1. Khái niệm
Khái niệm khởi sự kinh doanh
Khởi sự theo từ điển tiếng Việt là bắt đầu một cái gì mới. Khởi sự kinh doanh theo nghĩa tiếng Việt là việc bắt đầu tạo lập một công việc kinh doanh mới. Trong lĩnh vực nghiên cứu học thuật đó là một khái niệm đa chiều. Khởi sự kinh doanh là (a) việc mở một doanh nghiệp mới (có thể là “start a new business”[1]; hay là “new venture creation” [2], “tinh thần doanh nhân- entrepreneurship” [3]), (b) hay là tự làm chủ, tự kinh doanh (self- employment [4]). Trên các góc độ nghiên cứu khác nhau, thì Khởi sự kinh doanh được gắn với các thuật ngữ và lĩnh vực nghiên cứu rất khác nhau. Khởi sự kinh doanh được gắn chủ yếu với 2 nghĩa và 2 hướng nghiên cứu chính sau:
– Các học giả trong lĩnh vực kinh tế lao động thì cho rằng khởi sự kinh doanh là một sự lựa chọn nghề nghiệp của cá nhân giữa việc đi làm thuê hoặc tự tạo việc làm cho mình nên gắn khởi sự kinh doanh với thuật ngữ “tự tạo việc làm – self employment” [5] và các nghiên cứu về lựa chọn nghề nghiệp. Theo hướng nghiên cứu này Khởi sự kinh doanh là lựa chọn nghề nghiệp của những người không sợ rủi ro tự làm chủ công việc kinh doanh của chính mình và thuê người khác làm công cho họ [66]. Làm thuê được hiểu là cá nhân sẽ làm việc cho một doanh nghiệp hoặc tổ chức do người khác làm chủ. Như vậy, Khởi sự kinh doanh được hiểu là tự tạo việc làm theo nghĩa trái với đi làm thuê, là tự làm chủ – tự mở doanh nghiệp và thuê người khác làm việc cho mình.
– Trong lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh, Khởi sự kinh doanh gắn với thuật ngữ “tinh thần doanh nhân- entrepreneurship” và các nghiên cứu trong lĩnh vực này [7]. “Entrepreneurship- tinh thần doanh nhân” cũng được hiểu và định nghĩa khác nhau. Nếu hiểu theo nghĩa hẹp “tinh thần doanh nhân” là việc một cá nhân bắt đầu khởi sự công việc kinh doanh của riêng mình [8], hay là việc một cá nhân chấp nhận rủi ro để tạo lập một doanh nghiệp mới và tự làm chủ nhằm mục đích làm giàu, hoặc là việc bắt đầu tạo lập một công việc kinh doanh mới bằng đầu tư vốn kinh doanh, hay mở cửa hàng kinh doanh [9]. Nếu hiểu theo nghĩa rộng thì tinh thần doanh nhân lại là một thái độ làm việc đề cao tính tự chủ, sáng tạo, đổi mới và chấp nhận rủi ro tạo ra các giá trị mới trong các doanh nghiệp hiện tại [10]; là sự đổi mới; là một phong cách nhận thức và suy nghĩ [9]; là dự định phát triển nhanh [2]. Hiện nay các nhà nghiên cứu lý thuyết lẫn thực tiễn rất đa dạng trong khái niệm và khuôn khổ nghiên cứu về tinh thần doanh nhân. Tinh thần doanh nhân với nghĩa rộng hơn thường được các học giả nghiên cứu trong lĩnh vực quản trị kinh doanh và quản trị chiến lược.
Giữa Khởi sự kinh doanh theo nghĩa tự tạo việc làm và theo khái niệm tinh thần doanh nhân có sự khác biệt đôi chút. Tự tạo việc làm nhấn mạnh tới khía cạnh tự làm chủ chính mình, không đi làm thuê cho ai cả trong khi Khởi sự kinh doanh theo nghĩa tinh thần doanh nhân còn có thể bao gồm cả những người thành lập doanh nghiệp mới để tận dụng cơ hội thị trường nhưng lại không trực tiếp quản trị doanh nghiệp mà thuê người khác nên vẫn có thể đi làm thuê cho doanh nghiệp khác [11].
Khởi sự kinh doanh trong nghiên cứu này sẽ được hiểu theo nghĩa hẹp của từ tinh thần doanh nhân. Theo đó, khởi sự kinh doanh là việc một cá nhân (một mình hoặc cùng người khác) tận dụng cơ hội thị trường tạo dựng một công việc kinh doanh mới.
Người khởi sự kinh doanh (Entrepreneur)
Trong từ điển Webster Dictionary, người Khởi sự kinh doanh được định nghĩa là người tổ chức hoặc quản trị các doanh nghiệp, đặc biệt các công việc kinh doanh có nhiều rủi ro và sự không chắc chắn. Bird (1988) [10] định nghĩa người Khởi sự kinh doanh là người bắt đầu (hoặc tạo dựng) một công việc kinh doanh mới. MacMillan và Katz (1992)[12] cho rằng người Khởi sự kinh doanh là người kiếm tiền bằng cách bắt đầu hoặc quản trị công việc kinh doanh có tính rủi ro. Người Khởi sự kinh doanh là người tạo dựng doanh nghiệp mới và phát triển kinh doanh, họ năng động trong các hoạt động kinh tế, quản trị các thay đổi về kỹ thuật và tổ chức trong doanh nghiệp, tạo dựng văn hóa đổi mới và học tập trong doanh nghiệp. Như vậy trong luận án này, người khởi sự kinh doanh là cá nhân tạo dựng công việc kinh doanh mới.
Các loại hình khởi sự kinh doanh
Khởi sự kinh doanh có thể phân loại thành nhiều dạng tùy theo tiêu chí sử dụng để phân loại:
– Theo động cơ:
+Khởi sự kinh doanh để nắm bắt cơ hội (opportunities driven entrepreneurship): nhiều học giả cho rằng Khởi sự kinh doanh là quá trình khám phá và khai thác cơ hội để kiếm lợi nhuận [13]. Với ý nghĩa này Khởi sự kinh doanh là một chu trình gồm 3 bước: tìm kiếm cơ hội, khám phá cơ hội và khai thác cơ hội. Cùng quan điểm, Austin (2006), Mitch (2002) [14] cho rằng Khởi sự kinh doanh là việc tận dụng các cơ hội kinh doanh để làm giàu bằng cách khởi xướng các phương thức họat động sáng tạo trong điều kiện môi trường ràng buộc bởi nguồn lực có hạn; Shane và Venkatraman (1997) [15] quan niệm Khởi sự kinh doanh là lĩnh vực học thuật nghiên cứu cách thức, con người và kết quả của việc phát hiện, tạo ra và khai thác các cơ hội kinh doanh chuyển chúng thành các hàng hóa và dịch vụ tương lai.
+Khởi sự kinh doanh vì cần thiết (necessity driven entrepreneurship): cá nhân bị bắt phải Khởi sự kinh doanh do những nhân tố đẩy như không có việc làm, thất nghiệp, bị đuổi việc, hoàn cảnh gia đình xô đẩy. Khởi sự kinh doanh ở đây không phải là phát hiện, tận dụng một cơ hội do thị trường đem lại mà là phương thức duy trì sự sống, thoát nghèo. Những người Khởi sự kinh doanh vì bắt buộc này thường cung cấp cho khách hàng những sản phẩm hoặc dịch vụ thông thường, đơn giản, đã có trên thị trường mà không có sự cải tiến nào. Trong khi những người Khởi sự kinh doanh khi phát hiện cơ hội thường phát triển hoạt động kinh doanh mới đưa ra thị trường những sản phẩm và dịch vụ mới, tạo ra giá trị mới và mang giá trị đó đến đông đảo người tiêu dùng bằng cách sáng tạo và tận dụng những nguồn lực sẵn có [15].
– Theo đặc điểm:
+ Khởi sự kinh doanh bằng cách thành lập doanh nghiệp độc lập: Doanh nghiệp mới được tạo dựng bởi một hoặc nhiều cá nhân độc lập không bị kiểm soát hoặc tài trợ bởi các doanh nghiệp đang hoạt động khác. Như vậy doanh nghiệp độc lập là sở hữu của cá nhân các sáng lập viên và các nhà đầu tư.
+ Khởi sự kinh doanh trong công ty (intrapreneurship): tạo dựng một doanh nghiệp mới từ việc khai thác các cơ hội phát sinh từ công ty hiện đang hoạt động: có thể do ý tưởng mới được hình thành hoặc do công ty hiện tại không khai thác hiệu quả một nguồn lực nào đó. Hoạt động Khởi sự kinh doanh trong công ty này lại được hỗ trợ và sở hữu (một phần) bởi các công ty hiện đang hoạt động.
– Theo số người tham gia:
+ Khởi sự kinh doanh có thể bằng cách thành lập doanh nghiệp của một cá nhân
+ Khởi sự kinh doanh do một nhóm người cùng tiến hành.
- Theo mục đích:
+ Khởi sự có thể vì mục tiêu lợi nhuận (Khởi sự kinh doanh)
+ Khởi sự không vì mục tiêu lợi nhuận (thành lập doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp xã hội).
Tổng kết lại, Khởi sự kinh doanh gắn liền với phát triển kinh tế và tạo của cải, giới thiệu các sản phẩm chu trình giải pháp và dịch vụ mới cho người tiêu dùng và các nhà sản xuất, là công việc có ý nghĩa cho những người thích quyền lực, thách thức và là cơ hội để phát huy tính sáng tạo. Như vậy có thể hiểu, Khởi sự kinh doanh là quá trình tạo ra một tổ chức kinh doanh mới độc lập, hoạt động vì lợi nhuận để tận dụng cơ hội thị trường bởi vì loại hình Khởi sự kinh doanh này phù hợp với bối cảnh nghiên cứu ở sinh viên đại học, những đối tượng đang ở thời kỳ lựa chọn nghề nghiệp và định hướng tương lai.
Khởi sự kinh doanh là một quá trình vì Khởi sự kinh doanh liên quan tới nhiều hoạt động (hình thành ý tưởng, lập kế hoạch, chuẩn bị nguồn lực…) diễn ra trong khoảng thời gian dài, chứ không chỉ đơn thuần là quyết định của một thời điểm hoặc một sự kiện.
Mới: là để nhấn mạnh tới việc bắt đầu tạo dựng ra một cơ sở- công việc kinh doanh.
Độc lập: là hình thành doanh nghiệp mới thuộc sở hữu của người khởi sự, không phải loại hình Khởi sự kinh doanh ở các doanh nghiệp đang hoạt động.
Vì lợi nhuận: Khởi sự kinh doanh trong nghiên cứu này không hướng tới việc đáp ứng các yêu cầu hoặc mục đích xã hội mà Khởi sự kinh doanh tiến hành một hoặc nhiều hoạt động kinh doanh hướng tới mục tiêu lợi nhuận.
2. Vai trò của khởi sự kinh doanh đối với tăng trưởng kinh tế
Tầm quan trọng của Khởi sự kinh doanh trong tăng trưởng kinh tế và thay đổi công nghệ được tranh cãi qua nhiều thế kỷ trên các diễn đàn học thuật. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, các học giả cho rằng phát triển các doanh nghiệp quy mô lớn mới có lợi cho nền kinh tế quốc dân. Lý do là các doanh nghiệp lớn có lợi thế hơn so với doanh nghiệp nhỏ vì các doanh nghiệp lớn mới có được tính kinh tế do quy mô, có năng lực cạnh tranh quốc tế và khả năng tồn tại trong cạnh tranh tốt hơn, các doanh nghiệp nhỏ mới thành lập không có được khả năng đó nên vai trò bị lu mờ [16]. Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu chứng minh rằng các doanh nghiệp nhỏ đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế và hoạt động Khởi sự kinh doanh mới trong nền kinh tế tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội của nhiều nền kinh tế trên thế giới [17]. Khởi sự kinh doanh được coi như là biến thứ tư trong “lý thuyết mới về phát triển” được gọi là biến “vốn khởi sự – entrepreneurship capital” bên cạnh 3 biến truyền thống là vốn vật chất, nhân lực và tri thức. Vốn Khởi sự kinh doanh là khả năng của một nền kinh tế trong tạo ra các hoạt động Khởi sự kinh doanh bao gồm nhiều nhân tố từ luật pháp, thể chế tới xã hội [16]. Vốn Khởi sự kinh doanh gia tăng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo Carree và Thurik (2003) [18], hoạt động Khởi sự kinh doanh trong nền kinh tế tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội, những nơi có tỷ lệ thành lập doanh nghiệp cao thường có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Khởi sự kinh doanh góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trên 3 phương diện: tăng cường đổi mới và chuyển giao tri thức, tăng cạnh tranh và tăng cường mức độ đa dạng hóa trong ngành và trong doanh nghiệp.
Thứ nhất, Khởi sự kinh doanh thúc đẩy quá trình truyền bá, khai thác, phát triển các tri thức mới đặc biệt ở loại hình Khởi sự kinh doanh tận dụng cơ hội. Nghiên cứu của Audretsch (2004) [24] khẳng định rằng tri thức mới có mối quan hệ dương với phát triển kinh tế vùng và tri thức mới có tác động gián tiếp tới phát triển kinh tế vùng thông qua các hoạt động tạo lập doanh nghiệp mới. Thành lập doanh nghiệp mới là cơ sở cho gia tăng việc khai thác, vận dụng các tri thức mới một cách hiệu quả hơn. Lý thuyết về truyền bá tri thức qua Khởi sự kinh doanh cũng cho rằng, tri thức mới là kết quả của các hoạt động đầu tư đổi mới của một tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động. Tri thức mới ra đời sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp mới gia nhập vào thị trường để khai thác các vùng thị trường mới hình thành mà cầu chưa được đáp ứng hoặc đáp ứng chưa tốt. Đặc biệt việc một nguồn tri thức mới có được thương mại hóa, khai thác hiệu quả hay không phụ thuộc vào khả năng khai thác của các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường chứ không phải phụ thuộc vào doanh nghiệp hiện đang hoạt động. Các doanh nghiệp mới thành lập có thể gia tăng việc khai thác, vận dụng các tri thức mới một cách hiệu quả hơn khi các công ty hiện tại có khả năng sáng tạo ra tri thức nhưng không khai thác hiệu quả tri thức đó [18]. Sự gia tăng sự chia sẻ và trao đổi tri thức giữa các doanh nghiệp và các ngành kinh doanh lại là cơ sở cho các hoạt động đổi mới và phát triển công nghệ, đó chính là nhân tố hỗ trợ cho phát triển kinh tế [16].
Thứ hai, việc gia nhập mới của các doanh nghiệp trong ngành làm gia tăng sự cạnh tranh. Cạnh tranh gia tăng sẽ đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn do các doanh nghiệp mới chịu sức ép phải tạo ra các ý tưởng, sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu riêng biệt của một nhóm khách hàng hoặc thị trường ngách. Các thị trường mới mang tính chuyên biệt được hình thành lại tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp mới gia nhập. Do vậy có tác động cải thiện sự phát triển của vùng và thúc đẩy tự do thương mại [19].
Thứ ba, Khởi sự kinh doanh tạo ra doanh nghiệp mới có tác động tích cực tới năng suất. Những ngành nào có nhiều doanh nghiệp mới gia nhập thường có sự tăng lên trong năng suất lao động và đổi mới trong dài hạn, đặc biệt đúng trong ngành dịch vụ. Doanh nghiệp mới gia nhập không nhất thiết là doanh nghiệp dẫn đầu hoạt động đổi mới và có năng suất lao động cao hơn, mà việc gia nhập của các doanh nghiệp mới là có tác động tới kết quả hoạt động của ngành nói chung. Tăng số lượng doanh nghiệp mới thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường và tính chất đào thải của cạnh tranh sẽ làm gia tăng năng suất, hiệu quả của chính các doanh nghiệp trong nỗ lực cải thiện vị thế thị trường; thúc đẩy đổi mới đặc biệt tạo ra những thị trường mới với đa dạng hóa hàng hóa và dịch vụ. Theo Ghulam và Liñán (2011)[20], Khởi sự kinh doanh qua tạo ra doanh nghiệp mới tạo ra cơ chế làm giảm tính không hiệu quả nền kinh tế.
Thứ tư, thành lập nhiều doanh nghiệp mới tạo ra nhiều việc làm. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tạo ra hàng triệu việc làm trên thế giới [21]. Ở Việt Nam, vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng được xã hội công nhận bằng việc đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của đất nước, với GDP chiếm khoảng 45% tổng GDP của cả nước, hàng năm thu hút hơn 90% lao động mới vào làm việc [22]. Đặc biệt, ở các nước đang phát triển Khởi sự kinh doanh góp phần tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giảm nghèo đói [8]. Doanh nghiệp nhỏ là xương sống của khu vực kinh tế tư nhân, tạo ra nhiều việc làm và đóng góp thuế cho chính phủ, cải thiện cơ sở hạ tầng. Đó là lý do hiện nay chính phủ các nước đều chú trọng quan tâm tới đào tạo định hướng tinh thần doanh nhân và tăng cường hỗ trợ hoạt động Khởi sự kinh doanh và nghiên cứu về Khởi sự kinh doanh có ý nghĩa lớn và là một hướng nghiên cứu được nhiều sự quan tâm thời gian gần đây.
3. Sự khác biệt Khởi sự kinh doanh ở nền kinh tế chuyển đổi và đang phát triển với Khởi sự kinh doanh ở các nước phát triển
Khởi sự kinh doanh ở các nước đang phát triển nói chung và ở các nước có nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam nói riêng đều gặp các thách thức, cơ hội và bối cảnh riêng biệt so với bối cảnh ở các nước đã phát triển.
Thứ nhất, ở các nước đang phát triển và chuyển đổi, các doanh nghiệp mới thường được hưởng lợi thế từ các quy định chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp mới về thuế hoặc hỗ trợ trong tiếp cận được các thị trường xuất khẩu, cùng nhiều hỗ trợ khác. Các doanh nghiệp hoạt động trong một môi trường có các điều kiện kinh tế xã hội thay đổi nhanh chóng, và có nhiều cơ hội kinh doanh từ việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước [23]. Việc tự do hóa thị trường sau cơ chế kế hoạch cũng tạo ra cơ hội lợi nhuận cao cho chủ doanh nghiệp [14].
Thứ hai, động cơ Khởi sự kinh doanh ở nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi có thể dưới 2 dạng: Khởi sự kinh doanh do cần thiết và Khởi sự kinh doanh tận dụng cơ hội trong khi ở nền kinh tế đã phát triển thường dưới dạng tận dụng cơ hội. Ở các nước đang phát triển, nhiều người dân không kiếm được việc làm do nạn thất nghiệp, do bị lấy mất đất đai canh tác trong quá trình phát triển kinh tế của địa phương, hoặc những người đang làm cho các công ty nhà nước sau cổ phần hóa phải về hưu sớm bắt buộc [24]. Những người này không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tự kinh doanh để kiếm sống nên kinh doanh của họ mang tính nhỏ lẻ, kỹ năng kinh doanh kém, kinh doanh theo phong trào, theo bản năng và thiếu tầm nhìn dài hạn. Trình độ chủ doanh nghiệp thấp và thiếu kinh nghiệm kinh doanh nên năng suất lao động không cao, hiệu qủa hoạt động và năng lực cạnh tranh kém. Khởi sự kinh doanh do tận dụng cơ hội kinh doanh thường có quy mô lớn hơn. Trong nền kinh tế đang phát triển dạng Khởi sự kinh doanh do bắt buộc chiếm nửa số doanh nhân trẻ, còn ở các nước đã phát triển chủ yếu Khởi sự kinh doanh để tìm kiếm cơ hội do những người Khởi sự kinh doanh ở các nước kinh tế phát triển thường là những người được đào tạo, có trình độ cao [25].
Thứ ba, trong nền kinh tế chuyển đổi và đang phát triển, môi trường vĩ mô thường có nhiều cản trở cho hoạt động kinh doanh và Khởi sự kinh doanh. Các cản trở gồm có sự thiếu phát triển của hệ thống tài chính cũng như luật pháp và điều hành chính phủ; môi trường vĩ mô còn hay thay đổi như chính sách thuế, lạm phát cao, tỷ lệ thất nghiệp cao, cạnh tranh không công bằng từ các doanh nghiệp lớn, nạn hàng giả, hàng nhái của khu vực phi chính thức [26]. Sự phát triển nhanh của các doanh nghiệp tư nhân mới thành lập, cùng với sự tự do hóa kinh doanh dẫn tới sự thiếu các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ các nước có nền kinh tế chuyển đổi cũng thường can thiệp vào hoạt động kinh doanh, ưu ái hơn cho các doanh nghiệp có phần vốn nhà nước, và phân bổ cho họ nhiều nguồn lực làm cản trở phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Thái độ tiêu cực với kinh tế tư nhân còn tồn tại từ thời kinh tế kế hoạch hóa tập trung vẫn còn ảnh hưởng và các thể chế kinh tế thị trường mới đang được hình thành. Tốc độ và quy mô lộ trình của cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước hay thay đổi, không rõ ràng cũng tác động tới môi trường thành lập mới doanh nghiệp. Do vậy dù có nhiều cơ hội Khởi sự kinh doanh hơn và cạnh tranh cũng đơn giản hơn nhưng hạn chế về nguồn vốn Khởi sự kinh doanh là nhân tố hạn chế hình thành doanh nghiệp mới ở các nước đang chuyển đổi [23].
Thứ tư, mối quan hệ xã hội phi chính thức thường đóng vai trò quan trọng trong môi trường kinh doanh thiếu ổn định và còn nhiều thiếu sót ở một nền kinh tế chuyển đổi và đang phát triển để giúp chủ doanh nghiệp huy động, sử dụng các nguồn lực, xử lý các vấn đề do cơ chế và nhân viên hành chính quan liêu gây ra. Mạng lưới gia đình đặc biệt có vai trò quan trọng, những người có bố mẹ người thân là chủ doanh nghiệp thường có xu hướng trở thành chủ doanh nghiệp hơn những người khác [27]. Mối quan hệ xã hội giúp chủ doanh nghiệp đàm phán tốt hơn với nhà cung ứng, huy động nguồn tài chính và sử dụng các nguồn lực khác. McMillan và cộng sự khi nghiên cứu ở Việt Nam đã phát hiện, trong nền kinh tế chuyển đổi, do thể chế chính thống của kinh tế thị trường mới đang được hình thành, do sai lệch thông tin, kém trong thực thi hợp đồng, chi phí đàm phán cao và nhiều ảnh hưởng tiêu cực nên các doanh nghiệp chỉ có thể hoặc rời bỏ thị trường hoặc tìm tới mối quan hệ xã hội để đảm bảo. Họ thiết lập các mối quan hệ kinh doanh và dựa vào mối quan hệ đó để đảm bảo rằng các đối tác kinh doanh thực thi cam kết [28].
Thứ năm, chủ doanh nghiệp ở nền kinh tế chuyển đổi rất đa dạng. Do sự chưa phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, nhiều chủ doanh nghiệp kinh doanh sử dụng phương thức kinh doanh rất tồi nhưng lại vẫn có thể kiếm được lợi nhuận cao [26]. Việc Khởi sự kinh doanh dường như không có liên quan gì tới trình độ học vấn. Tuy nhiên, những người có trình độ học vấn thấp thường Khởi sự kinh doanh do cần thiết, trong khi những người đã tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng thường Khởi sự kinh doanh khi phát hiện được cơ hội kinh doanh tiềm năng và chính những người có học vấn cao này mới tạo ra các doanh nghiệp tầm cỡ trên thị trường với khả năng thành công cao.
Thứ sáu, ở các nước phát triển, xã hội coi trọng chủ doanh nghiệp, cho rằng chủ doanh nghiệp là nhân tố tạo ra của cải và sự giàu có, đáng tôn trọng. Kinh doanh được coi là một nghề với yêu cầu về tính chuyên nghiệp, tính kỷ luật. Trong khi đó bối cảnh xã hội đặc thù ở các nước đang chuyển đổi lại chịu ảnh hưởng bởi nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa với tư tưởng bài xích kinh tế dân doanh trong quá khứ. Trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, tự doanh là phạm pháp, xã hội lên án chủ doanh nghiệp và coi họ là những kẻ cơ hội [29]. Sau chuyển đổi, xã hội đã coi trọng các nghiệp chủ hơn, gắn kinh doanh với biểu tượng của sự thành đạt, giàu có tuy nhiên một bộ phận xã hội vẫn không coi kinh doanh là một nghề và vẫn định hướng cho con em họ làm công ăn lương ở khối nhà nước hoặc các doanh nghiệp lớn.
Như vậy bối cảnh kinh tế, xã hội cho hoạt động Khởi sự kinh doanh ở các nước đã phát triển và các nước đang phát triển và chuyển đổi có sự khác biệt lớn, trong khi đó các nghiên cứu về Khởi sự kinh doanh được thực hiện chủ yếu ở các nền kinh tế đã phát triển, rất thiếu các nghiên cứu ở các nước chuyển đổi kinh tế nói chung và ở Việt Nam – một nước đang trong giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế thị trường nói riêng [29]. Khởi sự kinh doanh là một quá trình và quá trình này chịu sự tác động mạnh mẽ bởi các yếu tố môi trường bối cảnh, vậy thì nghiên cứu về Khởi sự kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam có những điểm khác biệt so với các nghiên cứu trước đây thường được thực hiện ở các nước phương Tây.
——————-
Nguồn trích dẫn:
- Krueger, N.F, Brazeal, D. (1994), “Entrepreneurial Potential and Potential Entrepreneurs”, Entrepreneurship Theory and Practice, 18(3), pp 91-104.
- Lowell W. B. (2003), “Entrepreneurship Research in Emergence: Past Trends and Future Directions”, Journal of Management, 29(3), pp 286-
- I. C. (1991), “Editor’s note: Delineating a forum for entrepreneurship scholars”, Journal of Business Venturing, 6, pp: 83-87.
- Laviolette, E.M., Lefbvre, M.R. (2012), “The impact of story bound entrepreneurial role models on sefl – efficacy and entrepreneurial intention”, International Journal of Entrepreneurial Behaviour and Research, 18(6), pp 720-
- Kolvereid, L. (1996a), “Organizational employment versus self-employment: Reasons for career intentions”, Entrepreneurship Theory and Practice, 20(3), 23–31.
- Linan, F. and Chen, Y.W. (2006), “Testing the entrepreneurial intention model on a two country sample, A Working Paper in the Documents de
- Greve, A. and Salaff J. (2003), “Social networks and entrepreneurship”, Entrepreneurship Theory and Practice, 28(1), 1-22.
- Begley, T.M, Tan, W.L. (2001), “The socio cultural environment for entrepreneurship: a comparison between East asian and Anglo- saxon countries”, Journal of international business studies, 32 (3), pp 537 –
- MacMillan, I. C. (1993), “The emerging forum of entrepreneurship scholars”, Journal of Business Venturing, 8, pp 377-381.
- Bird, B. (1988), “Implementing entrepreneurial ideas: the case for intention”, Academy of Management Review, 13(3), pp. 442-53.
- Lý Thục Hiền (2010), Mối quan hệ giữa kỹ năng chính trị với xu hướng khởi nghiệp kinh doanh của sinh viên chính quy ngành quản trị kinh doanh, luận văn thạc sỹ, Đại học kinh tế TPHCM
- MacMillan, I., C., and Katz, J. (1992), “Idiosyncratic milieus of entrepreneurship research: The need for comprehensive theories”, Journal of Business Venturing, 7, pp 1–8.
- Krueger, N.F., Reilly, M.D., Carsrud, A.L. (2000), “Competing models of entrepreneurial intentions”, Journal of Business Venturing 15 (5/6), 411–432
- Shulruf, B. (2010), “Do extra-curricular activities in schools improve educational outcomes? Critical review and meta-analysis of the literature”, International Review Education, 56, pp 591-612. DOI 10.1007/s11159-010- 9180-x, Springer Science+Business Media B.V.
- Shane, S. and Venkataraman, S., (2000), “The Promise of Entrepreneurship as a Field of Research”, Academy of Management Review, 25 (1), 217-226.
- Audretsch D. and Keilbach M. (2004), “Entrepreneurship capital and its impact on knowledge diffusion and economic performance”, Journal of business venturing, 23(6), pp 687-
- Verzat, , and Bachelet, R., (2006) “Developing and Entrepreneurial Spirit among engineering college students: what are the educational factors?“, Entrepreneurship education, Fayolle, A., and Klandt, H., Elgar, E., (eds) chapter 11.
- Carree, M. A., & Thurik, A. R. (2003), “The impact of entrepreneurship on economics growth”, The handbook of entrepreneurship research, B. Audretsch and Z.J. Acs (eds), Kluwer Academic Publishers, Boston/Dordrecht, pp: 437-471.
- Bianchi, M. (2010), “Credit constraints, entrepreneurial talent, and economic development”, Small Business Economics, 34 (1), pp. 93-104.
- Mueller, S. và Goic S. (2001), “Entrepreneurial potential in transition economies: a view from tomorrow leaders”, Journal of developmental entrepreneurship, 7(4), 399-414.
- Kelley, D., J., Singer, S., và Herrington, M. (2011), “Global report”, Global entrepreneurship monitor 2011, Babson College, 35 Kauffman Center for Entrepreneurial Leadership and London Business School, MA,
- Nguyễn Anh Tuấn (2006), “Phát triển dịch vụ tư vấn, thành lập hỗ trợ, vận hành và chuyển nhượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế Phát triển tháng 5/2006, trang 55-58.
- Elfving, J. và Carsrud A. (2009), “Toward a contextual model of entrepreneurial intentions”, Understanding the entrepreuneurial mind- International studies in entrepreneurship, Carsrud A., Brannback M., 24, DOI 10.1007/978-1-4419- 0443-0_4, Springer Science, Business Media, LLC 2009, pp. 23-33.
- Lê Quân (2003), “Nghiên cứu động cơ khởi nghiệp của các chủ doanh nghiệp trẻ Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Thương mại, số 2/2003.
- Indra , (2006), “Issues Relating to Designing a Work-integrated Learning program in an Undergraduate Accounting Degree Program and its Implications for the Curriculum”, Asia-Pacific Journal of Cooperative Education, 7(1), pp 7-15.
- Estrin, S., Meyer, K. E., & Bytchkova, M. (2009). Entrepreneurship in transition, M.Casson (ed). The Oxford Hand Book of Entrepreneurship, Oxford University Press, pp 693-
- Swaan W. (1997), “Knowledge, transaction costs and the creation of markets in post socialist economies in Transition to the market economies”, in Hare, P.G. and Davis, J. (eds), Transition to the Market Economy, London and New York, Routledge, vol. 2, pp 53-76.
- Solomon, G. (2007), “An examination of entrepreneurship education in the United States”, Journal of Small Business and Enterprise Development, 14 (2), pp 168-
- Smallbone, D. und F. Welter (2006), “Conceptulizing entrepreneurship in a transition context”, International Journal of Entrepreneurship and small Business, 3(2), pp 190-