Quản trị rủi ro (Risk management) là quá trình nhận dạng, phân tích, đo lường, đánh giá rủi ro, để từ đó tìm các biện pháp kiểm soát, khắc phục các hậu quả của rủi ro đối với hoạt động kinh doanh nhằm sử dụng tối ưu các nguồn lực. Quản trị rủi ro có vai trò của quản trị rủi ro trong tổ chức: Giúp tổ chức ra quyết định đúng đắn, giúp hoạt động kinh doanh hiệu quả, ổn định, an toàn, thực hiện mục tiêu và chiến lược kinh doanh, đồng thời tăng vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.
1. Rủi ro tín dụng (RRTD) của ngân hàng thương mại
Về khái niệm rủi ro tín dụng (RRTD), hiện nay đang tồn tại nhiều khái niệm khác nhau về RRTD.
Theo Thomas P.Fitch: “Rủi ro tín dụng là loại rủi ro xảy ra khi người vay không thanh toán được nợ theo thỏa thuận hợp đồng dẫn đến sai hẹn trong nghĩa vụ trả nợ. Cùng với rủi ro lãi suất, rủi ro tín dụng là một trong những rủi ro chủ yếu trong hoạt động cho vay của ngân hàng” (Dictionary of Banking systems, Barron’s Edutional Series, Inc, 1997).
Theo Henie Van Greuning – Sonja B rajovic Bratanovic: Rủi ro tín dụng được định nghĩa là nguy cơ mà người đi vay không thể chi trả tiền lãi hoặc hoàn trả vốn gốc so với thời hạn đã ấn định trong hợp đồng tín dụng. đây là thuộc tính vốn có của hoạt động ngân hàng. Rủi ro tín dụng tức là việc chi trả bị trì hoãn, hoặc tồi tệ hơn là không chi trả được toàn bộ. điều này gây ra sự cố đối với dòng chu chuyển tiền tệ và ảnh hưởng tới khả năng thanh khoản của ngân hàng (Hennie van Greuning-Sonja Brajovic Bratanovic, 1999).
Còn theo Uỷ ban Basel: RRTD mà khách hàng vay hoặc bên đối tác không thực hiện được các nghĩa vụ của mình theo điều khoản đã cam kết.
Theo tài liệu về quản lý rủi ro tín dụng của Ernst & Young, rủi ro tín dụng là rủi ro về tổn thất kinh tế do phía đối tác không thực hiện theo đúng các nghĩa vụ trong hợp đồng.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu nội dung rủi ro tín dụng bao gồm hai đặc điểm chính đó là:
– Rủi ro tín dụng phát sinh khi người vay sai hẹn hoặc trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng, bao gồm nợ gốc và khoản lãi vay. Sự sai hẹn có thể là trễ hạn hoặc không thanh toán.
– Rủi ro tín dụng dẫn đến tổn thất tài chính, tức là giảm thu nhập ròng và giảm giá trị thị trường của vốn. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến thua lỗ, hoặc ở mức độ cao hơn có thể dẫn đến phá sản.
RRTD không chỉ giới hạn ở hoạt động cho vay, mà còn bao gồm nhiều hoạt động mang tính chất tín dụng khác của ngân hàng như bảo lãnh, cam kết, chấp thuận tài trợ thương mại, cho vay ở thị trường liên ngân hàng, tín dụng thuê mua, đồng tài trợ dự án…
Khi gặp rủi ro tín dụng, ngân hàng không thu được vốn tín dụng đã cấp và lãi cho vay, nhưng ngân hàng phải trả vốn và lãi cho khoản tiền huy động khi đến hạn, điều này làm cho ngân hàng mất cân đối trong việc thu chi. Khi không thu được nợ thì vòng quay vốn tín dụng giảm làm ngân hàng kinh doanh không có hiệu quả. Khi gặp phải RRTD ngân hàng thường rơi vào tình trạng mất khả năng thanh khoản, làm mất lòng tin người gửi tiền, ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng.
2. Phân loại rủi ro tín dụng
Tuỳ theo tiêu chí phân loại mà người ta có thể chia rủi ro tín dụng thành các loại khác nhau. Căn cứ và nguyên nhân phát sinh rủi ro, rủi ro tín dụng được phân chia thành các loại:
Rủi ro giao dịch phát sinh do những hạn chế trong quá trình giao dịch và xét duyệt cho vay, đánh giá khách hàng. Rủi ro giao dịch bao gồm: rủi ro lựa chọn, rủi ro đảm bảo, rủi ro nghiệp vụ.
(i) Rủi ro lựa chọn: liên quan dến quá trình đánh giá và phân tích tín dụng, phương án vay vốn đề quyết định tài trợ của ngân hàng;
(ii) Rủi ro đảm bảo: phát sin từ các tiêu chuẩn đảm bảo như mức cho vay, loại tài sản dảm bảo…
(iii) Rủi ro nghiệp vụ: liên quan đến công tác quản lý khoản vay và hoạt động cho vay, bao gồm cả việc sử dụng hệ thống xếp hạng rủi ro và kỹ thuật xử lý các khoản vay có vấn đề.
Rủi ro danh mục phát sinh do những hạn chế trong quản lý danh mục cho vay của ngân hàng. Rủi ro danh mục bao gồm rủi ro nội tại và rủi to tập trung.
(i) Rủi ro nội tại: Xuất phát từ đặc điểm hoạt động và sử dụng vốn của khách hàng vay vốn, lĩnh vực kinh tế.
(ii) Rủi ro tập trung: Rủi ro do ngân hàng tập trung cho vay quá nhiều vào một số khách hàng, một ngành kinh tế hoặc trong cùng một vùng địa lý nhất định hoặc cùng một loại hình cho vay có rủi ro cao.
3. Rủi ro thanh khoản của ngân hàng thương mại
Theo định nghĩa của Ủy ban Basel, “rủi ro thanh khoản là rủi ro mà một định chế tài chính không đủ khả năng tìm kiếm đầy đủ nguồn vốn để đáp ứng các nghĩa vụ đến hạn mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hàng ngày và cũng không gây tác động đến tình hình tài chính”.
Tính thanh khoản của ngân hàng thương mại được xem như khả năng tức thời (the short-run ability) để đáp ứng nhu cầu rút tiền gửi và giải ngân các khoản tín dụng đã cam kết. Như vậy, rủi ro thanh khoản là loại rủi ro khi ngân hàng không có khả năng cung ứng đầy đủ lượng tiền mặt cho nhu cầu thanh khoản tức thời; hoặc cung ứng đủ nhưng với chi phí cao.
Rủi ro thanh khoản là loại rủi ro thường trực nhất mà các ngân hàng có nguy cơ phải đối mặt và loại rủi ro này khiến cho ngân hàng dễ bị tổn thương trước những tác động từ thị trường và càng có nguy cơ trở nên kém thanh khoản và lúc đó rủi ro thanh khoản có nguy cơ mạnh hơn và tác động tiêu cực hơn.
4. Rủi ro thị trường của ngân hàng thương mại
Theo ủy ban Basel, rủi ro thị trường được xác định là những tổn thất tiềm ẩn trong trạng thái nội ngoại bảng, trên sổ sách của một định chế, rủi ro thị trường là kết quả của sự thay đổi các mức giá trị trường.
Phân loại và nguyên nhân dẫn đến rủi ro thị trường của ngân hàng thương mại bao gồm:
Rủi ro lãi suất: đây là mức tổn thất giá trị tài sản ngân hàng có khả năng xảy ra khi lãi suất thay đổi ngoài dự tính.
Rủi ro ngoại hối: đây là mức tổn thất giá trị tài sản ngân hàng có khả năng xảy ra do sự thay đổi của tỷ giá hối đoái.
Rủi ro chứng khoán: đây là loại rủi ro xảy ra với ngân hàng phát sinh từ những biến động về giá của chứng khoán mà ngân hàng đang nắm giữ.
Rủi ro giá hàng hóa: đây là loại rủi ro xảy ra với ngân hàng phát sinh từ những biến động về giá của những hàng hóa mà ngân hàng đang nắm giữ trạng thái.
5. Rủi ro hoạt động của ngân hàng thương mại
Rủi ro hoạt động là loại rủi ro phát sinh do yếu tố con người, sự yếu kém trong hệ thống công nghệ, thông tin, sự yếu kém trong các quy trình nghiệp vụ, hoặc từ những yếu tố bên ngoài của các ngân hàng.
Theo Basel II định nghĩa rằng rủi ro hoạt động được định nghĩa là nguy cơ tổn thất do các quy trình, con người và hệ thống nội bộ không đạt yêu cầu hoặc không hoạt động, hay do các sự kiện bên ngoài. Khái niệm rủi ro hoạt động bao gồm cả rủi ro luật pháp, nhưng không bao gồm rủi ro chiến lược và rủi ro uy tín ngân hàng.
Các nguyên nhân dẫn đến rủi ro hoạt động trong ngân hàng bao gồm:
– Con người: sự bất cẩn trọng, gian lận, sơ xuất.
– Quy trình, quy định: Không đầy đủ, sơ hở, không phù hợp.
– Hệ thống: Hệ thống công nghệ thông tin truyền thông không đầy đủ hoặc không hoạt động, do không có hoặc không đầy đủ dữ liệu.
– Các yếu tố bên ngoài: những tác động bên ngoài có tác động đến hoạt động của ngân hàng, nằm ngoài khả năng kiểm soát của ngân hàng.
6. Quản trị rủi ro ngân hàng thương mại
Quản trị rủi ro của các NHTM có thể hiểu là quá trình tác động có tổ chức, có hướng đích của các nhà quản trị ngân hàng lên các đối tượng quản trị và khách thể kinh doanh nhằm mục tiêu phòng ngừa, hạn chế và giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh từ đó nâng cao mức độ an toàn, khả năng sinh lời và đạt được các mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn và dài hạn của các ngân hàng. Các phương châm quản trị rủi ro hiện đại được xây dựng trên cơ sở “Không có rủi ro thì không có lợi nhuận”, và rủi ro là cái để quản lý chứ không phải cái để tránh”.
Theo Uỷ ban Basel, quản trị rủi ro là một quá trình liên tục cần được thực hiện ở mọi cấp độ của một tổ chức tài chính và là yêu cầu bắt buộc để các tổ chức tài chính có thể đạt được các mục tiêu đề ra và duy trì khả năng tồn tại và sự minh bạch về tài chính.
Tham khảo
- Lê Quốc Minh (2017). Hoàn thiện và ứng dụng bộ chỉ số đánh giá quản trị điều hành của các NHTM Việt Nam. Học viện Hậu Cần, Hà Nội.
- Thomas P. Fitch Thomas Fitch (1997). Dictionary of Banking systems. Barron’s Edutional Series, Inc.
- Hennie van Greuning, Sonja Brajovic Bratanovic (1999). Analyzing and Managing Banking Risk: A Framework for Assessing Corporate Governance and Financial Risk. World Bank Publications.