Từ thực tiễn của Malaysia và Thái Lan trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế đã được trình bày và phân tích ở [1], [2] từ những bài viết trước, có thể nhận thấy, hai quốc gia Malaysia và Thái Lan theo đuổi những chương trình cải cách và chuyển đổi MHTTKT khác nhau. Mỗi chương trình chuyển đổi có những mục tiêu, định hướng hay nội dung cụ thể riêng khác nhau tùy thuộc vào những khiếm khuyết của bản thân mô hình đó, vào điều kiện (thuận, nghịch) kinh tế, chính trị và xã hội cụ thể của mỗi quốc gia.

1. Những điểm chung căn bản

Tuy vậy, cũng từ những phân tích trên, chúng ta cũng thấy đằng sau những khác nhau, những điểm đặc thù của mỗi Chương trình quốc gia này, có những điểm chung rất căn bản thể hiện xu hướng đổi mới MHTTKT chung của thế giới và khu vực, cụ thể:

Thứ nhất, việc cải cách hay điều chỉnh, chuyển đổi MHTTKT của các quốc gia là một xu hướng tất yếu, nằm trong xu hướng đổi mới chung của thế giới và khu vực và nếu làm tốt, kết quả mang lại sẽ rất tích cực đối với bản thân nền kinh tế mỗi quốc gia, kinh tế khu vực và kinh tế toàn cầu.

Thứ hai, mặc dù là tất yếu, song triển vọng sẽ như thế nào thì vẫn còn là một ẩn số, vì công cuộc chuyển đổi này không chỉ có những thuận lợi, mà đang và sẽ vấp phải không ít khó khăn, không dễ vượt qua. Đó là:

(i) Những cải cách, chuyển đổi này sẽ phải đột phá vào những mô hình cũ, sẽ đụng chạm đến lợi ích cố hữu của các nhóm lợi ích ăn theo các mô hình cũ, nên chắc chắn sẽ bị chống đối quyết liệt;

(ii) Những đổi mới căn bản, đụng chạm đến những vấn đề cốt lõi của con đường phát triển của mỗi quốc gia, nên không phải là công việc dễ dàng, đòi hỏi phải đổi mới tư duy (của không chỉ riêng ai, mà của tất cả mọi người, mọi cấp), phải chấp nhận hy sinh (ít ra là những lợi ích trước mắt), phải có kế hoạch và lộ trình thực hiện hợp lý;

(iii) Phải có nguồn lực (con người và tài chính) để thực hiện, mà điều này lại là một trong những điểm hạn chế khá lớn của cả Malaysia và Thái Lan, cũng như các quốc gia Đông Nam Á khác.

Thứ ba, kinh nghiệm từ thực tiễn chuyển đổi MHTTKT của Malaysia và Thái Lan cho thấy, nếu công cuộc đổi mới này không tạo và duy trì được sự đồng thuận toàn xã hội, nhất là bởi những người bị tác động và tham gia, và không được thực hiện một cách quyết liệt, có bài bản với một quyết tâm chính trị cao nhất của giới lãnh đạo chóp bu, thì cầm chắc hoặc là thất bại, hoặc là chắp vá, nửa vời, kéo dài, và nếu vậy thì nền kinh tế sẽ mãi trì trệ, luẩn quẩn,vùng vẫy trong bẫy thu nhập trung bình, không thể thoát ra để cất cánh lên được. Bẫy thu nhập trung bình là khái niệm chỉ tình trạng một quốc gia thoát nghèo, gia nhập vào nhóm nước có thu nhập trung bình nhưng mất nhiều thập kỷ vẫn không trở thành quốc gia phát triển. Các quan niệm có thể có nhiều điểm khác nhau nhưng có điểm giống nhau là đều đặt ra yêu cầu về trình độ chuyên môn hóa nền kinh tế, trình độ nguồn nhân lực của nước sở tại và trình độ quản lý vĩ mô [Ohno, 2009; Grill và Kharas, 2007]. Xem xét vào các nguyên nhân cơ bản của tình trạng vướng vào bẫy thu nhập trung bình thì có thể thấy công cuộc chuyển đổi MHTTKT của cả Malaysia và Thái Lan đều chưa thành công, nền kinh tế của các quốc gia này vẫn tồn tại những hạn chế cơ bản:

(i) Chưa tạo ra được giá trị nội tại, mà biểu hiện của nó là việc phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên, năng suất lao động thấp, tiếp tục tình trạng của một nền kinh tế gia công, có sự thống trị của các tập đoàn nước ngoài;

(ii) không giải quyết được tốt các vấn đề xã hội do phát triển nhanh, như sự phân hóa xã hội, sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng miền, sự bất bình đẳng trong việc hưởng lợi từ TTKT nhanh;

(iii) việc quản lý kinh tế vĩ mô chưa hiệu quả. Trong đó đáng kể đến là việc không tạo ra được động lực tăng trưởng mới trong một thời gian dài và tình trạng bất bình đẳng về thu nhập ngày càng sâu sắc làm cho sự phát triển của các quốc gia này đi vào vòng luẩn quẩn. Do đó, cả Malaysia và Thái Lan trong quá trình chuyển đổi đều nỗ lực thực hiện hệ thống các giải pháp, trong đó đều nhấn mạnh tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện năng suất lao động và tăng hiệu quả đầu tư, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải cách thị trường lao động,…

Thứ tư, xu hướng hay nội dung chủ đạo của công cuộc điều chỉnh hay chuyển đổi MHTTKT ở Malaysia và Thái Lan là:

(i) Vai trò của nhà nước sẽ giảm dần (dù chậm và có thể vẫn cao hơn so với các quốc gia Đông Á), trở nên gián tiếp và mang nặng tính hướng dẫn hơn là bắt buộc và can thiệp trực tiếp kiểu hành chính.

(ii) Nền kinh tế sẽ được thị trường hoá hơn, dân chủ hơn, tự do hơn, cởi mở hơn và quốc tế hoá hơn; các doanh nghiệp tư nhân (cả lớn cũng như nhỏ) sẽ được coi trọng hơn và có vai trò ngày càng bình đẳng hơn.

Thứ năm, dù ở các mức độ khác nhau, song cơ cấu kinh tế của hai quốc gia Malaysia và Thái Lan, trong giai đoạn đầu chuyển đổi, về cơ bản vẫn giữ thế cân bằng giữa các ngành cần nhiều lao động, tiêu hao nhiều tài nguyên thiên nhiên, và có hàm lượng công nghệ trung bình, và những ngành có đặc điểm ngược lại. Tuy vậy, càng về sau, các cơ cấu này sẽ thiên nhiều hơn về các ngành thuộc nhóm thứ hai, hiện đại, bền vững và xanh hơn, thiên về các khâu thuộc hạ nguồn hơn. Đồng thời, các ngành công nghiệp phụ trợ sẽ được chú ý phát triển ngày càng hiện đại nhằm đưa các quốc gia tham gia vào sự phân công và hợp tác khu vực không phải theo chiều dọc, kiểu Bắc-Nam mà sẽ ngả dần sang chiều ngang, theo mô hình mạng sản xuất và chuỗi giá trị gia tăng, tuỳ theo lợi thế của mỗi nước.

Thứ sáu, cũng như vậy, trong giai đoạn đầu chuyển đổi MHTTKT sau KHKTTC, các quốc gia này vẫn thiên nhiều hơn vào việc khai thác các nhân tố bên ngoài để tăng trưởng, song cùng với thời gian, cùng với sự thành công của các chính sách khai thác và mở rộng thị trường trong nước (như thuế, an sinh xã hội, khuyến khích tiêu dùng,…), thị trường nội địa sẽ trở thành một động lực tăng trưởng chính, không kém gì nhu cầu bên ngoài.

Thứ bẩy, cùng với tăng trưởng, công bằng xã hội (về các phương diện phân phối thu nhập, hệ thống giáo dục, hệ thống y tế, và mạng lưới an sinh xã hội) cũng đã được chú ý cải cách và hoàn thiện để làm cho chúng được bình đẳng hơn, có chất lượng hơn, và có diện bao phủ rộng khắp hơn, nhằm tạo cho mọi người dân đều (hoặc ít ra là cảm thấy) có điều kiện và cơ hội để tham gia vào và tận hưởng những thành quả của tăng truởng. Nhờ đó, sẽ tạo được sự đồng thuận và huy động được sự đóng góp của toàn xã hội đối với tiến trình phát triển của xã hội.

Thứ tám, việc quản trị nền kinh tế nói chung và quản lý công ty nói riêng sẽ được cải tiến theo hướng cởi mở, bình đẳng, dân chủ hơn, và tiến dần đến với các thông lệ quốc tế hơn; lợi ích, điều kiện và nhu cầu của tất cả các bên có liên quan sẽ được tính đến.

2. Bài học kinh nghiệm

2.1. Thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô một cách kịp thời, đồng bộ và hiệu quả

KHKTTC với nguyên nhân cơ bản xuất phát từ mất cân đối kinh tế vĩ mô đã kéo theo sau nó sự đổ vỡ của các nền kinh tế, các ngành, các lĩnh vực và doanh nghiệp,… mà dư âm của nó vẫn còn kéo dài đến hiện nay. Bài học rút ra từ thực tiễn chuyển đổi MHTTKT của Malaysia và Thái Lan sau KHKTTC là cần thực hiện các chính sách vĩ mô quản lý nền kinh tế một cách kịp thời và đồng bộ. Để đảm bảo hiệu quả phối hợp giữa các chính sách kinh tế vĩ mô gồm chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, cần có sự thống nhất giữa các chính sách nhằm đảm bảo mục tiêu chung. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải được phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ với nhau. Chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ không phát huy tác dụng nếu ngân sách tiếp tục được nới rộng; đồng thời cân nhắc tác động trái chiều của các chính sách, tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan phối hợp thực thi để làm cơ sở xây dựng các biện pháp chính sách một cách hiệu quả và kịp thời. Sự thành công của chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô cũng sẽ giúp tăng cường niềm tin của các nhà đầu tư vào năng lực điều hành nền kinh tế của chính phủ, và nhờ đó duy trì được dòng vồn đầu tư ổn định một cách lâu dài. Xây dựng và thực thi các chính sách tiền tệ và tài khóa một cách đồng bộ và kịp thời, tránh để khủng hoảng xảy ra rồi mới đề xuất và thực hiện, bởi các chính sách từ khi đề xuất đến khi thực hiện và phát huy tác dụng bao giờ cũng có độ trễ nhất định.

Định hướng trong chuyển đổi MHTTKT của Malaysia và Thái Lan khá đồng bộ và kịp thời đã đem lại những tác động tích cực nhất định đến sự phục hồi và phát triển kinh tế của các quốc gia này sau khủng hoảng. Trong những định hướng cải cách ở cả Malaysia và Thái Lan, có chính sách mang tính cấp bách tình thế; đồng thời cũng có chính sách mang tính chiến lược, lâu dài. Xu hướng chung của việc điều chỉnh là mở cửa, tự do và thông thoáng hơn.

Thể chế chính sách phù hợp: Các quốc gia đã áp dụng những chính sách điều chỉnh linh hoạt nhằm giải quyết những vấn đề bất cập trong nội tại mô hình tăng trưởng cũ và khắc phục hậu quả của khủng hoảng. trong đó có một số chính sách hướng tới sự cân bằng và hài hòa giữa phát triển bền vững với tăng trưởng kinh tế nhanh ở mức hợp lý:

(i) Chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ;

(ii) Chính sách quản lý môi trường, trong đó đáng chú ý có chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp bảo vệ môi trường của Thái Lan. Thái Lan đã đưa ra nhiều ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp. Chẳng hạn, Cục Đầu tư của nước này (BOI) đã miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 8 năm cho các doanh nghiệp cam kết sản xuất năng lượng tái tạo, bảo tồn năng lượng và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường; miễn thuế nhập khẩu máy móc,…

Các ưu đãi thuế gồm giảm 50% thuế doanh nghiệp đối với khoản lợi nhuận ròng cho 5 năm sau khi hết hạn thời gian miễn thuế, nghĩa là mức giảm thuế này được áp dụng từ năm thứ 9 đến năm thứ 13. Chính sách ưu đãi đầu tư. Các nhà đầu tư có thể nộp đơn xin tài trợ đầu tư cho Bộ Năng lượng Thái Lan để xin tài trợ đầu tư đối với các khoản phí tư vấn và thiết kế. Một phần chi phí đầu tư được dùng để hỗ trợ ba loại dự án năng lượng tái tạo là dự án khí sinh học, rác thải đô thị và nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời. Theo đó, mức trợ cấp đầu tư tối đa là vào khoảng 10% đến 30% đối với khí sinh học, 25% đến 100% đối với rác thải đô thị và 30% đối với nước nóng dùng năng lượng mặt trời. Gói hỗ trợ tối đa cho mỗi dự án là 50 triệu bạt. Chính sách hỗ trợ giá. Bộ Năng lượng Thái Lan đã xây dựng một hệ thống ưu đãi về giá nhằm thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân vào năng lượng tái tạo, dành ưu đãi cho các nhà máy sản xuất điện quy mô nhỏ và rất nhỏ (10 MW tới 90 MW và dưới 10 MWH) nhằm nâng cao tính khả thi cho các dự án năng lượng tái tạo của các nhà sản xuất này [OECD (2013)].

Tập trung để đạt được sự tăng trưởng thông qua việc nâng cao năng suất lao động. Malaysia sẽ chuyển hướng sang phát triển mạnh các quy trình sáng tạo và công nghệ mũi nhọn làm cơ sở chắc chắn nhất để tạo ra được những hàng hoá và dịch vụ có giá trị gia tăng cao trong tương lai. Chính phủ Thái Lan đưa ra những chính sách phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ và được lồng ghép vào các kế hoạch 5 năm của nước này để cải thiện tình trạng năng suất lao động thấp.

Hướng tới một sự tăng trưởng kinh tế do khu vực tư nhân dẫn dắt và lấy thị trường làm động lực phát triển. Cả Malaysia và Thái Lan trong chuyển đổi MHTTKT đều thực hiện các kế hoạch để phát triển kinh tế tư nhân, giảm dần sự can dự của khu vực công vào những hoạt động cạnh tranh trực tiếp với khu vực tư nhân.

Bài học này từ Malaysia và Thái Lan cũng cho thấy, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn là cần thiết và phải xuất phát từ tiềm năng và lợi thế của quốc gia để có những chiến lược phát triển ngành hợp lý. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế sẽ gặp khó khăn khi các chính sách quản lý kinh tế vĩ mô yếu kém, chính sách phát triển ngành chưa phù hợp. Tuy nhiên, đối với Thái Lan – một trong những nước vốn có lợi thế về phát triển nông nghiệp nhưng lại quá ưu tiên cho phát triển công nghiệp và coi nhẹ phát triển nông nghiệp, điều này đã khiến cho lợi thế cạnh tranh về các mặt hàng nông nghiệp giảm đi, ảnh hưởng tổng thể đến nền kinh tế của nước này.

2.2. Ổn định thị trường tài chính và khôi phục lòng tin của dân chúng

Ảnh hưởng của khủng hoảng làm cho niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường tài chính sụt giảm, là nguyên nhân dẫn đến việc hạn chế đầu tư vốn nước ngoài, gia tăng các hiểm họa về rủi ro đổ vỡ hệ thống. Do đó, việc can thiệp của Chính phủ vào thị trường tài chính là điều tất yếu và đòi hỏi các quốc gia cần chuẩn bị một nguồn vốn dự trữ ngoại tệ đủ lớn để can thiệp hiệu quả vào thị trường tài chính trong nước khi rủi ro khủng hoảng xảy ra; cần xem xét, đánh giá lại hiệu quả của hệ thống thanh tra, giám sát tài chính, ngân hàng nhằm phát hiện ra những kẽ hở, điểm yếu của hệ thống trong việc phát hiện và phòng ngừa khủng hoảng, qua đó giúp khôi phục lòng tin của công chúng vào hệ thống tài chính ngân hàng.

Có thể nói, ổn định hệ thống tài chính và khôi phục lòng tin của dân chúng là bài học được rút ra từ sau nhiều cuộc khủng hoảng, đặc biệt là sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – nhằm tránh sự đổ vỡ hàng loạt của hệ thống ngân hàng.Cuộc KHTCTC đã làm lộ rõ sự yếu kém trong quản lý và giám sát hệ thống tài chính – ngân hàng của cả Malaysia lẫn Thái Lan khiến cho hai nền kinh tế này bị suy thoái sâu sắc. Cả Malaysia và Thái Lan đều phụ thuộc đáng kể vào nguồn vốn vay bên ngoài nhằm tài trợ cho các hoạt động của các công ty trong nước và cho các hoạt động cho vay của các ngân hàng. Việc quản lý kinh doanh không tốt, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, và việc thiếu kiểm tra, kiểm soát của các ngân hàng và công ty tài chính đối với các hoạt động của các công ty này đã khiến nợ nước ngoài của cả Malaysia và Thái Lan không ngừng tăng và gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững về kinh tế.

2.3. Tái cấu trúc nền kinh tế sau khủng hoảng

Bài học này cho thấy sự cần thiết phải tái cấu trúc doanh nghiệp, là bước đệm cơ bản để tiến tới xa hơn là tái cấu trúc nền kinh tế. Xét một cách sâu hơn, tái cấu trúc nền kinh tế phải được thực hiện ở tất cả các cấp độ của nền kinh tế bao gồm tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế, tái cơ cấu ngành, cơ cấu vùng và tái cơ cấu các doanh nghiệp. Trong đó, tiến hành đồng thời tái cơ cấu tài chính và tái cơ cấu doanh nghiệp. Ngoài ra, tái cấu trúc nền kinh tế phải đi cùng với sự thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển bền vững và hội nhập với kinh tế toàn cầu, chú trọng cân đối giữa nguồn tiết kiệm trong nước và tiết kiệm nước ngoài để tránh phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn nước ngoài. Tái cấu trúc nền kinh tế phải theo hướng nâng cao năng suất lao động, hiệu quả tiêu thụ năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng thay thế nhằm giảm mức độ nhạy cảm về năng lượng và mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu.

Về mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp, kinh nghiệm cho thấy, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thường tỉ lệ nghịch với sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế. Ở Malaysia và Thái Lan trong nhiều thập kỷ qua chỉ tìm cách thu hút thật nhiều FDI, nhưng nhìn chung lại không tạo ra được môi trường hỗ trợ thích hợp để các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể bước lên những bậc thang công nghệ vànăng lực cạnh tranh cao hơn. Các nước này thường bảo hộ nhiều ngành công nghiệp trong một thời gian khá dài, dẫn đến việc lãng phí những nguồn lực khổng lồ và quý báu. Kết quả là, chỉ tạo ra những doanh nghiệp ỷ lại, thụ động, và kém cạnh tranh, đặc biệt là trong khu vực nhà nước. Chẳng hạn, hãng ôtô Proton của Malaysia, mặc dù nhiều năm được ưu tiên cao cho việc phát triển nhằm cạnh tranh với các hãng ôtô của nước ngoài, trước hết là Nhật Bản, song cho đến nay, thương hiệu ôtô này vẫn chỉ được một bộ phận nhỏ những người có thu nhập thấp ở trong nước tiêu thụ, còn việc chinh phục thị trường ôtô thế giới, thậm chí khu vực, vẫn chỉ là một giấc mơ xa vời. Đó là hậu quả tất yếu của chủ nghĩa tư bản thân hữu tồn tại phổ biến ở các quốc gia này, với việc nhà nước thường bị chi phối bởi/và câu kết với một số ít gia đình có thế lực cũng như các công ty độc quyền nhằm khai thác các ưu đãi và tham nhũng tài sản của nhà nước vì quyền lợi ích kỷ của mình, thay vì vì lợi ích quốc gia thật sự.

2.4. Quan tâm sâu sắc đến vấn đề an sinh xã hội

Khủng hoảng tài chính làm cho thu nhập của các tầng lớp dân cư bị giảm, trong đó đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là những người có thu nhập thấp và những người bị thất nghiệp. Nếu không có sự hỗ trợ đối với các tầng lớp dân cư này thì họ sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội, thậm chí có thể trở thành nguyên nhân gây ra những bất ổn xã hội. Hầu hết những người có thu nhập thấp, không có việc làm hoặc có việc làm nhưng bị sa thải trong khủng hoảng đều là những người lao động trình độ thấp, lao động thủ công và mang tính thời vụ. Chính vì vậy, khi khủng hoảng kinh tế xảy ra làm các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm chi phí thì điều đầu tiên mà các doanh nghiệp này thực hiện là đóng cửa các nhà máy, chi nhánh, và cho nghỉ việc những người lao động trình độ thấp, thậm chí nếu doanh nghiệp nào phá sản hoàn toàn thì tất cả lực lượng lao động trong doanh nghiệp đó đều rơi vào tình trạng thất nghiệp. Thực tế cho thấy khi khủng hoảng tài chính xảy ra làm cho hàng ngàn doanh nghiệp, ngân hàng, nhà máy, xí nghiệp,… phải đóng cửa tạm thời hoặc phá sản, làm cho hàng triệu người thất nghiệp, tình trạng vô gia cư tăng lên và đe dọa đến những vấn đề chung của xã hội. Nếu chính phủ không thực thi các biện pháp nhằm ổn định an sinh xã hội và hỗ trợ người lao động thì sự phát triển chung của đất nước sẽ bị ảnh hưởng, và khi đó, nếu muốn thực hiện bất kỳ chính sách phục hồi kinh tế nào cũng sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Việc quan tâm bảo đảm an sinh xã hội cho dân chúng không những góp phần kích thích, phục hồi tăng trưởng kinh tế mà còn bảo đảm ổn định về mặt xã hội.

Chuyển đổi MHTTKT sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, bài học từ các quốc gia cho thấy, nếu các chính sách tăng trưởng kinh tế không đi liền với các chính sách về an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sẽ dẫn đến sự mất cân bằng, mâu thuẫn xã hội, làm cho lợi ích của tăng trưởng kinh tế không được phân phối đều cho các vùng miền, các tầng lớp dân cư.

Chính sách phát triển nghiêng lệch vùng miền. Cả Malaysia và Thái Lan đều đã có những chính sách phát triển nghiêng lệch vùng miền ngay từ giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Các chính sách phát triển thiên lệch đó càng làm cho khoảng cách chênh lệch giữa các vùng đô thị và nông thôn, vùng, miền ngày càng doãng ra.

Chính sách đầu tư chưa hợp lý cho y tế và giáo dục. Trong khi ở một số quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, những lợi ích của TTKT nhanh được phân phối khá công bằng cho các vùng miền, cho người dân thông qua các khoản đầu tư công cho y tế và giáo dục, thì ở Malaysia và Thái Lan, những lợi ích của TTKT lại không được phân bổ đồng đều tới người dân. Điều này một phần được chứng minh qua các thành tố đóng góp vào sự cải thiện chỉ số HDI của các quốc gia. Ở Thái Lan, số người nghèo, nhóm dễ tổn thương nhất, ít có cơ hội được hưởng các lợi ích của tăng trưởng nhanh. Số sinh viên đến từ các gia đình nghèo trong tổng số sinh viên đại học của cả nước có xu hướng giảm. Điều này phần nào cho thấy, các nhóm dễ bị tổn thương, nhóm người nghèo vẫn chưa được quan tâm một cách thích đáng.

Chính sách quản lý yếu kém về môi trường, Malaysia và Thái Lan có những hạn chế trong việc thực thi các chính sách quản lý môi trường. Nguyên nhân chủ yếu của việc hạn chế trên do các nhóm lợi ích, chính quyền địa phương các cấp vẫn ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng (GDP) cao hơn so với việc quản lý môi trường và giảm thiểu các chất ô nhiễm.

Tham khảo thêm

Đặng Thành Chung (2020). Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Thái Lan và Malaysia sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu và bài học cho Việt Nam. Luận án tiến sĩ Kinh tế (Chuyên ngành Kinh tế Quốc tế). Học viện Khoa học Xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Hà Nội.

Share.