết quả đạt được và điều chỉnh quá trình tự học có sự hỗ trợ của giáo viên.
Tham khảo thêm
- Phan Hoài Thanh (2020). Thiết kế và sử dụng phần mềm tra cứu kiến thức hóa học nhằm phát triển năng lực tự học cho học sinh trung học phổ thông. Luận án tiến sĩ khoa học giáo dục. Trường Đại học Vinh. Nghệ An.
- N.A Rubakin (1973), Tự học như thế nào, Nxb Thanh niên, tr. 35.
- Đặng Vũ Hoạt, Hà Thị Đức (2003), Lí luận dạy học đại học, Nxb đại học sư phạm, tr. 35.
- Bùi Hiền (2001), Từ điển giáo dục học, Nxb Từ điển bách khoa, tr. 459.
- Cao Cự Giác (2010), “Phương pháp tổ chức cho sinh viên tự học và tự nghiên cứu đáp ứng theo yêu cầu đào tạo theo học chế tín chỉ, Kỉ yếu Hội thảo khoa học – Đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá trong đào tạo theo học chế tín chỉ”, trường Đại học Vinh, tr. 41-42.
- Phạm Văn Tuân (2013), “Một số vấn đề lý luận và hoạt động về dạy tự học tại trường đại học Trà Vinh”, Tạp chí khoa học – Trường Đại học An Giang (01), tr. 76-83.