Chính sách đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) có vai trò rất quan trọng, đảm bảo sự phát triển bền vững đối với loại hình doanh nghiệp này.

Chính sách đối với Doanh nghiệp vừa và nhỏ là gì?

Hiện nay chưa có khái niệm thống nhất về chính sách đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy nhiên căn cứ vào đối tượng hướng tới của chính sách, có thể phân làm hai loại chính sách, đó là chính sách hướng tới DNVVN hiện tại (SME policy) và chính sách hướng tới DNVVN tiềm năng (entrepreneurship policy).

Như vậy, chính sách đối với DNVVN có thể được hiểu “là một tập hợp biện pháp được thể chế hóa, được chủ thể quản lý như các cơ quan quản lý của quốc gia hoặc tổ chức quốc tế đưa ra, điều phối thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng là tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các DNVVN (bao gồm cả các DNVVN hiện tại và DNVVN tiềm năng)”.

Quy trình thực hiện chính sách

Do có nhiều người có khả năng trở thành những người chủ doanh nghiệp, nên các giải pháp thuộc chính sách trải rộng trên nhiều lĩnh vực và thường hướng tới trợ giúp từ lúc người dân mới bắt đầu thành lập doanh nghiệp và khởi nghiệp kinh doanh. Tuy nhiên, tương ứng với mỗi giai đoạn phát triển khác nhau của doanh nghiệp, tùy thuộc vào bối cảnh của mỗi quốc gia hoặc khu vực, cần có những giải pháp khác nhau.

Dựa trên thực tế nghiên cứu chính sách của nhiều quốc gia và khu vực, hai tác giả Anders Lundström và Lois Stevenson (2003) [1] đã xây dựng quy trình gồm 9 bước mà chính phủ của các quốc gia, khu vực có thể áp dụng nhằm xây dựng và thực thi chính sách đối với DNVVN một cách hiệu quả.

Bước 1: Đánh giá bối cảnh.

Bước đầu tiên cần thực hiện là phân tích và đánh giá những đặc điểm và bối cảnh liên quan đến DNVVN của quốc gia đó, nhằm xác định cần tăng cường những yếu tố nào để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Nhìn chung, có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới chính sách đối với DNVVN, do đó cần có những đánh giá để xác định chính xác về mức độ tác động của những yếu tố này. Giữa các quốc gia đều có sự khác biệt cấu trúc ngành, các chính sách về kinh tế đang áp dụng, vai trò của các doanh nghiệp nhỏ trong nền kinh tế, thực trạng cơ sở hạ tầng trợ giúp doanh nghiệp, các giá trị văn hóa và xã hội.

Ngoài ra, còn có sự khác biệt về những yếu tố như tăng trưởng GDP, mức độ thất nghiệp và tỷ lệ tham gia lao động, cấu trúc nhân khẩu và ngành nghề, quy mô dân số và tỷ lệ tăng trưởng dân số, cơ cấu độ tuổi, tỷ lệ nhập cư và tỷ trọng của khu vực công, dịch vụ công.

Bên cạnh đó, cũng rất cần phải có những thông tin về cơ cấu của các DNVVN trong nền kinh tế để làm cơ sở xây dựng chính sách phù hợp. Mặc dù DNVVN có đóng góp quan trọng vào tổng số lao động, nhưng tỷ lệ lao động làm việc trong DNVVN trên tổng số lao động, tỷ lệ doanh nghiệp rời khỏi thị trường và gia nhập thị trường có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia.

Bước 2: Xác định những vấn đề ưu tiên giải quyết và đặt ra các mục tiêu.

Sau khi hoàn thành việc phân tích bối cảnh, chỉnh phủ cần phải xác định những vấn đề về kinh tế, xã hội hay cơ cấu cần giải quyết, và từ đó đặt ra những mục tiêu mà chính sách đối với DNVVN sẽ đóng góp vào việc giải quyết những vấn đề này.

Tuy nhiên, cần thiết phải có số liệu về các DNVVN để qua đó nắm được cơ cấu, thay đổi của đối tượng doanh nghiệp này và tác động của những thay đổi này đối với quốc gia hay khu vực, qua đó xác định được rõ những vấn đề mà chính sách đối với DNVVN cần giải quyết, dự báo những biện pháp cần thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra.

Bước 3: Đánh giá chính sách hiện hành đối với DNVVN.

Bước quan trọng trong việc xác định những việc cần thực hiện là đánh giá chính sách đối với DNVVN và những giải pháp hiện đang thực hiện có mối quan hệ và tác động như thế nào đối với những cá nhân đang trong quá trình thành lập doanh nghiệp, khởi sự kinh doanh và tham gia thị trường những năm đầu tiên. Tuy nhiên, trước đó cần phải hiểu về hành vi của người dân đối với chính sách hướng tới DNVVN, những điều kiện và tình huống dẫn tới ý định thành lập doanh nghiệp, động cơ và những yếu tố khuyến khích cũng như cản trở hành vi này, qua đó giúp thiết kế các biện pháp trong chính sách một cách hiệu quả hơn.

Bước 4: Xem xét những tùy chọn giải pháp.

Trong bước này, danh sách các công cụ chính sách được tổng hợp lại nhằm phân tích giải pháp nào đang được thực hiện và thuộc nhóm giải pháp nào, hướng tới nhóm mục tiêu nào, từ đó giúp xác định vấn đề nào còn tồn tại và cần có thêm giải pháp khắc phục. Kết quả của việc đánh giá này sẽ có thể được kết hợp với những phân tích và đánh giá ở các bước trước, sau đó mỗi nhóm chính sách sẽ được xem xét chi tiết thêm một lần nữa. Kết quả của quá trình này sẽ giúp tạo cơ sở để xác định những khoảng trống chính sách và những hành động có thể đem lại hiệu quả, những tùy chọn giải pháp khả thi.

Bước 5: Xây dựng định hướng chính sách.

Sau khi tiến hành phân tích bối cảnh, khuôn khổ chính sách và những tùy chọn giải pháp, chính phủ cần nắm rõ về tình trạng hiện tại, những khía cạnh cần trợ giúp DNVVN cũng như các rào cản có thể có. Nói chung, sẽ có một số hạn chế trong mức độ và nội dung của hoạt động trợ giúp đối với các doanh nghiệp mới thành lập và đi vào hoạt động chưa lâu, và còn nhiều vấn đề khác chưa được giải quyết. Từ những kết quả trên, các nhà hoạch định chính sách cần phải xác định định hướng chính sách đối với DNVVN, những mục tiêu hướng tới. Tùy thuộc vào lựa chọn chính sách, người lãnh đạo có thể bắt đầu thực hiện điều chỉnh chính sách và những giải pháp đang thực hiện.

Bước 6: Hiệu chỉnh chính sách và các giải pháp.

Kết cấu của chính sách đối với DNVVN đóng vai trò rất quan trọng. Nếu một chính phủ điều chính chính sách đối với DNVVN, sẽ có thể tác động tới những chính sách khác do mối quan hệ tương tác lẫn nhau giữa các cơ quan, bộ ngành. Vì vậy, có thể cần phải xây dựng cơ chế phối hợp tốt hơn nhằm điều phối các chính sách và giải pháp có tác động chung tới các doanh nghiệp, nhằm đạt được mục tiêu chung của địa phương, của chương trình hoặc giải pháp.

Việc thay đổi chính sách đối với DNVVN có thể có nghĩa là loại bỏ hoặc điều chỉnh những giải pháp đang thực hiện, gắn liền với thay đổi trọng tâm chính sách, đặt ra yêu cầu phải thay đổi đối với các cơ quan chính phủ ở nhiều cấp khác nhau như cơ quan một cửa, vườn ươm chủ doanh nghiệp tại các trường đại học, trung tâm trợ giúp doanh nghiệp của cộng đồng…. Đồng thời các tổ chức trợ giúp DNVVN đã có và mới thành lập cũng có thể cần điều chỉnh định hướng, và những người làm việc trong các cơ quan này cũng cần bổ sung những kỹ năng và kiến thức mới. Do vậy, những nội dung cần điều chỉnh này cần được làm rõ và có những bước chuẩn bị trước.

Bước 7: Xác định những chỉ số đánh giá hiệu quả.

Việc thay đổi định hướng chính sách đòi hỏi tư duy mới về việc xác định hiệu quả thực hiện chính sách. Do chính sách đối với DNVVN là chính sách được thực hiện trong những thập kỷ gần đây, nên chưa có nhiều kiến thức về phương thức đo lường tác động và hệ thống các chỉ số đánh giá hiệu quả chính sách. Các quốc gia khác nhau có sự khác biệt lớn trong việc đánh giá chính sách, nhưng việc đánh giá chính sách gần đây đã có nhiều bước phát triển nhanh chóng, với nhiều loại chỉ số mới được xây dựng. Do vậy, việc so sánh những chỉ số này giữa các quốc gia là không đơn giản.

Để có thể xác định những chỉ số đánh giá hiệu quả chính sách được tốt nhất, chính phủ trước hết cần xác định những kết quả muốn đạt được khi thực hiện chính sách như thế nào. Thứ hai là cần xác định rõ những biện pháp cơ bản có thể được sử dụng để theo dõi sự mức độ cải thiện của các chỉ số. Thứ ba là xác định những nhóm chính sách hay giải pháp cụ thể sẽ mang lại những tác động như thế nào. Thứ tư, giữa hai chương trình hoặc sáng kiến riêng biệt có thể có giải pháp gắn kết, do vậy cũng cần là cần xác định những chỉ số đánh giá hiệu quả đối với giải pháp gắn kết này. Cuối cùng, một số chính phủ xây dựng báo cáo hàng năm về các chương trình và chính sách đối với DNVVN của mình và đánh giá kết quả đạt được, so sánh với sự phát triển trên thế giới.

Bước 8: Kế hoạch hành động.

Sau khi tiến hành những bước trên, chính phủ sẽ xây dựng kế hoạch hành động, xác định ngân sách được phân bổ theo thứ tự ưu tiên, lên kế hoạch tổ chức thực hiện theo từng giai đoạn. Văn bản cuối cùng đưa ra sẽ bao gồm những mục tiêu được phân cấp theo mức độ ưu tiên, gắn với mức độ đóng góp vào mục tiêu chung.

Bước 9: Phân bổ ngân sách.

Việc thực hiện chính sách đòi hỏi phân bổ ngân sách nhất định cùng với kế hoạch hành động. Ngân sách dành cho mỗi cơ quan, mỗi biện pháp sẽ được phân bổ dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi quốc gia và khu vực.

Tài liệu tham khảo

  1. Lois Stevenson, Anders Lundström (2003), “Entrepreneurship Policy: Theory and Practice”, Kluwer Academic Publishers, New York/Boston/Dordrecht/London/Moscow.
  2. Đinh Mạnh Tuấn (2015). Chính sách của EU đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ năm 2000 đến nay.
Share.