Có thể thấy, yếu tố chính trị – luật pháp là một trong những yếu tố thuộc môi trường vĩ mô có ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong đó, những chính sách của nhà nước có vai trò vô cùng quan trọng trong việc quản lý, điều tiết cũng như tạo cơ hội thúc đẩy sự phát triển của các loại hình doanh nghiệp. Đối với các Doanh nghiệp xã hội (DNXH) nói chung và DNXH trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng (DLCĐ) nói riêng, rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước bằng những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ và tạo dựng một môi trường thuận lợi để có thể vận hành và phát triển một cách hiệu quả.

Những chính sách này bao gồm những nội dung sau:

1. Định hướng mục tiêu cho các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng tham gia hoạt động kinh tế – xã hội

Do chính sách phản ánh thái độ, cách xử sự của nhà nước đối với một vấn đề công nên nó thể hiện rõ những xu thế tác động của nhà nước lên các chủ thể trong xã hội, giúp các chủ thể vận động đạt được những giá trị tương lai mà nhà nước mong muốn. Vì thế, nếu các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ hoạt động theo định hướng tác động của chính sách thì các doanh nghiệp không những dễ dàng đạt được mục tiêu phát triển mà còn nhận được những ưu đãi nhất định từ phía nhà nước hay xã hội. Chính vì thế, để thúc đẩy sự phát triển của các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ, trước hết nhà nước cần xem xét tới các chính sách mang tính định hướng phát triển cho loại hình doanh nghiệp này nhằm phát huy những giá trị nhân văn mà chúng mang lại cho xã hội, góp phần hỗ trợ nhà nước trong việc thực hiện các hoạt động vì cộng đồng.

2. Tạo động lực cho các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng tham gia hoạt động kinh tế – xã hội theo mục tiêu chung

Muốn đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội chung, nhà nước phải ban hành nhiều chính sách. Trong đó, mỗi chính sách lại có những cách thức tác động mang tính khuyến khích đối với các chủ thể khác nhau. Theo đó, để thúc đẩy sự phát triển của các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ, cần có những chính sách khuyến khích cụ thể để các doanh nghiệp này có động lực phát triển hoạt động kinh doanh, góp phần gia tăng các tác động kinh tế, xã hội, môi trường cho cộng đồng. Những chính sách đó có thể là: cải cách hành chính, trợ giúp tài chính, tạo cơ hội tiếp cận với nguồn vốn có lãi suất ưu đãi cùng các chế độ ưu đãi đặc biệt khác. Cụ thể:

2.1. Chính sách cải cách hành chính:

Cải cách hành chính là khâu trọng yếu quyết định sự tăng trưởng và phát triển của các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ. Cải cách hành chính có hiệu quả cao sẽ tạo ra một bộ khung thể chế thống nhất, hoàn chỉnh ngày càng phù hợp. Bộ khung thể chế cho sự phát triển các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ bao gồm tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung điều chỉnh đến các quan hệ kinh tế có liên quan tới các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ. Do đó, nếu cải cách hành chính không tiến hành kịp thời, đồng bộ và hiệu quả không cao sẽ trở thành trở lực, kìm hãm sự phát triển của loại hình doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, cải cách hành chính sẽ kịp thời rà soát, chấn chỉnh, loại bỏ, phát hiện vướng mắc, bổ sung, thay đổi nhằm tạo dựng các thủ tục trong kinh doanh một cách thuận tiện, kịp thời để các chủ thể kinh doanh DNXH trong lĩnh vực DLCĐ đón bắt kịp thời các cơ hội kinh doanh, kích thích, thu hút và tạo sự hấp dẫn cho quá trình đầu tư.

Công tác cải cách hành chính tạo thuận lợi cho các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ bao gồm những nội dung sau:

– Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ;

– Công khai quy trình, thủ tục, điều kiện kinh doanh (nếu có), kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình;

– Xây dựng cơ chế, tạo điều kiện cho việc chuyển đổi, đăng ký kinh doanh mới dưới hình thức DNXH;

– Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ theo tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp;

– Tổ chức đối thoại công khai định kỳ với cộng đồng DNXH, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

2.2. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp:

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và hỗ trợ về tài chính nói riêng sẽ góp phần làm giảm gánh nặng của các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ trong bối cảnh triển khai hoạt động kinh doanh trong một môi trường đầy biến động và cạnh tranh gay gắt. Xét cho cùng, mục tiêu của các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ là góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường, mang lại lợi ích cho cộng đồng vốn thuộc về trách nhiệm của nhà nước. Vậy nên việc triển khai các chính sách trợ giúp các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ hoạt động và phát triển là một cách thể hiện sự chung tay góp sức của nhà nước trong việc cùng các doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu vì cộng đồng. Các chính sách đó bao gồm:

* Chính sách hỗ trợ tài chính:

– Giải quyết các vấn đề về thuế, giảm thuế cho các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ;

– Xây dựng cơ chế thành lập và hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ;

– Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về tư vấn tài chính, quản lý đầu tư và các dịch vụ khác cho khách hàng là đối tượng DNXH trong lĩnh vực DLCĐ;

– Tổ chức các chương trình đào tạo, hỗ trợ các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ nâng cao năng lực lập phương án kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu của tổ chức tín dụng khi thẩm định hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp;

– Thành lập Quỹ phát triển DNXH nhằm mục đích tài trợ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ, chú trọng hỗ trợ hoạt động đổi mới phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường, đầu tư, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Nguồn vốn của Quỹ này được cấp từ ngân sách nhà nước, đóng góp của các tổ chức trong nước, các khoản viện trợ tài trợ của các tổ chức nước ngoài, các tổ chức quốc tế, lợi nhuận từ các hoạt động của quỹ và các nguồn vốn hợp pháp khác.

* Chính sách hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường:

– Xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động xúc tiến mở rộng thị trường cho các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ;

– Trích một phần ngân sách xúc tiến thương mại quốc gia cho các DNXH và thông báo kết quả thực hiện cho các cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp phát triển DNXH trong lĩnh vực DLCĐ.

* Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực:

– Xây dựng kế hoạch và tổ chức hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ, chủ yếu tập trung vào kỹ năng quản trị doanh nghiệp;

– Lập kế hoạch và tổ chức hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ, chú trọng vào các kỹ năng phục vụ khách du lịch và kỹ năng quản lý DLCĐ.

3. Tạo môi trường thích hợp cho các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng hoạt động và phát triển

Không chỉ các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ mà các doanh nghiệp nói chung rất cần một hệ sinh thái thuận lợi để phát triển. Trong đó việc nhà nước tạo dựng một môi trường thích hợp thông qua các chính sách có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp vận hành thuận lợi và phát triển. Các chính sách đó là:

* Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo:

Môi trường kinh doanh có tác động lớn trong việc tạo điều kiện cho việc vận hành và phát triển của các doanh nghiệp nói chung và DNXH trong lĩnh vực DLCĐ nói tiêng. Nếu môi trường kinh doanh thuận lợi thì sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tận dụng những thuận lợi đó để dễ dàng hoạt động, phát triển hoạt động kinh doanh. Ngược lại, nó cũng có những ràng buộc đè nặng lên doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp không có sự thích ứng với môi trường. Vì thế, để tạo điều kiện thuận lợi cho các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ phát triển, nhà nước cần tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi thông qua các chính sách như:

– Xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ DNXH, đặc biệt là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo;

– Tăng cường nguồn vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao.

– Thành lập, tổ chức và vận hành các mô hình vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp, chương trình tăng tốc đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp theo hình thức đối tác công tư với sự tham gia của các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

* Bảo đảm quyền kinh doanh, hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp:

Nhà nước có thể góp phần bảo đảm quyền kinh doanh, hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp bằng một số chính sách sau:

– Quy định logic hệ thống pháp luật giữa luật chung và luật chuyên ngành một cách biện chứng với nhau.

– Tăng cường hoạt động tuyên truyền pháp luật cho các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ về quyền kinh doanh để họ có thể nắm bắt đầy đủ quyền hạn, chức năng của mình mà pháp luật đã quy định, bảo vệ và cho phép thực hiện. Sự nắm bắt của các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ có ý nghĩa rất lớn là tạo điều kiện cho các chủ thể kinh doanh thuận lợi trong tuân thủ pháp luật khi kinh doanh, tránh các rủi ro pháp lý. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển góp phần vào xây dựng kinh tế đất nước.

– Xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ DNXH trong lĩnh vực DLCĐ;

– Sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các quy định chồng chéo, không cần thiết về cấp phép kinh doanh, quản lý thị trường.

– Tháo gỡ khó khăn về thuế cho các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ.

* Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp:

Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và kiểm toán theo hướng lồng ghép, phối hợp và kế thừa kết quả hoạt động giữa các cơ quan. Công khai trước kế hoạch thanh tra, kiểm tra và kiểm toán doanh nghiệp để tránh trùng lặp, chồng chéo; không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực về quản lý thuế.

– Ban hành quy định chi tiết về an ninh, an toàn xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm pháp luật, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về môi trường… để bảo đảm sự bình đẳng và quyền lợi của các doanh nghiệp chân chính. Tạo môi trường lành mạnh, an toàn để doanh nghiệp kinh doanh theo đúng pháp luật.

4. Thúc đẩy sự phối hợp giữa các cấp, các ngành

Việc thực hiện các giai đoạn trong chu trình chính sách không thể do một cơ quan nhà nước đảm nhiệm mà cần có sự tham gia của nhiều cơ quan thuộc các cấp, các ngành khác nhau hay của nhiều tổ chức, cá nhân. Vì vậy, thông qua quá trình chính sách sẽ thúc đẩy sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo nên sự nhịp nhàng, đồng bộ trong hoạt động thực thi các chính sách thúc đẩy các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ phát triển.

Như vậy, thông qua các chính sách, nhà nước tạo dựng những điều kiện cần thiết để hình thành môi trường thuận lợi cho các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ hoạt động. Các chính sách chính là công cụ đặc thù để nhà nước sử dụng quản lý kinh tế vĩ mô. Trong hệ thống các công cụ quản lý thì chính sách được coi là công cụ có độ nhạy bén cao trước những biến động về kinh tế, xã hội của đất nước nhằm giải quyết các vấn đề mà xã hội đặt ra. Nó có thể khơi dậy các nguồn tiềm năng, phát huy tính tích cực, sáng tạo và ý chí vươn lên của các DNXH nói chung và DNXH trong lĩnh vực DLCĐ nói riêng. Trên đây là một số nội dung chính về chính sách phát triển DNXH trong lĩnh vực DLCĐ mà nhà nước có thể can thiệp để tạo động lực, thúc đẩy loại hình doanh nghiệp này phát triển.

Tham khảo thêm

Vũ Hương Giang (2019). Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực du lịch cộng đồng tại Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương. Hà Nội.

Share.