Mô hình TTKT là một cách diễn đạt cơ bản nhất về TTKT và các nhân tố tác động đến tăng trưởng. Ngay từ đầu thế kỷ XX, các MHTTKT đã trở thành công cụ hữu ích giúp các nhà kinh tế mô tả và lượng hóa các nguồn tăng trưởng của nền kinh tế một cách cụ thể và chính xác hơn. Lý thuyết và mô hình TTKT đã trải qua những bước tiến lớn: Quan điểm về nguồn gốc của TTKT thay đổi theo thời gian, với xu hướng ngày càng xem xét đầy đủ và rõ ràng hơn những nhân tố chi phối sự tăng trưởng. Nghiên cứu của Trần Thọ Đạt và cộng sự (2005) đã sắp xếp và hệ thống hóa các lý thuyết và MHTT theo thứ tự thời gian như sau: Lý thuyết tăng trưởng cổ điển (thế kỷ XVIII); lý thuyết TTKT của Karl Marx (thế kỷ XIX); mô hình TTKT trường phái Keynes (đầu thế kỷ XX); mô hình TTKT Tân Cổ điển (giữa thế kỷ XX); và mô hình tăng trưởng nội sinh (cuối thế kỷ XX).
1. Lý thuyết tăng trưởng Cổ điển:
Những nhà kinh tế học cổ điển chính là những người tiên phong trong việc xác lập những yếu tố cơ bản của lý thuyết tăng trưởng hiện đại. Adam Smith (1723-1790), người sáng lập ra khoa Kinh tế học, được coi là người phát minh đầu tiên của lý thuyết tăng trưởng khi công nhận rằng động thái tăng trưởng có thể được tạo ra từ cả khu vực công nghiệp lẫn nông nghiệp. Khi giải thích cơ chế tạo nên sự tăng trưởng kinh tế, Adam Smith đã dựa trên quá trình tích lũy tư bản, với ý tưởng ủng hộ tự do cạnh tranh. Khi lập luận rằng điều kiện của TTKT là tăng đầu tư nhờ giảm tiêu dung, ông là người đầu tiên đưa ra mô hình phát triển tư bản chủ nghĩa dựa trên tiết kiệm và đầu tư cao. Mặc dù các lý thuyết kinh tế cổ điển còn khá định tính, nhưng đã tạo nên một cơ sở nền tảng cho kinh tế học nói chung và kinh tế học về tăng trưởng nói riêng.
Trong số các nhà kinh tế cổ điển, ba người có đóng góp lớn nhất đối với lý thuyết tăng trưởng kinh tế là Adam Smith, David Ricardo và Karl Marx. Tuy nhiên, đóng góp lý thuyết của Karl Marx rất đặc biệt, nên người ta thường tách lý thuyết của ông ra khỏi nhánh kinh tế chính trị cổ điển [2].
2. Lý thuyết tăng trưởng kinh tế của Karl Marx:
Nếu như các nhà kinh tế học cổ điển xem đất đai, lao động và vốn là ba yếu tố cơ bản của tăng trưởng, trong đó đất đai là yếu tố quan trọng nhất, thì Marx cho rằng ngoài các yếu tố trên còn có yếu khoa học kỹ thuật. Marx đã đề cao vai trò của khoa học kỹ thuật trong sản xuất khi cho rằng mục đích của nhà tư bản là tìm mọi cách để tăng giá trị thặng dư, cho nên họ tìm cách tăng thời gian làm việc, tăng cường độ làm việc của công nhân, giảm tiền công của công nhân, hoặc nâng cao năng suất bằng cách cải tiến kỹ thuật. Việc cải tiến kỹ thuật sẽ làm tăng số máy móc, thiết bị và dụng cụ lao động giành cho công nhân, khi đó các nhà tư bản cần nhiều vốn hơn để đầu tư. Vì vậy, trong tổng số giá trị thặng dư thu được nhà tư bản chỉ dùng một phần để tiêu dùng cá nhân, phần còn lại để tích luỹ phát triển. Bên cạnh đó, Marx cũng thể hiện quan điểm ủng hộ sự can thiệp của chính phủ thông qua các chính sách kinh tế để kích thích tăng trưởng [2], [3].
Mô hình tăng trưởng của Marx đóng một vai trò quan trọng trong việc giải thích vấn đề mà các nước đang phát triển gặp phải ngày nay. Nhiều nền kinh tế đang phát triển cố gắng đạt được tăng trưởng nhanh thông qua việc tập trung đầu tư vào khu vực công nghiệp hiện đại. Trong một số trường hợp, các nước này đã thành công khi theo đuổi chiến lược thúc đẩy sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu việc tập trung đầu tư vào những công nghệ tiết kiệm lao động (từ các nước phát triển), trong khi tốc độ gia tăng lực lượng lao động cũng rất cao do bùng nổ dân số thì tốc độ gia tăng việc làm chậm hơn nhiều so với tăng trưởng sản lượng. Khi khả năng hấp thụ lao động trong khu vực nông nghiệp đã bão hòa (bởi đất đai là nguồn lực có hạn), thì lao động có xu hướng đổ ra thành phố. Và khi số việc làm hạn chế trong khu vực công nghiệp hiện đại (sử dụng công nghệ thâm dụng tư bản) không đủ đáp ứng sự gia tăng dân số thành thị nhanh chóng, thì số lao động dư thừa tích tụ lại, trở thành tầng lớp vô sản cư trú trong những khu ổ chuột. Sự bất bình đẳng và bất ổn xã hội ngày càng thấy rõ ở những nền kinh tế đang phát triển này rất giống với tình trạng xã hội châu Âu giữa thế kỷ XIX mà Marx đã thấy. Làm thế nào để các nước đang phát triển có thể khắc phục được vấn đề này vẫn là một câu hỏi cần lời giải, trước khi các nước này có thể tiến sang giai đoạn phát triển cao hơn.
3. Mô hình tăng trưởng trường phái Keynes:
Học thuyết kinh tế của nhà kinh tế học John Maynar Keynes ra đời trong hoàn cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới giai đoạn 1929 – 1933. Keynes cho rằng nền kinh tế không phải lúc nào cũng đạt đến mức sản lượng tiềm năng qua cơ chế tự điều chỉnh như quan điểm của trường phái cổ điển. Lý thuyết của Keynes về tăng trưởng kinh tế dựa trên ba trụ cột: Cách tiếp cận theo các đại lượng tổng gộp; vai trò quyết định của tổng cầu; tầm quan trọng của kỳ vọng vào tương lai của các tác nhân kinh tế. Keynes phân tích rằng trong quá trình vận động của nền kinh tế, tổng cầu thường không theo kịp tổng cung. Điều đó ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, thu hẹp đầu tư và gây ra nạn thất nghiệp. Để giải quyết tình trạng này phải tăng tổng cầu, tổng cầu lớn hơn tổng cung sẽ làm gia tăng đầu tư do đó sẽ gia tăng việc làm và gia tăng thu nhập, cuối cùng sản lượng quốc gia sẽ tăng. Học thuyết của ông đề cao vai trò của chính phủ qua việc tác động vào nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để bình ổn nền kinh tế [2], [3].
Dựa vào ý tưởng của Keynes về vai trò của vốn đầu tư trong tăng trưởng kinh tế, vào những năm 1940, với sự nghiên cứu một cách độc lập, hai nhà kinh tế học là Roy F. Harrod ở Anh và Evsey Domar ở Mỹ đã đồng thời đưa ra mô hình lượng hóa mối quan hệ giữa tăng trưởng và nhu cầu về vốn, được gọi chung là mô hình “Harrod – Domar”. Mô hình Harrod – Domar đặc biệt có ý nghĩa trong thời kỳ đầu của các giai đoạn phát triển đối với bất cứ quốc gia nào. Quan điểm của mô hình nhấn mạnh đến việc tích lũy vốn để đầu tư là yếu tố quyết định đến TTKT của quốc gia. Mô hình cho rằng đầu ra của bất kỳ một đơn vị kinh tế nào, dù là một công ty, một ngành hay toàn bộ nền kinh tế sẽ phụ thuộc vào tổng số tư bản được đầu tư cho đơn vị đó. Để đạt TTKT cần đầu tư mới vào vốn dự trữ [4]. Mô hình Harrod – Domar chú trọng vào vai trò của tiết kiệm, nhưng đồng thời lại chú trọng thái quá vào tầm quan trọng của nó bằng cách ngụ ý rằng tiết kiệm và đầu tư là điều kiện đủ để tăng trưởng bền vững, trong khi thật ra thì không đủ. Đồng thời, mô hình cũng không trực tiếp đề cập đến sự thay đổi năng suất. Ngoài ra, giả định về “k” cố định làm cho mô hình trở nên kém chính xác hơn theo thời gian khi cơ cấu sản xuất tiến hoá và sản lượng biên của vốn thay đổi. Một nhược điểm nữa của mô hình Harrod – Domar là không có vai trò của tiến bộ công nghệ, trong khi đó trong thực tiễn, tiến bộ công nghệ nói chung vẫn được xem là đóng một vai trò then chốt trong tăng trưởng dài hạn và phát triển thông qua góp phần gia tăng năng suất của tất cả các yếu tố sản xuất [4].
Trong các nền kinh tế XHCN như Liên Xô trước kia, chiến lược tích lũy vốn theo kế hoạch và mệnh lệnh của chính phủ đã được tiến hành mạnh mẽ và triệt để nhờ việc đề cao chính sách can thiệp của Keynes, kết hợp với lý thuyết kinh tế truyền thống của Marx. Kết quả là nhờ tích lũy vốn, Liên Xô đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong những năm 1960, góp phần mở rộng hệ thống XHCN. Tuy nhiên, trong giai đoạn sau đó, nền kinh tế Liên Xô đã không thể dịch chuyển được từ tăng trưởng dựa vào vốn sang tăng trưởng dựa vào năng suất, khi vốn được tích lũy một cách nhanh chóng lại chỉ được đưa vào những quy trình sản xuất hầu như không có tiến bộ công nghệ. Thất bại của chiến lược này trở nên rõ ràng với sự xụp đổ của các nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trong thập kỷ 80 thế kỷ XX.
4. Mô hình tăng trưởng Tân cổ điển:
Mô hình tăng trưởng Tân cổ điển (của Solow và Swan, năm 1956) [20], [24]. Nếu như mô hình Harrod – Domar nguyên bản chỉ xét đến vai trò của vốn sản xuất (thông qua tiết kiệm và đầu tư) đối với tăng trưởng, thì theo mô hình Solow tăng trưởng về mặt sản lượng được phân ra thành: Tăng trưởng thông qua tăng các yếu tố đầu vào (lao động, vốn) và tăng trưởng thông qua tăng năng suất. Mô hình này cho rằng, trong dài hạn do không thể tăng mãi đầu vào lao động, đồng thời cũng gặp phải lợi tức cận biên giảm dần nếu tiếp tục tăng thêm vốn vào quá trình sản xuất, nên một nền kinh tế cần dựa vào tiến bộ công nghệ và hiệu quả lao động để có thể nâng cao mức sống người dân một cách bền vững. Tuy vậy, hạn chế lớn nhất của mô hình Tân cổ điển là giả định tốc độ tăng hiệu quả của lao động được xác định một cách ngoại sinh.
5. Mô hình tăng trưởng nội sinh:
Gọi là MHTT nội sinh vì các lý thuyết của trường phái này đã cố gắng “nội sinh hóa” một số biến đầu vào của tăng trưởng. Các đại biểu như Robert E. Lucas, Romer, Becker, Barro đều cho rằng vốn con người có tỷ suất sinh lời không giảm và sai biệt tăng trưởng giữa các quốc gia được giải thích rất nhiều bởi sự chênh lệch không chỉ về hiệu quả đầu tư mà chủ yếu lại thuộc về vốn tri thức và vốn nhân lực. Như vậy, MHTT nội sinh đã quay trở về vai trò của vốn đầu tư, với tư cách là một thành tố quyết định tăng trưởng, nhưng khái niệm vốn đã được khái quát bao gồm cả vốn con người hoặc bằng cách khai thác những hiệu ứng năng suất và công nghệ “bao hàm” trong đầu tư và do đó lý thuyết này hầu như đã loại bỏ giới hạn lợi tức cận biên giảm dần đối với vốn. Trong MHTT nội sinh, tăng năng suất có được từ tích lũy vốn con người hay các hoạt động phát minh sáng chế là yếu tố tạo nên tăng trưởng dài hạn của thu nhập bình quân đầu người. Do đó, tăng năng suất – “làm việc thông minh hơn” chứ không phải là “làm việc chăm chỉ hơn” – là yếu tố thiết yếu của TTKT nói chung [4], [3].
Các mô hình tăng trưởng nội sinh, đặc biệt là các mô hình xét đến vốn con người đã góp phần giải thích đáng kể sự chênh lệch về thu nhập giữa các quốc gia. Các mô hình này cho thấy không có xu hướng các nước nghèo (ít vốn) có thể đuổi kịp các nước giàu về mức thu nhập bình quân, cho dù có cùng tỉ lệ tiết kiệm. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự chênh lệch không chỉ ở lượng vốn vật chất (có thể bì đắp nhờ đầu tư và viện trợ nước ngoài), mà quan trọng hơn là ở vốn con người. Bởi thế, ý nghĩa to lớn của các mô hình tăng trưởng nội sinh là đề cao vai trò của chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng. Trong mô hình Tân cổ điển cơ bản, chính phủ không có ảnh hưởng gì đến tốc độ tăng trưởng dài hạn. Nhưng trong một mô hình tăng trưởng nội sinh, chính sách của chính phủ có thể tác động tới tốc độ tăng trưởng dài hạn, vì hành động chính sách của chính phủ (đánh thuế, cung ứng cơ sở hạ tầng, bảo hộ sở hữu trí tuệ, cung cấp các dịch vụ công liên quan đến giáo dục, y tế, chi tiêu vào R&D…) có thể tác động đến các hoạt động sáng chế, phát minh và tích lũy vốn con người.
Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng các mô hình tăng trưởng nội sinh còn nhiều hạn chế do vẫn phụ thuộc vào một số giả định Tân cổ điển, dường như là không phù hợp với các nền kinh tế đang phát triển. Chẳng hạn, các mô hình tăng trưởng nội sinh còn bỏ qua những yếu tố như sự yếu kém về cấu trúc hạ tầng, thể chế thượng tầng … ở các nước đang phát triển, mà đây cũng chính là những yếu tố kìm hãm TTKT giống như mức tiết kiệm và tích lũy vốn con người thấp.
6. Các mô hình tăng trưởng xét đến nhân tố phi kinh tế
Trong các mô hình Tân cổ điển và tăng trưởng nội sinh, các nhân tố như lịch sử, văn hóa và thể chế không được đề cập đến. Các nhà kinh tế thể chế hiện đại lại cho rằng thể chế là cấu trúc mang tính thúc đẩy của một xã hội, do đó các luật lệ, quy tắc… tạo nên nền tảng thể chế của một xã hội sẽ chi phối sự phân bổ các nguồn lực của xã hội và nền kinh tế. Sự thay đổi về mặt thể chế đã và đang gây ảnh hưởng lớn lao đến biến đổi năng suất, và người ta có thể chỉ nhận ra TTKT xuyên suốt lịch sử nhờ việc tạo ra một cấu trúc thể chế có thể thúc đẩy hoạt động tăng năng suất. Dường như việc xem xét à mô hình hóa tác động của các nhân tố phi kinh tế nói chung, và yếu tố thể chế nói riêng, sẽ trở thành một hướng đi mới, một bước tiến mới trong con đường tìm tòi và khám phá “các nguồn tăng trưởng kinh tế” trong tương lai. Trong thập kỷ 90 thế kỷ XX, các nghiên cứu TTKT vĩ mô khởi nguồn từ sự phát triển mạnh mẽ của các lý thuyết tăng trưởng nội sinh và mô hình được sử dụng trong các nghiên cứu đó thường kết hợp các đặc điểm cơ bản của mô hình Tân cổ điển, nhưng được mở rộng để bao hàm các chính sách chính phủ, các vấn đề thể chế, và đặc biệt là tích lũy vốn con người.
Tham khảo thêm
- Đặng Thành Chung (2020). Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Thái Lan và Malaysia sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu và bài học cho Việt Nam. Luận án tiến sĩ Kinh tế (Chuyên ngành Kinh tế Quốc tế). Học viện Khoa học Xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Hà Nội.
- Trần Thọ Đạt (2005), Sách chuyên khảo các mô hình tăng trưởng kinh tế, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
- Nguyễn Quốc Hùng (2010), Sự tụt dốc của mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên, gây tác hại cho môi trường, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Trần Thọ Đạt (2010), Giáo trình mô hình tăng trưởng kinh tế, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
- Võ Văn Đức (2005), Mô hình tăng trưởng kinh tế của Solow và khả năng áp dụng vào đánh giá tăng trưởng ở Việt Nam, Đề tài khoa học cấp Bộ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.