Từ lịch sử sơ khai của xã hội loài người, từ khi cất tiếng khóc chào đời, con người thông qua tự nhiên đã biết đến âm nhạc. Âm nhạc là loại hình nghệ thuật diễn tả bằng âm thanh, là một phương tiện để con người giao tiếp; trao gửi tình cảm; là tiếng nói chung của các dân tộc trên thế giới. Âm nhạc có rất nhiều tác dụng trong cuộc sống như: Giải trí, giáo dục, là nguồn hạnh phúc, mang lại nhiều cảm xúc và có tác dụng với cả sức khỏe (thể chất, tâm hồn). Trong nghệ thuật âm nhạc chúng ta thấy có hai lĩnh vực chính là thanh nhạc và khí nhạc.
Thanh nhạc (vocal music) viết cho giọng hát, có các hình thức hát như: đơn ca, song ca, tam ca, tứ ca, tốp ca, đồng ca, hợp ca… Thanh nhạc thường có bốn loại giọng chính: Giọng soprano (nữ cao), giọng alto (nữ trầm), giọng tenor (nam cao), giọng bass (nam trầm). Nghệ thuật thanh nhạc cũng bao gồm nhiều thể loại, hình thức âm nhạc như: Thể loại ca khúc (song), thể loại hợp xướng (chorus)…
Khí nhạc (instrumental music) viết cho nhạc cụ, có các hình thức biểu diễn như: độc tấu, song tấu, tam tấu, tứ tấu, ngũ tấu, hoà tấu… Khí nhạc thường được phân định thành hai loại chính: thứ nhất là các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng (Symphony orchestra) và thứ hai là các nhạc cụ không nằm trong dàn nhạc giao hưởng (loại này đa số là các nhạc cụ dân gian của các dân tộc trên thế giới).
Nhạc thính phòng (chamber music) là thể loại âm nhạc được biểu diễn trong phòng hoà nhạc nhỏ. Những tác phẩm được biểu diễn trong phòng hoà nhạc này (bao gồm cả thanh nhạc và khí nhạc) thường là những tác phẩm viết với qui mô nhỏ và vừa dành cho một hoặc vài người hay vài loại nhạc cụ biểu diễn. Tác phẩm khí nhạc thính phòng trong lịch sử phát triển của âm nhạc phương Tây là những tác phẩm ở các thể loại tiêu biểu như: Nocturne (khúc nhạc đêm), etude (khúc nhạc luyện tập), prelude (khúc nhạc dạo đầu có tính chất luyện ngón), song without words (bài ca không lời hay tình ca không lời), ballade (khúc nhạc tự sự, kể chuyện, mang tính chất sử thi), duo (song tấu, viết cho 2 nhạc cụ), trio (tam tấu, viết cho 3 nhạc cụ), quartet (tứ tấu, viết cho 4 nhạc cụ), quintet (ngũ tấu, viết cho 5 nhạc cụ)…Vì đây là những thể loại âm nhạc của nước ngoài, nên trong trình bày luận án chúng tôi sẽ sử dụng các thuật ngữ nước ngoài kết hợp với ý nghĩa của các thuật ngữ đó đã được dịch sang tiếng Việt.
Nhạc thính phòng có nguồn gốc từ ngôn ngữ Latinh là “musica da camera” với ý nghĩa là nhạc để biểu diễn trong phạm vi không gian nhỏ để phân biệt với nhạc giao hưởng, nhạc sân khấu. Trong thời kỳ Trung cổ, ngoài việc sử dụng khí nhạc để phục vụ cho các yêu cầu của cuộc sống như: lễ an táng, hội hè, săn bắn…thì khí nhạc còn được sử dụng trong các gia đình với mục đích giải trí. Từ đó tới nay, nhạc thính phòng được ghi nhận là âm nhạc biểu diễn trong phòng hoà nhạc nhỏ. Thế kỷ XIX là giai đoạn phát triển rực rỡ của âm nhạc thính phòng và có nhiều thể loại âm nhạc mới xuất hiện như: song without words với người sáng tạo đầu tiên là nhạc sĩ người Đức Felix Mendelssohn Bartholdy (1809-1847), Ông viết tuyển tập 49 bài piano cho thể loại này; ballade cho khí nhạc với người sáng tạo đầu tiên là nhạc sĩ người Ba Lan Frédéric Francois Chopin (1810-1849) ông viết 4 ballade cho piano; rhapsody (một thể loại khí nhạc mang tính chất ngẫu hứng tự do, chủ đề chủ yếu được xây dựng trên chất liệu âm nhạc dân gian) điển hình là19 bản rhapsody cho piano của nhạc sĩ người Hungary Franz Liszt (1811-1886).
Ở Việt Nam giai đoạn nửa sau thế kỷ XX, chúng ta cũng có nhiều tác phẩm tiêu biểu viết cho âm nhạc thính phòng với đủ mọi thể loại điển hình như:
– Thể loại bài ca không lời (song without words) với các tác phẩm tiêu biểu là: “Trăng cung hồ” của Tô Vũ, “Miền Nam quê hương ta ơi” của Huy Du, “Bài ca không lời” cho piano của Chu Minh…
– Thể loại prelude có “Vui mùa gặt” của Nguyễn Xuân Khoát, “Dòng nước trong” của Trần Tất Toại, “Rủ nhau đi gánh lúa vàng” của Nguyễn Văn Nam, “Trống và lửa” của Thuỵ Loan; 10 prelude của Minh Khang…
– Thể loại rhapsody có “Bài ca chim ưng” của Đàm Linh…
– Thể loại serenade có “Chiều quê hương” của Nguyễn Thị Nhung…
Bản giao hưởng ( symphonic music) là những tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng biểu diễn trong một phòng hoà nhạc lớn. Âm nhạc giao hưởng gồm các loại như: symphony (liên khúc giao hưởng hay còn gọi là bản giao hưởng), concerto (lúc đầu là bản hoà tấu giữa nhiều nhạc cụ, từ đầu thế kỷ XVIII đến nay được gọi là bản hoà tấu cho một hoặc vài nhạc cụ độc tấu với dàn nhạc giao hưởng), symphonic suite (tổ khúc giao hưởng), ouverture (khúc khởi nhạc hay khúc nhạc mở màn), symphonic poem (giao hưởng thơ) và cả những khúc rhapsody hay symphonic fantasy…
Giao hưởng bắt nguồn từ ngôn ngữ Hy Lạp với ý nghĩa là hoà hợp âm hưởng. Tên gọi giao hưởng (symphony) ra đời trong nhạc kịch của Alessandro Scarlatti (1660-1725) trường phái Naples của ý. Đó là khúc nhạc mở màn cho nhạc kịch với cấu trúc gồm ba chương tương phản về nhịp độ: nhanh – chậm – nhanh (Presto – Adagio – Presto). Tuy nhiên, người được coi là “cha đẻ” ra thể loại giao hưởng cổ điển là nhạc sĩ thiên tài người áo Joseph Haydn (1732-1809). Ngoài thể loại giao hưởng, ông còn được mệnh danh là “cha đẻ” ra thể loại tứ tấu dây. Kể từ J. Haydn, những nguyên tắc viết tác phẩm giao hưởng mới được rõ dần. Giao hưởng của ông thường có cơ cấu từ ba cho đến bốn chương sử dụng liên khúc sonata, trong đó có một chương viết ở hình thức sonata allegro. Bằng các tác phẩm giao hưởng của mình, ông đã qui định thành phần của dàn nhạc giao hưởng gồm bốn bộ nhạc cụ là:
– Bộ dây có violin I, violin II, viola, cello, contre bass (còn gọi là double bass);
– Bộ gỗ có flute, oboe, bassoon [sau này nhạc sĩ “Thần đồng” Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791) có bổ sung thêm kèn clarinet];
– Bộ đồng có french horn, trumpet [thỉnh thoảng trong tác phẩm của J. Haydn có sử dụng thêm trombone, nhưng phải đến tác phẩm của nhạc sĩ vĩ đại Ludwig Van Beethoven (1770-1827) thì trombone mới trở thành nhạc cụ chính thức của dàn nhạc giao hưởng].
– Bộ gõ có 2 timpani.
Đây là những nhạc cụ chính trong dàn nhạc giao hưởng của J. Haydn. Sau ông, các nhạc sĩ kế tiếp đã liên tục bổ sung thêm thành phần nhạc cụ vào dàn nhạc giao hưởng làm dàn nhạc ngày càng thêm phong phú với nhiều âm sắc khác nhau. Mặc dù vậy, nhưng cơ sở 4 bộ nhạc cụ chính cho dàn nhạc giao hưởng của ông vẫn là cơ bản để xây dựng biên chế dàn nhạc cho tác phẩm giao hưởng.
Sau những bản giao hưởng kinh điển bất hủ của các nhạc sĩ thuộc trường phái cổ điển Viên thế kỷ XVIII (J. Haydn, W.A. Mozart, L.V. Beethoven), sang đến thế kỷ XIX, hàng loạt thể loại mới đã ra đời được viết cho dàn nhạc giao hưởng như:
Khúc khởi nhạc (Ouverture) – là một khúc nhạc viết cho dàn nhạc, là khúc mở đầu cho opera, ballet, oratorio, kịch, phim…đồng thời nó còn là một tác phẩm độc lập viết cho dàn nhạc hoà tấu qua sáng tạo của nhạc sĩ Felix Mendelssohn Bartholdy (1809-1847). Đó là loại tác phẩm một chương có tiêu
đề, cấu trúc ở hình thức sonata. Tác phẩm đầu tiên viết ở thể loại này của F. Mendelssohn Bartholdy là bản ouverture “Giấc mộng đêm hè”.
Giao hưởng thơ (Symphonic poem) – là tác phẩm giao hưởng một chương viết cho dàn nhạc biểu diễn từ đầu đến cuối không thể tách rời từng phần ra được, có tiêu đề. Chủ đề thường lấy hoặc phản ánh những hình tượng cụ thể từ tác phẩm văn học, hội hoạ, lịch sử, thơ ca. Giao hưởng thơ là một trong những thể loại chính của âm nhạc có tiêu đề. Người sáng tạo ra nó là nhạc sĩ Franz Liszt (1811-1886), tác phẩm tiêu biểu viết cho thể loại này của ông là “Les preludes” hay còn gọi là “Những khúc nhạc dạo đầu”.
Tổ khúc giao hưởng (Symphonic suite) – là những khúc nhạc viết cho dàn nhạc liên kết với nhau bằng nội dung một câu chuyện. Thể loại này được phát triển từ âm nhạc có tiêu đề, sử dụng nhiều phương pháp diễn tả khác nhau để phù hợp với sự đa dạng muôn màu của nội dung. Tiêu biểu như tổ khúc giao hưởng “Peer Gynt” của nhạc sĩ người Na Uy Edwad Grieg (1843-1907). Trong một số tác phẩm chúng ta thấy tổ khúc giao hưởng là sự kết hợp nhiều phần, mỗi phần là một giao hưởng thơ như tác phẩm tổ khúc giao hưởng thơ “Tổ quốc tôi” của nhạc sĩ người Séc Bedrich Smetana (1824-1884); hay tổ khúc giao hưởng gần với thể loại liên khúc sonata-Symphony nhưng vẫn sử dụng leitmotif/leitmotiv (âm hình chủ đạo) như trong tác phẩm “Scheherazade” của nhạc sĩ người Nga Nicolay Rimsky Korsakov (1844- 1908).
Một số tác phẩm Việt Nam tiêu biểu ở các thể loại vừa nêu trên như: giao hưởng bốn chương “Quê hương” của Hoàng Việt, giao hưởng thơ “Đồng khởi” của Nguyễn Văn Thương, tổ khúc giao hưởng “Non sông một dải” của Nguyễn Xinh, ouverture “Thắng lợi của tình yêu Tổ quốc” của Nguyễn Đình Tấn…
Âm nhạc mới (tân nhạc) hay còn gọi là nhạc cải cách. Là dòng âm nhạc ra đời vào đầu thế kỷ XX ở Việt Nam với phong trào sáng tác mới theo phong cách phương Tây. Những tác phẩm âm nhạc mới được ký âm theo nhạc phương Tây, sử dụng các hình thức, thể loại âm nhạc của phương Tây.
Khí nhạc mới Việt Nam là chỉ các tác phẩm viết cho nhạc cụ trong thế kỷ XX. Như vậy, khí nhạc mới Việt Nam sẽ bao gồm các tác phẩm viết cho các nhạc cụ châu Âu du nhập vào Việt Nam, được các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác theo phong cách châu Âu (tiêu biểu là các tác phẩm nhạc thính phòng – giao hưởng) và các tác phẩm viết cho nhạc cụ dân gian ở Việt Nam trong thế kỷ XX và tới nay. “Mới” là để phân biệt với cái “Cũ” đã có trước hay được du nhập trước thế kỷ XX vào Việt Nam và được người dân Việt Nam sử dụng như là các tác phẩm, nhạc cụ dân tộc cổ truyền.
Tuy nhiên, thuật ngữ khí nhạc mới Việt Nam mà được sử dụng ở đây chỉ trong phạm vi hẹp: trong khuôn khổ những tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ Việt Nam viết cho nhạc cụ châu Âu và sáng tác theo phong cách âm nhạc châu Âu trong thế kỷ XX.
Tài liệu tham khảo
Trịnh Hoài Thu (2010). Nghiên cứu ảnh hưởng của âm nhạc dân gian trong tác phẩm khí nhạc mới Việt Nam thế kỷ XX. Luận án tiến sĩ. Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam