Theo yêu cầu của bạn đọc, Hoa tiêu tri thức tiếp tục giới thiệu chủ đề “Chính sách thuế là gì?” để làm rõ hơn nội dung tác động của chính sách thuế và vấn đề thiết kế chính sách thuế với sự phát triển kinh tế bền vững
1. Quan niệm về chính sách thuế
Trong điều kiện mỗi quốc gia khác nhau, với hoàn cảnh kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau các Nhà nước đều phải hoạch định các chính sách riêng của mình để thực hiện quản lý xã hội, phát triển kinh tế đất nước. Hệ thống chính sách được sử dụng rất phong phú và đa dạng tùy theo mục tiêu điều hành đất nước của Nhà nước.
Chính sách là hệ thống những quan điểm và đường lối để đạt được những mục tiêu nhất định trong quản lý của một tổ chức hoặc trong quản lý nhà nước. Nói đến chính sách là nói đến việc cần làm gì và tại sao phải làm như vậy. Căn cứ vào thời gian có chính sách ngắn hạn và chính sách dài hạn; căn cứ vào từng lĩnh vực quản lý của Nhà nước có chính sách phát triển kinh tế, chính sách an sinh xã hội, chính sách đối ngoại… trong từng lĩnh vực riêng biệt có chính sách trong phạm vi hẹp hơn như chính sách tài chính, chính sách tiền tệ, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài…
Chính sách thuế là một trong các chính sách tài chính của Nhà nước, trong đó nội dung kỹ thuật của từng sắc thuế được sử dụng như là công cụ của chính sách trong quản lý kinh tế vĩ mô nhằm đạt được những mục tiêu đã định của Nhà nước.
Chính sách thuế là hệ thống những quan điểm, đường lối, phương châm của Nhà nước thông qua sử dụng các công cụ thuế nhằm phục vụ những mục tiêu nhất định của Nhà nước trong từng thời kỳ nhất định.
Như vậy, chính sách thuế được hiểu là những các quan điểm, đường lối của Nhà nước liên quan đến sử dụng công cụ thuế trong hệ thống các chính sách của mình. Hệ thống quan điểm, đường lối đó thể hiện ở việc nhìn nhận vai trò của thuế, mục tiêu sử dụng công cụ thuế, phạm vi tác động, tỷ lệ điều tiết, định hướng trong dài hạn… nhằm làm cho công cụ thuế phát huy tốt nhất các vai trò của nó theo chiến lược và chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Nhà nước.
Pháp luật thuế là hệ thống những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách thuế. Nếu chính sách thuế là định hướng để đạt được mục tiêu trong việc sử dụng thuế thì pháp luật thuế chỉ rõ các tổ chức, cá nhân trong xã hội phải làm gì và không được làm gì trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định để thực hiện chính sách đó. Như vậy, Nhà nước muốn chính sách thuế đi vào cuộc sống thì cần thể chế hóa những chính sách ấy thành pháp luật thuế.
Pháp luật thuế phải quy định đầy đủ các yếu tố: người nộp thuế, cơ sở thuế, mức thuế, ưu đãi thuế, thủ tục thuế và xử lý vi phạm về thuế. Cũng như các quy định pháp luật khác, một mặt, pháp luật thuế phải thể hiện rõ các mục tiêu, quan điểm của chính sách thuế; mặt khác, pháp luật thuế phải minh bạch, phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Như vậy, pháp luật thuế phải thể hiện và cụ thể hóa được các nội dung của chính sách thuế và phải quy định rõ được những công việc cụ thể để thực hiện được chính sách thuế đó. Do đó, chính sách thuế và pháp luật thuế thường được lồng ghép vào nhau và cùng được quy định trong các văn bản pháp luật. Vì vậy, thuật ngữ chính sách pháp luật thuế thường được sử dụng để chỉ các văn bản pháp luật về thuế đồng thời cũng chứa đựng các nội dung chính của chính sách thuế. Trong nhiều trường hợp, các thuật ngữ chính sách thuế, pháp luật thuế và chính sách pháp luật thuế được hiểu là có nội dung giống nhau.
2. Nội dung chủ yếu của chính sách thuế
Chính sách thuế là một bộ phận quan trọng của chính sách tài khóa, chịu sự chi phối bởi chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước và tình hình phát triển kinh tế của đất nước. Trong các thời kỳ khác nhau, chính sách thuế có các biểu hiện cụ thể khác nhau, nhưng thông thường phản ánh nội dung chủ yếu sau đây:
Một là, mục tiêu của chính sách thuế: xác định mức độ điều tiết qua thuế, những tác động kinh tế – xã hội của thuế như thế nào và tại sao lại điều tiết ở mức độ đó cũng như có tác động kinh tế – xã hội đó.
Hai là, phạm vi tác động của chính sách thuế: chính sách thuế sẽ tác động đến những tổ chức, cá nhân nào trong xã hội. Việc xác định rõ phạm vi tác động của chính sách thuế cho phép tập trung vào những mục tiêu quan trọng của chính sách, đồng thời, tránh được những hậu quả không mong muốn của chính sách.
Ba là, thời gian hiệu lực của chính sách: xác định rõ chính sách thuế được áp dụng trong thời kỳ nào, thời điểm bắt đầu và kết thúc của chính sách.
Bốn là, trách nhiệm thực hiện chính sách thuế: chỉ rõ tổ chức, cá nhân nào phải có trách nhiệm trong thực hiện chính sách, như: cụ thể hóa chính sách thuế thành pháp luật thuế, tổ chức thực hiện pháp luật thuế, chấp hành pháp luật thuế…
Năm là, cách thức động viên nguồn thu cho ngân sách Nhà nước qua thuế của từng thời kỳ (động viên qua thuế trực thu hoặc thuế gián thu; động viên từ các khu vực kinh tế khác nhau; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu… thể hiện cụ thể mục tiêu, quan điểm, đường lối về thuế của Nhà nước).
Sáu là, các định hướng phát triển hệ thống thuế: trong các thời kỳ khác nhau thì định hướng phát triển hệ thống thuế cũng khác nhau, điều này có chi phối đến việc hoạch định các chính sách thuế cụ thể.
Ngoài ra, chính sách thuế có thể bao gồm các nội dung khác như: phương châm thực hiện chính sách, bối cảnh kinh tế – xã hội ra đời chính sách với các yếu tố ảnh hưởng cụ thể và các định nghĩa về các thuật ngữ sử dụng trong chính sách thuế.
3. Các yếu tố chi phối tới chính sách thuế
Chính sách thuế là một trong hệ thống chính sách của Nhà nước nói chung, do đó nó chịu sự chi phối của các chính sách chung nhất, các chính sách có liên quan cũng như điều kiện kinh tế, xã hội, đời sống, phong tục tập quán của nhân dân… Cụ thể, các yếu tố chủ yếu chi phối tới chính sách thuế trong một thời kỳ nhất định bao gồm:
– Mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của Nhà nước
Chính sách phát triển kinh tế xã hội là đối tượng phục vụ và điều chỉnh của chính sách thuế. Các mục tiêu, yêu cầu, phương hướng phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ là cơ sở cho việc định ra các chủ trương, giải pháp về thuế nhằm thực hiện các mục tiêu, yêu cầu, phương hướng đã được xác định của chính sách phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước. Do đó, việc hoạch định chính sách thuế phải dựa trên cơ sở chính sách phát triển kinh tế – xã hội mới đảm bảo cho chính sách thuế đúng hướng và phục vụ có kết quả cho sự phát triển kinh tế – xã hội.
– Nhu cầu chi tiêu của Nhà nước. Nhu cầu về tài chính của Nhà nước càng lớn thì áp lực tăng thuế càng cao. Khi đó, chính sách thuế phải được xây dựng và ban hành chú trọng nhiều hơn đến việc quản lý, bao quát và khai thác được các nguồn thu trong nền kinh tế – xã hội, đáp ứng tốt nhất nhu cầu chi tiêu của Nhà nước.
– Xu hướng phát triển kinh tế trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Thuế chính là một bộ phận thu nhập mà các chủ thể bắt buộc chuyển giao cho Nhà nước, cho nên xu hướng phát triển kinh tế trong nước diễn ra thuận lợi sẽ có tác động tích cực đến thuế và ngược lại. Xu thế hội nhập kinh tế quốc tế cũng có ảnh hưởng rất lớn đến chính sách thuế. Hội nhập kinh tế quốc tế càng sâu rộng thì đòi hỏi các nước phải điều chỉnh chính sách thuế cho phù hợp với các nguyên tắc của hội nhập. Do vậy, khi hoạch định chính sách thuế cần tính đến các nhân tố này, điều đó giúp cho chính sách thuế tăng thêm sức sống và hiệu quả.
– Sự hoàn thiện hoặc khiếm khuyết của hệ thống chính sách thuế hiện hành. Việc xây dựng, ban hành một chính sách thuế mới bao giờ cũng phải dựa trên nền tảng sẵn có của chính sách thuế hiện tại. Chính sự hoàn thiện hay còn khiếm khuyết của chính sách thuế hiện tại cùng với xu hướng phát triển kinh tế – xã hội và quan điểm điều tiết thông qua thuế của Nhà nước quyết định đến những nội dung cơ bản của chính sách thuế cần được ban hành. Do đó, khi xây dựng, ban hành một chính sách thuế mới, việc không thể bỏ qua mà phải thực hiện tổng kết, đánh giá về chính sách thuế thời kỳ trước cho nhận xét về những mặt hợp lý và chưa hợp lý của chính sách thuế, những mặt đã đạt được và những mặt chưa đạt được so với mục tiêu, yêu cầu đã đặt ra. Dựa trên cơ sở đó có thể vạch ra những biện pháp để hoàn thiện chính sách thuế đúng hướng hơn, đạt kết quả cao hơn. Do đó, để có được chính sách thuế phù hợp và phát huy được tác dụng tích cực đòi hỏi việc hoạch định chính sách thuế phải dựa trên cơ sở đánh giá đúng đắn thực trạng chính sách thuế trong thời kỳ trước.