1. Dấu hiệu có chuyển giá
– Thứ nhất, biểu hiện cụ thể của hành vi chuyển giá là giao kết về giá:
Giao dịch liên kết với giao dịch độc lập được hiểu là việc so sánh giữa giao dịch liên kết với giao dịch độc lập hoặc so sánh giữa các doanh nghiệp thực hiện giao dịch liên kết với doanh nghiệp thực hiện giao dịch độc lập. Việc so sánh được thực hiện trên cơ sở lựa chọn và phân tích dữ liệu, chứng từ, tài liệu có liên quan đến giao dịch liên kết, giao dịch độc lập diễn ra trong cùng kỳ đảm bảo độ tin cậy để sử dụng cho mục đích kê khai, tính thuế phù hợp với các quy định pháp luật về kế toán, thống kê và thuế. Nhưng giao kết về giá chưa đủ để kết luận chủ thể đã thực hiện hành vi chuyển giá, nếu giao kết đó chưa thực hiện trên thực tế hoặc chưa có sự chuyển dịch quyền đối với đối tượng giao dịch, do không có cơ sở để xác định sự chuyển dịch về mặt lợi ích.
Vậy, chúng ta cũng chỉ có thể đánh giá một giao dịch có chuyển giá hay không, khi so sánh giá giao kết với giá thị trường, nếu giá giao kết không tương ứng với giá thị trường thì có thể kết luận rằng giao dịch này có biểu hiện chuyển giá.
– Thứ hai, hành vi chuyển giá được thể hiện qua kết quả sản xuất-kinh doanh của một doanh nghiệp thường bị thua lỗ liên tục trong nhiều năm:
Doanh nghiệp kê khống giá nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị từ công ty mẹ ở nước ngoài làm cho chi phí đầu vào tăng lên. Theo đó, giá thành sản phẩm do các doanh nghiệp này sản xuất ra trở nên cao hơn. Giá thành cao là cơ sở để các doanh nghiệp báo cáo lỗ để không phát sinh thu nhập chịu thuế. Mặt khác, doanh nghiệp có mặt hàng được bán thấp hơn giá vốn và có giá bán thấp hơn rất nhiều so với giá bán của mặt hàng có cùng chức năng trên thị trường, mặc dù doanh nghiệp có thể có lãi nhưng đây cũng là phương pháp chuyển giá hạ thấp đầu vào để giảm giá thành, giảm giá bán nhằm cạnh tranh thị trường.
– Thứ ba, các doanh nghiệp kê khai hoạt động kinh doanh thua lỗ song lại không ngừng mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh, tăng quy mô hoạt động: Thực tế này là do các công ty mẹ ở nước ngoài đã thực hiện chuyển giá, tìm mọi cách để công ty con không có lãi và toàn bộ số lãi của công ty con được chuyển về công ty mẹ, làm thất thu cho ngân sách nhà nước.
– Thứ tư, thông qua chi phí lớn về khấu hao thiết bị máy móc nhập khẩu đã qua sử dụng: Đây là một thủ thuật chuyển giá khác mà các doanh nghiệp có vốn FDI hay sử dụng. Tại đây, thông qua hoạt động chi phí khấu hao, các công ty con nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ công ty mẹ ở nước ngoài, rồi tiến hành khấu hao thật nhanh và tính chi phí này vào giá thành, khiến giá thành cũng bị đội lên nhiều.
– Thứ năm, hành vi có chuyển giá được thể hiện qua các dấu hiệu như việc Doanh nghiệp FDI vay vốn để thanh toán mua sắm TSCĐ, vật tư hàng hóa; vay vốn để thanh toán ứng tiền trước với số lượng lớn:
Các công ty con có quan hệ liên kết với công ty mẹ ở nước ngoài thông thường vay vốn của công ty mẹ và trả lãi suất cao, từ đó đã tạo ra cơ cấu vốn và nguồn vốn bất hợp lý trong các giao dịch mua, bán mà không tăng vốn góp và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, từ đó làm tăng các khoản chi phí về vốn, lợi nhuận của doanh nghiệp có vốn FDI đã chuyển sang cho công ty mẹ [2], [3, tr.136-138].
2. Phạm vi chuyển giá
Trước hết, chuyển giá với ý nghĩa chuyển giao giá trị trong quan hệ nội bộ nên hành vi chuyển giá phải được xem xét trong phạm vi giao dịch của các bên liên kết:
Hai doanh nghiệp được xem là liên kết khi:
(i) một doanh nghiệp tham gia vào quản lý, điều hành hay góp vốn vào doanh nghiệp kia một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp, hoặc qua trung gian;
(ii) hai doanh nghiệp có cùng một hoặc nhiều người hay những thực thể (entities) khác tham gia quản lý, điều hành hay góp vốn một cách trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc thông qua trung gian” (Điều 9 Công ước mẫu của OECD về định giá chuyển giao) [2].
Phạm vi chuyển giá không chỉ diễn ra trong các giao dịch quốc tế mà có thể cả trong những giao dịch quốc nội trong một quốc gia:
Yếu tố quản lý, điều hành hay góp vốn chính là điều kiện quyết định sự ảnh hưởng, sự giao hòa về mặt lợi ích của các chủ thể nên cũng là cơ sở để xác định mối quan hệ liên kết, trong khi đó, sự liên kết của các doanh nghiệp lại có thể được hình thành trong cùng một quốc gia hoặc có thể ở nhiều quốc gia khác nhau. Trên thực tế, chuyển giá thường được quan tâm đánh giá đối với các giao dịch quốc tế hơn, do có sự khác biệt về chính sách thuế giữa các quốc gia được thể hiện rõ hơn. Còn các nghĩa vụ thuế hình thành từ các giao dịch trong nước ít có sự cách biệt do phải tuân thủ nguyên tắc đối xử quốc gia. Đó là lý do mà phần lớn các quốc gia hiện nay thường chỉ quy định về chuyển giá đối với giao dịch quốc tế.
Ở đây, sự khác biệt chính yếu nằm ở sự cách biệt về mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của các quốc gia. Một giá trị lợi nhuận chuyển qua giá từ doanh nghiệp liên kết cư trú tại quốc gia có thuế suất cao sang doanh nghiệp liên kết ở quốc gia có thuế suất thấp. Ngược lại một lượng chi phí tăng lên qua giá mua sẽ làm giảm thu nhập cục bộ ở quốc gia có thuế suất thuế thu nhập cao. Hai trường hợp đều cho ra những kết quả tương tự là làm tổng thu nhập sau thuế của toàn bộ nhóm liên kết tăng lên. Trường hợp các giao dịch trong nước được hưởng lợi từ chế độ ưu đãi, miễn giảm thuế, khi đó, thu nhập sẽ lại có thể dịch chuyển từ doanh nghiệp liên kết không được hưởng ưu đãi hoặc ưu đãi với tỉ lệ thấp hơn sang doanh nghiệp liên kết có lợi thế hơn.
Tham khảo
- Lê Quang Hùng (2018). Chuyển giá và chống chuyển giá trong quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Học viện Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội.
- OECD (2010), “Hướng dẫn về giá chuyển nhượng cho các công ty đa quốc gia và các cơ quan quản lý thuế” (Bản dịch tiếng Việt của Tổng Cục Thuế).
- Nguyễn Minh Phong (2012), “Chống chuyển giá-cần nhận thức đúng và giải pháp đồng bộ…”, Hội thảo khoa học: Hoạt động chuyển giá-Những vấn đề lý luận, thực tiễn và biện pháp hạn chế, Nxb. Tài chính, tr.136-143.