1. Khái niệm về sự luân chuyển dòng vốn nước ngoài
Mỗi quốc gia đều có những nguồn lực để phát triển nền kinh tế của mình, bao gồm các nguồn lực gần như không dịch chuyển được như đất đai, khí hậu, khoáng sản… và các nguồn lực có thể dịch chuyển được giữa các quốc gia như vốn, công nghệ, lao động. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, việc dịch chuyển các nguồn lực giữa các quốc gia cũng trở nên sôi động hơn, đặc biệt là các nguồn lực về vốn.
Luân chuyển dòng vốn nước ngoài (di chuyển vốn quốc tế) là sự vận động của vốn từ quốc gia này qua quốc gia khác nhằm tìm nơi đầu tư có lợi. Về thực chất, di chuyển vốn quốc tế là sự vận động của tiền tệ và các tài sản khác giữa các quốc gia để điều chỉnh tỷ lệ kết hợp giữa các yếu tố sản xuất nhằm đạt được lợi ích tối đa. Sự vận động của vốn giữa các quốc gia đã tạo thành các dòng chảy vốn từ quốc gia này sang quốc gia khác nhằm làm cho vốn sinh sôi nhanh hơn [1, tr 208].
Chính sự kỳ vọng về lợi ích sẽ thu được ở quốc gia khác là động lực thúc đẩy sự luân chuyển và tạo thành dòng chảy của vốn qua các biên giới quốc gia. Dòng vốn nước ngoài chỉ xuất hiện khi có sự chuyển giao về chủ sở hữu các tài sản tài chính từ nước này sang nước khác. Quá trình di chuyển vốn nước ngoài/quốc tế làm hình thành hai dòng chảy của vốn: Dòng chảy vào và dòng chảy ra. Về thực chất, sự luân chuyển vốn nước ngoài chính là sự luân chuyển các tài sản thực (bất động sản, máy móc thiết bị, dây chuyền, công nghệ,…) và tài sản tài chính (cố phiếu, trái phiếu, các khoản cho vay,…) giữa người cư trú và người không cư trú. Sự lưu chuyển này được ghi nhận ở mục cán cân tài chính trong cán cân thanh toán quốc tế của quốc gia. Trong đó:
Cán cân thanh toán quốc tế (BOP) là bảng thống kê tổng hợp các giao dịch giữa người cư trú và người không cư trú (người cư trú của các nước khác) trong một thời kỳ nhất định (thông thường được báo cáo theo quý hoặc năm). Về các yếu tố cấu thành, BOP bao gồm các hạng mục chính như:
– Cán cân vãng lai: phản ánh các giao dịch quốc tế giữa người cư trú và người không cư trú về thương mại hàng hóa (xuất, nhập khẩu hàng hóa); thương mại dịch vụ (xuất, nhập khẩu dịch vụ), thu nhập sơ cấp (thu nhập về đầu tư và lao động) và thu nhập thứ cấp (chuyển giao vãng lai).
– Cán cân vốn: ghi chép các khoản thu chi giữa người cư trú và người không cư trú về hoạt động chuyển giao vốn; hoạt động mua bán các tài sản phi tài chính, phi sản xuất.
– Cán cân tài chính: bao gồm toàn bộ các giao dịch giữa người cư trú và người không cư trú về đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, giao dịch phái sinh tài chính, vay, trả nợ nước ngoài, tín dụng thương mại, tiền và tiền gửi [2].
2. Phân loại các dòng vốn nước ngoài
Sự luân chuyển dòng vốn quốc tế được thực hiện thông qua các hình thức đầu tư quốc tế. Tùy thuộc và các tiêu thức phân loại, dòng vốn nước ngoài vào/ra khỏi một quốc gia có thể được phân loại theo các hình thức khác nhau. Cụ thể;
Phân loại theo thời hạn đầu tư: dòng vốn có thể được phân chia thành các dòng vốn ngắn hạn và dòng vốn dài hạn. Trong đó, dòng vốn dài hạn là những dòng vốn có thời hạn đầu tư hoặc cho vay dài hơn một năm. Đại diện cho hình thức vốn dài hạn thường là các dòng vốn đầu tư trực tiếp, vốn vay của nhà nước và cũng có thể là bộ phận của vốn đầu tư gián tiếp. Dòng vốn ngắn hạn là những dòng vốn có thời hạn đầu tư, cho vay ngắn hơn một năm. Hình thức vốn ngắn hạn chủ yếu là các dòng vốn tín dụng thương mại, vốn đầu tư gián tiếp.
Phân loại theo tính chất tác động tới nợ nước ngoài: dòng vốn được chia thành dòng vốn tạo nợ và dòng vốn không tạo nợ.
Phân loại theo chủ thể đầu tư: dòng vốn được chia thành vốn tư nhân và vốn chính thức. Vốn tư nhân (Private Capital) là dòng vốn có nguồn gốc từ các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và các tổ chức phi chính phủ. Đại diện cho hình thức vốn tư nhân có thể là vốn đầu tư gián tiếp, vốn đầu tư trực tiếp và tín dụng thương mại. Trong khi đó, vốn chính thức (Offical Capital) là dòng vốn có nguồn gốc từ ngân sách của Chính phủ các nước, hoặc từ các tổ chức quốc tế. Hình thức phổ biến nhất của vốn chính thức chính là vốn ODA -Vốn hỗ trợ phát triển chính thức.
Phân loại theo danh mục đầu tư: các dòng vốn được chia thành ba loại theo chức năng đầu tư: (i) đầu tư trực tiếp; (ii) đầu tư gián tiếp (iii) đầu tư khác. Đây cũng là cách phân loại được sử dụng phổ biến, đồng thời trong các số liệu về dòng vốn nước ngoài trong cán cân thanh toán quốc tế cũng được phân loại theo tiêu thức này. Ngoài ra, dù không thuộc tài khoản vốn song kiều hối cũng là một trong những dòng vốn nước ngoài quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Vì vậy, trong phạm vi nghiên cứu của luận án, tác giả cũng lựa chọn phân tích sự dịch chuyển của từng dòng vốn nước ngoài trên cách phân loại theo danh mục đầu tư và kiều hối.
2.1. Dòng vốn đầu tư trực tiếp
Dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) là một loại hình của luân chuyển vốn giữa các quốc gia trong đó người chủ sở hữu vốn đồng thời là người trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động sử dụng vốn đầu tư [1, tr 214].
FDI xuất hiện khi một nhà đầu tư ở một nước mua tài sản có ở một nước khác với ý định quản lý nó. Do đó, quyền kiểm soát và tham gia vào việc đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến chiến lược, chính sách phát triển của doanh nghiệp là tiêu chí cơ bản giúp nhận diện FDI và phân biệt với đầu tư gián tiếp.
Theo các chuẩn mực của các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), Tổ chức Hợp tác và phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), FDI được định nghĩa bằng một khái niệm rộng hơn.
Theo IMF: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là hoạt động đầu tư qua biên giới, theo đó người cư trú của một nước có quyền kiểm soát hoặc có khả năng kiểm soát phần lớn, ảnh hưởng lớn vào việc quản lý của một doanh nghiệp là người cư trú của một nền kinh tế khác [3, tr 101].
Theo OECD: Đầu tư trực tiếp được thực hiện nhằm thiết lập các mối quan hệ kinh tế lâu dài với một doanh nghiệp, đặc biệt là những khoản đầu tư mang lại khả năng tạo ảnh hưởng đối với việc quản lý doanh nghiệp nói trên bằng cách: (i) Thành lập hoặc mở rộng một doanh nghiệp hoặc một chi nhánh thuộc toàn quyền quản lý của chủ doanh nghiệp hoặc một chi nhánh thuộc toàn quyền quản lý của chủ đầu tư; (ii) Mua lại toàn bộ doanh nghiệp đã có; (iii) Tham gia vào một doanh nghiệp mới; (iv) Cấp tín dụng dài hạn dài hơn 5 năm. [4, tr 112].
Theo WTO: Đầu tư trực tiếp nước ngoài xảy ra khi một nhà đầu tư từ một nước (nước chủ đầu tư) có một tài sản ở nước khác (nước nhận đầu tư) cùng với quyền kiểm soát tài sản đó. Quyền kiểm soát là dấu hiệu để phân biệt FDI với các hoạt động đầu tư khác.
Nghị định số 16/2014/NĐ-CP ngày 03/03/2014 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam đã quy định cụ thể về các khái niệm liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài, trong đó:
– Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là việc người không cư trú bỏ vốn đầu tư và trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Vốn đầu tư bao gồm vốn bằng tiền, các tài sản hợp pháp khác do người không cư trú đưa vào Việt Nam, lợi nhuận của người không cư trú được giữ lại để tiến hành hoạt động đầu tư tai Việt Nam.
– Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài là việc người cư trú bỏ vốn đầu tư và trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư tại nước ngoài. Vốn đầu tư bao gồm vốn bằng tiền, các tài sản hợp pháp khác do người cư trú chuyển ra nước ngoài, lợi nhuận của người cư trú được giữ lại để tiến hành hoạt động đầu tư tại nước ngoài [2].
Như vậy, về bản chất FDI là loại hình đầu tư quốc tế trong đó chủ đầu tư bỏ vốn để xây dựng hoặc mua phần lớn, thậm chí toàn bộ các cơ sở kinh doanh ở nước ngoài để là chủ sở hữu toàn bộ hay từng phần cơ sở đó và trực tiếp quản lý điều hành hoặc tham gia quản lý điều hành hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị, dự án mà họ bỏ vốn đầu tư. Đồng thời, họ cũng chịu trách nhiệm theo mức sở hữu về kết quả sản xuất kinh doanh của dự án. Do sự di chuyển vốn đầu tư FDI thường đi kèm với đầu tư công nghệ và tri thức kinh doanh nên loại hình đầu tư này góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình CNH-HĐH ở các nước nhận đầu tư.
* Đặc điểm của dòng vốn FDI
Các chủ đầu tư nước ngoài phải đóng góp một tỷ lệ vốn tối thiểu: Được gọi là vốn pháp định hoặc vốn điều lệ tùy theo quy định của từng nước để giành quyền kiểm soát hoặc tham gia kiểm soát doanh nghiệp mà họ tham gia góp vốn. Tỷ lệ vốn góp của các chủ đầu tư sẽ quy định quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, đồng thời lợi nhuận và mức độ rủi ro cũng được phân chia dựa vào tỷ lệ này. Theo phân loại của các tổ chức quốc tế như IMF, OECD tỷ lệ này là 10% các cổ phiếu thường hoặc quyền biểu quyết của doanh nghiệp. Quy định của các nước thường không giống nhau về tỷ lệ vốn tối thiểu, trong đó: Luật của Hoa Kỳ quy định là 10%, Pháp và Anh là 20% trong khi Việt Nam trước đây là 30% và trong những trường hợp đặc biệt có thể giảm nhưng không dưới 20% (luật đầu tư 2005) [4, tr 115]. Đối với Việt Nam, theo luật đầu tư hiện hành, đã không còn có sự phân biệt giữa đầu tư trực tiếp và gián tiếp nữa. Luật Đầu tư 2014 sử dụng chung một khái niệm “Đầu tư kinh doanh” thay thế cho hai khái niệm là “Đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp” trước đây.
Các chủ đầu tư nước ngoài trực tiếp quản lý và điều hành dự án mà họ bỏ vốn đầu tư: Quyết định sản xuất kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả của doanh nghiệp là một trong những đặc điểm chính của FDI. Vì vậy, có thể nói rằng FDI là hình thức đầu tư có tính khả thi, hiệu quả cao. Bên cạnh đó, FDI thường không chịu các ràng buộc về chính trị và không để lại gánh nặng nợ nần trực tiếp cho nền kinh tế. Quyền quản lý doanh nghiệp phụ thuộc vào tỷ lệ góp vốn của chủ đầu tư trong vốn pháp định của dự án. Theo đó, nếu chủ sở hữu đóng góp 100% vốn trong vốn pháp định thì doanh nghiệp hoàn toàn thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và quản lý toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp.
Hình thức đầu tư chủ yếu của FDI là đầu tư tư nhân với mục đích hàng đầu là tìm kiếm lợi nhuận: Kết quả thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh của dự án FDI được phân chia cho các bên theo tỷ lệ vốn góp vào vốn pháp định sau khi đã nộp thuế cho nước sở tại và trả lợi tức cổ phần (nếu có). Cũng chính vì mục đích lợi nhuận nên các nước thu hút FDI cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ và đủ mạnh để có thể điều tiết các dòng vốn FDI phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường của quốc gia.
FDI thường kèm theo chuyển giao công nghệ: Thông qua việc đầu tư sản xuất ở nước tiếp nhận vốn, các chủ doanh nghiệp FDI thường nhập khẩu các máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, bí quyết kỹ thuật và thậm chí đưa cả cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý vào nước nhận đầu tư để phục vụ cho việc thực hiện dự án. Tính lan tỏa của các doanh nghiệp FDI góp phần thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ ở nước tiếp nhận vốn.
2.2. Dòng vốn đầu tư gián tiếp
Dòng vốn đầu tư gián tiếp (FPI- Foreign Portfolio Investment): Là hình thức luân chuyển vốn giữa các quốc gia trong đó người sở hữu vốn không trực tiếp quản lý và điều hành các hoạt động sử dụng vốn [1, tr 208].
Theo Vũ Chí Lộc (2012), đầu tư chứng khoán nước ngoài FPI là hình thức đầu tư quốc tế trong đó chủ đầu tư của một nước mua chứng khoán của các công ty, các tổ chức phát hành ở một nước khác với một mức khống chế nhất định để thu lợi nhuận nhưng không nắm quyền kiểm soát trực tiếp đối với tổ chức phát hành chứng khoán [4, tr 120].
FPI có thể hiểu là việc nhà đầu tư bỏ vốn tiền tệ ra mua các chứng khoán/giấy tờ có giá ở nước ngoài nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Lợi nhuận trong đầu tư chứng khoán ở nước ngoài có thể là từ thu nhập cổ tức, trái tức song cũng có thể do chênh lệch giá do kinh doanh chứng khoán/giấy tờ có giá đem lại.
Cùng với việc ra đời của thị trường chứng khoán, các khái niệm như đầu tư gián tiếp và thuật ngữ “Portfolio Investment” cũng đã xuất hiện. Theo đó, các nhà đầu tư bên cạnh các hình đầu tư trực tiếp truyền thống đã có thêm sự lựa chọn để đầu tư thông qua một công ty khác như các tổ chức tài chính hoặc mua cổ phiếu, trái phiếu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán phát triển ở quy mô quốc tế và hoạt động mua bán chứng khoán được mở rộng cho các nhà đầu tư và được tổ chức liên thông ở nhiều thị trường chứng khoán khác nhau, ranh giới giữa FDI và FPI càng trở nên khó phân định.
Thực chất, FPI là loại hình đầu tư quốc tế mà chủ đầu tư bỏ tài sản chủ yếu dưới dạng vốn để mua các chứng chỉ có giá trị như chứng khoán cổ phần, chứng khoán nợ… nhằm kiếm lợi nhuận mà không trực tiếp quản lý tài sản của mình.
* Đặc điểm của dòng vốn đầu tư gián tiếp FPI
Chủ đầu tư nước ngoài chỉ nắm giữ chứng khoán mà không nắm quyền kiểm soát hoạt động của tổ chức phát hành chứng khoán: Đầu tư chứng khoán thường không được tiến hành với mục đích giành một mức độ ảnh hưởng đáng kể đối với doanh nghiệp được đầu tư mà chỉ với kỳ vọng về một khoản lợi nhuận tương lai dưới dạng cổ tức hoặc phần chênh lệch giá. Trong khi đó, đặc điểm quan trọng nhất của dòng vốn gián tiếp FDI là được thực hiện với mục đích giành quyền kiểm soát hoặc giành được ảnh hưởng đáng kể trong quản lý doanh nghiệp mà họ muốn đầu tư vốn.
Phạm vi đầu tư: chỉ giới hạn trong số các hàng hóa đang lưu hành trên thị trường chứng khoán của nước nhận đầu tư.
Chủ thể đầu tư: Nhà đầu tư chứng khoán có thể là các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư có tổ chức hoặc cá nhân. Thu nhập của chủ đầu tư có thể cố định hoặc không cố định tùy thuộc vào loại hình chứng khoán/giấy tờ có giá mà họ đầu tư. Ngoài ra, số lượng chứng khoán/giấy tờ có giá mà các công ty nước ngoài được mua có thể bị khống chế ở mức độ nhất định tùy theo từng nước.
Tính bất ổn định và dễ đảo chiều: Do nhà đầu tư gián tiếp chỉ quan tâm tới lợi tức hoặc mức độ an toàn của vốn chứ không quan tâm đến việc quản lý quá trình sản xuất và kinh doanh thực tế nên dòng vốn đầu tư gián tiếp FPI thường được coi là các dòng vốn ít có tính ổn định. Dòng vốn có thể chảy vào ngành/lĩnh vực/quốc gia rất nhanh song nếu mức độ rủi ro hoặc lợi tức thấp hơn so với kỳ vọng, dòng vốn cũng có thể đảo chiều rất nhanh. Tính chất bất ổn định của dòng vốn này là thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
2.3. Các dòng vốn khác
Ngoài hai dòng vốn chính là FDI và FPI, các dòng vốn nước ngoài vào/ra một quốc gia có thể tồn tại dưới dạng các đầu tư khác. Theo Cẩm nang hướng dẫn lập Cán cân thanh toán của IMF đầu tư khác bao gồm các khoản đầu tư dưới hình thức tín dụng thương mại và các khoản vay qua biên giới của các thể chế tài chính, các khoản vay, tiền gửi ngân hàng, các tài sản có và tài sản nợ khác.
Đối với Việt Nam, ngoài dòng vốn FDI, vốn FPI cán cân tài chính còn bao gồm toàn bộ các giao dịch giữa người cư trú và người không cư trú về giao dịch phái sinh tài chính, vay, trả nợ nước ngoài, tín dụng thương mại, tiền và tiền gửi. Trong đó, các khoản được thống kê trong cán cân thanh toán bao gồm:
Vay, trả nợ nước ngoài là các giao dịch vay và trả nợ gốc giữa người cư trú và người không cư trú.
Tín dụng thương mại là các khoản tín dụng giữa người cư trú và người không cư trú là nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa với khách hàng của họ.
Tiền và tiền gửi được thống kê trong cán cân thanh toán gồm: (i) Tiền mặt bằng đồng Việt Nam của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do người không cư trú nắm giữ; (ii) Ngoại tệ do người cư trú nắm giữ; (iii) Các khoản tiền gửi của người cư trú tại các tổ chức nhận tiền gửi là người không cư trú (trừ tiền gửi tại các Ngân hàng Trung ương), các khoản tiền gửi tại Việt Nam (trừ tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước) của người không cư trú [2].
Kiều hối là tiền của người Việt lao động tại nước ngoài gửi về Việt Nam. Cụ thể hơn nếu áp dụng theo định nghĩa của IMF [3] thì có thể chia kiều hối làm 3 loại sau: (i) tiền do người Việt Nam xuất khẩu lao động gửi về gia đình, họ hàng trong nước (ii) khoản tiền bồi thường cho người lao động hoặc lương thưởng dưới dạng tiền hoặc tương đương trả cho cá nhân làm việc ở nước ngoài; và (iii) tiền do Việt Kiều sinh sống tại các quốc gia họ tị nạn gửi về.
Liên quan đến chủ đề này, Hoa tiêu tri thức tiếp tục giới thiệu bài viết “Tác động của luân chuyển dòng vốn nước ngoài đến các nước tiếp nhận vốn”. Mong rằng có thể làm rõ hơn các vấn đề về sự luân chuyển dòng vốn nước ngoài.
Nguyễn Thị Hải Thu (2017)
Nguồn trích dẫn trong bài:
- Đỗ Đức Bình và Nguyễn Thường Lạng (2004). Giáo trình Kinh tế Quốc tế, Nhà xuất bản lao động – xã hội.
- Nguyễn Thị Vũ Hà (2013). Điều tiết sự di chuyển của các dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
- IMF (2009), “Balance of Payments and International Investment Position Manual”, BPM6.
- Vũ Chí Lộc (2012). Giáo trình Đầu tư Quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.