Trong thực tế, có thể dễ dàng nhận thấy mối quan hệ tương hỗ, thúc đẩy nhau cùng phát triển giữa giáo dục hướng nghiệp, phát triển nhân lực và phát triển kinh tế – xã hội. Theo kinh nghiệm của thế giới, thành quả phát triển của một quốc gia, một địa phương không chỉ nhờ có nguồn vốn tài chính lớn mà còn nhờ đến nhân lực chất lượng cao, có đầy đủ kỹ năng, bí quyết nghề nghiệp và đặc biệt là, quốc gia đó phải quản lý hiệu quả nhân lực này.
Do đó, muốn phát triển kinh tế – xã hội, cần phải phát triển nhân lực một cách hiệu quả dựa trên nhu cầu thực tế của xã hội, của thị trường lao động về nhân lực trong từng thời kỳ nhất định, được cụ thể hóa trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội từng giai đoạn.
Hiện nay, Việt Nam chúng ta đã xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2010-2020 [2] cũng như quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 [3]. Với ý nghĩa xây dựng và sử dụng toàn diện nguồn lực con người vì sự phát triển của kinh tế – xã hội, có thể nói, phát triển nhân lực là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tác động đến toàn bộ đời sống xã hội, đất nước có phồn vinh, phát triển hay không chính là nhờ ở chất lượng nguồn lực con người.
Về phần mình, một khi kinh tế – xã hội phát triển sẽ tạo ra những cơ hội và điều kiện cần thiết cho nhân lực ngày càng phát triển. Thật vậy, sự phát triển của nền kinh tế sẽ đảm bảo cho nền giáo dục được phát triển thông qua các chính sách hỗ trợ giáo dục.
Ngày nay, có thể nói mọi quốc gia đều xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho tương lai. Vấn đề phát triển nhân lực bao gồm đồng bộ 3 mặt chủ yếu: giáo dục và đào tạo con người, tạo môi trường việc làm và đãi ngộ thỏa đáng cho con người, trong đó, giáo dục và đào tạo được coi là cơ sở để sử dụng con người có hiệu quả và để mở rộng, cải thiện môi trường làm việc.
Tóm lại, sự phát triển kinh tế – xã hội một mặt được thụ hưởng thành quả từ công tác phát triển nhân lực, bắt nguồn từ giáo dục và đào tạo, mặt khác lại đưa ra những yêu cầu mới về chất lượng nhân lực cũng như tạo điều kiện cho giáo dục và đào tạo không ngừng phát triển.
Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, bên cạnh các yếu tố về trình độ, cơ cấu, chất lượng nhân lực, cần phải đặc biệt quan tâm nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo, có như vậy, chất lượng nhân lực mới được đảm bảo, có như vậy, lực lượng lao động mới đạt được năng suất lao động cao nhất có thể và có đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế và khu vực khi Việt Nam đang hội nhập quốc tế mạnh mẽ.
Giáo dục hướng nghiệp chính là một trong những công cụ hiệu quả trong các hoạt động giáo dục nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện thế hệ trẻ, giúp các em có thái độ tích cực đối với lao động, có những kỹ năng cơ bản về lao động, có những phẩm chất cơ bản của người lao động trong tương lai để có thể dễ dàng tham gia, hòa nhập, thăng tiến và thành đạt trong thế giới nghề nghiệp khi các em ra trường.
Bên cạnh đó, giáo dục hướng nghiệp không chỉ tác động vào nhận thức của học sinh đối với nghề định chọn mà còn làm cho các em hiểu được giá trị của nghề, hình thành hứng thú nghề và tâm nguyện cống hiến sức mình cho nghề đã chọn. Một khi làm tốt giáo dục hướng nghiệp, thế hệ trẻ sẽ được phân luồng hiệu quả theo đúng định hướng và nhu cầu của thị trường lao động, nói cách khác, giáo dục hướng nghiệp góp phần thúc đẩy việc sử dụng hợp lý tiềm năng lao động trẻ tuổi của đất nước, nâng cao năng suất lao động của xã hội, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của chiến lược phát triển nhân lực của đất nước, tránh để thừa nhân lực ở các ngành nghề mà đất nước và địa phương chưa coi là mũi nhọn tại một giai đoạn nhất định hoặc lại thiếu nhân lực chất lượng cao ở những ngành nghề mà nền kinh tế đang có mức cầu cao.
Khi đã có nhân lực chất lượng cao, kinh tế – xã hội sẽ có nhiều cơ hội phát triển bền vững hơn vì suy cho cùng, nhân tố con người là quan trọng nhất, có người giỏi và quản lý người giỏi thật tốt thì cơ hội thành công cao hơn và ngược lại. Về phần mình, nền kinh tế phát triển đòi hỏi giáo dục hướng nghiệp phải ngày càng được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa cũng như cập nhật thường xuyên thông tin và nhu cầu của thị trường lao động cho nhân lực, cả ở dạng tiềm năng (chính là lực lượng học sinh, sinh viên) và người đang tham gia lao động, từ đó định hướng cho nhân lực phát triển theo đúng chiến lược phát triển nhân lực và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và từng địa phương.
Ngoài ra, cần khẳng định rằng “hiệu quả quản lý giáo dục hướng nghiệp” sẽ có tác động trực tiếp và liên tục đến “hiệu quả của giáo dục hướng nghiệp” ở trường phổ thông. Nói cách khác, nếu vận dụng tốt các chức năng quản lý, phương pháp quản lý để quản lý giáo dục hướng nghiệp (sao cho đạt được mục tiêu giáo dục hướng nghiệp, xây dựng được đội ngũ giáo dục hướng nghiệp, đổi mới chương trình giáo dục hướng nghiệp phù hợp, kiểm tra đánh giá được giáo dục hướng nghiệp ở trường THPT, làm cơ sở cải tiến thường xuyên chất lượng giáo dục hướng nghiệp) thì “hiệu quả của giáo dục hướng nghiệp” ở trường phổ thông sẽ ngày càng được nâng cao. Do đó, có thể hiểu rằng mối quan hệ giữa giáo dục hướng nghiệp, phát triển nhân lực và phát triển kinh tế – xã hội ít nhiều đều chịu sự tác động của hiệu quả quản lý giáo dục hướng nghiệp ở trường phổ thông.
Tham khảo:
1. Phạm Đăng Khoa (2017). Quản lý giáo dục hướng nghiệp ở trường trung học phổ thông theo định hướng phát triển nhân lực thành phố Hồ Chí Minh.
2. Đảng cộng sản Việt Nam (2011), Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2011), Quyết định 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Hà Nội.