Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản là cơ sở để các nước nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, mở rộng các hoạt động kinh tế đối ngoại. Kinh nghiệm của một số nước châu Á xuất khẩu nông sản của khu vực sẽ là bài học hữu ích đối với Việt Nam để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, thúc đẩy phát triển của đất nước.
1. Kinh nghiệm của một số nước trong khu vực về phát triển thị trường xuất khẩu hàng nông sản
Trung Quốc và Thái Lan là những nước có tiềm năng sản xuất nông sản, có điều kiện sinh thái tương tự như Việt Nam. Cách đây hơn 20 năm, tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản của Trung Quốc và Thái Lan ở trình độ như Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của họ đã vượt xa so với Việt Nam; hàng nông sản Thái Lan và Trung Quốc đã có uy tín và chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới. Vì vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm phát triển thị trường xuất khẩu hàng nông sản của Trung Quốc và Thái Lan sẽ rút ra nhiều bài học mang ý nghĩa thực tiễn cho hoạt động này của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
1.1. Kinh nghiệm của Trung Quốc
Trung Quốc là nước có đất tự nhiên rộng lớn người đông, nhưng tỷ trọng đất canh tác trong tổng số diện tích tự nhiên nhỏ (chiếm 10,8%), đất canh tác bình quân đầu người rất thấp (0,11 ha/ người). Tuy vậy, nông nghiệp của Trung Quốc trong thời gian dài liên tiếp được mùa và đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Hiện tại, Trung Quốc là nước có sản lượng nông sản lớn so với Châu Á và thế giới.
Trung Quốc đã lựa chọn và thực hiện chiến lược khai thác thị trường nông sản thế giới theo hai hướng: Tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường hiện có. Chiến lược này được ban hành từ năm 2000, Trung Quốc phân chia thị trường theo nhiều tiêu thức như trình độ phát triển, dung lượng thị trường và vị trí địa lý. Việc phân loại thị trường thế giới theo các tiêu thức khác nhau đã giúp Trung Quốc đề ra kế sách khai thác thị trường một cách hợp lý, hiệu quả hơn. Bên cạnh chiến lược khai thác thị trường “cơ bản”, Trung Quốc còn thực hiện chiến lược “bổ khuyết” để tìm cho mình một phương hướng thị trường thích hợp. Theo thuyết “ bổ khuyết”, Trung Quốc phát triển thị trường và mặt hàng mới cho xuất khẩu hàng hoá của mình theo cả hai hướng: Vừa mở rộng thị trường xuất khẩu hiện có với những hàng hoá có sức cạnh tranh cao, vừa phát triển sản xuất các sản phẩm mới.
a) Tăng cường khai thác thị trường xuất khẩu hiện có
Trong khi triển khai chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu theo hướng khai thác thị trường hiện có, Trung Quốc đã kiên trì theo đuổi hai sách lược cơ bản là: (1) Đi theo xu hướng toàn cầu hoá để khai thác tiềm lực của thị trường hiện đã chiếm lĩnh nhằm tăng cường xuất khẩu tới mức tối đa; (2) Không tập trung quá mức vào một thị trường đặc biệt nào, thông qua việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để đảm bảo phát triển ổn định.
Hiện nay, Trung Quốc đã xuất khẩu hàng nông sản đến khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các thị trường nhập khẩu hàng nông sản của Trung Quốc rất đa dạng, từ các nước công nghiệp phát triển đến các nước đang và kém phát triển ở nhiều châu lục… Thị trường xuất khẩu hàng nông sản của Trung Quốc tập trung vào thị trường các nước phát triển (Mỹ, Nhật), Hồng Kông và các nước ASEAN (Thái lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a). Giai đoạn 2008-2014, 10 nước và vùng lãnh thổ này chiếm khoảng 62% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Trung quốc, trong đó riêng thị trường Mỹ chiếm tới 16%. Điều này cũng cho thấy Trung Quốc đã khai thác tương đối tốt các thị trường hiện có của mình.
Trung Quốc thực hiện chiến lược đa dạng hoá thị trường xuất khẩu theo cả chiều rộng và chiều sâu. Khu vực APEC, chiếm khoảng 80% giá trị hàng nông sản xuất khẩu của Trung Quốc; thị trường Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Tây Âu là ba trung tâm mậu dịch lớn của Trung Quốc. Trung Quốc coi các thị trường này là các thị trường trọng điểm cần tiếp tục khai thác, còn các thị trường cấp hai khác có tiềm lực lớn như Châu Phi và Trung Đông có thể là những thị trường tiềm năng Trung Quốc cần khai thác trong những năm sắp tới.
b) Mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua tham gia các liên kết kinh tế khu vực và thế giới
Từ sau cải cách mở cửa nền kinh tế (1979) cho đến nay, Trung Quốc đã tích cực hợp tác kinh tế thương mại với nhiều quốc gia, ký kết hàng trăm hiệp định thương mại song phương và đa phương. Đặc biệt vào giai đoạn cuối thế kỷ XX, Trung Quốc lại càng quan tâm nhiều hơn tới vấn đề hội nhập và đa phương hóa quan hệ. Gia nhập WTO và thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) là những cố gắng hội nhập kinh tế khu vực và thế giới gần đây của Trung Quốc.
Với tư cách là thành viên của WTO, Trung Quốc đã mở ra cánh cửa tới nhiều khu vực thị trường trên thế giới, mở ra “con đường bằng phẳng hơn” cho hàng hóa Trung Quốc xâm nhập vào thị trường của các nước thành viên. Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng 9.37% trong giai đoạn hậu khủng hoảng 2008-2014.
c) Đa dạng hóa hàng nông sản xuất khẩu và nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng toàn diện
Đa dạng hóa sản phẩm nông sản xuất khẩu, cải thiện chất lượng và hiệu quả kinh tế được coi là định hướng cơ bản của Trung Quốc trong quá trình điều chỉnh sản xuất nông nghiệp. Trung Quốc đã có những chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo hướng xuất khẩu tập trung sản xuất sản phẩm có ưu thế.
Mặt khác, Trung Quốc rất coi trọng đầu tư và ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp. Chính phủ Trung Quốc đã khẳng định rằng con đường căn bản để phát triển nông nghiệp Trung Quốc là lấy khoa học kỹ thuật làm vũ khí; lấy công nghiệp hiện đại làm chỗ dựa; lấy thị trường để hướng dẫn chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại; lấy khoa học kỹ thuật hiện đại làm nền tảng.
Những chương trình thành công là “Chương trình Đốm lửa” và “ Chương trình bó đuốc” đã tạo ra nền tảng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp và đã được Liên hiệp quốc đánh giá cao. Tính đến cuối năm 2014, Trung Quốc đã có 54 khu khai thác ngành nghề kỹ thuật cao và mới cấp Nhà nước với khoảng 12.000 doanh nghiệp tương ứng, trong đó có hơn 1.400 doanh nghiệp sử dụng vốn nước ngoài. Tổng thu nhập từ các thành tựu mới về kỹ thuật – công nghiệp – mậu dịch trong năm 2014 đạt tới hơn 94 tỷ nhân dân tệ, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1,27 tỷ USD [2, t 111].
Để tăng sức cạnh tranh của hàng hoá Trung Quốc nói chung và hàng nông sản nói riêng, chính phủ Trung Quốc luôn kiểm soát chặt chẽ sự tăng hay giảm giá của đồng NDT. Trên thực tế, đồng NDT bị cáo buộc là yếu hơn giá trị thực, song Trung Quốc vẫn duy trì tỷ giá hối đoái không đổi đối với đồng USD để đảm bảo sự ổn định của đồng tiền và giữ vững khả năng cạnh tranh. Đây được coi là một trong những yếu tố chính nhằm hỗ trợ hàng hoá xuất khẩu nước này xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường nước ngoài.
Tóm lại, Trung Quốc đã có chiến lược phát triển sản phẩm nông sản xuất khẩu phù hợp với thực tiễn và biến động trên thị trường thế giới. Trung Quốc không chạy theo số lượng và khối lượng như trước đây mà chuyển sang nâng cao chất lượng và hiệu quả. Chú trọng nâng cao giá trị gia tăng của hàng nông sản xuất khẩu vừa giúp tăng trưởng nhanh kim ngạch xuất khẩu vừa làm giảm tranh chấp thương mại và nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất, giảm lượng sản xuất dư thừa.
d) Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu hàng nông sản
Từ khi cải cách mở cửa, hoạt động ngoại giao và thương mại quốc tế của Trung Quốc phát triển không ngừng. Cùng với việc tăng cường trao đổi mậu dịch qua lại với các nước trên thế giới, Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động ngoại thương ngày càng sôi động thông qua việc thành lập các cơ quan Thương vụ tại các nước có và chưa có quan hệ ngoại giao. Biện pháp này nhằm giới thiệu “một nước Trung Quốc mới” tới các nước và khu vực trên thế giới. Những năm qua các cơ quan Thương vụ Trung Quốc đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc phát triển hoạt động ngoại thương thông qua việc liên hệ với các ngành, giới kinh doanh của các nước sở tại, tham gia tích cực vào việc đàm phán và ký kết các hiệp định mậu dịch thương mại, bảo vệ quyền lợi đáng được hưởng của nước mình trong mậu dịch kinh tế ở các nước sở tại, giúp đỡ các tổ chức đoàn thể hoạt động ngoại thương ở trong nước sang làm việc, trao đổi và buôn bán với nước ngoài. Tính đến nay, Trung Quốc đã có 222 cơ quan thương vụ ở hầu hết các nước và khu vực trên thế giới.
Những năm gần đây, Trung Quốc còn thành lập các cơ quan đại diện thường trú cho công ty ngoại thương tại nhiều nước nhằm mở rộng mối liên hệ với giới kinh doanh ở nước ngoài, tăng cường xuất khẩu hàng hóa và mua vật tư cần thiết cho trong nước. Từ một số ít các công ty đại diện được thành lập ở Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, đến nay đã lên tới con số hàng trăm cơ quan tương tự ở khắp các nước trên thế giới. Các cơ quan này đã phát huy tác dụng trong việc xây dựng “cửa sổ thương mại” ngoài nước góp phần thúc đẩy giao lưu, trao đổi và buôn bán giữa các địa phương trong nước và ngoài nước một cách rộng rãi.
Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới cơ quan xúc tiến thương mại, Bộ thương mại Trung Quốc cũng bắt đầu xuất bản báo cáo thường niên về tiếp cận thị trường thế giới từ năm 2003. Báo cáo này nhằm giúp các doanh nghiệp Trung Quốc hiểu biết một cách rõ ràng và khách quan về cơ chế, chính sách thương mại và đầu tư của các nước đối tác cũng như thị trường thế giới để có thể cạnh tranh hiệu quả hơn.
e) Thu hút đầu tư nước ngoài gắn với phát triển thị trường xuất khẩu
Với tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài hướng về xuất khẩu đã tạo thuận lợi cho việc tiếp cận và mở rộng thị trường quốc tế, nâng cao năng lực xuất khẩu của Trung Quốc. Nhờ quy mô và khả năng tiếp cận với mạng lưới phân phối và mạng lưới marketing quốc tế, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài dễ dàng thâm nhập thị trường xuất khẩu hơn so với các công ty nội địa.
Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài hướng vào xuất khẩu đã thành công đáng kể. Trung Quốc đã trở thành nước nhận đầu tư lớn nhất trong số các nước đang phát triển từ năm 1993. Các nước đầu tư chính là Hồng Kông, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan, Xing-ga-po và Hàn Quốc cũng luôn nằm trong số 10 nước nhập khẩu hàng hoá nói chung và hàng nông sản nói riêng nhiều nhất từ Trung Quốc trong những năm qua
Khu vực đầu tư nước ngoài không chỉ góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn thúc đẩy việc cải thiện cơ cấu và nâng cấp sản phẩm xuất khẩu. Số liệu điều tra mới đây cho thấy, hơn 60% các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc áp dụng những công nghệ mới được đưa ra trong ba năm gần nhất.
1.2. Kinh nghiệm của Thái Lan
Thái Lan là một quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á, vốn là một nước nông nghiệp truyền thống, có diện tích canh tác 19,62 triệu ha, gấp 2,62 lần so với Việt Nam. Trong khi đó dân số theo số điều tra năm 2014 có 67 triệu dân, bình quân đất canh tác trên đầu người gấp 4 lần so với Việt Nam. Ngành nông nghiệp đóng góp khoảng 13% vào tổng GDP của Thái Lan, trong đó lĩnh vực trồng trọt đóng góp khoảng 68% vào tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Thái Lan đạt 20,14 tỷ USD, đứng thứ 6 trên thế giới [3]. Hiện nay, 5 mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng nhất của Thái Lan là gạo (luôn đứng đầu thế giới); sắn (xuất khẩu nhiều nhất thế giới); ngô (xuất khẩu 4-5 triệu tấn/năm); cao su (đứng thứ 3 thế giới); rau quả (đứng thứ 2 khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sau Trung Quốc).
Sự thành công trong xuất khẩu hàng nông sản của Thái Lan chính là nhờ vào chính sách đổi mới của chính phủ trên quan điểm phát triển nông nghiệp, nông thôn là xương sống của đất nước. Các chính sách nhằm phát triển thị trường xuất khẩu hàng nông sản của Thái Lan được thể hiện trên các mặt sau:
a) Lựa chọn thị trường xuất khẩu trên cơ sở kết hợp chính sách đa dạng hoá thị trường và chính sách xây dựng thị trường trọng điểm
Một trong những biện pháp duy trì sự ổn định, hạn chế rủi ro trong hoạt động xuất khẩu nông sản của Thái Lan là xây dựng chiến lược đa dạng hoá thị trường xuất khẩu theo hướng cả chiều rộng và cả chiều sâu. Thái Lan nỗ lực gia tăng số lượng thị trường xuất khẩu và tăng thị phần trên các thị trường xuất khẩu hiện có. Để đạt được mục tiêu đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, Thái Lan vừa tìm cách duy trì, thắt chặt quan hệ với các thị trường truyền thống, vừa đặc biệt quan tâm đến mở các thị trường mới, nhất là tăng cường đi sâu vào các quan hệ láng giềng để khai thác các lợi thế về địa lý- kinh tế, địa lý- văn hoá… Đặc biệt, Thái Lan tận dụng rất tốt cơ hội để xâm nhập vào các thị trường ngách. Chẳng hạn, nhận thức được Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh lớn, có lợi thế về quy mô sản xuất và thị trường, Thái Lan đã xúc tiến chương trình thâm nhập vào các khâu sản xuất và thị trường ngách, những lĩnh vực mà Thái Lan có lợi thế hơn so với Trung Quốc. Thái Lan cũng đã xúc tiến xây dựng hệ thống nhà hàng ăn uống tại Trung Quốc trong kế hoạch “Thái Lan là bếp ăn của thế giới”.
Hiện nay hàng nông sản Thái Lan đã có mặt tại 225 thị trường trên thế giới. Các thị trường nhập khẩu hàng nông sản của Thái lan rất đa dạng, từ các nước công nghiệp phát triển đến các nước đang phát triển trên thế giới. Bên cạnh thị trường truyền thống là các nước công nghiệp phát triển, Thái Lan chú trọng tới thị trường các nước đang phát triển gồm 6 nhóm nước thuộc các khu vực địa lý: ASEAN, Trung Quốc, Đông Âu, Trung Đông, Mỹ La tinh và Châu Phi.
Bên cạnh chính sách đa dạng hoá thị trường, Thái Lan xây dựng 10 thị trường xuất khẩu nông sản trọng điểm để mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác. Nâng số thị trường xuất khẩu trọng điểm từ 7 lên 10 để giảm bớt sự lệ thuộc quá lớn vào một vài thị trường riêng lẻ nhằm phân tán bớt rủi ro.
Nhằm thực hiện chính sách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, Chính phủ Thái Lan tích cực đàm phán và ký kết các FTA, EPA song phương, khu vực với quan điểm tự do hóa thương mại song phương được đặt song song với tự do hóa thương mại đa phương. Tính đến năm 2014, Thái Lan đã tham gia vào 5 FTA song phương, 2 FTA khu vực, 4 EPA song phương và 1 EPA khu vực.
b) Phát triển thị trường thông qua chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu
Nhận thức rõ giải pháp căn bản và bền vững để mở rộng thị trường là nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu, chính phủ Thái Lan đã xây dựng chiến lược phát triển các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu dựa trên sự kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống và khoa học công nghệ hiện đại, đa dạng hoá sản phẩm nông sản xuất khẩu theo cả chiều rộng và chiều sâu, trọng tâm là đa dạng hoá theo chiều sâu. Thái Lan tăng số lượng, chủng loại, sản phẩm xuất khẩu và tìm kiếm các sản phẩm xuất khẩu mới. Đa dạng hoá sản phẩm được thực hiện theo hướng tăng các sản phẩm có chất lượng, tiện dụng, giá cả hợp lý và thân thiện với môi trường nhằm đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn và tình hình thị trường nông sản thế giới.
Các biện pháp của Chính phủ Thái Lan nhằm thực hiện Chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng nông sản: Quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm thông qua việc thực hiện chính sách “Mỗi làng một sản phẩm” nhằm phát huy lợi thế so sánh của mỗi địa phương; Hỗ trợ về tài chính nhằm khuyến khích xuất khẩu nông sản, đặc biệt là xây dựng Chương trình bảo lãnh tín dụng xuất khẩu đã khuyến khích được các doanh nghiệp mạnh dạn xuất khẩu nông sản sang các thị trường mới như Châu Phi và Trung Đông; Thực hiện tốt chính sách giá cả hàng nông sản, chính sách thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp…
c) Mở rộng thị trường thông qua việc hoàn thiện kênh phân phối hàng hóa
Thái Lan xây dựng kho nông sản tại các thị trường nhập khẩu nhằm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, hiểu rõ và nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường. Các kho ngoại quan này được xây dựng ở quốc gia có vị trí địa lý trung tâm, thuận tiện xuất khẩu đi các nước lân cận hoặc có thể xuất ngay tại nước đó. Hiện nay, Thái Lan đã xây nhà máy đánh bóng gạo và kho chứa trái cây tại Pháp để xuất khẩu sang Hà Lan, Đức. Các doanh nghiệp xuất khẩu nước sau khi thu mua trong nước là vận chuyển sang kho ngoại quan, khi thấy thị trường Pháp hoặc các nước châu Âu có nhu cầu sẽ đáp ứng kịp thời hơn.
Một cách phân phối nông sản hiệu quả nữa của Thái Lan là thông qua Chợ trung tâm mua bán nông sản (Taladd Thai) tại thị trường nội địa. Tất cả nông sản của 76 tỉnh thành của Thái Lan đều được đưa về đây để tiêu dùng và xuất khẩu. Talaad Thai được biết đến như là cửa ngõ xuất khẩu nông sản của Thái Lan. Từ Talaad Thái ra cảng biển, sân bay rất thuận tiện và các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu cũng rất phong phú và hiệu quả. Trung tâm Dịch vụ xuất khẩu nông sản một cửa (Perishable One Stop Service Export Center – POSSEC) đáp ứng mọi thủ tục cho xuất hàng ngay tại Talaad Thai từ hoàn tất thủ tục hải quan, nhận giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), chứng nhận kiểm dịch thực vật, kiểm tra an toàn vệ sinh đến những dịch vụ chiếu xạ, kho vận đóng gói, thông tin tư vấn về thị trường, luật lệ…
Ngoài ra, Thái Lan là đất nước có lượng khách du lịch hàng năm lớn nên các nhà kinh doanh nông sản đã tận dụng lợi thế này để xuất khẩu tại chỗ với kim ngạch đáng kể. Mặt khác đây cũng là một hình thức tiếp thị, quảng bá thương hiệu nông sản Thái Lan có hiệu quả.
2. Bài học rút ra cho Việt Nam
Theo dự báo của của IMF, WB và OECD nền kinh tế thế giới đang phục hồi và sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng mới từ năm 2015. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan như biến đổi khí hậu, mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc, khủng bố,… sẽ dẫn tới sự biến động khó dự đoán trước của thị trường thế giới. Cùng với đó, rào cản kỹ thuật của các quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển dựng lên ngày càng tinh vi, khó vượt qua hơn đối với hàng nông sản xuất khẩu của các nước đang phát triển. Vì vậy, những kinh nghiệm lựa chọn thị trường xuất khẩu hàng nông sản của Trung Quốc và Thái lan trong thời kỳ sau khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ là những bài học quý đối với Việt Nam trong việc phát triển thị trường hàng nông sản xuất khẩu trong giai đoạn tới.
2.1. Bài học thành công có thể vận dụng
Thứ nhất, lựa chọn chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu phù hợp với lợi thế của đất nước và tình hình thực tiễn thị trường xuất khẩu, nhờ đó mà cả hai nước đã mở rộng được thị trường xuất khẩu và gia tăng kim ngạch. Cả Thái Lan và Trung Quốc đều thực hiện đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản theo cả chiều rộng và chiều sâu, chủ yếu định hướng theo chiều sâu. Mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại với tất cả các nước, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực thông qua việc tăng cường đàm phán và ký kết các FTA, EPA song phương và khu vực.
Thứ hai, hai nước đều thực hiện tái cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng nông sản theo hướng tương đối cân bằng giữa các khu vực thị trường nhằm giảm bớt rủi ro so với những nước quá tập trung vào một khu vực thị trường xuất khẩu nào đó. Đồng thời, Chính phủ hai nước đều xây dựng 10 thị trường xuất khẩu nông sản trọng điểm đóng vai trò điều tiết đối với toàn bộ cơ cấu thị trường xuất khẩu và làm bàn đạp để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thứ ba, thực hiện đa dạng hóa sản phẩm nông sản xuất khẩu theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng đa dạng hóa theo chiều sâu nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Hàng nông sản xuất khẩu được cơ cấu theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nguyên liệu thô và sản phẩm sơ chế, tăng tỷ trọng sản phẩm có hàm lượng chế biến cao nhằm nâng cao giá trị hàng nông sản xuất khẩu.
Thứ tư, tùy thuộc vào điều kiện thực tế của nước mình mà Trung Quốc và Thái Lan đều đưa ra các giải pháp linh hoạt và hiệu quả để thực hiện phát triển thị trường xuất khẩu hàng nông sản
Thứ năm, chú trọng xây dựng chiến lược tiêu thụ, quảng bá và phát triển thương hiệu nông sản cả trong nước và nước ngoài. Trên cơ sở mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, mỗi quốc gia có cách thức riêng nhằm xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho mình.
2.2. Bài học thất bại cần tránh
Mặc dù sau nhiều năm thực hiện chính sách phát triển thị trường xuất khẩu, cả hai nước đều đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu nông sản ấn tượng nhưng chủ yếu là tăng trưởng theo chiều rộng, chưa thực sự gắn với tăng trưởng và phát triển bền vững. Cụ thể là:
Thứ nhất, phát triển thị trường hàng nông sản chưa tính đến những ảnh hưởng từ rủi ro chính trị. Trong bối cảnh khủng hoảng nền kinh tế thế giới, Trung Quốc đã chuyển trọng tâm xuất khẩu sang thị trường châu Á, đặc biệt chú trọng đến thị trường các nước láng riềng. Tuy nhiên, vấn đề tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với Nhật Bản (trên biển Hoa Đông) và một loạt các nước Phi-lip-pin, Việt Nam, Bru-nây, Ma-lai-xi-a (khu vực biển Đông) và vùng lãnh thổ Đài Loan đã khiến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang các thị trường này giảm mạnh.
Thứ hai, phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chưa chú trọng đến bảo vệ môi trường. Yêu cầu thực hiện tiêu chuẩn thực tiễn nông nghiệp tốt (GAP) hoặc nền nông nghiệp hữu cơ đang rất được các nước phát triển chú trọng kiểm soát đối với hàng nông sản từ các nước đang phát triển. Mặc dù những yêu cầu này đã và đang được cả hai nước thực hiện nhưng còn mang tính thụ động và chưa triệt để.
Thứ ba, vấn đề sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản tại Trung Quốc và Thái Lan chưa mang tính bền vững, đặc biệt vấn đề xã hội chưa được quan tâm thỏa đáng. Thực tiễn cho thấy vấn đề đảm bảo an toàn cho người sản xuất, an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế đã làm giảm uy tín và gây ra không ít thiệt hại cho các nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản.
Tài liệu tham khảo
- Đỗ Thu Hằng (2017). Phát triển thị trường xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
- Bộ Công thương (2011), Nghiên cứu thị trường nông sản của Trung Quốc và khả năng xuất khẩu một số sản phẩm nông sản của Việt Nam, Đề tài khoa học cấp bộ, mã số 26.11.RD/HD-KHCN
- Bộ NN&PTNT (2002), Triển vọng nông sản thế giới thời kỳ 2003 – 2010, Hà Nội