Doanh nghiệp xã hội (DNXH) trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng (DLCĐ) trước hết là một doanh nghiệp kinh doanh nhằm mục đích thu lợi nhuận, tuy nhiên ít nhất 51% số lợi nhuận này được cam kết sử dụng cho mục đích xã hội, môi trường và vì lợi ích cộng đồng tại điểm đến du lịch. Và như vậy, đã là một doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thì các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực DLCĐ sẽ chịu tác động bởi các nhân tố từ môi trường bên ngoài và bên trong như một doanh nghiệp kinh doanh truyền thống.

Sau đây là một số tác động của các nhân tố từ môi trường bên ngoài và bên trong doanh nghiệp đối với sự tồn tại và phát triển của một DNXH trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng.

1. Nhóm nhân tố thuộc môi trường vĩ mô

Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực DLCĐ sẽ chịu các tác động từ các nhân tố thuộc môi trường vĩ mô (PEST).

Các yếu tố đó bao gồm:

i) Các nhân tố chính trị – luật pháp (Political Factors);

ii) Các nhân tố kinh tế (Economic Factors);

iii) Các nhân tố văn hóa – xã hội (Social Factors);

iv) Các nhân tố công nghệ (Technological Factors).

Đây là bốn nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp đến ngành kinh tế. Các nhân tố này nằm bên ngoài sự kiểm soát của doanh nghiệp và ngành, do đó ngành phải chịu tác động mà nó đem lại như một yếu tố khách quan. Các doanh nghiệp cũng dựa trên các tác động đó để đưa ra những chiến lược phát triển kinh doanh phù hợp nhất.

1.1. Các nhân tố chính trị – luật pháp:

Các nhân tố về chính trị – luật pháp là những nhân tố có tầm ảnh hưởng tới tất cả các ngành kinh doanh trên một khu vực lãnh thổ. Nó có thể ảnh hưởng đến khả năng tồn tại và phát triển của bất cứ một ngành nghề nào. Khi kinh doanh trên một đơn vị hành chính, các doanh nghiệp sẽ phải buộc tuân theo các nhân tố thể chế chính trị – luật pháp tại khu vực đó. Các nhân tố chính trị – luật pháp thể hiện sự tác động của mình trên các khía cạnh về:

* Sự bình ổn

Đối với ngành Du lịch, sự bình ổn về chính trị, ngoại giao là điều kiện tiên quyết thu hút du khách đến với điểm đến. Một điểm du lịch chỉ có thể thu hút khách du lịch khi du khách được đảm bảo về sự an toàn trong quá trình lưu trú tại đó. Một điểm đến chứa đựng nhiều bất ổn về chính trị sẽ không phải là điểm đến được quan tâm trong quá trình đưa ra quyết định lựa chọn điểm đến của khách du lịch.

Đặc biệt, đối với các sản phẩm DLCĐ, điểm du lịch thường ở những vùng xa xôi, hẻo lánh với mức sống rất thấp của người dân địa phương thì sự bình ổn về chính trị rất nên được quan tâm để đảm bảo chuyến du lịch của du khách thành công.

* Chính sách

Các chính sách của Nhà nước sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với một DNXH, để đạt được mục tiêu về kinh tế đã là một nhiệm vụ rất vất vả trong môi trường kinh doanh cạnh tranh gay gắt. Dùng lợi nhuận ấy để thực hiện các mục tiêu xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và cộng đồng địa phương tại điểm đến thì còn khó khăn hơn rất nhiều nếu không có những chính sách hỗ trợ và những chương trình hành động cụ thể để thúc đẩy sự hoạt động của các DNXH này. Những chính sách này bao gồm các chính sách thương mại, chính sách phát triển ngành, phát triển kinh tế, thuế, các chính sách điều tiết cạnh tranh…

Hơn nữa, việc thực hiện các mục tiêu xã hội dù là tôn chỉ hoạt động mà các DNXH hướng tới nhưng chính nó đã giúp ích rất nhiều trong việc hoàn thiện những chế độ phúc lợi cho nhóm đáy xã hội mà Nhà nước không giải quyết được hết. Vì thế, những chính sách hỗ trợ thúc đẩy các DNXH nói chung và chính sách hỗ trợ DNXH trong lĩnh vực DLCĐ nói riêng có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy loại hình doanh nghiệp này phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.

* Các đạo luật liên quan

Hoạt động của các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ chịu nhiều tác động từ các đạo luật liên quan, trực tiếp và gián tiếp bao gồm: luật Doanh nghiệp, luật Du lịch, luật Đầu tư…Những quy định trong luật có tác động rất lớn tới sự hình thành, tồn tại và phát triển của các loại hình doanh nghiệp. Đối với các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ, nếu như việc thành lập doanh nghiệp phải tuân thủ theo luật doanh nghiệp hiện hành thì trong quá trình vận hành, kinh doanh các chương trình DLCĐ lại phải chịu sự ràng buộc từ những điều được quy định trong Luật Du lịch.

Bên cạnh việc kinh doanh thu lợi nhuận, doanh nghiệp du lịch còn phải thực hiện các mục tiêu xã hội mà mình đã cam kết … Vì thế, để đảm bảo mục tiêu xã hội được thực hiện, trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh ngoài việc quan tâm tới vận hành doanh nghiệp để thu lợi nhuận, các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ rất cần kêu gọi sự quan tâm và viện trợ của những cá nhân, tổ chức quan tâm tới các lĩnh vực thiện nguyện và thực hiện các mục tiêu xã hội.

Trên thực tế, rất nhiều tổ chức hoạt động theo kiểu cơ chế của DNXH với việc đặt mục tiêu xã hội lên hàng đầu nhưng không thành lập DNXH nên việc kêu gọi viện trợ và nhận viện trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước cũng có những khác biệt so với các doanh nghiệp đăng ký là DNXH.

Có thể thấy, một DNXH trong lĩnh vực du lịch, cũng như một doanh nghiệp kinh doanh đơn thuần, trong quá trình hoạt động sẽ chịu sự chi phối từ rất nhiều nhân tố chính trị như sự bình ổn, các chính sách và các đạo luật liên quan. Những tác động này nằm ngoài sự kiểm soát của ngành và bản thân doanh nghiệp. Vì thế, trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp cần thường xuyên nắm bắt và có những phân tích để tìm ra hướng đi cho doanh nghiệp mình một cách hợp lý và hiệu quả nhất.

1.2. Các nhân tố kinh tế

Hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp bất kỳ chịu sự tác động rất lớn từ các yếu tố kinh tế, cả trong ngắn hạn, dài hạn. Vì thế, các doanh nghiệp thường dựa trên các phân tích về các yếu tố kinh tế để đưa ra những quyết định về đầu tư cũng như về chiến lược phát triển. Những yếu tố này bao gồm: tình trạng của nền kinh tế, các yếu tố tác động đến nền kinh tế, các chính sách kinh tế của Chính phủ và triển vọng kinh tế trong tương lai.

Trong đó, đối với DNXH, khi mục tiêu hoạt động của nó không phải là lợi ích kinh tế mà là dựa vào lợi nhuận kinh tế để giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường, vì lợi ích cộng đồng thì các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Chính phủ càng có ý nghĩa và đóng vai trò quan trọng hơn. Nó có tác dụng tạo điều kiện cho các DNXH dễ dàng tiếp cận vốn, nhận được các ưu đãi thuế hay mở rộng các quy định về việc nhận hỗ trợ, viện trợ… từ các cá nhân, tổ chức có mong muốn và hành động hướng về các mục tiêu xã hội… Bằng cách này, hoạt động kinh doanh của các DNXH nói chung và DNXH trong lĩnh vực DLCĐ nói riêng sẽ có những bước phát triển thuận lợi.

1.3. Các nhân tố văn hóa – xã hội

Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ đều có những giá trị văn hóa và các yếu tố xã hội đặc trưng, và những yếu tố này là đặc điểm của người tiêu dùng tại các khu vực đó. Những giá trị văn hóa là những giá trị làm lên một cộng đồng, có thể vun đắp cho cộng đồng đó tồn tại và phát triển. Chính vì thế các yếu tố văn hóa thông thường ảnh hưởng và liên quan chặt chẽ tới bất cứ hoạt động của các cá nhân, tổ chức nào trong cộng đồng ấy. Trong đó, văn hóa tinh thần có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất.

1.4. Các nhân tố công nghệ

Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng của khoa học công nghệ hiện đại, hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc và ảnh hưởng rất lớn từ các yếu tố công nghệ. Sự ảnh hưởng của các yếu tố công nghệ tới hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và DNXH trong lĩnh vực DLCĐ nói riêng được thể hiện ở những khía cạnh như sự ảnh hưởng của công nghệ thông tin, mạng internet đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; đầu tư của Chính phủ, doanh nghiệp vào công tác nghiên cứu và phát triển; tốc độ, chu kỳ của công nghệ, tỷ lệ công nghệ lạc hậu…

Ngoài ra, cần chú ý rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tất cả và mỗi yếu tố trong môi trường vĩ mô đều chịu sự tác động và tương tác với môi trường quốc tế. Chẳng hạn như, chính sách phát triển DNXH của một quốc gia sẽ phải phù hợp với những cam kết quốc tế (nếu có) và những chuẩn mực, xu hướng trong chính sách của các quốc gia khác. Hay nhận thức, thị hiếu của người dân trong nước sẽ chịu ảnh hưởng của các quốc gia khác. Cũng khó có thể tách rời thị trường và môi trường hoạt động của DNXH trong một khu vực địa lý hay quốc gia. Nói cách khác, ở đây, không có ranh giới quốc gia trong môi trường vĩ mô đối với sự phát triển của DNXH.

2. Nhóm nhân tố thuộc môi trường ngành kinh doanh

Môi trường tác nghiệp đối với DNXH trong lĩnh vực DLCĐ được xác định là môi trường ngành kinh doanh du lịch, với tất cả các doanh nghiệp trong ngành du lịch chịu ảnh hưởng của môi trường tác nghiệp này. Môi trường tác nghiệp bao gồm các yếu tố trong ngành và là các yếu tố ngoại cảnh đối với doanh nghiệp, quyết định tính chất và mức độ cạnh tranh trong ngành kinh doanh đó. Theo Michael E Porter (2014), có 5 yếu tố cơ bản trong môi trường ngành kinh doanh có ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp là: đối thủ cạnh tranh, người mua, người cung cấp, các đối thủ mới tiềm ẩn và sản phẩm thay thế.

Minh họa mô hình năm lực lượng của Micheal Porter (Nguồn: Dịch từ ” Michael E Porter, Competitive Strategy :Techniques Analyzing Industries and Competitors, 2014, Free Press”)

2.1. Các đối thủ cạnh tranh hiện tại

DNXH trước hết là một doanh nghiệp kinh doanh thu lợi nhuận nhưng cách sử dụng lợi nhuận đó có điểm khác so với các doanh nghiệp truyền thống là sử dụng để tái đầu tư thực hiện các mục tiêu xã hội. Đã là doanh nghiệp kinh doanh thì DNXH cũng hoạt động và chịu sự tác động từ rất nhiều thành phần thuộc môi trường kinh doanh, trong đó có sự tác động của các đối thủ cạnh tranh. Sự hiểu biết về các đối thủ cạnh tranh có một ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp nói chung và DNXH trong lĩnh vực DLCĐ bởi các đối thủ cạnh tranh quyết định tính chất và mức độ tranh đua hoặc chiến thuật giành lợi thế trong ngành.

2.2. Khách hàng (khách du lịch)

Vấn đề khách hàng là một bộ phận không tách rời trong môi trường cạnh tranh. Sự tín nhiệm của khách hàng có thể là tài sản có giá trị nhất của doanh nghiệp. Đối với dịch vụ như du lịch, yếu tố quan trọng nhất để có thể cạnh tranh là sự tín nhiệm, uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng. Do chất lượng dịch vụ chỉ có thể kiểm chứng sau khi tiêu dùng nên yếu tố quan trọng nhất để khách du lịch lựa chọn chính là uy tín của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ vì thế cần quan tâm nhiều tới các khách hàng của mình để có thể phân loại các khách hàng hiện tại và tiềm năng, từ đó hoạch định các chiến lược phát triển doanh nghiệp.

2.3. Nhà cung ứng

Các doanh nghiệp cần phải mở rộng mối quan hệ với các tổ chức cung cấp các nguồn hàng khác nhau đảm bảo cho sự vận hành của doanh nghiệp. Nhà cung ứng trong lĩnh vực du lịch nói chung và trong lĩnh vực DLCĐ nói riêng bao gồm: Nhà cung cấp dịch vụ, nhà cung cấp vốn, nguồn lao động… Trong đó, nguồn lao động cũng là một yếu tố chính yếu trong môi trường cạnh tranh của doanh nghiệp. DNXH là một loại hình doanh nghiệp đặc thù, vì thế khả năng thu hút và giữ được các nhân viên có năng lực là tiền đề để đảm bảo thành công cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để làm được điều này không phải là dễ. Các yếu tố chính cần đánh giá là đội ngũ lao động chung bao gồm: trình độ đào tạo và trình độ chuyên môn của họ, mức độ hấp dẫn tương đối của doanh nghiệp với tư cách là người sử dụng lao động và mức tiền công phổ biến.

Bên cạnh đó, DLCĐ là loại hình du lịch sử dụng rất nhiều lao động từ chính cộng đồng địa phương tại điểm đến. Mà chất lượng dịch vụ 90% phụ thuộc vào yếu tố con người. Vì thế, để đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch cung cấp cho du khách trong quá trình hoạt động du lịch, các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ cần quan tâm nhiều tới chất lượng phục vụ du lịch của đội ngũ lao động du lịch trong cộng đồng địa phương. Đây cũng là yếu tố nền tảng giúp tăng cường chất lượng của các dịch vụ DLCĐ cung cấp cho du khách.

2.4. Đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn

Đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn là những doanh nghiệp chưa xuất hiện trong ngành hoặc mới xuất hiện trong ngành nhưng chưa cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Nhận diện các đối thủ mới có thể thâm nhập vào ngành là một điều quan trọng bởi họ có thể đe dọa đến thị phần của các doanh nghiệp hiện có trong ngành. Nguy cơ nhập cuộc của các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng cao thể hiện một sự đe dọa đối với khả năng sinh lợi của các doanh nghiệp đang hoạt động.

Ngược lại, nếu nguy cơ nhập cuộc thấp, các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ hiện tại sử dụng lợi thế của cơ hội này tăng giá và nhận được lợi nhuận cao hơn. Do đó, xác định và lên kế hoạch đối phó với các đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn là việc các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ rất cần quan tâm.

2.5. Sản phẩm thay thế

Sản phẩm thay thế là những sản phẩm khác nhau có thể thỏa mãn cùng nhu cầu của người tiêu dùng so với sản phẩm của doanh nghiệp hiện tại. Các sản phẩm này thường chiếm ưu thế hơn so với các sản phẩm của doanh nghiệp ở các đặc trưng riêng biệt. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch nói chung và DNXH trong lĩnh vực DLCĐ nói riêng, sản phẩm của các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau thông qua việc sáng tạo ra các giá trị mới, giá trị tăng thêm, giá trị cảm nhận hơn là giá trị hữu dụng vốn có của nó. Vì thế, đòi hỏi các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ cần luôn đề cao hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm để có thể cạnh tranh được với những sản phẩm mới tích hợp nhiều giá trị hơn cho khách hàng.

Ngoài ra, trong lĩnh vực DLCĐ, nhân tố cộng đồng cũng có ảnh hưởng rất lớn tới việc vận hành và phát triển của các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ. Cộng đồng chính là chủ thể của hoạt động DLCĐ. Chính cộng đồng là một thành tố cấu thành nên các sản phẩm, dịch vụ DLCĐ nên nhận thức và thái độ của cộng đồng sẽ ảnh hưởng tới cảm nhận và mức độ hài lòng của du khách về chất lượng các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho du khách.

Mặc dù vậy, do những lợi ích rất lớn mà DLCĐ mang lại nên tại hầu hết các điểm đến DLCĐ, thái độ của cộng đồng địa phương đối với du khách và các hoạt động du lịch nhìn chung là rất tích cực.

Tuy nhiên, do các điểm DLCĐ chủ yếu tập trung ở khu vực có trình độ dân trí không cao nên nhận thức của cộng đồng về DLCĐ và hoạt động của các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ còn nhiều hạn chế. Điều này khiến cách làm du lịch của một bộ phận cộng đồng còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho du khách. Do đó, khi xem xét các chính sách phát triển DNXH trong lĩnh vực DLCĐ, cần chú ý tới yếu tố cộng đồng để đảm bảo hiệu quả thực thi của của chính sách.

Trên đây là sự tác động của các nhân tố thuộc môi trường bên ngoài có ảnh hưởng tới sự tồn tại và phát triển của các DNXH trong lĩnh vực DLCĐ. Vì thế, trong quá trình hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp cần chú trọng theo dõi sự biến động của các yếu tố môi trường để có những điều chỉnh kịp thời, hợp lý nhằm đảm bảo sự phát triển hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

3. Nhóm nhân tố thuộc môi trường nội bộ doanh nghiệp

Môi trường bên trong hay còn được goi là môi trường nội bộ doanh nghiệp bao gồm các nguồn lực của doanh nghiệp: nguồn nhân lực, tài sản vật chất, các nguồn lực vô hình. Đây là nhóm yếu tố quyết định khả năng hoạt động của doanh nghiệp, quyết định sự thành bại trên thị trường; trong đó nguồn lực quan trọng nhất là con người. Trong từng thời kỳ, mỗi nguồn lực đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng so với các đối thủ cạnh tranh trong ngành do đó các Doanh nhân xã hội luôn luôn phải có thông tin về các nguồn lực hiện tại và tiềm năng phân tích và đánh giá chặt chẽ tận dụng đúng mức các nguồn lực sẵn có của mình nhằm tạo lợi thế trong cạnh tranh lâu dài.

3.1. Nguồn nhân lực

Con người là yếu tố cốt lõi trong mọi hoạt động của các loại hình doanh nghiệp, quyết định mức độ thành công của các doanh nghiệp. Trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNXH yếu tố này cực kỳ quan trọng vì mọi quyết định liên quan đến quá trình quản trị chiến lược đều do con người quyết định, khả năng cạnh tranh trên thị trường mạnh hay yếu, văn hóa tổ chức tốt hay chưa tốt v.v… đều xuất phát từ con người. Vì vậy nhân lực là yếu tố đầu tiên trong các nguồn lực mà các nhà quản trị doanh nghiệp có định hướng kinh doanh lâu dài cần xem xét, phân tích để quyết định nhiệm vụ, mục tiêu và những giải pháp cần thực hiện.

3.2. Nguồn lực vật chất

Nguồn lực vật chất bao gồm những yếu tố như: vốn sản xuất, nhà xưởng máy móc thiết bị, nguyên vật liệu dự trữ, thông tin môi trường kinh doanh v.v… Mỗi doanh nghiệp có các đặc trưng về các nguồn lực vật chất riêng, trong đó có cả điểm mạnh lẫn điểm yếu so với các đối thủ cạnh tranh trong ngành.

Do đó, việc phân tích và đánh giá đúng mức các nguồn lực vật chất là cơ sở quan trọng giúp nhà quản trị các doanh nghiệp hiểu được các nguồn lực vật chất tiềm tàng, những hạn chế… để có các quyết định quản trị thích nghi với thực tế như: khai thác tối đa các nguồn vốn bằng tiền và nguồn vốn cơ sở vật chất hiện có, lựa chọn và huy động các nguồn vốn bên ngoài khi thật sự có nhu cầu, chọn đối tượng cần hợp tác nhằm tăng qui mô nguồn lực vật chất, thực hiện dự trữ một tỉ lệ cần thiết để đảm bảo khả năng đương đầu (phòng thủ hoặc tấn công) với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước…

3.3. Các nguồn lực vô hình

Ngoài các nguồn lực trên, mỗi doanh nghiệp hoặc tổ chức còn có các nguồn lực khác mà con người chỉ nhận diện được qua tri giác, đó là các nguồn lực vô hình. Nguồn lực này có thể là thành quả chung của các thành viên trong tổ chức hoặc một cá nhân cụ thể và ảnh hưởng đến các quá trình hoạt động.

Nguồn lực vô hình thể hiện qua nhiều yếu tố, bao gồm nhiều yếu tố tiêu biểu như: Tư tưởng chủ đạo trong triết lý kinh doanh; Chiến lược và chính sách kinh doanh thích nghi với môi trường; Cơ cấu tổ chức hữu hiệu; Uy tín trong lãnh đạo của nhà quản trị các cấp; Uy tín doanh nghiệp trong quá trình phát triển…

Tuỳ theo tiềm lực sẵn có, quy mô và giá trị những nguồn lực này của mỗi doanh nghiệp có sự khác nhau và thay đổi theo thời gian. Nếu không nhận diện và đánh giá đúng mức các nguồn lực vô hình, nhà quản trị các DNXH dễ đánh mất các lợi thế sẵn có của mình trong quá trình kinh doanh.

Để có thể thành công lâu dài trên thị trường trong và ngoài nước, các DNXH cần thấy rõ tầm quan trọng của nguồn lực vô hình trong quá trình quản trị chiến lược nhận diện và đánh giá đúng mức các nguồn lực vô hình nhận viện và đánh giá đúng mức các nguồn lực vô hình sẵn có, biết được những nguồn lực vô hình chưa có để nỗ lực xây dựng và phát triền chúng trong tương lai.

Tham khảo thêm

Vũ Hương Giang (2019). Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực du lịch cộng đồng tại Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương. Hà Nội.

Share.