Nhà trường hiệu quả là gì?
“Nhà trường hiệu quả là nhà trường mà ở đó, tất cả HS đều được chú trọng giáo dục nhằm cải thiện và nâng cao kết quả học tập so với kết quả học tập dự kiến”.
Nhà trường là tổ chức giáo dục có tư cách pháp nhân, đặt dưới quyền quản lý của một hiệu trưởng, nhằm đảm bảo các hoạt động giáo dục cho học sinh. Các đặc trưng của mô hình nhà trường hiệu quả được thể hiện qua những nội dung dưới đây:
Mô hình nhà trường là một mô hình giáo dục mang tính lý thuyết, được mô tả bởi một số thành tố chủ yếu như: sứ mạng/nhiệm vụ của nhà trường; mục tiêu giáo dục của nhà trường; phương pháp giáo dục; cơ chế hoạt động; các đối tượng tham gia hoạt động giáo dục; các điều kiện đảm bảo cho hoạt động giáo dục;…
Trong nền kinh tế thị trường (từ cuối thế kỷ XX), thế giới đã xuất hiện nhiều mô hình trường phổ thông mới như nhà trường xuất sắc (Excellent school), nhà trường thành đạt (Successeful School), nhà trường tốt (Good school), nhà trường hoàn thiện (Improvement School), nhà trường hiệu quả (Effective School), nhà trường chất lượng (Quality School),… Đây là những mô hình nhà trường có chất lượng cao, tiếp cận lý thuyết “quản lý đảm bảo chất lượng” hoặc “quản lý chất lượng tổng thể”.
Nhà trường hiệu quả là nhà trường mà ở đó, tất cả học sinh đều được chú trọng giáo dục nhằm cải thiện và nâng cao kết quả học tập so với kết quả học tập dự kiến.
Một nghiên cứu về mối tương quan của trường học hiệu quả của Hiệp hội trường hiệu quả (Association of effective Schools, 1996) [1] tại Sharptown Rd, Stuyvesant, New York, Hoa Kỳ đã nêu: mọi trẻ em (dù nam hay nữ, giàu hay nghèo, da đen hay da trắng) đều có mong ước là được học những kiến thức, kỹ năng cần thiết để có thể thành công ở cấp độ cao hơn vào năm học tới. Ở các trường luôn cải tiến quá trình giáo dục dựa vào những nghiên cứu về trường học hiệu quả thì tỷ lệ học sinh xuất sắc luôn tăng hoặc ít nhất vẫn giữ nguyên. Nghiên cứu này đã chỉ ra 7 yếu tố có tương quan chặt chẽ đến tính hiệu quả của nhà trường, đó là
1) Sứ mệnh của nhà trường rõ ràng – Các trường hiệu quả có sứ mạng rõ ràng, cụ thể, từ đó mọi giáo viên đều chia xẻ hiểu biết, cam kết thực hiện các mục tiêu, sự ưu tiên, các hoạt động đánh giá một cách có trách nhiệm. Nhà trường xây dựng được các điều khoản hiệu quả để thực hiện sứ mệnh đó, tạo ra được môi trường làm việc mà trong đó giáo viên hoạt động với tư cách chuyên gia – họ xem xét và có cơ hội phát triển nghề nghiệp của mình, cả trong và ngoài trường học, giúp học sinh học tập theo mục đích của chương trình nhà trường.
2) Kỳ vọng cao cho sự thành công – Trong trường hiệu quả luôn bao trùm không khí của sự kì vọng, giáo viên luôn tin tưởng và chứng minh rằng tất cả học sinh đều có thể đạt được những kiến thức, kĩ năng cơ bản của chương trình giáo dục và họ có khả năng giúp học sinh làm được điều đó. Các phong trào thi đua đều nhấn mạnh đến việc phấn đấu để nhà trường trở thành “nơi mà mỗi giáo viên được công nhận là có đóng góp tìm hiểu, phát triển và cải thiện tiềm năng độc đáo của mỗi học sinh”.
3) Khả năng lãnh đạo giảng dạy – Trong trường hiệu quả, hiệu trưởng là người đứng đầu hướng dẫn hoạt động dạy học một cách có hiệu quả và liên tục giao các nhiệm vụ cho nhân viên, phụ huynh và học sinh. Hiệu trưởng hiểu và áp dụng được các đặc điểm của giảng dạy hiệu quả trong việc quản lý chương trình giáo dục, khớp nối sứ mệnh của trường với những thay đổi, cải tiến trong hệ thống để đạt được các mục tiêu phát triển. Hiệu trưởng không phải là lãnh đạo duy nhất, mà là “một nhà lãnh đạo của lãnh đạo” – phải trao quyền cho giáo viên trong các quyết định về giảng dạy theo hướng đạt mục tiêu của nhà trường.
Johnson (1997) [1] cho rằng, một số yếu tố then chốt mà hiệu trưởng cần có để lãnh đạo nhà trường hoạt động có hiệu quả gồm: quản lý hành chính hiệu quả, có những kì vọng tích cực, chương trình giáo dục tích hợp mạnh, chia sẻ việc ra quyết định, có trách nhiệm trong giảng dạy và thành công. Những yếu tố này bao gồm cả ý tưởng phải tạo một môi trường chuyên nghiệp mà trong đó giáo viên có thể phát triển thế mạnh cá nhân trong quá trình phát triển mục tiêu tổng thể của nhà trường.
4) Tạo cơ hội và thời gian cho học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập – Trong trường hiệu quả, mỗi giáo viên đều hiểu biết những gì sẽ giảng dạy và có đủ thời gian giảng dạy là rất cần thiết để tạo nên hiệu quả của nhà trường. giáo viên phải cân bằng giữa nhu cầu về nội dung của chương trình ngày càng tăng với thời gian giảng dạy bị hạn chế. Cung cấp một thời lượng đáng kể để hướng dẫn các hoạt động ngoại khóa, trong đó dành một tỷ lệ phần trăm nhất định để học sinh tích cực tham gia hoạt động ở các nhóm với sự điều khiển của giáo viên.
5) Tạo một môi trường giáo dục an toàn và trật tự – Trong trường hiệu quả, thiết lập trật tự các mục tiêu để không những loại bỏ các hành vi không mong muốn, mà còn phải giảng dạy những hành vi cần thiết để có môi trường giáo dục an toàn như “nhóm học tập hợp tác”, “tôn trọng sự đa dạng mỗi người”, “dân chủ”, “công bằng”,…
6) Tạo mối quan hệ tích cực giữa nhà trường và gia đình – Trong trường hiệu quả, các bậc cha mẹ hiểu và hỗ trợ các nhiệm vụ cơ bản của trường học, có cơ hội thể hiện vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ nhà trường đạt được sứ mệnh của mình. Theo Goodman, Johnson, Revilla và Sweeney (1997) [1], nhà trường cần coi cha mẹ là đối tác quan trọng để hỗ trợ giáo dục học sinh và là một thành viên của gia đình học – cần phát triển chương trình dành cho phụ huynh vào các buổi tối cuối tuần.
7) Giám sát thường xuyên quá trình học tập của học sinh – Trong trường hiệu quả, sự tiến bộ của học sinh được đo lường và được đánh giá thường xuyên, kết quả đánh giá được sử dụng để cải thiện hành vi và thành tích cá nhân học sinh, cũng như để cải thiện quá trình giảng dạy chương trình.
Trong bài báo Các mối tương quan của trường hiệu quả: thế hệ thứ nhất và thứ hai, Lezotte (1991) [1] cho rằng: sau khi hoàn thành đánh giá và giám sát thường xuyên ở thế hệ thứ nhất, nhà trường cần phải thực hiện giám sát lần thứ hai bằng cách sử dụng các bài luyện thi trên máy vi tính để học sinh tự theo dõi sự tiến bộ học tập của họ để nếu cần thiết thì điều chỉnh hành vi của mình. Ông nhấn mạnh: ở thế hệ thứ nhất tập trung đánh giá dựa theo chuẩn, đánh giá dựa theo tiêu chí của chương trình giáo dục bằng hình thức giấy-bút. Ở thế hệ thứ hai, nhấn mạnh hơn những đánh giá thực ở các chủ đề học tập thông qua các sản phẩm làm việc, trình diễn,… của học sinh.
– Phần lớn các nhà khoa học về giáo dục cũng như các nhà quản lý giáo dục nói chung và quản lý trường học nói riêng rất quan tâm đến chất lượng giáo dục trong nhà trường mà ít quan tâm đến hiệu quả hoạt động của nhà trường. Có nhiều lý do, nhưng lý do chính là chất lượng giáo dục trong nhà trường có thể đánh giá và tự kiểm soát được; còn việc đánh giá hiệu quả giáo dục của nhà trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố và phải có sự phối hợp của nhiều thành phần trong xã hội.
Qua nghiên cứu, tìm hiểu nhiều quan điểm về nhà trường hiệu quả, theo chúng tôi: Nhà trường hiệu quả là nhà trường đạt được các kết quả, hiệu quả về giáo dục trong phạm vi nguồn lực của chính nhà trường đó đáp ứng được những yêu cầu phát triển cá nhân, phát triển KT-XH của cộng đồng và đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội ở mỗi thời điểm hiện tại.
Tài liệu tham khảo
- David J. Kirk, Terry L. Jones (2004). Effective Schools. Assessment Report. Pearson Education.