Trên cơ sở nghiên cứu các phương thức chuyển giá trên thế giới, có thể cho thấy các MNCs tùy vào hoàn cảnh kinh doanhmục đích khác nhau mà sử dụng các phương thức khác nhau để thực hiện chuyển giá:

1. Một là: chuyển giá thông qua hình thức nâng cao giá trị tài sản góp vốn:

Việc nâng giá trị tài sản vốn góp khi thành lập mới doanh nghiệp hoặc khi bổ sung nguồn vốn góp đối với dự án đầu tư dưới dạng doanh nghiệp liên doanh sẽ làm cho phần vốn góp của doanh nghiệp có vốn FDI được tăng cao, nhờ đó, doanh nghiệp có vốn FDI tăng sự chi phối trong các quyết định liên quan đến hoạt động của dự án liên doanh và tăng tỷ suất lợi nhuận được chia. Ngoài ra, khi dự án kết thúc hoạt động thì tỷ lệ trị giá tài sản được chia cao hơn giúp doanh nghiệp có vốn FDI thu về dòng tiền cao hơn.

Đối với các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài thì việc nâng tài sản góp vốn sẽ giúp doanh nghiệp có vốn FDI tăng mức khẩu hao trích hàng năm, làm tăng chi phí đầu vào, từ đó sẽ giúp doanh nghiệp có vốn FDI nhanh hoàn vốn đầu tư cố định, giảm thiểu rủi ro đầu tư, giảm thiểu số thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng cho quốc gia tiếp nhận đầu tư. Khi nâng giá trị vốn góp bằng cách định giá cao hơn giá trị thực của các TSCĐ thì các doanh nghiệp có vốn FDI đã chuyển bớt một phần lợi nhuận của doanh nghiệp ra nước ngoài [2, tr.33], [3, tr.152].

2. Hai là: chuyển giá thông qua việc nâng cao giá nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất kinh doanh, hạ thấp giá bán sản phẩm cho công ty liên kết:

Phương pháp này được thực hiện thông qua việc điều tiết giá mua, bán hàng hóa, thành phẩm, bán thành phẩm và các nguyên liệu, vật liệu giữa 2 doanh nghiệp của MNCs có quan hệ liên kết với nhau theo cách sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp kia; trường hợp thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp đầu ra cao hơn doanh nghiệp đầu vào thì doanh nghiệp đầu ra sẽ bán cho doanh nghiệp đầu vào với giá thấp, dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp đầu ra thấp, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp thấp; còn nếu thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở doanh nghiệp đầu ra thấp hơn doanh nghiệp đầu vào thì doanh nghiệp đầu ra sẽ bán với giá cao hơn, dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp đầu vào giảm, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp thấp. Như vậy, phương thức chuyển giá này đã làm lợi nhuận giảm, qua đó các MNCs đã tối thiếu hóa số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp [4, tr.16], [2, tr.34].

3. Ba là: chuyển giá thông qua chuyển giao công nghệ, thương hiệu:

Các MNCs xây dựng các phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại các quốc gia có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cao, mọi chi phí đều do thành viên MNCs tại quốc gia này gánh chịu, dẫn đến thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp thấp, nhưng kết quả của việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm thì các thành viên khác vẫn được áp dụng như nhau, dẫn đến khi các MNCs góp vốn, chuyển nhượng bản quyền của sản phẩm thì rất khó xác định giá trị bởi sự độc quyền của tài sản và khó có thể tìm thấy giá thị trường trong các giao dịch này. Chính vì vậy, chuyển giá thông qua chuyển giao công nghệ đã giúp các MNCs thu lợi lớn thông qua việc thu hồi vốn song thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp rất thấp [5, tr. 55], [2, tr.34].

4. Bốn là: chuyển giá tài chính:

Các MNCs thực hiện hình thức này bằng cách áp dụng các hình thức tài trợ khác nhau giữa các công ty con. Bằng hình thức này, các công ty con tạo ra cơ cấu vốn và nguồn vốn bất hợp lý như dùng nguồn vốn dưới dạng cho vay từ công ty mẹ để tài trợ cho tài sản cố định và tài sản đầu tư dài hạn mà không tăng vốn góp và vốn chủ sở hữu nhằm đẩy chi phí hoạt động tài chính lên cao như chi phí chênh lệch tỷ giá, chi phí lãi vay,… và chuyển một phần lợi nhuận về nước dưới dạng lãi vay, chi phí bảo lãnh vay vốn để tránh thuế, tránh lỗ do chênh lệch tỷ giá về sau. Hoặc là các công ty mẹ sẽ buộc các công ty con đóng tại nước có thuế suất cao tài trợ bằng nợ vay nhiều hơn để hưởng lợi từ tấm lá chắn thuế, đồng thời sẽ chuyển phần vốn cổ phần cho công ty con ở quốc gia có thuế suất thấp hơn. Cách làm này giúp cho các MNCs vẫn đảm bảo được cấu trúc vốn của toàn công ty được tăng thêm. Trong thực tế, các quốc gia có thể không có lãi suất giống nhau nên các công ty sẽ so sánh giá trị lợi thế từ tấm chắn thuế và từ lãi vay để quyết định vấn đề vay vốn [2, tr.35], [3, tr.153].

5. Năm là: chuyển giá thông qua hình thức nâng chi phí các dịch vụ hành chính và quản lý:

Các MNCs thực hiện hình thức này bằng cách kê khai cao các chi phí dịch vụ tư vấn quản lý, đào tạo chuyên viên, chuyển người của các công ty con qua công ty mẹ để học tập, hoặc ép các công ty con trả lương cao cho các chuyên gia đến từ công ty mẹ hoặc các công ty thành viên, trả chi phí lớn cho các công ty tư vấn trung gian thuộc MNCs nhằm chuyển một phần lợi nhuận của các công ty con ra khỏi nước tiếp nhận đầu tư, dẫn đến chi phí hành chính của các công ty con lớn, lợi nhuận thấp hoặc bị lỗ, từ đó các MNCs đã tối thiểu hóa số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.

Trường hợp một chương trình quảng cáo nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm trên phạm vi khu vực đầu tư, nhưng chi phí lại được các MNCs phân bổ hết về cho thành viên có trụ sở tại quốc gia có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cao để chuyển lợi nhuận về nước, để thu hồi vốn đầu tư [2, tr.34], [3, tr.152].

6. Sáu là: chuyển giá thông qua các trung tâm tái tạo hóa đơn:

Các MNCs thành lập nhiều công ty ở các quốc gia khác nhau, hoặc ở trong cùng một quốc gia, trong đó MNCs thành lập ra một công ty trung gian không có nhiệm vụ sản xuất, hoặc chỉ thực hiện khâu đóng gói hoặc hoàn thiện chi tiết nhỏ của hàng hóa, sản phẩm. Thực chất, công ty này đóng vai trò là trung gian giữa công ty mẹ và công ty con và có nhiệm vụ:

(i) rà soát lại giá thành của sản phẩm, hàng hóa trước khi được bán;

(ii) xử lý vấn đề chênh lệch tỷ giá ngoại tệ với giá trị của nguyên tệ được thanh toán giữa công ty mẹ với công ty con và với trung tâm tái tạo hóa đơn;

(iii) điều phối dòng tiền đến các công ty con có nhu cầu về vốn.

Thông thường các MNCs điều tiết việc bán hàng hóa được ghi trên chứng từ hóa đơn ở công ty nơi sản xuất hàng hóa và xuất bán cho trung tâm tái tạo hóa đơn, sau đó trung tâm này lại xuất hóa đơn và chứng từ kèm theo để viết bán cho công ty con. Trung tâm tái tạo hóa đơn được hưởng một khoản tiền chênh lệch về giá bán (tiền hoa hồng) được viết thông qua hóa đơn bán hàng. Nhưng trong thực tế, hàng hóa được chuyển giao trực tiếp từ công ty sản xuất đến công ty phân phối mà không qua trung tâm tái tạo hóa đơn [2, tr.35], [3, tr. 153].

Thông qua hoạt động của trung tâm tái tạo hóa đơn, các MNCs sẽ chủ động hơn trong việc xác định giá bán của hàng hóa, sản phẩm, chuyển bớt một phần lợi nhuận để tránh thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp ở nước có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cao, chủ động xác định tỷ giá ngoại tệ khi thanh toán, chủ động điều tiết dòng tiền cho các công ty thành viên của MNCs.

Tham khảo

  1. Lê Quang Hùng (2018). Chuyển giá và chống chuyển giá trong quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Học viện Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội.
  2. Trần Xuân Hải (2012), “Một số vấn đề lý thuyết về chuyển giá trong doanh nghiệp FDI”, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Hoạt động chuyển giá-Những vấn đề lý luận, thực tiễn và biện pháp hạn chế”, Nxb. Tài chính, tr. 30-40.
  3. Nguyễn Thường Lạng (2012), “Đề xuất quy trình kiểm soát chuyển giá trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Hoạt động chuyển giá – Những vấn đề lý luận, thực tiễn và biện pháp hạn chế, Nxb. Tài chính, tr. 150-160.
  4. Nguyễn Trọng Cơ (2012), “Các hình thức chuyển giá ở Việt Nam và giải pháp ngăn chặn”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Hoạt động chuyển giá – Những vấn đề lý luận, thực tiễn và biện pháp, Nxb. Tài chính, tr. 13-20.
  5. Nguyễn Thị Thanh Hoài (2012), “Các hình thức chuyển giá và biện pháp hạn chế”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Hoạt động chuyển giá-Những vấn đề lý luận, thực tiễn và biện pháp hạn chế, Nxb. Tài chính, tr. 54-60.
Share.