Định giá doanh nghiệp (tiếng Anh: Business valuation) là một điều tra chi tiết và đánh giá các hoạt động của công ty nhằm xác định giá trị hiện hữu và tiềm năng của một doanh nghiệp.
Trước hết cần phải khẳng định rằng, nhà đầu tư sở hữu doanh nghiệp là vì mục tiêu lợi nhuận. Cách thức và phương tiện để đạt được mục tiêu lợi nhuận này chính là các tài sản cố định, tài sản lưu động, bộ máy kinh doanh, chiến lược hoạt động…
Khái niệm giá trị doanh nghiệp (firm value) là cơ sở để xác định giá cả của doanh nghiệp (firm price) với tư cách là một loại hàng hóa đặc biệt trên thị trường. Cũng như các loại hàng hóa khác, không thể khẳng định là thị trường luôn luôn là hiệu quả, tức là giá cả trên thị trường đã phản ánh đúng giá trị thật của hàng hóa. Chúng ta vẫn luôn luôn chứng kiến những cơ hội kinh doanh chênh lệch giá đối với nhà đầu tư, xuất phát chính từ sự khác biệt giữa giá trị và giá cả như vậy.
Trong nền kinh tế thị trường, nhu cầu đánh giá và xác định giá trị đối với loại hàng hóa là doanh nghiệp là một yêu cầu tất yếu. Để quản lý kinh tế vĩ mô cũng như quản trị kinh doanh, thì không thể thiếu được thông tin về giá trị doanh nghiệp. Xuất phát từ yêu cầu quản lý và giao dịch mà tất cả các pháp nhân cũng như thể nhân có lợi ích liên quan hoặc trực tiếp gắn với doanh nghiệp đều cần tìm hiểu về giá trị doanh nghiệp.
Thứ nhất, trong hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp luôn cần phải có bước định giá doanh nghiệp, là cơ sở để các bên thương thuyết và tiến hành thỏa thuận và giao dịch, nhằm chuyển đổi sở hữu, tiến hành đầu tư mới, hoặc tài trợ cho việc mở rộng và phát triển doanh nghiệp nhằm tăng cường khả năng tồn tại trong môi trường tự do cạnh tranh.
Thứ hai, bản thân các nhà quản trị doanh nghiệp cũng cần luôn luôn phân tích đánh giá lại hiệu quả hoạt động doanh nghiệp của mình, để thẩm định lại khả năng gia tăng giá trị doanh nghiệp, là mục tiêu cơ bản của tài chính doanh nghiệp. Vì vậy, công tác định giá doanh nghiệp cũng cần thiết với các nhà quản trị kinh doanh, để thấy được khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp so với đối thủ và các thực thể khác, từ đó làm cơ sở đưa ra các quyết định về kinh doanh, tài chính một cách đúng đắn.
Thứ ba, đối với nhà đầu tư, những thông tin về giá trị doanh nghiệp cung cấp cho họ bức tranh toàn cảnh về uy tín trong kinh doanh, năng lực tài chính, điểm đánh giá tín nhiệm…của doanh nghiệp, giúp họ có cơ sở để ra quyết định đầu tư, tài trợ, hoặc cấp tín dụng cho doanh nghiệp.
Thứ tư, trong hoạt động quản lý kinh tế vĩ mô, nhằm đưa ra được các chính sách quản lý thị trường chứng khoán phù hợp, các nhà quản lý cũng cần phải nắm được giá trị doanh nghiệp, để có những thông tin về giá trị thực của các loại tài sản, để đánh giá tính ổn định của thị trường, để phát hiện các hành vi không được pháp luật thừa nhận trên một thị trường tài chính phát triển như hành vi đầu cơ thao túng giá chứng khoán, thâu tóm quyền kiểm soát doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ hình thức sở hữu nhà nước sang công ty cổ phần, việc định giá doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp của nước ta trong những năm vừa qua.
Các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp truyền thống bao gồm:
Phương pháp 1: Xác định giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp
Giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu là phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp đơn giản nhất và sử dụng bảng cân đối kế toán làm nguồn thông tin chính.
Phương pháp 2: Xác định giá trị sổ sách điều chỉnh của doanh nghiệp
Là phương pháp ước tính giá trị của doanh nghiệp dựa trên giá trị thị trường của tổng tài sản của doanh nghiệp.
Phương pháp 3: Giá trị thay thế
Phương pháp này đơn giản là chỉ ước tính chi phí tái sản xuất ra tài sản của doanh nghiệp.
Phương pháp 4: Chiết khấu cổ tức
Phương pháp này dựa trên lý luận rằng giá trị của vốn cổ phần, đứng từ góc độ của cổ đông, là tổng giá trị hiện tại của những dòng thu nhập được tạo ra từ chính những cổ phần đó trong tương lai.
Phương pháp 5: Chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp
Phương pháp này xác định giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá thông qua ước tính tổng của giá trị chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp cần thẩm định giá với giá trị hiện tại của các tài sản phi hoạt động của doanh nghiệp tại thời điểm thẩm định giá.
Phương pháp 6: Phương pháp thu nhập thặng dư RIM
Thu nhập thặng dư là lợi nhuận ròng trừ đi chi phí vốn chủ sở hữu phát sinh ra lợi nhuận đó.
Phương pháp 7: Phương pháp định giá bằng các tỉ số
Định giá cổ phiếu dựa trên hệ số P/E (Price per Earnings) là phương pháp phân tích cơ bản thuộc nhóm phương pháp dựa vào các hệ số. Đây là phương pháp đơn giản để định giá cổ phiếu vì không cần nhiều thời gian phân tích số liệu.
Tài liệu tham khảo
- Lê Phương Lan (2017). Phân tích nhân tố vi mô ảnh hưởng tới giá trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp niêm yết ở Việt Nam.
- Giá trị doanh nghiệp (Enterprise Value – EV) là gì?
- Investopedia