Bài viết phân tích những rủi ro trọng yếu như: Rủi ro tín dụng, Rủi ro hoạt động, Rủi ro thị trường, Rủi ro thanh khoản, Rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng và mối quan hệ 2 chiều, tác động qua lại và hỗ trợ lẫn nhau giữa quản trị rủi ro với Hệ thống kiểm soát nội bộ trong quá trình hoạt động của ngân hàng thương mại.

1. Rủi ro và quản trị rủi ro trong ngân hàng

Rủi ro gắn liền với bất cứ doanh nghiệp nào trong quá trình hoạt động. Rủi ro là những điều xảy ra ngoài mong muốn và mang lại hậu quả xấu. Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về rủi ro, tác giả tiếp cận định nghĩa về rủi ro của Ngân hàng Nhà nước “Rủi ro là khả năng xảy ra tổn thất (tổn thất tài chính, tổn thất phi tài chính) làm giảm thu nhập, vốn tự có dẫn đến làm giảm tỷ lệ an toàn vốn hoặc hạn chế khả năng đạt được mục tiêu kinh doanh của ngân hàng thương mại chi nhánh ngân hàng nước ngoài”[2]. Trong quá trình hoạt động, ngân hàng có thể gặp những rủi ro trọng yếu sau:

1.1. Rủi ro tín dụng

Rủi ro trong kinh doanh tín dụng là những tổn thất xảy ra trong quá trình thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh tín dụng của mình. Rủi ro tín dụng là khả năng người vay hoặc đối tác không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của các điều khoản và điều kiện đã thỏa thuận. Các khoản tiền cho vay thường có tỷ lệ rủi ro hơn so với các tài sản có khác. Rủi ro tín dụng có thể được phân loại thành các loại:

(i) Rủi ro người vay không trả được nợ: Rủi ro tín dụng cá nhân và rủi ro tín dụng doanh nghiệp. Trong đó, rủi ro tín dụng cá nhân liên quan đến thị trường bán lẻ của ngân hàng thông qua các sản phẩm như bất động sản, thẻ tín dụng, tín dụng đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ và tín dụng khác. Còn rủi ro tín dụng doanh nghiệp gắn với thị trường bán buôn: doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và cho vay đặc biệt;

(ii) Rủi ro tín dụng đối tác (nội bảng và ngoại bảng): Đây là loại rủi ro liên quan đến thị trường vốn thông qua các sản phẩm phái sinh và thị trường tiền tệ;

(iii) Rủi ro tín dụng quốc gia: Loại rủi ro này thường liên quan đến các nước phát triển và đang phát triển.

1.2. Rủi ro hoạt động

Rủi ro hoạt động là khả năng bị thiệt hại phát sinh từ các nguyên nhân như con người, sự không đầy đủ hoặc vận hành không tốt các quy trình, hệ thống; các sự kiện khách quan bên ngoài. Rủi ro hoạt động bao gồm cả rủi ro pháp lý nhưng loại trừ về rủi ro chiến lược và rủi ro uy tín: Rủi ro hoạt động phát sinh sự không đầy đủ hoặc vận hành không tốt các quy trình thường phát sinh trong các quy trình như thanh toán, hoàn thiện và bàn giao; liên quan đến các tài liệu hay hợp đồng; đánh giá và định giáo; tuân thủ, rủi ro dự án và quản trị sự thay đổi; Rủi ro hoạt động phát sinh do con người thường liên quan đến hành vi gian lận của nhân viên, các giao dịch giả mạo, hay việc gián đoạn nguồn lực lao động, thiếu hay mất nhân sự chủ chốt; Rủi ro hoạt động liên quan đến hệ thống thường xuất hiện trong những tình huống khi có sự thay đổi về công nghệ, phát triển và triển khai hệ thống, liên quan đến hiệu suất của hệ thống, lỗ hổng trong hệ thống; Các sự kiện bên ngoài có thể ảnh hưởng tới rủi ro hoạt động có thể bao gồm: hoạt động tội phạm, dịch vụ thuê bên ngoài, rủi ro nhà cung cấp và tự xây dựng; thiên tai, sự thay đổi trong cơ sở pháp lý…

1.3. Rủi ro thị trường

Rủi ro thị trường là khả năng xảy ra tổng thất từ việc nắm giữ các trạng thái nội và ngoại bảng khi giá thị trường thay đổi. Rủi ro thị trường bao gồm những loại chủ yếu sau:

(i) Rủi ro trong các công cụ liên quan đến lãi suất và vốn cổ phần trong sổ kinh doanh. Lãi suất là chi phí để đi vay hoặc giá phải trả để thuê vốn trong một thời gian nào đó. Các ngân hàng hoạt động trong cơ chế lãi suất luôn biến đổi theo lãi suất của thị trường. Hiện tượng lãi suất tăng hoặc giảm có thể gây rủi ro cho hoạt động của Ngân hàng thương mại. Hiện nay để giảm rủi ro lãi suất các ngân hàng thường thực hiện các họp đồng với lãi suất thả nổi, lãi suất được áp dụng theo sự thay đổi lãi suất cơ bản của ngân hàng nhà nước biến động của lãi suất trên thị trường tiền tệ;

(ii) Rủi ro tỷ giá ngoại hối và rủi ro hàng hóa trong ngân hàng: Các rủi ro trong việc giao dịch ngoại hối xuất phát từ tỷ giá hối đoái của các loại tiền tệ khác nhau do tác động của kinh tế và chính trị của một đất nước.Vậy rủi ro tỷ giá hối đoái là rủi ro xảy ra khi có biến động về tỷ giá ngoại hối. Do tỷ giá chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau như tình hình kinh té của các nước, lãi suất của từng đồng tiền, điều kiện về thiên nhiên… nên thường xuyên có sự biến động.

1.4. Rủi ro thanh khoản

Rủi ro thanh khoản là khả năng ngân hàng không đáp ứng đủ vốn cho phát triển tài sản hoặc trả các nghĩa vụ nợ đến hạn mà không gây ra những tổn thất đáng kể. Nói cách khác, rủi ro trong thanh khoản phát sinh khi những người gửi tiền đồng thời có nhu cầu rút tiền gửi ở ngân hàng ngay lập tức. Trong những trường hợp như vậy ngân hàng phải đi vay bổ sung nguồn vốn thanh toán hoặc phải bán tài sản của mình để đáp ứng nhu cầu rút tiền của người gửi tiền. Rủi ro thanh khoản có thể được phân loại thành rủi ro thanh khoản khoản thị trường và rủi ro thanh khoản nguồn vốn.

Rủi ro thanh khoản thị trường là rủi ro mà ngân hàng không thể dễ dàng xử lý hoặc bán tài sản theo giá trị thị trường nhằm tăng tính thanh khoản cho ngân hàng do mức độ chấp nhận của thị trường hoặc do thị trường gián đoạn không liên tục.Rủi ro thanh khoản thị trường liên quan đến khả năng ban hoặc xử lý các tài sản thanh khoản (công cụ tài chính) một cách dễ dàng, ổn định và với chi phí hợp lý (phụ thuộc vào tính thanh khoản của tài sản). Bên cạnh đó, rủi ro thanh khoản thị trường có thể liên quan đến khả năng của thị trường cho phép giao dịch mua bán các tài sản thanh khoản mà không tạo ra ảnh hưởng đáng kể lên giá cả, phụ thuộc vào tính thanh khoản của thị trường.

Rủi ro thanh khoản nguồn vốn là rủi ro ngân hàng không có khả năng huy động kịp thời các nguồn lực để đáp ứng đẩy đủ các dòng tiền dự kiến hoặc ngoài dự kiến trong hiện tại và tương lai với một chi phí hợp lý mà không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hàng ngày hoặc điều kiện tài chính của ngân hàng. Rủi ro thanh khoản bao gồm rủi ro thanh khoản huy động trong ngắn hạn và rủi ro thanh khoản huy động trong dài hạn

1.5. Rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng

Rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng là nguy cơ xảy ra tổn thất tài chính cho Ngân hàng trên sổ ngân hàng khi có những biến động bất lợi về lãi suất. Rủi ro lãi suất bắt nguồn từ rủi ro tái định giá, rủi ro đường cong lãi suất, rủi ro cơ bản và rủi ro quyền chọn.

Tóm lại, rủi ro trong quá trình kinh doanh của các NHTM tuỳ theo mức độ mà ảnh hưởng ít hay nhiều tới bản thân ngân hàng cũng như khách hàng của họ. Đặc biệt, rủi ro trong hoạt động tín dụng ảnh hưởng lớn tới ngân hàng cũng như tới toàn bộ nên kinh tế. Khi một khoản tín dụng lớn gặp rủi ro có thể dẫn tới tình trạng ngân hàng thiếu vốn khả dụng hoặc mất khả năng thanh toán. Rủi ro có thể gặp bất cứ lúc nào ngoài ý thức của con người. Chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro ra khỏi môi trường kinh doanh mà chỉ có thể nghiên cứu, nhận biết và hạn chế tới mức thấp nhất.

Đánh giá và quản trị rủi ro trong ngân hàng, kiểm soát rủi ro được thực hiện cả ở cấp độ vi mô – tại ngân hàng thương mại, cũng như ở cấp độ vĩ mô – bởi các chi nhánh của ngân hàng trung ương. Mức độ rủi ro tại Việt Nam tương đối là cao, nên các NHTM quan tâm rất nhiều tới các vấn đề liên quan đến rủi ro. Trong quá trình phân tích rủi ro trong hoạt động của ngân hàng, phân tách thành từng loại rủi ro riêng biệt, thông qua việc sử dụng các phương pháp khác nhau như toán học, mô hình, thực nghiệm, kinh nghiệm của các chuyên gia…, nhà quản trị sẽ phân tích và đánh giá từng loại rủi ro gắn liền với từng hoạt động hay từng sản phẩm ngân hàng. Để giảm thiểu các thiệt hại, tổn thất do rủi ro gây ra đối với ngân hàng, giảm thiểu những ảnh hưởng bất lợi của rủi ro thì nhà quản lý các cấp trong ngân hàng phải tiến hành quản trị rủi ro. Quản trị rủi ro được hiểu là quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học và có hệ thống nhằm nhận dạng, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thất, mất mát, những ảnh hưởng bất lợi của rủi ro đồng thời tìm cách biến rủi ro thành những cơ hội thành công. Quy trình quản trị rủi ro tại ngân hàng gồm các bước sau:

Hình minh họa Quy trình quản trị rủi ro của NHTM

Thứ nhất, nhận diện các loại rủi ro ngân hàng. Hiệu quả của việc quản trị rủi ro phụ thuộc rất nhiều vào việc phân loại rủi ro. Phân loại rủi ro được hiểu là việc phân rủi ro thành từng nhóm riêng biệt theo dấu hiệu của chúng. Cơ sở khoa học về việc phân loại rủi ro đã tạo điều kiện cho các nhà quản trị ngân hàng có thể xác định rõ ràng vị trí của từng loại rủi ro trong hệ thống rủi ro. Việc phân loại rủi ro hợp lý sẽ giúp nâng cao khả năng và hiệu quả áp dụng những phương pháp phù hợp trong việc quản trị rủi ro. Việc phân loại rủi ro xuất phát từ nhiệm vụ phân tích hoạt động của ngân hàng và hoàn thiện các phương pháp quản trị rủi ro, nó tạo điều kiện giải quyết những vấn đề quan trọng – làm rõ các chỉ số cơ bản để đánh giá tính hiệu quả của ngân hàng, xác định những yếu tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến kết quả tiềm năng mà ngân hàng có thể đạt được. Thông thường rủi ro được phân theo những loại sau: rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động, rủi ro luật pháp … Nhưng bởi vì có nhiều loại rủi ro khác nhau, không có cùng mức độ ảnh hưởng đến sự vững chắc của ngân hàng và hình thành từ nhiều yếu tố khác nhau, có mức độ khác nhau nên không thể cùng áp dụng một loại phương pháp đánh giá và quản trị chung.

Thứ hai, đo lường rủi ro. Rủi ro được phân tích và làm rõ được nguồn gốc và nguyên nhân của chúng. Quan trọng nhất trong công việc này là xác định chính xác nguồn gốc của rủi ro, khả năng thiệt hại cũng như lợi nhuận từ những nghiệp vụ ngân hàng có tiềm ẩn rủi ro. Việc phân tích sẽ giúp ngân hàng lựa chọn kịp thời những giải pháp tối ưu trong nhiều giải pháp khác nhau. Đánh giá rủi ro tạo điều kiện cho các nhà quản trị ngân hàng xác định đại lượng của rủi ro ngân hàng. Tính chuẩn mực của việc đánh giá những thiệt hại dự báo phụ thuộc vào việc lựa chọn phương pháp đánh giá rủi ro. Hiện nay, trên thực tế các NHTM thường sử dụng phương pháp thống kê, phương pháp kinh nghiệm, phương pháp tính toán và phân tích để đánh giá rủi ro.

Thứ ba, cảnh báo và giảm thiểu rủi ro. Trong hệ thống điều hành rủi ro ngân hàng, cơ chế điều tiết nội bộ đóng vai trò rất quan trọng. Cơ chế điều tiết nội bộ rủi ro ngân hàng là một hệ thống giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của rủi ro do bản thân ngân hàng xây dựng, lựa chọn và thực hiện.

Thứ tư, giám sát và kiểm tra. Giai đoạn tiếp theo của điều hành rủi ro ngân hàng là kiểm tra, giám sát rủi ro. Để phối hợp giữa việc thực hiện những mục tiêu của ngân hàng và việc kiểm tra mức độ rủi ro của ngân hàng cần phải xây dựng một hội đồng kiểm tra và quy chế về chính sách kiểm tra rủi ro. Việc thực hiện giám sát các chương trình kiểm tra rủi ro cho thấy để nâng cao tính hiệu quả của các chương trình kiểm tra rủi ro đòi hỏi việc xây dựng những tiêu chuẩn đối với các chương trình này, trong đó bao gồm việc lựa chọn và phân tích thông tin.

2. Hệ thống kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro trong ngân hàng

Hệ thống KSNB và quản trị rủi ro ngân hàng có mối quan hệ hai chiều, tác động qua lại và hỗ trợ lẫn nhau. Điều này thể hiện ở chỗ: bản thân hệ thống KSNB được xây dựng dựa trên cơ sở nhận diện và phân tích các rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động của ngân hàng, và hệ thống KSNB được thiết lập và vận hành nhằm mục đích ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của ngân hàng. Hệ thống KSNB là một hệ thống chính sách và thủ tục được thiết lập nhằm đạt được các mục tiêu sau: bảo vệ tài sản của đơn vị; bảo đảm độ tin cậy của thông tin; bảo đảm việc thực hiện các chế độ pháp lý và bảo đảm hiệu quả của hoạt động.

Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp luôn luôn tiềm ẩn các rủi ro có thể xảy ra ảnh hưởng đến việc đạt được các mục tiêu của ngân hàng, do vậy một hệ thống KSNB làm việc hiệu quả phải đảm bảo ngăn ngừa và giảm thiểu được các rủi ro có thể xảy ra. Có thể nói, để ổn định và phát triển trong điều kiện hiện nay thì việc xây dựng hệ thống KSNB hướng tới quản lý rủi ro, cần được coi là vấn đề ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số ngân hàng chưa thực sự quan tâm về quản lý rủi ro khi xây dựng hệ thống KSNB. Nếu nhà quản trị ngân hàng không nhận thức rõ về rủi ro tiềm ẩn hay hiện hữu thì sẽ không xây dựng được chính sách quản lý rủi ro cho ngân hàng.

Do đó không thực hiện phân công trách nhiệm rõ ràng, không quy định rõ người chịu trách nhiệm quản lý rủi ro ở cấp độ toàn ngân hàng và từng bộ phận hoặc chưa có biện pháp đánh giá rủi ro theo một hệ thống thống nhất mà chỉ thực hiện manh mún, nhỏ lẻ và không đồng bộ giữa các bộ phận trong ngân hàng. Đặc biệt do thiếu sự trao đổi thông tin về rủi ro trong doanh nghiệp, nên các ngân hàng chưa có được biện pháp thích hợp để ngăn chặn và chống đỡ rủi ro. Do những hạn chế thiếu sót đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của đơn vị, đến việc thực hiện các mục tiêu.

Quản trị rủi ro trong ngân hàng tốt sẽ giúp nhận diện đầy đủ các loại rủi ro có thể xảy ra cũng như các nhân tố làm phát sinh rủi ro cũng như tần suất xuất hiện và mức độ nghiêm trọng mà rủi ro tác động tới khả năng thực hiện được các mục tiêu của doanh nghiệp. Đây chính là một cơ sở quan trọng để ngân hàng thiết lập và vận hành được một hệ thống KSNB hiệu quả. Tuy nhiên cũng phải hiểu rằng cho dù hệ thống KSNB được thiết lập và vận hành một cách hiệu quả thì cũng không thể tránh khỏi mọi rủi ro phát sinh do tồn tại những hạn chế cố hữu của hệ thống KSNB và cũng do yêu cầu lợi ích đạt được phải lớn hơn chi phí phát sinh, do vậy ngoài hệ thống KSNB thì ngân hàng vẫn cần phải áp dụng các phương pháp quản trị rủi ro cần thiết khác. Mặt khác do tác động của môi trường bên trong và bên ngoài nên các rủi ro phát sinh cũng thay đổi theo, vì vậy ngân hàng phải thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các thủ tục kiểm soát để tránh bị lạc hậu, lỗi thời so với sự biến động của các nhân tố phát sinh rủi ro.

Tham khảo thêm

  1. Bùi Thanh Sơn (2020). Kiểm soát nội bộ trong các ngân hàng thương mại Việt Nam. Luận án tiến sĩ Kinh tế (Chuyên ngành Quản lý kinh tế). Học viện Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Hà Nội.
  2. Ngân hàng nhà nước Việt Nam (2013), Thông tư 21/2013/TT-NHNN, Quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại, ngày 09/09/2013 ( Chương 3).
Share.