Bài viết này sẽ phân tích khái niệm thuế là gì theo nhiều cách tiếp cận khác nhau: Chủ nghĩa Mác – Lênin, các nhà kinh tế học hiện đại, các nhà nghiên cứu ở Việt Nam.

Khi nghiên cứu về lịch sử ra đời, tồn tại và phát triển của thuế, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ gắn liền cùng với sự ra đời, tồn tại của nhà nước và thuế được xem là công cụ quan trọng mà bất kỳ nhà nước nào cũng sử dụng để thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình. Để đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của mình, nhà nước chỉ có thể và cần phải dùng quyền lực để bắt buộc các thành viên trong xã hội có nghĩa vụ đóng góp một phần sản phẩm, một phần thu nhập cho nhà nước. Hình thức đóng góp ấy chính là thuế. Do vậy, ngay từ khi nhà nước ra đời thì thuế cũng xuất hiện và có thể nói rằng thuế là “sản phẩm” tất yếu gắn liền với xuất hiện của hệ thống bộ máy nhà nước, nhà nước cũng ban hành chính sách thuế. Ngược lại, thuế là công cụ đảm bảo cung cấp phương tiện vật chất cần thiết cho sự tồn tại và hoạt động của hệ thống bộ máy nhà nước.

Đề cập đến nội dung về thuế thì trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã có rất nhiều các khái niệm khác nhau về thuế, có thể điểm lược một số khái niệm như sau:

1. Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin

Thuế là một khoản nộp bắt buộc mà các thể nhân và pháp nhân có nghĩa vụ phải thực hiện đối với nhà nước, phát sinh trên cơ sở các văn bản pháp luật do nhà nước ban hành, không mang tính chất đối giá và không hoàn trả trực tiếp cho đối tượng nộp thuế. Thuế không phải là một hiện tượng tự nhiên mà là một hiện tượng xã hội do chính con người định ra và nó gắn liền với phạm trù nhà nước và pháp luật. Quan điểm này đã được phản ánh qua các tác phẩm và nhận định của các học giả của chủ nghĩa Mác-Lênin, cụ thể như: Trong tác phẩm “Phê phán cương lĩnh Gôta”, khi bàn về mối quan hệ giữa thuế và nhà nước, C.Mác viết: “Thuế là cơ sở của bộ máy nhà nước, là thủ đoạn giản tiện cho kho bạc thu được bằng tiền hay sản vật mà người dân phải đóng góp để dùng vào mọi việc chi tiêu của nhà nước” [2, tr.110]. Ph.Ăngghen cũng đã viết: “để duy trì quyền lực công cộng, cần có sự đóng góp của nhân dân cho nhà nước, đó là thuế má” [3]. Do lúc này, nhà nước chỉ thu thuế để phục vụ nhu cầu của nhà nước và là phương pháp hữu hiệu nhất để tác động tới đời sống kinh tế – xã hội mà chưa có sự quan tâm tới việc thực hiện đời sống nhân dân. Do đó, cả C.Mác và Ph. Ăngghen đều chỉ đề cập tới vai trò đóng thuế của nhân dân như một sự bóc lột và coi đó là “thủ đoạn đơn giản” của nhà nước.

V.I.Lênin cho rằng: “Thuế là cái mà nhà nước thu của dân nhưng không bù lại” và “thuế cấu thành nên nguồn thu của chính phủ, nó được lấy ra từ sản phẩm của đất đai và lao động trong nước, xét cho cùng thì thuế được lấy ra từ tư bản hay thu nhập của người chịu thuế” [4, tr.133].

2. Theo quan điểm của các nhà kinh tế học hiện đại:

Cùng quan điểm với C.Mác và Ph.Ăngghen, Philip E.Taylor cho rằng: “Thuế là sự đóng góp cưỡng bách của mỗi người cho chính phủ để trang trải các chi phí vì quyền lợi chung mà ít căn cứ vào các quyền lợi riêng được hưởng” [5, tr.101].

Định nghĩa có tính chất cổ điển và cũng được biết đến nhiều nhất về thuế do Gaston Jeze đã đưa ra trong cuốn “Tài chính công” là: “Thuế là một khoản trích nộp bằng tiền do các cá nhân công dân đóng góp cho Nhà nước thông qua con đường quyền lực, có tính chất bắt buộc và không có đối khoản cụ thể để trang trải cho các nhu cầu chi tiêu công cộng” [6, tr.28].

Theo thời gian, khái niệm này đến nay đã được bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện như sau: Thuế là một khoản trích nộp bằng tiền, có tính chất xác định, không hoàn trả trực tiếp do các công dân đóng góp cho nhà nước thông qua con đường quyền lực nhằm bù đắp những chi tiêu của nhà nước trong việc thực hiện các chức năng KT-XH của nhà nước.

3. Quan điểm của các nhà nghiên cứu ở Việt Nam:

Theo Từ điển Tiếng Việt-Trung tâm từ điển học (2003) thì “Thuế là khoản tiền hay hiện vật mà người dân hoặc các tổ chức kinh doanh, tùy theo tài sản, thu nhập, nghề nghiệp… buộc phải nộp cho nhà nước theo mức quy định” [7, tr.963].

Trong Giáo trình thuế của Học viện Tài chính, thuế được định nghĩa như sau: “Thuế là một khoản đóng góp bắt buộc từ các thể nhân và pháp nhân cho nhà nước theo mức độ và thời hạn được pháp luật qui định nhằm sử dụng cho mục đích công cộng” [8, tr.5].

Như vậy, có thể thấy rằng: Các quan điểm và khái niệm trên đây, tuy cách diễn đạt khác nhau song đều thống nhất những nội dung chính của thuế là:

– Thuế là biện pháp động viên của nhà nước mang tính chất bắt buộc đối với các tổ chức và mọi thành viên trong xã hội, gắn liền với quyền lực chính trị của nhà nước.

– Thuế là khoản đóng góp nghĩa vụ, bắt buộc mọi tổ chức và thành viên trong xã hội phải nộp vào ngân sách nhà nước.

– Thuế là một bộ phận của cải từ khu vực tư chuyển vào khu vực công nhằm trang trải những chi phí nuôi sống bộ máy nhà nước và trang trải các chi phí công cộng mang lại lợi ích chung cho cộng đồng.

– Thuế là một hình thức phân phối thu nhập được nhà nước sử dụng để động viên một phần thu nhập của các tổ chức và cá nhân trong xã hội vào ngân sách nhà nước.

Từ các nội dung trên, có để đưa ra khái niệm tổng quát về thuế như sau:

Thuế là một khoản đóng góp bắt buộc từ các tổ chức và cá nhân cho nhà nước theo mức độ và thời hạn được pháp luật qui định nhằm phục vụ cho mục đích công cộng mà các khoản thu này không mang tính đối giá và không hoàn trả trực tiếp cho người nộp thuế.

Tham khảo thêm

  1. Bùi Việt Hùng (2020). Hợp tác quốc tế về thuế trong điều kiện hiện nay của Việt Nam. Luận án tiến sĩ Kinh tế (Chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng). Học viện Tài chính. Hà Nội.
  2. C.Mác, Ăngghen (1972), Toàn tập, Tập 21, NXB Sự thật, Hà Nội.
  3. Valpy Fitzgerald (2002), International tax cooperation and Capital mobility.
  4. Lênin (1978), Toàn tập, Tập 33, NXB Tiến bộ, Mátxcơva.
  5. P.E.Taylor (Bản dịch) (1961), Tài chính công, Trường Đại học Kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh.
  6. Bouvier (bản dịch sách tham khảo) (2005), Nhập môn luật thuế đại cương và lý thuyết thuế, NXB chính trị quốc gia, Hà Nội.
  7. Trung tâm Từ điển học – Viện Ngôn ngữ học (2003), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
  8. Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Văn Hiệu (2014), Giáo trình Thuế, Học viện Tài chính, NXB Tài chính, Hà Nội.
Share.