Bài viết phân tích khái niệm liên quan đến hoạt động hợp tác quốc tế về thuế, khái quát các mục tiêu, 4 nguyên tắc cơ bản cũng như mô hình hợp tác.

1. Khái niệm hợp tác quốc tế về thuế

Hợp tác trong tiếng Anh được sử dụng là “cooperation”, tức là: Hành động cùng nhau làm việc gì đó nhằm hướng đến chia sẻ mục tiêu chung.

Theo Từ điển Tiếng Việt, hợp tác là “cùng chung sức giúp đỡ lẫn nhau trong một công việc, một lĩnh vực nào đó, nhằm một mục đích chung” [2, tr.466].

Hợp tác quốc tế là thuật ngữ đề cập đến hoạt động hợp tác giữa các chủ thể trong các quốc gia khác nhau, kể cả ở cấp độ nhà nước và cấp độ các tổ chức kinh tế – xã hội của các quốc gia khác nhau.

Từ đó có thể hiểu, hợp tác quốc tế về thuế là hoạt động hợp tác, phối hợp giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ các công việc chung trong lĩnh vực thuế của các quốc gia để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế – xã hội nói chung và quản lý thuế nói riêng của mỗi quốc gia trên cơ sở các thỏa thuận được ký kết giữa các quốc gia.

Với cách hiểu như trên, bản chất của hợp tác quốc tế về thuế thể hiện trên những phương diện sau:

– Là hoạt động hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực thuế.

– Các hoạt động hợp tác quốc tế về thuế bao gồm: phối hợp thực hiện các công việc liên quan đến quản lý thuế của các quốc gia, giúp đỡ lẫn nhau trong lĩnh vực quản lý thuế bằng các hoạt động cụ thể như: trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ chuyên gia, nghiên cứu khoa học…

– Hoạt động hợp tác quốc tế về thuế là một nội dung của quản lý thuế với tư cách là hoạt động quản lý thuế liên quốc gia. Với tư cách là một nội dung cụ thể của quản lý thuế, hoạt động hợp tác quốc tế về thuế phải tuân thủ những nguyên tắc chung của quản lý thuế và hướng đến thực hiện các mục tiêu của quản lý thuế.

– Mục tiêu tổng quát của hoạt động hợp tác quốc tế về thuế là thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội quốc gia và nâng cao hiệu quả quản lý thuế của các quốc gia, đặc biệt là các vấn đề về quản lý thuế có liên quan đến các yếu tố quốc tế [3, tr.26].

2. Mục tiêu của hoạt động hợp tác quốc tế về thuế

2.1. Thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội quốc gia

Quản lý thuế nói chung, hợp tác quốc tế về thuế nói riêng là một bộ phận cấu thành của hệ thống quản lý nhà nước. Mục tiêu tối thượng của mọi hoạt động quản lý nhà nước chính là phát triển kinh tế – xã hội quốc gia. Bởi vậy, hoạt động hợp tác quốc tế về thuế phải thực hiện mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội quốc gia. Theo đó, hoạt động hợp tác quốc tế về thuế phải tạo ra môi trường đầu tư và kinh doanh thương mại quốc tế thuận lợi. Muốn vậy, hoạt động hợp tác quốc tế về thuế phải loại bỏ được việc đánh thuế trùng giữa các quốc gia bằng những phương thức pháp lý và kỹ thuật phù hợp. Đồng thời, hoạt động hợp tác quốc tế về thuế phải đảm bảo sự thuận tiện trong giải quyết các tranh chấp quốc tế về thuế giữa các quốc gia với nhau, giữa người nộp thuế với cơ quan thuế các quốc gia…

2.2. Nâng cao hiệu quả quản lý thuế

Hợp tác quốc tế về thuế là một trong những nhiệm vụ của cơ quan thuế. Nhiệm vụ này được giao cho cơ quan thuế để thực hiện chức năng quản lý thuế. Hiển nhiên, mọi nhiệm vụ của cơ quan thuế phải hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý. Tuy vậy, mỗi hoạt động của cơ quan thuế hướng đến thực hiện mục tiêu này bằng những công cụ và cách thức khác nhau. Hoạt động hợp tác quốc tế về thuế thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý thuế bằng các cách thức cơ bản sau đây:

(1) Trao đổi thông tin về người nộp thuế giữa cơ quan thuế quốc gia để phòng, chống trốn lậu thuế;

(2) Trao đổi thông tin về các công ty đa quốc gia để ngăn ngừa chuyển giá;

(3) Hợp tác trong ký kết các thỏa thuận trước về giá tính thuế để vừa đảm bảo số thu ngân sách nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty đa quốc gia;

(4) Giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế thông qua các thủ tục hành chính về thuế liên quan đến các hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế.

3. Các nguyên tắc cơ bản trong hợp tác quốc tế về thuế

3.1. Có đi có lại và các bên cùng có lợi

Như đã phân tích trên, nội hàm của thuật ngữ “hợp tác” phải là sự phối hợp giúp đỡ lẫn nhau. Trong hợp tác cũng như trong mọi hoạt động kinh tế – xã hội khác, các chủ thể luôn luôn tìm kiếm lợi ích cho mình. Trong trường hợp hợp tác quốc tế về thuế là lợi ích của quốc gia, của dân tộc. Nếu không đạt được lợi ích đó thì một quốc gia sẽ không bao giờ tham gia vào hợp tác quốc tế. Như vậy, khi tìm kiếm lợi ích cho mình thì phải đồng thời thỏa mãn được lợi ích của đối tác. Chỉ có như vậy, các quốc gia mới có thể hợp tác với nhau nói chung và hợp tác về thuế nói riêng. Do vậy, nguyên tắc cơ bản đầu tiên chi phối hợp tác quốc tế về thuế phải là “Có đi có lại, các bên cùng có lợi”.

Theo nguyên tắc này, các bên sẽ nêu các đề xuất và mong muốn của mình về các nội dung hợp tác, cách thức phối hợp, những yêu cầu với cơ quan thuế đối tác và phải cân nhắc đáp ứng tốt nhất những mong muốn của cơ quan thuế đối tác trong phạm vi có thể. Nguyên tắc này cũng đòi hỏi các cơ quan thuế đối tác phải nghiêm túc tổ chức thực hiện các nội dung đã cam kết trong các hiệp định thuế và các thỏa thuận khác trong hợp tác quốc tế về thuế. Nếu một bên không thực hiện đúng cam kết làm ảnh hưởng đến lợi ích của đối tác mà hoạt động trao đổi sau đó không cải thiện được tình hình thì cơ quan thuế đối tác có thể hủy bỏ hoạt động hợp tác với cơ quan thuế vi phạm cam kết để đảm bảo lợi ích của mình được tôn trọng và bảo vệ [3, tr.35].

3.2. Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc

Đây là nguyên tắc bất di bất dịch trong mọi hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác quốc tế về thuế. Theo đó, khi đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện các hiệp định quốc tế về thuế và các hoạt động hợp tác quốc tế khác về thuế thì lợi ích quốc gia, dân tộc phải đặt lên hàng đầu [3, tr.35]. Bất kỳ hoạt động hợp tác quốc tế về thuế nào có thể mang lợi ích cục bộ cho một địa phương, một hoặc một nhóm doanh nghiệp nhưng làm phương hại đến lợi ích chung của quốc gia, dân tộc thì đều không được thực hiện. Lợi ích quốc gia, dân tộc không chỉ đơn thuần là lợi ích kinh tế (dù lợi ích kinh tế luôn là vấn đề trung tâm), càng không chỉ là lợi ích kinh tế trong ngắn hạn mà là lợi ích tổng thể trong dài hạn với nhiều khía cạnh khác nhau như: chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, văn hóa, khoa học…

3.3. Tự nguyện

Hợp tác quốc tế về thuế là sự phối hợp giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần tự nguyện phù hợp với nguyện vọng và mong muốn của các quốc gia đối tác mà cơ quan thuế là cơ quan trực tiếp tham mưu và tổ chức thực hiện [3, tr.36]. Hoạt động này xuất phát từ mong muốn của mỗi bên đối tác trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện với các đối tác khác. Không bên nào có thể dùng vũ lực bắt buộc đối tác của mình phải hợp tác quốc tế về thuế vì mỗi cơ quan thuế tham gia vào quan hệ đối tác là cơ quan nhà nước được chính phủ ủy quyền thực hiện hoạt động hợp tác và bởi vậy là đại diện của một nhà nước có chủ quyền, có quyền độc lập và tự chủ quyết định có tham gia hay không tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế.

3.4. Đồng thuận

Hoạt động hợp tác quốc tế được tiến hành trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện nên hợp tác quốc tế là kết quả quá trình đàm phán giữa các cơ quan thuế đối tác. Muốn hợp tác được thì phải đạt được sự đồng thuận của các bên đối tác thông qua đàm phán ký kết các hiệp định thuế và các thỏa thuận hợp tác khác về thuế cũng như thông qua các quá trình tổ chức thực hiện các hiệp định và các thỏa thuận khác trong lĩnh vực thuế [3, tr.36]. Trong quá trình thực hiện các hiệp định thuế đã ký kết, nếu một nước đối tác muốn thay đổi các nội dung đã ký kết thì không được tự ý thực hiện mà phải đề nghị đối tác trao đổi, đàm phán để sửa đổi các nội dung đã ký kết.

4. Các mô hình hợp tác quốc tế về thuế

4.1. Mô hình song phương

Mô hình song phương là mô hình hợp tác của chính phủ hai nước với nhau về lĩnh vực thuế.

Theo mô hình này, chính phủ hai nước thực hiện đàm phán và ký kết một hiệp định hợp tác song phương về thuế. Tùy theo nội dung hợp tác cụ thể mà các chính phủ có thể ký hiệp định hợp tác toàn diện về thuế hoặc hiệp định về một lĩnh vực cụ thể hoặc có thể hợp tác về thuế là một trong những nội dung của một hiệp định hợp tác song phương về kinh tế, thương mại, đầu tư hoặc ở mức độ cao hơn là hiệp định đối tác toàn diện hoặc đối tác chiến lược.

Hình thức phổ biến nhất thể hiện mô hình hợp tác song phương với nội dung riêng về lĩnh vực thuế là hiệp định tránh đánh thuế hai lần và phòng chống trốn lậu thuế giữa hai quốc gia.

Hình thức có tính xu hướng mở rộng của thời đại là nội dung hợp tác quốc tế về thuế là một phần của các hiệp định đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện giữa hai quốc gia.

Ưu điểm của mô hình hợp tác song phương trong hợp tác quốc tế về thuế là quá trình đàm phán thường diễn ra nhanh do mối quan hệ lợi ích ràng buộc không phức tạp vì chỉ liên quan đến hai quốc gia. Mô hình hợp tác song phương có nhược điểm là không giải quyết được những vấn đề phức tạp về thuế liên quan đến các công ty đa quốc gia có hoạt động ở nhiều nước khác nhau.

4.2. Mô hình đa phương

Mô hình đa phương là mô hình hợp tác của chính phủ nhiều nước với nhau về lĩnh vực thuế.

Theo mô hình này, chính phủ các nước thực hiện đàm phán và ký kết một hiệp định hợp tác đa phương riêng về lĩnh vực thuế hoặc nội dung hợp tác về thuế là một phần trong các hiệp định thương mại và đầu tư đa phương.

Mô hình hợp tác đa phương riêng về lĩnh vực thuế điển hình trên thế giới hiện nay là: Diễn đàn thuế châu Á (Asian Tax Forum), SGATAR (Study Group on Asian Tax Administration and Research – Tổ chức Nghiên cứu và Quản lý thuế châu Á), Hiệp hội các cơ quan quản lý thuế quần đảo Thái Bình Dương…

Mô hình hiệp định thương mại và đầu tư đa phương trong đó hợp tác về thuế là một nội dung của hiệp định là mô hình phổ biến nhất hiện nay. Các hiệp định về các khu vực mậu dịch tự do hầu hết đều quy định các nội dung hợp tác về thuế, đó là ASEAN, EU, NAFTA, CPTPP…

Ưu điểm của mô hình hợp tác đa phương về thuế là có thể giải quyết nhiều vấn đề về thuế phát sinh liên quan đến các công ty đa quốc gia có hoạt động ở nhiều quốc gia khác nhau. Tuy vậy, nhược điểm của mô hình này là quá trình đàm phán thường kéo dài và khi phát sinh những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện thì thường mất nhiều thời gian để thống nhất giữa các nước thành viên.

Tham khảo thêm

  1. Bùi Việt Hùng (2020). Hợp tác quốc tế về thuế trong điều kiện hiện nay của Việt Nam. Luận án tiến sĩ Kinh tế (Chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng). Học viện Tài chính. Hà Nội.
  2. Trung tâm Từ điển học – Viện Ngôn ngữ học (2003), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
  3. Lê Xuân Trường (2017), “Hội nhập và hợp tác quốc tế về thuế – Xu hướng thế giới và chính sách của Việt Nam”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Học viện, Học viện Tài chính.
Share.