1. Năng lực là gì?
Năng lực là một khái niệm có nguồn gốc tiếng La tinh “competentia” nghĩa là “gặp gỡ”. Trong tiếng Anh, có 2 từ để chỉ năng lực:
“Competence” có nghĩa là khả năng, năng lực [2, tr.388]
“Ability” cũng có nghĩa là khả năng, sức lực, năng lực [2, tr.29]
Theo Từ điển bách khoa Việt Nam: “Năng lực là đặc điểm của cá nhân thể hiện mức độ thông thạo – tức là có thể thực hiện một cách thành thục và chắc chắn – một hay một số dạng hoạt động nào đó. Năng lực gắn liền với những phẩm chất về trí nhớ, tính nhạy cảm, chí tuệ, tính cách của cá nhân” [3, tr.41]. Theo Từ điển Tâm lý học quân sự: “Năng lực là tổng hợp những tính chất, hay phẩm chất của tâm lý cá nhân phù hợp với những yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định, là điều kiện đảm bảo hoàn thành hoạt động đó nhanh chóng, thành thạo và đạt kết quả cao” [4, tr.196-197].
Năng lực là một thuật ngữ được dùng phổ biến trong nhiều bộ môn khoa học. Tuỳ theo những ngữ cảnh của mỗi một bộ môn khoa học mà khái niệm năng lực được hiểu theo những cách khác nhau. Hiện đang có nhiều định nghĩa và cách hiểu về năng lực. Năng lực được hiểu theo nghĩa thông dụng nhất là những đặc điểm cá nhân, là tổng hợp của những phẩm chất của nhân cách để mỗi cá nhân thực hiện một cách thành thạo, nhanh chóng và có hiệu quả một công việc nào đó.
Mỗi một lĩnh vực hoạt động cụ thể đều đòi hỏi con người phải có năng lực nhất định, phải có những kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo về hoạt động nghề nghiệp của mình. Năng lực được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là những thuộc tính tâm lý, sinh lý và những phẩm chất cá nhân quy định khả năng thực hiện các hoạt động của mỗi người. Năng lực của con người được xem như là những phẩm chất tiềm tàng của một cá nhân nhằm đáp ứng những đòi hỏi của công việc và hoạt động. Như vậy khái niệm năng lực gắn liền với khả năng hành động.
Những cách hiểu trên cho thấy năng lực là khả năng hoạt động của cá nhân được hình thành và biểu hiện trong thực tiễn. Năng lực bao giờ cũng gắn với một lĩnh vực hoạt động cụ thể. Trong hoạt động nghề nghiệp của mỗi cá nhân, năng lực thường được thể hiện trong hoạt động và bằng kết quả của hoạt động.
Các nhà nghiên cứu đã xác định thành phần và cấu trúc của năng lực. Tuy nhiên, việc mô tả cấu trúc và các thành phần năng lực cũng rất khác nhau. Thông dụng và phổ biến nhất là quan điểm của các nhà sư phạm Đức, cấu trúc chung của năng lực gồm các thành tố:
Có thể khái quát: Năng lực hiểu theo nghĩa thông dụng là những đặc điểm cá nhân, là tổng hợp những phẩm chất nhân cách để mỗi cá nhân thực hiện một cách thành thạo, nhanh chóng và có hiệu quả một công việc nào đó.
Năng lực là những phẩm chất cá nhân quy định khả năng thực hiện các hoạt động của mỗi người và nhiều nhà khoa học khái quát năng lực gồm:
Năng lực chuyên môn (professional competencey): Là khả năng thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn cũng như khả năng đánh giá kết quả chuyên môn một cách độc lập, chính xác. Năng lực chuyên môn bao gồm khả năng tư duy logic, các phương pháp phân tích tổng hợp, trừu tượng hoá…
Năng lực phương pháp (Methodical competency): Là khả năng của mỗi cá nhân trong thực hiện nhưng hoạt động, hành động có kế hoạch, có mục đích. Năng lực phương pháp bao gồm năng lực phương pháp chung và phương pháp chuyên môn.
Năng lực xã hội (Social competency): Là khả năng đạt được những mục đích trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ mang tính xã hội và trong những nhiệm vụ đòi hỏi sự phối hợp với những thành viên khác.
Năng lực cá thể (Individual competency): Là khả năng xác định, đánh giá của mỗi cá nhân về những cơ hội phát triển năng khiếu cá nhân, xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển cá nhân cũng như việc xác định được những quan điểm, chuẩn mực, giá trị đạo đức và các động cơ chi phối các ứng xử và hành vi cá nhân.
Năng lực hành động (Activity competency): Được hình thành trên cơ sở kết hợp các năng lực chuyên môn, năng lực phương pháp, năng lực xã hội và năng lực cá thể.
Mô hình cấu trúc trên đây có thể được cụ thể hoá vào từng lĩnh vực chuyên môn nghề nghiệp khác nhau. Trong mỗi lĩnh vực chuyên môn, nghề nghiệp khác nhau, các nhà khoa học đã xác định các loại năng lực khác nhau.
2. Năng lực quản lý của hiệu trưởng là gì?
Trong GD&ĐT, năng lực của giáo viên bao gồm những nhóm cơ bản như: Năng lực dạy học; năng lực giáo dục; năng lực nghiên cứu khoa học; năng lực tư duy nghề nghiệp dạy học; năng lực phát triển nghề nghiệp dạy học… Đối với cán bộ QLGD, người ta phân ra 2 loại năng lực cơ bản đó là NLQL giáo dục, QLNT và năng lực lãnh đạo.
Theo một số nhà khoa học, năng lực của cán bộ QLGD nói chung bao gồm những vấn đề: Năng lực nền tảng cá nhân; năng lực lãnh đạo, phát triển tầm nhìn, định hướng giá trị; năng lực gây ảnh hưởng; năng lực ra quyết định và sáng kiến; năng lực tổ chức; NLQL tác nghiệp; năng lực hoạt động GD&ĐT; năng lực hoạt động xã hội và quản lý thông tin; năng lực lựa chọn ưu tiên và giải quyết vấn đề; năng lực giao tiếp, làm việc, phối hợp với các cơ quan, với chính quyền địa phương, với đội ngũ giáo viên và cha mẹ học sinh.
Từ những vấn đề trên có thể khái quát: NLQL của hiệu trưởng THCS là tổng hợp của kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, điều hành các hoạt động, nhiệm vụ của nhà trường đảm bảo cho hiệu trưởng tổ chức và thực hiện có hiệu quả và chất lượng chức trách, nhiệm vụ được giao; đáp ứng yêu cầu giáo dục ở trường THCS.
Năng lực của hiệu trưởng trường THCS bao gồm: Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; NLQL nhà trường (năng lực vạch kế hoạch quản lý; năng lực ra quyết định quản lý; năng lực tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý; năng lực điều khiển, điều chỉnh quản lý; năng lực đánh giá kết quả hoạt động quản lý).
NLQL của Hiệu trưởng THCS được biểu hiện cụ thể ở những vấn đề sau:
Khả năng tư duy khoa học được thể hiện cụ thể ở tính kế hoạch hoá cao, ở việc ra quyết định một cách đúng đắn, chính xác và kịp thời.
Mức độ nắm vững các kiến thức chuyên sâu về GD&ĐT, về thiết kế xây dựng nội dung chương trình GD&ĐT ở nhà trường, đồng thời nắm vững các kỹ năng, kỹ xảo chuyên môn nghiệp vụ quản lý và công cụ quản lý hiện đại.
Khả năng phân tích dự báo, tầm nhìn chiến lược; Quyết đoán, bản lĩnh, đổi mới. Khả năng thiết kế, xây dựng kế hoạch hoạt động, tổ chức, điều hành, triển khai.
Khả năng tổ chức bộ máy và xây dựng, phát triển đội ngũ, quản lý nhân sự, các nguồn lực.
Khả năng quản lý các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của nhà trường. Xây dựng hệ thống thông tin chuyên môn và thông tin QLGD, kiểm tra đánh giá. Khả năng quản lý hành chính chuyên môn, hành chính trường học và quản lý thi đua khen thưởng
Phong cách làm việc hiện đại, phương pháp làm việc linh hoạt, nhạy bén, khoa học và cụ thể trên cơ sở của việc nắm vững các quy chế, quy định về GD&ĐT, về đường lối chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước.
Giải quyết tốt các mối quan hệ QLGD; với cấp trên, với chính quyền địa phương, với đội ngũ giáo viên, với phụ huynh học sinh, học sinh.
Năng lực quản lý của hiệu trưởng có thể khái quát gồm: Năng lực của hiệu trưởng là tổng hợp của ba năng lực thành phần: Năng lực chuyên môn, sư phạm; NLQL; năng lực lãnh đạo.
Năng lực chuyên môn, sư phạm: Khả năng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn bao gồm cả khả năng tư duy, dạy giỏi, khả năng am hiểu tư tưởng, kiến thức của các môn học; hiểu biết và nắm vững chương trình, kế hoạch, phương pháp giảng dạy…
Năng lực quản lý nhà trường: Gồm các khả năng: hiểu biết về chính trị, kinh tế, xã hội; Tầm nhìn, dự báo, bao quát, quyết đoán, phương pháp giải quyết vấn đề, phân tích và sử dụng nhân sự; khả năng chỉ đạo; nắm vững nghiệp vụ quản lý…
Năng lực lãnh đạo: Phẩm chất, tính cách, khả năng lãnh đạo; nhậy bén, dám nghĩ, dám nghĩ, dám làm; năng lực tổ chức công việc; nguyên tắc đạo đức…
Với tư cách là hiệu trưởng trường học, lãnh đạo chỉ đạo hoạt động dạy học, giáo dục học sinh; vì vậy năng lực chuyên môn, sư phạm gắn liền với NLQL nhà trường và đây cũng là những nội dung cần tập trung bồi dưỡng cho hiệu trưởng để họ phát huy vai trò, chức trách, nhiệm vụ trong quản lý trường học. Để không ngừng hoàn thiện và nâng cao NLQL, hiệu trưởng trường THCS phải luôn học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đạt chuẩn về năng lực theo quy định chuẩn hiệu trưởng trường THCS của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năng lực của hiệu trưởng trường THCS biểu hiện ở thực hiện các chức năng của quản lý: Kỹ năng kế hoạch hoá, Kỹ năng tổ chức, kỹ năng chỉ đạo (lãnh đạo), kỹ năng kiểm tra.
Con đường bồi dưỡng năng lực quản lý:
Được đào tạo, bồi dưỡng; tự học, tự nghiên cứu và hoạt động thực tiễn chuyên môn. Trong đó NLQL của hiệu trưởng các trường THCS được nâng lên do việc được bồi dưỡng CMNV do ngành tổ chức là rất quan trọng, giúp hiệu trưởng bổ sung, cập nhật kiến thức mới về dạy học, giáo dục, quản lý nhà trường.
Để bồi dưỡng có hiệu quả cần thiết phải xây dựng một quy trình bồi dưỡng một cách khoa học. Quy trình gồm những bước tiến hành theo lôgic nhất định, tuân thủ theo một trật tự nào đó và các khâu, bước có mối liên hệ tác động và tạo điều kiện cho nhau.
Tham khảo
- Đinh Thị Lan Duyên (2017). Quản lý bồi dưỡng năng lực quản lý theo chuẩn cho hiệu trưởng các trường THCS thành phố Hà Nội. Luận án tiến sĩ Quản lý giáo dục. Học viện chính trị – Bộ Quốc phòng.
- Trần Kim Nở (1993), Từ điển Anh – Việt, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Mai Văn Hoá (Chủ biên, 2012), Đổi mới, năng cao chất lượng đào tạo giảng viên khoa học xã hội nhân văn ở Học viện Chính trị thời kỳ mới, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
- Viện khoa học xã hội nhân văn quân sự (2006), Từ điển Tâm lý học quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.