Bài viết tập trung phân tích một số vai trò cơ bản của của hợp tác quốc tế về thuế trong công tác quản lý thuế cũng như đối với phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia

1. Vai trò của của hợp tác quốc tế về thuế đối với quản lý thuế

1.1. Góp phần chống thất thu thuế, nâng cao hiệu quả quản lý thuế.

Bằng việc tổ chức thực hiện các hiệp định thuế đã ký kết, các quốc gia đều có thể hạn chế thất thu thuế. Điều này thể hiện trên các phương diện cụ thể sau:

– Bằng việc trao đổi, cung cấp thông tin theo các hiệp định thuế, các quốc gia có thông tin đầy đủ và chính xác hơn về thu nhập của các cá nhân là đối tượng cư trú của quốc gia này nhưng có thu nhập phát sinh ở nước ký kết kia. Từ đó, giúp các quốc gia xác định đầy đủ thu nhập của cá nhân làm cơ sở tính thuế, chống thất thu về căn cứ tính thuế.

– Bằng việc trao đổi, cung cấp thông tin theo các hiệp định thuế, các quốc gia có thông tin đầy đủ và chính xác hơn về giao dịch của các tập đoàn đa quốc gia. Qua đó, thực hiện kiểm tra xác định đúng báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của các doanh nghiệp để kiểm soát chuyển giá, hạn chế thất thu từ hoạt động chuyển giá của các công ty đa quốc gia. Thông tin về giao dịch từ báo cáo tài chính của các công ty đa quốc gia do các nước ký kết cung cấp cũng giúp cơ quan thuế các quốc gia phát hiện các hành vi gian lận thuế, chống thất thu thuế.

– Bằng việc hỗ trợ thu thuế lẫn nhau, các quốc gia có thể thực hiện thu thuế đối với những đối tượng cố tình chây ỳ trong thực hiện nghĩa vụ thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp có các giao dịch thương mại xuyên biên giới thuộc diện phải nộp thuế ở một quốc gia mà doanh nghiệp này không có cơ sở thường trú.

– Bằng việc phối hợp đàm phán ký kết các APA song phương và đa phương, cơ quan thuế các nước giảm thiểu các chi phí thanh tra, kiểm tra và giải quyết những vấn đề về chuyển giá của các công ty đa quốc gia mà vẫn đảm bảo số thu cho ngân sách nhà nước.

1.2. Góp phần thúc đẩy hoàn thiện chính sách, pháp luật thuế của các quốc gia.

Thông qua hợp tác quốc tế về thuế, cơ quan thuế các quốc gia nắm bắt thông tin về chính sách thuế của các quốc gia khác cũng như các định hướng thay đổi chính sách thuế của các quốc gia khác, các thỏa thuận hợp tác có liên quan đến chính sách thuế nội địa của các quốc gia cũng là một trong những yêu cầu buộc các quốc gia phải hoàn thiện chính sách, pháp luật thuế cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ba là, hợp tác quốc tế về thuế góp phần nâng cao năng lực công chức thuế. Thông qua các hoạt động trao đổi chuyên môn tại các diễn đàn thuế quốc tế, các hoạt động hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa cơ quan thuế các quốc gia, công chức thuế được tiếp cận, tìm hiểu những kiến thức mới, phương pháp quản lý hiện đại, đặc biệt là những vấn đề mới phát sinh trong quản lý thuế trước những thay đổi nhanh chóng của điều kiện kinh tế quốc tế.

2. Vai trò của hợp tác quốc tế về thuế đối với phát triển kinh tế – xã hội

2.1. Góp phần thúc đẩy đầu tư và thương mại giữa các quốc gia.

Điều này thể hiện trên các phương diện cụ thể sau:

– Bằng việc thực hiện các biện pháp tránh đánh thuế hai lần, hoạt động hợp tác quốc tế về thuế giúp giảm gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp. Qua đó, thúc đẩy hoạt động đầu tư và thương mại giữa các quốc gia. Việc thực hiện tránh đánh thuế hai lần cũng tạo thuận lợi cho việc di chuyển lao động giữa các quốc gia ký kết các hiệp định thuế.

– Bằng hoạt động đàm phán ký kết các thỏa thuận trước về giá (APA), hoạt động hợp tác quốc tế về thuế, cơ quan thuế các nước vừa đảm bảo chống thất thu ngân sách từ các hoạt động chuyển giá của các công ty đa quốc gia, vừa giảm bớt thủ tục hành chính trong quản lý thuế, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các giao dịch nội bộ giữa các công ty trong cùng một tập đoàn đa quốc gia; qua đó, thúc đẩy đầu tư và thương mại giữa các quốc gia ký kết APA cùng các công ty đa quốc gia.

– Thông qua hoạt động trao đổi, đối thoại chính sách giữa cơ quan thuế các nước với các doanh nghiệp tại các diễn đàn thuế quốc tế, các doanh nghiệp có cơ hội nêu những quy định pháp luật bất lợi cho sản xuất, kinh doanh, đề xuất những thay đổi chính sách nhằm tạo ra môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi hơn. Những đề xuất này không chỉ liên quan đến một quốc gia mà có thể liên quan đến pháp luật thuế của nhiều quốc gia trong mối quan hệ đầu tư và thương mại quốc tế. Trên cơ sở đó, các chính phủ tham gia diễn đàn thuế quốc tế cân nhắc sửa đổi chính sách, pháp luật thuế để tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy đầu tư trong nước và quốc tế.

2.2. Góp phần nâng cao vị thế quốc tế của các quốc gia.

Việc tham gia tích cực vào các hoạt động quốc tế trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực hợp tác quốc tế về thuế giúp các quốc gia mở rộng ảnh hưởng của mình đến các nước đối tác và đây là một trong những yếu tố góp phần nâng cao vị thế quốc tế của các quốc gia.

Tham khảo thêm

Bùi Việt Hùng (2020). Hợp tác quốc tế về thuế trong điều kiện hiện nay của Việt Nam. Luận án tiến sĩ Kinh tế (Chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng). Học viện Tài chính. Hà Nội.

Share.