Theo cách hiểu đơn giản nhất, rủi ro tín dụng (Credit risk) là khả năng người đi vay không trả được nợ với người cho vay khi đến thời hạn thanh toán. Đây là cụm từ hay được nhắc đến trong hoạt động cho vay của ngân hàng với các doanh nghiệp hoặc đối với các doanh nghiệp với nhau. Theo Coyle (2000) thì “rủi ro tín dụng là những tổn thất của ngân hàng khi người đi vay không hoàn thành một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của mình”. Có thể nói rằng, so với các rủi ro khác mà ngân hàng thương mại gặp phải, rủi ro tín dụng có ảnh hưởng lớn nhất tới hiệu quả kinh doanh, sự tồn tại và phát triển của một ngân hàng, và hai yếu tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau.

1. Ngân hàng và các nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng

Theo Luật Các tổ chức tín dụng ban hành ngày 16/6/2010, Ngân hàng thương mại (gọi tắt là ngân hàng) là một loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện toàn bộ hoạt động ngân hàng và các hoạt động khác có liên quan, như: nhận tiền gửi, cấp tín dụng và cung ứng dịch vụ thanh toán tài khoản. Theo Nguyễn Minh Kiều (2012), các nghiệp vụ chủ yếu của ngân hàng thương mại bao gồm huy động vốn, hoạt động cấp tín dụng, hoạt động thanh toán, hoạt động ngân quỹ, và các hoạt động khác như góp vốn mua cổ phần, tham gia thị trường tiền tệ, kinh doanh bất động sản, kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, nghiệp vụ ủy thác và đại lý, dịch vụ tư vấn và các nghiệp vụ khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Hoạt động huy động vốn gồm các hoạt động: nhận tiền gửi của tổ chức, cá nhân và các tổ chức tín dụng khác dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn và các loại tiền gửi khác; phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu và giấy tờ có giá khác để huy động vốn của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vay vốn ngắn hạn của ngân hàng nhà nước và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Hoạt động cấp tín dụng cho các tổ chức, cá nhân được thực hiện dưới các hình thức cho vay, chiết khấu thương phiếu và giấy tờ có giá khác, bảo lãnh, cho thuê tài chính và các hình thức khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước như bao thanh toán, tài trợ nhập khẩu, tài trợ xuất khẩu, cho vay thấu chi, cho vay theo hạn mức tín dụng, cho vay dự phòng,… Trong các hoạt động cấp tín dụng, cho vay là hoạt động quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Hoạt động thanh toán và ngân quỹ của các ngân hàng thương mại bao gồm: cung cấp các phương tiện thanh toán, thực hiện các dịch vụ thanh toán trong nước cho khác hàng; thực hiện các dịch vụ thu hộ và chi hộ. Ngoài các hoạt động truyền thống, các ngân hàng thương mại còn có thể thực hiện một số hoạt động khác, bao gồm góp vốn và mua cổ phần; tham gia thị trường tiền tệ; kinh doanh ngoại hối; ủy thác và nhận ủy thác; cung ứng dịch vụ bảo hiểm; tư vấn tài chính; và bảo quản vật quý giá.

2. Rủi ro tín dụng và quản trị rủi ro tín dụng trong ngân hàng

2.1. Khái niệm rủi ro tín dụng

Rủi ro tín dụng, theo định nghĩa bởi Hiệp ước Basel ra đời năm 2010 và Rose (2002), là khả năng mà ngân hàng sẽ mất một phần hoặc toàn bộ khoản vay từ những sự kiện đe dọa khả năng thanh toán của khách hàng. Các sự kiện không mong muốn này bao gồm phá sản của khách hàng hoặc sự cố tình từ chối thanh toán khoản nợ của khách hàng. Theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN liên quan đến việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng là tổn thất có khả năng xảy ra đối với nợ của tổ chức tín dụng do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình theo cam kết. Như vậy, dù cách thể hiện khác nhau nhưng các khái niệm về rủi ro tín dụng được đưa ra đều hội tụ chung ở một điểm là rủi ro tín dụng chính là tổn thất mà ngân hàng có thể gặp phải từ sự không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán của khách hàng.

Rủi ro tín dụng là một trong những mối lo ngại rất lớn của các ngân hàng thương mại vì rủi ro này không những ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động và uy tín của ngân hàng mà còn quyết định sự tồn tại và phát triển của ngân hàng. Rủi ro tín dụng làm cho giá trị tài sản của ngân hàng giảm sút, làm mất vốn và sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của ngân hàng. Bessis (2002) nhấn mạnh rằng, ngân hàng cần đặc biệt quan tâm đến rủi ro tín dụng vì chỉ cần một số lượng nhỏ các khách hàng chính của ngân hàng mất khả năng thanh toán cũng có thể dẫn đến những tổn thất lớn cho ngân hàng. Đặc biệt, đối với các ngân hàng còn nghèo nàn trong việc kinh doanh dịch vụ tài chính, trong khi tín dụng được coi là nghiệp vụ sinh lời chủ yếu thì rủi ro tín dụng lại càng được chú ý.

2.2. Đo lường rủi ro tín dụng

Theo Phạm Thu Thủy, Đỗ Thị Thu Hà (2013), cách tiếp cận truyền thống đo lường rủi ro tín dụng được thực hiện thông qua các chỉ tiêu như hệ số nợ quá hạn, hệ số nợ xấu, hệ số rủi ro mất vốn, hệ số khả năng bù đắp rủi ro,… Trong các chỉ tiêu này, nợ xấu là chỉ tiêu phổ biến nhất để đo lường rủi ro tín dụng. Theo Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN liên quan đến việc phân loại nợ thì nợ xấu (NPL) là các khoản nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5. Nhóm 3 là các khoản nợ dưới tiêu chuẩn, các khoản nợ đã quá hạn từ từ 90 đến 180 ngày. Nhóm 4 gồm các khoản nợ ghi ngờ, với thời gian quá hạn từ 181 đến 360 ngày. Trong khi đó, nợ có khả năng mất vốn là các khoản nợ trong nhóm 5, đã quá hạn trên 360 ngày.

Sử dụng chỉ tiêu nợ xấu để đo lường rủi ro tín dụng được đánh giá là trực quan và có thể áp dụng khá đơn giản. Chỉ tiêu này giúp ngân hàng kịp thời đánh giá được quy mô và tỷ lệ vốn khó có thể thu hồi của một danh mục cho vay tại thời điểm hiện tại. Chính vì vậy, có khá nhiều nghiên cứu sử dụng nợ xấu để mô tả rủi ro tín dụng của một NHTM, tiêu biểu là nghiên cứu của Eisenbeis và cộng sự (1999); González (2005); Cheng và Kao (2011); Ghafooria và cộng sự, (2013), trong đó, rủi ro tín dụng đo bằng tỷ lệ nợ xấu trên tổng nợ. Tuy nhiên, các chỉ tiêu này chưa thực sự gắn với khái niệm rủi ro tín dụng như một khả năng mất vốn trong tương lai. Nói cách khác, ngân hàng khó có thể dự đoán được tại một thời điểm trong tương lai, mức độ rủi ro của ngân hàng mình sẽ là bao nhiêu. Ngoài ra, các chỉ số liên quan đến nợ xấu chịu ảnh hưởng lớn từ cách phân loại và nhận biết nợ xấu, một khi cách phân loại này thay đổi thì mức độ rủi ro của ngân hàng cũng thay đổi theo. Thêm nữa, để giảm hệ số nợ xấu, ngân hàng có thể gia tăng dư nợ tín dụng. Khi đó hệ số nợ xấu có thể cải thiện nhưng rủi ro tín dụng không những giảm mà còn có nguy cơ nghiêm trọng thêm (Phạm Thu Thủy, Đỗ Thị Thu Hà, 2013).

Ngoài phương pháp đo lường truyền thống, rủi ro tín dụng còn đo bằng dự phòng rủi ro cho vay. Rủi ro tín dụng tính toán theo phương pháp này được coi là một khoản chi phí của ngân hàng biểu hiện bằng số tiền được trích lập để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra đối với các khoản cho vay của ngân hàng. Cách xác định mức dự phòng rủi ro này căn cứ vào việc phân loại nợ của ngân hàng theo từng nhóm, trong đó không chỉ có nhóm nợ xấu nên đã làm cho việc đo lường rủi ro trở nên toàn diện hơn. Dưới góc độ nghiên cứu, việc thu thập số liệu về rủi ro tín dụng sử dụng chỉ tiêu dự phòng rủi ro cho vay trở nên dễ dàng hơn nhiều vì chỉ tiêu này thể hiện trong báo cáo tài chính của ngân hàng với con số đáng tin cậy hơn so với chỉ tiêu nợ xấu mà ngân hàng công bố.

Theo Ahmed và cộng sự (1998) và Fisher, Gueyie và Ortiz (2000), dự phòng rủi ro cho vay có mối quan hệ cùng chiều với tỷ lệ nợ xấu và vì thế dự phòng rủi ro cho vay càng cao thì chất lượng khoản vay càng giảm và rủi ro tín dụng tăng. Từ đó, thước đo này ngày càng được sử dụng phổ biến trong các nghiên cứu liên quan đến rủi ro tín dụng (Tsolas và Charles, 2015; Sun và Chang, 2010; Chang và Chiu, 2006; Mester, 1996). Đặc biệt, Knaup và Wagner (2012) đã đồng thời đo lường rủi ro tín dụng bằng các chỉ tiêu như dự phòng rủi ro cho vay, nợ có vấn đề, tỷ lệ nợ trên tổng vốn chủ sở hữu, nợ không có bảo đảm. Kết quả nghiên cứu cho thấy rủi ro tín dụng đo lường bằng chi phí dự phòng rủi ro cho vay có tác động đáng kể hơn cả đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng so với các chỉ tiêu đo lường còn lại của rủi ro tín dụng. Tuy vậy, sự lựa chọn chỉ tiêu này để mô tả rủi ro tín dụng cũng vấp phải một số phản đối của các nhà nghiên cứu khác, chẳng hạn, Podpiera và Weill (2008) cho rằng tỷ lệ dự phòng không hoàn toàn chính xác để mô tả rủi ro vì nó mang tính ước tính và phụ thuộc rất nhiều vào chính sách quản trị rủi ro của ngân hàng đó.

Ngoài hai cách đo lường rủi ro tín dụng trực tiếp kể trên, Sillah và cộng sự (2015) lại sử dụng chỉ số an toàn vốn (Capital Adequacy Ratio – CAR) bằng vốn cấp 1 trên tổng tài sản của ngân hàng trong nghiên cứu của mình để đánh giá một cách gián tiếp về rủi ro tín dụng. Chỉ số này đánh giá khả năng các ngân hàng có thể thích ứng với rủi ro tín dụng.

Như vậy, việc sử dụng tỷ lệ nợ xấu, chỉ số an toàn vốn hay dự phòng rủi ro cho vay để mô tả rủi ro tín dụng đã được đồng thời sử dụng một cách đa dạng trong các nghiên cứu có liên quan trong thời gian vừa qua. Trong bối cảnh nghiên cứu tại Việt Nam, chỉ tiêu dự phòng rủi ro cho vay được coi là phù hợp hơn vì các thông tin về nợ xấu của các ngân hàng thương mại không được công bố một cách công khai và độ xác thực không được bảo đảm. Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro cho vay là một chỉ tiêu có thể thu được trên báo cáo tài chính ngân hàng với tỷ lệ trích lập đã được hướng dẫn cụ thể bởi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

2.3. Quản trị rủi ro tín dụng

Rủi ro tín dụng có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân từ bên trong hoặc bên ngoài mà ngân hàng không kiểm soát được. Các nguyên nhân dẫn đến rủi ro tín dụng từ phía các ngân hàng thương mại bao gồm sự yếu kém trong các phương pháp xếp hạng tín dụng nội bộ và cơ cấu quản trị nội bộ, hay thiếu quy trình định giá độc lập và liên tục cũng như thiếu hệ thống cảnh báo sớm để chỉ ra dấu hiệu của nợ xấu. Từ đó, quản trị rủi ro tín dụng là quá trình ngân hàng tác động đến hoạt động tín dụng thông qua bộ máy và công cụ quản lý để phòng ngừa, cảnh báo, đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế đến mức tối đa rủi ro tín dụng. Quản trị rủi ro tín dụng bao gồm các biện pháp như thiết lập chính sách tín dụng, phân tích và thẩm định tín dụng, xếp hạng tín dụng, chấm điểm tín dụng và bảo đảm tín dụng.

Biện pháp trước tiên trong công tác quản lý rủi ro tín dụng là xác định mục tiêu và thiết lập chính sách tín dụng của ngân hàng. Mục tiêu của quản lý rủi ro tín dụng là giảm thiểu rủi ro tín dụng đến mức thấp nhất có thể được. Các ngân hàng đều theo dõi sát sao và thường xuyên báo cáo với hội đồng quản trị về chỉ tiêu này. Để đạt được mục tiêu quản lý rủi ro tín dụng đề ra, các ngân hàng cần thiết lập cho mình chính sách tín dụng phù hợp.

Phân tích và thẩm định tín dụng là hai khâu rất quan trọng trong toàn bộ quy trình tín dụng. Mục tiêu của phân tích tín dụng là nhằm đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để quyết định cho vay, theo đó, ngân hàng chỉ cho vay khi đánh giá được khách hàng có khả năng trả nợ. Trong khi đó, mục tiêu của thẩm định tín dụng là đánh giá mức độ tin cậy của phương án sản xuất kinh doanh và dự án đầu tư mà khách hàng lập và nộp cho ngân hàng trong hồ sơ vay vốn, theo đó, ngân hàng cũng chỉ cho vay khi nào thẩm định và đánh giá được phương án sản xuất kinh doanh và dự án đầu tư của khách hàng là đáng tin cậy.

Xếp hạng tín dụng là kỹ thuật đánh giá rủi ro tín dụng do các tổ chức xếp hạng thực hiện và công bố dựa trên các tiêu chí phản ánh uy tín tín dụng của người vay nợ. Hai tổ chức xếp hạng tín dụng uy tín là Standard & Poor (S&P) và Moody’s Investor Service and Fitch. S&P xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp cao nhất là AAA xuống thấp nhất là C, hạng càng thấp thì rủi ro tín dụng càng cao. Xếp hạng tín dụng chỉ áp dụng cho các khách hàng là doanh nghiệp. Đối với các khách hàng cá nhân, đặc biệt là các khách hàng vay tiêu dùng và mua bất động sản, ngân hàng thường áp dụng hình thức chấm điểm tín dụng.

Chấm điểm tín dụng là kỹ thuật sử dụng các dữ liệu nghiên cứu thống kê và hoạt động để đánh giá mức độ rủi ro tín dụng đối với khách hàng. Điểm tín dụng thể hiện ở một con số do ngân hàng xác định dựa trên cơ sở phân tích thống kê của chuyên viên tín dụng, của phòng tín dụng hoặc công ty chuyên thực hiện dịch vụ chấm điểm tín dụng.

Bảo đảm tín dụng (bảo đảm tiền vay) là việc tổ chức tín dụng áp dụng các biện pháp nhằm phòng ngừa rủi ro, tạo cơ sở kinh tế và pháp lý để thu hồi được các khoản nợ đã cho khách hàng vay. Các hình thức bảo đảm tín dụng gồm: thế chấp tài sản, cầm cố tài sản, bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay và bảo đảm bằng hình thức bảo lãnh.

3. Khái quát về hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại

Trong các nghiên cứu đã tiến hành, khái niệm hiệu quả kinh doanh ngân hàng được nhìn nhận ở hai góc độ: truyền thống và hiện đại. Theo cách tiếp cận truyền thống, hiệu quả kinh doanh của một ngân hàng được đánh giá bằng cách so sánh lợi nhuận mà ngân hàng thu được với chi phí mà ngân hàng đã bỏ ra trong một khoảng thời gian nhất định. Từ đó, hiệu quả kinh doanh ngân hàng được đo lường bằng các chỉ số như tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) hoặc tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA), tốc độ tăng trưởng doanh thu, … Có thể thấy rằng, cách đo lường hiệu quả này đơn giản, dễ thực hiện nhưng lại có nhược điểm lớn đó là không phản ánh được sự thay đổi của giá đầu vào, giá đầu ra và các yếu tố khác làm cho một ngân hàng không thể hoạt động ở mức tối ưu được.

Trong khoảng 30 năm trở lại đây, các nhà nghiên cứu đã sử dụng cách tiếp cận thứ hai, dựa trên khái niệm về đường biên hiệu quả để nghiên cứu về hiệu quả kinh doanh ngân hàng. Đây là cách tiếp cận hiện đại cho biết hiệu quả kinh doanh của một ngân hàng được xác định dựa trên sự so sánh kết quả mà ngân hàng đạt được so với các ngân hàng tương tự khác.

Liên quan đến cách tiếp cận hiện đại, Lovell (1992) cho rằng hiệu quả kinh doanh của một tổ chức bất kỳ phản ánh mối quan hệ giữa lượng đầu ra và đầu vào của một tổ chức trong sự so sánh với giá trị đầu vào tối thiểu hay đầu ra tối đa mà tổ chức đó có thể đạt được. Nói cách khác, mối quan hệ này có thể đo lường bằng cách so sánh đầu ra đạt được của một tổ chức với đầu ra tối đa mà tổ chức đó có thể đạt được trên một lượng đầu vào nhất định hoặc bằng cách so sánh đầu vào mà tổ chức đó thực tế sử dụng với đầu vào tối thiểu có thể sử dụng để thu được một lượng đầu ra không đổi. Cách tiếp cận thứ hai này được đã phát triển khá đầy đủ, phong phú trong đó hiệu quả kinh doanh ngân hàng được đo lường dưới nhiều góc độ và phương pháp khác nhau. Chẳng hạn, hiệu quả kinh doanh của ngân hàng có thể được phân loại thành hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả chi phí, hiệu quả lợi nhuận, … theo các cách tiếp cận hướng về đầu vào và hướng về đầu ra.

Như vậy, có thể thấy rằng đang tồn tại hai luồng quan điểm tương đối khác biệt về hiệu quả kinh doanh ngân hàng trong các nghiên cứu học thuật và thực tiễn. Các lý thuyết liên quan đến hai cách tiếp cận này sẽ được trình bày cụ thể trong các bài viết cùng chủ đề, trong đó, hiệu quả kinh doanh ngân hàng theo cách tiếp cận hiện đại được gọi là cách tiếp cận hiệu quả kinh doanh ngân hàng theo đường biên hiệu quả.

 Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Thu Nga (2017). Phân tích mối quan hệ giữa rủi ro tín dụng với hiệu quả kinh doanh của các NHTMCP Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
  2. Nguyễn Minh Kiều (2012), Nghiệp vụ Ngân hàng hiện đại, NXB Lao động xã hội.
  3. Phạm Thị Thu Thủy, Đỗ Thị Thu Hà (2013), “Đổi mới cách thức đo lường rủi ro tín dụng tại các NHTM Việt Nam trong quá trình tái cấu trúc hệ thống”.
  4. Sillah, M. S. & 1, Khokhar, Imran., Khan, N.M. (2015) Journal of Applied Finance & Banking, ISSN: 1792-6580 (print version), 1792-6599 (online) Scienpress Ltd, vol. 5, no. 2, pp. 109-122.
  5. Eisenbeis, R.A., Ferrier, G.D., Kwan, S.H. (1999), ‘The Informativeness of Stochastic Frontier and Programming Frontier Efficiency Scores: Cost Efficiency and Other Measures of Bank Holding Company Performance’ Federal Reserve Bank of Atlanta Working Paper, pp. 99–23.
  6. González, F., ( 2005), ‘Bank regulation and risk-taking incentives: an internationalcomparison of bank risk’, Journal of Banking and Finance, 29, pp.1153–1184.
  7. Chen, K.C., and Kao, C.H. (2011), ‘Measurement of credit risk efficiency and productivity change for commercial banks in Taiwan’, The journal of American Academy of Business, 16(2), pp. 279-286.
  8. Ghafoorian, H., Anuar, A., Abubakar, N. (2013), ‘Eficiency considering credit risk in banking industry, using two-stage DEA’, Journal of Social and Development Sciences, 4(8), pp. 356-360.
  9. Ahmed, A.S., Takeda, C., and Shawn, T. (1998), ‘Bank Loan Loss provision: A reexamination of capital management, Earnings Management and Signaling Effects’, Working paper, Department of Accounting, Syracuse University, pp.1-37.
  10. Fischer, K.P., Gueyie, J.P. and Ortiz, E. (2000), ‘Risk-taking and Charter Value of Commercial Banks’ From the NAFTA Countries’, paper presented at the 1st International Banking and Finance Conference, Nikko Hotel, Kuala Lumpur, Malaysia.
  11. Tsolas, I. E., & Charles (2015), V.Q,Incorporating risk into bank efficiency: A satisficing DEA approach to assess the Greek bankingcrisis. Expert Systems with Applications. http://dx.doi.org/10.1016/j.eswa.2014.12.033.
  12. Sun,L. and Chang, T.P. (2010), “A comprehensive analysis of the effects of risk measures on bank efficiency:Evidence from emerging Asian countries”, Journal of Banking & Finance, 35, pp. 727-1735
  13. Chang, T.C., and Chiu, Y.H. (2006), ‘Affecting Factors on Risk-Adjusted Efficiency in Taiwan’s Banking Industry’, Contemporary Economic Policy, 24(4), pp. 634-648.
  14. Mester, L.J. (1996), ‘A study of bank efficiency taking into account risk-preferences’, Journal of Banking & Finance, 20, pp.1025-1045.
  15. Knaup, M., & Wagner W. B. (2012), ‘A market-based measure of credit quality and bank performance during the subprime crisis’, Management Science, 58(8), pp.1423-1437.
  16. Podpiera, J., Weill, L. (2008), ‘Bad luck or bad management? Emerging banking market experience’, Journal of Finance, 4, pp. 135-148.
  17. Lovell, C. and Thore, SA., (1992). “Productive Efficiency under Capitalism and State Socialism: the Chance-Constrained Programming Approach.” Publique Finance, 47, pp. 109-12.
Share.