Ngân hàng thương mại là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, có hoạt động kinh doanh phức tạp nhất trong nền kinh tế. Xét về bản chất thì ngân hàng thương mại là một loại hình trung gian tài chính đứng giữa người cho vay và đi vay, hoạt động cơ bản của ngân hàng là đi vay để cho vay và đối tượng giao dịch của ngân hàng là các tổ chức kinh tế và cá nhân. Theo điều 4, Luật các Tổ chức tín dụng thì: “Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này. Theo tính chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã.

Hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ sau đây:

(1) Nhận tiền gửi;

(2) Cấp tín dụng;

(3) Cung ứng dịch vụ thanh khoản qua tài khoản”.

Hoạt động chủ yếu và thường xuyên của NHTM trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ là nhận tiền gửi, cấp tín dụng và cung cấp các dịch vụ tài chính. Hoạt động kinh doanh tiền tệ của NHTM được biểu hiện qua chênh lệch tỷ giá hối đoái; chênh lệch lãi suất; chuyển đổi kỳ hạn nguồn vốn- tài sản; chuyển đổi rủi ro nguồn vốn – tài sản; tích tụ và tập trung tư bản.

Vì vậy, hoạt động kinh doanh ngân hàng mang những đặc điểm rất khác biệt so với các loại hình doanh nghiệp khác, điều đó đặt ra những yêu cầu cho việc thiết kế và vận hành hệ thống KSNB trong các NHTM, đó là:

Thứ nhất, NHTM là những doanh nghiệp có quy mô rất lớn trên cả góc độ tổng tài sản và vốn chủ sở hữu

NHTM nắm giữ một khối lượng lớn tài sản của nền kinh tế, bao gồm các tài sản tài chính, tiền mặt và các giấy tờ có giá. Đây là các tài sản rất nhạy cảm với các hành vi biển thủ, gian lận, đồng thời giá trị của một số tài sản có thể thay đổi nhanh chóng và khó xác định. Chỉ một sự thay đổi nhỏ trong giá trị của các tài sản này có thể ảnh hưởng đến vốn chủ sở hữu của NHTM. Giá trị lớn và tính nhạy cảm của các tài sản của ngân hàng là một yếu tố làm tăng rủi ro tiềm tàng trên cả phương diện BCTC cũng như các khoản mục, nghiệp vụ của NHTM.

Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn và ghi sổ đúng đắn giá trị các tài sản, ngân hàng phải có một hệ thống kho quỹ cũng như các thiết bị bảo vệ an ninh, ngân hàng phải thiết lập các quy trình nghiệp vụ chặt chẽ có sự kiểm tra chéo giữa các bộ phận, thiết lập quyền hạn cho mỗi cá nhân đồng thời hệ thống KSNB phải thực hiện đúng chức năng và trách nhiệm. Hơn nữa, để bảo đảm an toàn tài sản của ngân hàng, hạn chế tối đa sự biển thủ tiền và tình trạng thất thoát vốn tín dụng đòi hỏi hệ thống KSNB phải thiết lập cơ chế phân công, phân nhiệm độc lập trên phạm vi rộng và một loạt các thủ tục kiểm soát chặt chẽ quá trình xử lý nghiệp vụ, tuân thủ nghiêm ngặt việc kiểm tra, đối chiếu hàng ngày và kiểm soát vật chất định kỳ.

Thứ hai, hoạt động kinh doanh của ngân hàng luôn tiềm ẩn rủi ro đặc thù so với các ngành khác

Do ngân hàng thường thực hiện các giao dịch lớn và phức tạp về tiền tệ. Hơn nữa, các NHTM liên tục phát triển các sản phẩm mới, những công cụ tài chính mới do sức ép của cạnh tranh, tự do hóa tài chính, sự phát triển của khoa học công nghệ. Các sản phẩm mới có mức rủi ro cao do sự phát triển của chúng thường đi trước những nguyên tắc kế toán và kiểm toán cũng như các quy tắc giám sát khác. Vì vậy, phát triển sản phẩm mới để cạnh tranh là xu hướng tất yếu của các NHTM trong tình hình hiện nay nhưng cũng chính là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro và sai phạm ảnh hưởng đến tài chính của ngân hàng. Các rủi ro thường xuất hiện trong hoạt động của ngân hàng bao gồm: rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động, rủi ro tỷ giá. Do đó, thiết kế và vận hành hệ thống KSNB như thế nào để phát huy tính hiệu quả trong việc giám sát, kiểm soát và ngăn ngừa các rủi ro có thể phát sinh trong hoạt động của ngân hàng thông qua việc phân tích kỹ lưỡng các khả năng xảy ra rủi ro, loại hình rủi ro, mức độ rủi ro và cách thức quản lý rủi ro của từng loại nghiệp vụ.

Thứ ba, NHTM có quan hệ khách hàng rất rộng lớn và đa dạng

Các khách hàng của ngân hàng gồm khách hàng tiền gửi, khách hàng vay vốn và khách hàng sử dụng các dịch vụ của ngân hàng. Tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của ngân hàng là mối quan tâm rất lớn đối với họ vì nếu ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt, môi trường lành mạnh sẽ là những điểm cộng đồng thời gia tăng niềm tin của khách hàng. Ngược lại, tình hình tài chính và kết quả kinh doanh không tốt sẽ làm giảm uy tín và niềm tin của khách hàng. Từ đặc điểm này đòi hỏi các NHTM phải thiết lập cho mình một hệ thống KSNB có thành phần hệ thống thông tin và truyền thông phải trung thực, minh bạch, kịp thời và chính xác đặc biệt là trong thời đại cách mạng công nghiệp hiện nay.

Thứ tư, phạm vi hoạt động của NHTM rất rộng lớn với mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch khắp cả nước.

Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch của NHTM rất lớn và đa dạng cả về số lượng và giá trị đòi hỏi phải được xử lý tức thời nhanh chóng và chính xác. Do đó xét trên hai góc độ phạm vi và khối lượng giao dịch của loại hình doanh nghiệp đặc biệt này thì ngân hàng phải có một hệ thống kế toán và KSNB phức tạp dựa trên cơ sở ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin. Mạng lưới chi nhánh rộng kéo theo sự phân quyền lớn và sự phân tán trong chức năng kế toán và quản lý. Hệ thống công nghệ thông tin trong ngân hàng thường rất phức tạp, thường phải xử lý các giao dịch tự động, trực tuyến và tức thời theo thời gian thực. Đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ hệ thống quản lý về thời gian đáo hạn và khả năng thanh khoản của các loại tài sản tài chính.

Thứ năm, hệ thống ngân hàng có tính phụ thuộc nhau rất lớn.

Đây cũng là đặc điểm khác biệt lớn với các doanh nghiệp khác, đó là rủi ro trong hệ thống ngân hàng có tính lan tỏa rất nhanh. Nếu chỉ một ngân hàng gặp khó khăn trong hoạt động có thể gây ra nguy cơ cho cả hệ thống ngân hàng. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn hoạt động của các NHTM là một trong những yếu tố quan trọng trong việc giữ gìn sự vững mạnh của hệ thống tài chính quốc gia. Đặc điểm này đòi hỏi việc thiết lập và vận hành hệ thống KSNB trong các ngân hàng phải có sự kết nối về mặt thông tin giữa các ngân hàng để đảm bảo an toàn chung của hệ thống một khi có sự cố xảy ra ở bất cứ một ngân hàng nào.

Thứ sáu, hệ thống ngân hàng chịu sự quản lý chặt chẽ nhất từ phía các cơ quan quản lý

Vì các ngân hàng nắm giữ một khối lượng lớn tài sản trong nền kinh tế nhưng hoạt động lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sự sụp đổ của một ngân hàng có thể kéo theo sự sụp đổ của toàn hệ thống gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra, giám sát ngân hàng của NHNN phải thực hiện tốt việc giám sát chặt chẽ hoạt động của ngân hàng nhằm quản lý hạn mức rủi ro và ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận. Tuy nhiên, Nhà nước quản lý thông qua luật pháp và những quy định trong lĩnh vực ngân hàng cũng thường xuyên thay đổi để phù hợp với điều kiện thực tế và thông lệ quốc tế. Vì vậy, hệ thống KSNB thiết kế và vận hành phải linh hoạt nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật nhưng có thể dễ dàng điều chỉnh khi có sự thay đổi của các luật lệ, quy định.

Tham khảo thêm

Bùi Thanh Sơn (2020). Kiểm soát nội bộ trong các ngân hàng thương mại Việt Nam. Luận án tiến sĩ Kinh tế (Chuyên ngành Quản lý kinh tế). Học viện Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Hà Nội.

Share.