Doanh nghiệp vừa và nhỏ có vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế mỗi quốc gia, thể hiện trong quá trình tăng trưởng kinh tế ở mức độ quốc gia hay các vùng, miền, kể cả ở các quốc gia phát triển và đang phát triển. Ở mỗi nền kinh tế có đặc điểm phát triển khác nhau thì vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được thể hiện ở các mức độ khác nhau, trong bài viết này sẽ tiếp cận hai vấn đề chính: vai trò đối với kinh tế và vai trò đối với xã hội.

Vai trò kinh tế của doanh nghiệp vừa và nhỏ

Cho đến nay, tại hầu hết các nước trên thế giới, Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được thừa nhận rộng rãi là có vai trò về kinh tế hết sức quan trọng, ngày càng có vị trí quan trọng trong mạng sản xuất toàn cầu, chuỗi cung ứng hàng hoá và dịch vụ trên thế giới. Điều này được thể hiện trên những nội dung cụ thể sau:

Một là, góp phần quan trọng tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất và cung cấp ra thị trường nhiều loại hàng hoá khác nhau để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của thị trường trong và ngoài nước, tạo ra lợi nhuận cho bản thân doanh nghiệp, góp phần tạo giá trị gia tăng cho toàn xã hội, và làm tăng GDP cho quốc gia. Bên cạnh đó, sự tham gia của Doanh nghiệp vừa và nhỏ vào sản xuất và kinh doanh cũng góp phần làm cho số lượng và chủng loại sản phẩm và dịch vụ phong phú và đa dạng hơn rất nhiều. Điều này dẫn tới việc môi trường kinh doanh ngày càng được phát triển theo hướng khuyến khích hoạt động sản xuất và kinh doanh ngày càng có hiệu quả hơn, tạo ra sức ép cạnh tranh đối với tất cả các doanh nghiệp, tạo ra động lực thúc đẩy hoạt động cải tiến quy trình sản xuất và phân phối trong đó sử dụng các yếu tố đầu vào hiệu quả nhất để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao với chi phí thấp và đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.

Để thấy rõ hơn vai trò của các doanh nghiệp trong việc đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, trên thế giới cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu nhằm xác định xem giữa các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp lớn, đối tượng nào có tốc độ tăng trưởng cao hơn.

Nhiều nghiên cứu về vấn đề này đã đi đến nhận định là các doanh nghiệp càng lớn và đã thành lập càng lâu thì có tỷ lệ thất bại và đi đến đóng cửa càng thấp, và các doanh nghiệp nhỏ có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn so với tỷ lệ tăng trưởng của các doanh nghiệp lớn [1, tr.16]. Điều đó có thể thấy qua hàng loạt công trình nghiên cứu của nhiều tác giả như Mata (1994) [2], Wagner (1994) [3], Tveteras (2000) [4], Klette (1996) [5], Audretsch, Santarelli và Vivarelli (1999) [6], cùng với những công trình nghiên cứu của Almus và Nerlinger (2000) [7] và Harhoff, Stahl và Woywode (1998) [8].

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa quy mô doanh nghiệp và số năm thành lập với mức tăng trưởng của các doanh nghiệp của Châu Âu lại phần nào kém rõ ràng hơn so với trường hợp của Mỹ khi có một số công trình nghiên cứu cho rằng, không có mối quan hệ giữa quy mô doanh nghiệp và tỷ lệ tăng trưởng (Wagner, 1992) [9], còn một số ít công trình nghiên cứu lại đi đến kết luận là các doanh nghiệp càng lớn thì càng có tỷ lệ tăng trưởng cao (Burgel, Murray, Fier, Licht và Nerlinger, 1998) [10].

Mặc dù vậy, nhìn chung từ các công trình nghiên cứu đối với các nước Châu Âu, có thể đi đến nhận định chung là:

+ Các doanh nghiệp nhỏ có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn so với các doanh nghiệp lớn;

+ Các doanh nghiệp mới thành lập có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn so với các doanh nghiệp đã thành lập lâu năm;

+ Các doanh nghiệp nhỏ và mới thành lập thậm chí còn có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn trong những ngành sử dụng nhiều công nghệ;

+ Các doanh nghiệp nhỏ có khả năng thất bại và đi đến đóng cửa cao hơn các doanh nghiệp lớn;

+ Các doanh nghiệp mới thành lập khả năng thất bại và đi đến đóng cửa cao hơn các doanh nghiệp đã thành lập lâu năm;

+ Các doanh nghiệp nhỏ và mới thành lập thậm chí còn có khả năng thất bại và đi đến đóng cửa cao hơn ở những ngành sử dụng nhiều công nghệ [1, tr.17-18].

Hai là, khuyến khích sáng tạo và nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh.

Trải qua quá trình thực tế tham gia vào cạnh tranh, bên cạnh những Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp thất bại và bị sàng lọc thì sẽ có không ít các doanh nghiệp khác dần trưởng thành và phát triển. Với quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa nên hoạt động của đa số các Doanh nghiệp vừa và nhỏ thường rất năng động và có thể thay đổi nhanh chóng để đáp ứng với những biến động của thị trường, sẵn sàng đầu tư vào những lĩnh vực mới, công nghệ mới có mức độ rủi ro cao.

Quá trình phát triển của Doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là quá trình tích tụ vốn, tìm kiếm và mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao trình độ quản lý… để dần trở thành doanh nghiệp quy mô lớn. Trong thực tế, hầu hết các doanh nghiệp quy mô lớn ở các nước phát triển hay những tập đoàn đa quốc gia thường bắt đầu khởi nghiệp từ quy mô của một doanh nghiệp nhỏ.

Nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy, ở một số ngành, các Doanh nghiệp vừa và nhỏ mang tính sáng tạo cao hơn so với các doanh nghiệp quy mô lớn và điều này được thể hiện rõ ràng nhất qua phân tích các số liệu liên quan tới bằng sáng chế của các doanh nghiệp. Trong công trình nghiên cứu của Schwalbach và Zimmermann (1991) [11], các tác giả này nhận thấy xu hướng các doanh nghiệp lớn ở Tây Đức được cấp bằng sáng chế ít hơn so với các Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong mẫu nghiên cứu [1, tr.19].

Còn trong nghiên cứu của mình, hai tác giả Acs và Audretsch (1988 và 1990) [12], [13], đã đi đến kết luận, trong khi các doanh nghiệp lớn trong ngành chế tạo đã có 2.445 phát minh sáng chế thì các doanh nghiệp nhỏ cũng có tới 1.954 phát minh sáng chế, mặc dù số lao động ở các doanh nghiệp nhỏ được lấy mẫu chỉ bằng khoảng một nửa số lao động của các doanh nghiệp lớn trong cùng mẫu nghiên cứu. Tính trung bình, tỷ lệ của số các phát minh sáng chế trên 1.000 lao động của các doanh nghiệp nhỏ trong ngành chế tạo là 0,309, so với tỷ lệ này của các doanh nghiệp lớn chỉ là 0,202 [14, tr.20].

Trên thực tế, việc các doanh nghiệp nhỏ được coi là địa chỉ nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh chưa được nghiên cứu nhiều. Tuy nhiên, công trình của các tác giả Johnson và Cathcart (1979) [15] cùng với O’Farrell và Crouchley (1983) [16] đã nhận định ở một số ngành, các doanh nghiệp nhỏ có thể là nơi có môi trường thuận lợi hơn so với các doanh nghiệp lớn trong việc khuyến khích nhu cầu muốn kinh doanh. Johnson và Cathcart đã đi đến kết luận, tỷ lệ các doanh nghiệp mới được hình thành (tính trên 1.000 lao động) từ các doanh nghiệp nhỏ (có ít hơn 200 lao động) cao hơn so với tỷ lệ này từ các doanh nghiệp lớn. Đồng thời, các doanh nghiệp được thành lập bởi những người có kinh nghiệm kinh doanh ở các doanh nghiệp nhỏ cũng có mức độ thành công không thua kém gì so với các doanh nghiệp được hình thành bởi những người sáng lập đã làm việc trong các doanh nghiệp lớn với đầy đủ kinh nghiệm kinh doanh [17, tr.12].

Ba là, góp phần quan trọng tạo công ăn việc làm.

Thống kê ở hầu hết các nước cho thấy, Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số các doanh nghiệp của quốc gia đó và tỷ lệ lao động làm việc cho các Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tổng số lao động ngày càng tăng lên trong nhiều thập kỷ qua. Tại các nước OECD, tỷ lệ của lao động làm việc trong các Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tổng số lao động đã tăng lên kể từ những năm 1980 đến nay. Điều này trái ngược với những năm trước 1970, khi tỷ lệ lao động trong các doanh nghiệp nhỏ có xu hướng giảm ở các nước công nghiệp. Trong khi đó, tại nhiều nước đang phát triển, tỷ lệ của lao động làm việc cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tổng số lao động cũng có xu hướng tăng lên [18, tr.3].

Cho đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu về vai trò tạo việc làm của Doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thế giới và so sánh với các doanh nghiệp quy mô lớn. Nghiên cứu của Davis, Haltiwanger và Schuh (1996) [19], Haltiwanger (1995) [20] đã chỉ ra rằng, tại Mỹ, các doanh nghiệp nhỏ tạo ra nhiều chỗ làm hơn và cũng đồng thời làm mất đi nhiều việc làm hơn so với phần còn lại của nền kinh tế, ngầm khẳng định mức độ biến động cao hơn của việc làm tại các doanh nghiệp nhỏ [18, tr.5-6].

Nghiên cứu của Brown và Earle (2001) [21], OECD (1996) [22] cũng đi đến kết luận là tại Nga và nhiều nước OECD, tỷ lệ tạo việc làm ròng của các doanh nghiệp nhỏ cũng dường như cao hơn tỷ lệ của các doanh nghiệp lớn.

Tuy nhiên, dựa trên phân tích số liệu điều tra về việc thành lập của 6.665 doanh nghiệp trong giai đoạn 1979 đến 1986 tại Chile, Levinsohn (1996) [23] rút ra kết luận là khi thành lập, tỷ lệ tạo việc làm ròng của các doanh nghiệp lớn cao hơn tỷ lệ của các doanh nghiệp nhỏ. Nhưng nghiên cứu này cũng cho thấy, tổng số lao động được tạo ra và mất đi ở các doanh nghiệp nhỏ là cao hơn so với các doanh nghiệp lớn.

Trong số những công trình nghiên cứu đầu tiên về vấn đề này của Châu Âu, Storey và Johnson (1987) [24] đã nhận thấy các doanh nghiệp nhỏ tạo ra phần lớn việc làm mới ở Vương quốc Anh [1, tr.16-17].

Còn trong nghiên cứu của Konings (1995) [31], tác giả đã liên kết tổng lượng việc làm với quy mô của doanh nghiệp được thành lập và đi đến nhận xét là tỷ lệ tổng việc làm được tạo ra khi thành lập các doanh nghiệp nhỏ là cao nhất, trong khi tỷ lệ này là thấp nhất ở các doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, tỷ lệ tổng việc làm bị mất đi ở các doanh nghiệp nhỏ là thấp nhất và tỷ lệ này lại cao nhất ở các doanh nghiệp lớn.

Nhiều công trình nghiên cứu khác phân tích các số liệu của những nước Châu Âu như Thuỵ Điển, Phần Lan, Na Uy, Hà Lan và cả ở Đức đã cho thấy những kết quả khá giống với các công trình nghiên cứu đầu tiên về vấn đề này của Châu Âu như đã được nêu ở trên.

Bốn là, góp phần tạo thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, một vấn đề khác nổi lên khi xem xét vai trò tạo việc làm của Doanh nghiệp vừa và nhỏ, đó là chất lượng của những chỗ làm mà các doanh nghiệp này tạo ra. Có rất nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, ở cả các nước phát triển và đang phát triển, các doanh nghiệp lớn cung cấp việc làm với mức lương cao hơn so với các doanh nghiệp nhỏ, kể cả khi những khác biệt về trình độ đào tạo và kinh nghiệm, tính chất của ngành đã được xem xét. Các doanh nghiệp lớn được xác định là không chỉ tạo ra việc làm với mức tiền công cao hơn, mà còn cung cấp nhiều lợi ích khác tốt hơn, như các kế hoạch tiền hưu trí, bảo hiểm nhân thọ, y tế và tai nạn.

Hơn nữa, các doanh nghiệp lớn ở hầu hết các nước đều có những điều kiện lao động tốt hơn, và điều này đặc biệt đúng đối với các nước đang phát triển. Ngoài ra, những việc làm được các doanh nghiệp lớn tạo ra nhìn chung có mức độ đảm bảo tốt hơn so với những chỗ làm do các Doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo nên, vì tỷ lệ ngừng hay giãn tiến độ sản xuất của các doanh nghiệp lớn là thấp hơn rất nhiều so với của các doanh nghiệp nhỏ [17, tr.5], [25, tr.10].

Dựa trên số liệu của Mỹ, Brown, Hamilton và Medoff (1990) [26] đã cung cấp những bằng chứng cho thấy các Doanh nghiệp vừa và nhỏ trả lương và các khoản ngoài lương thấp hơn so với các doanh nghiệp quy mô lớn. Các tác giả cũng đi đến kết luận là: “Những người lao động ở các doanh nghiệp lớn nhận được lương cao hơn, và thực tế này không thể được lý giải hoàn toàn bởi sự khác biệt của chất lượng lao động, của ngành nghề, điều kiện làm việc hay tình trạng hoạt động của hiệp hội. Những lao động ở các doanh nghiệp lớn còn được hưởng những lợi ích tốt hơn về sự đảm bảo của công việc so với những người làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ” [1, tr.22].

Vai trò xã hội của doanh nghiệp vừa và nhỏ

Không chỉ có những đóng góp quan trọng về khía cạnh kinh tế, Doanh nghiệp vừa và nhỏ còn có vai trò về khía cạnh xã hội rất lớn, là khu vực đem lại nhiều lợi ích xã hội cho quốc gia, đặc biệt là cho những đối tượng dễ bị tổn thương. Điều này được thể hiện thông qua những nội dung sau:

Một là, tạo việc làm và thu nhập cho những người yếu thế trong xã hội.

Vì Doanh nghiệp vừa và nhỏ đòi hỏi ít vốn khi thành lập và hoạt động chủ yếu trong những ngành sử dụng nhiều lao động, trong khi số lượng các doanh nghiệp này là rất lớn và thường chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số doanh nghiệp của các quốc gia nên đây là địa chỉ tạo ra số lượng việc làm nhiều nhất, đóng góp quan trọng vào việc giải quyết vấn đề thất nghiệp cũng như nhiều vấn đề xã hội khác, mang lại lợi ích cho bản thân người lao động, cho doanh nghiệp và cho toàn xã hội.

Không những vậy, Doanh nghiệp vừa và nhỏ thường là nơi tuyển dụng quan trong đối với những nhóm người gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực tìm kiếm việc làm tại thị trường lao động chính thức. Trong số những người này, có nhiều người có trình độ học vấn, kỹ năng và tay nghề thấp, những người nghèo hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn, những phụ nữ đang phải chăm sóc con nhỏ và những người già hoặc người tàn tật….

Nghiên cứu của Fluitmann và Momo (2001) [27] đã cho thấy tại Cameroon, trung bình có hơn 50% chủ các doanh nghiệp trong khu vực phi chính thức (khu vực có phần lớn doanh nghiệp là Doanh nghiệp vừa và nhỏ) mới hoàn thành chương trình giáo dục sơ cấp, và khoảng 20% người chủ doanh nghiệp ở khu vực này thậm chí còn không đi học theo chương trình học tập chính thức nào [29, tr.44].

Theo số liệu do Tổ chức Lao động quốc tế thu thập được thì tại hơn một nửa các quốc gia có thông tin liên quan đến vấn đề giới tính, phụ nữ chiếm tỷ lệ tham gia trong các doanh nghiệp nhỏ và ở khu vực phi chính thức cao hơn so với nam giới. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trên thực tế, tầm quan trọng của khu vực phi chính thức đối với phụ nữ có thể cao hơn so với số liệu thu thập được. Cũng giống như nhiều phụ nữ, nhiều người thuộc nhóm dễ tổn thương như người nghèo, người trẻ, người già, người tàn tật… thường làm việc trong khu vực phi chính thức do họ thiếu nền tảng giáo dục và những nguồn lực, do đó họ thường tập trung vào những công việc đơn giản và không đòi hỏi nhiều yêu cầu khi tuyển dụng.

Hai là, đào tạo nghề cho những nhóm người dễ bị tổn thương.

Không chỉ góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, Doanh nghiệp vừa và nhỏ còn đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo cho những người được tuyển dụng, và điều này là đặc biệt quan trọng đối với những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương. Nhiều người lao động vì những hoàn cảnh khó khăn khác nhau mà không được học tập và đào tạo ở những trường lớp chính thức, những khoá đào tạo chính quy hoặc không chính quy. Việc đào tạo thông qua thực tế làm việc là đặc biệt quan trọng đối với những nhóm người này, vì đây thường được xem là điều kiện tiên quyết để có được sự đảm bảo về việc làm và cùng với những kinh nghiệm thu nhận được trong quá trình làm việc sau đó sẽ tạo nên nền tảng tốt cho người lao động và có thể sau này là chủ doanh nghiệp. Theo điều tra của Salomé (1994) [29], các chủ doanh nghiệp ở Châu Phi coi những gì thu nhận được trong thời gian học việc là những kinh nghiệm quan trọng nhất, quan trọng hơn cả việc được học hành chính quy và những hình thức đào tạo khác. Mặc dù vậy, trong nhiều trường hợp, những gì thu nhận được trong thời gian học nghề được xem là những kiến thức về những công việc đòi hỏi ít kỹ năng hơn là những kiến thức tạo cơ sở cho sự cải tiến và sáng tạo [28, tr.48-49].

Ba là, trở thành “vùng đệm” cho nền kinh tế khi gặp khủng hoảng.

Hiện nay, nền kinh tế của hầu hết các quốc gia đã hội nhập ở mức độ cao với nền kinh tế quốc tế. Hầu hết các nước đều có mối quan hệ kinh tế gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế khu vực và thế giới. Trong khi đó, lịch sử đã cho thấy chu kỳ kinh doanh (hay còn gọi là chu kỳ kinh tế) là quá trình biến động của nền kinh tế qua các giai đoạn có tính lặp lại và không phải là sản phẩm của riêng nền kinh tế nào, của riêng quốc gia nào. Chính vì vậy, có thể xem khủng hoảng, suy thoái kinh tế lặp đi lặp lại theo chu kỳ như một quy luật khách quan, vận hành theo một cơ chế cơ bản tương tự nhau với một số khác biệt tùy theo bối cảnh từng nước và từng thời kỳ. Trong những thời điểm diễn ra khủng hoảng hay suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn hầu hết đều chịu tác động và trải qua quá trình điều chỉnh và những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả lại bị loại trừ. Trong quá trình điều chỉnh và tái cơ cấu, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với tình trạng hàng loạt nhân công bị sa thải, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và hàng loạt vấn đề kinh tế – xã hội khác.

Tuy nhiên, Doanh nghiệp vừa và nhỏ với khả năng điều chỉnh nhanh trong hoạt động của mình, dễ thích ứng với những thay đổi của thị trường, với tính linh hoạt trong việc cắt giảm và tuyển dụng nhân công sẽ đóng vai trò là “vùng đệm”, là “bộ phận giảm sóc” cho nền kinh tế, giúp giảm bớt mức độ ảnh hưởng của khủng hoảng hay suy thoái kinh tế và tạo điều kiện để nền kinh tế sớm hồi phục và tăng trưởng trở lại. Số liệu có được từ cuộc suy thoái năm 2001 (từ tháng 3/2000-tháng 3/2001) của nền kinh tế Mỹ đã minh chứng cho điều này, khi các doanh nghiệp nhỏ của các nước này đã tạo ra 1,15 triệu việc làm mới (số liệu ròng) trong khi các công ty lớn lại mất đi 115.000 chỗ làm (số liệu ròng) [30, tr.162-163].

Ra đời và tồn tại tất yếu trong nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng đối với các quốc gia và khu vực, nhưng các Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn cần có chính sách nhằm trợ giúp nhằm duy trì sự tồn tại và phát triển. Điều này một mặt bắt nguồn từ những đặc điểm riêng của Doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng đồng thời cũng xuất phát từ những thất bại của thị trường và của nhà nước liên quan đến loại hình doanh nghiệp này.

Tham khảo:

  1. European Commission (2003), “Entrepreneurship: A survey of the literature”, Office for Official Publications of the European Communities, Luxembourg.
  2. Mata, Jose, Pedro Portugal (1994), “Life Duration of New Firms”, Journal of Industrial Economics, 27 (3), pp.227-246
  3. Wagner, Joachim (1994), “Small Firm Entry in Manufacturing Industries: Lower Saxony, 1979-1989”, Small Business Economics, 6(3), pp.211-224.
  4. Tveteras, Ragnar, Geir Egil Eide (2000), “Survival of New Plants in Different Industry Environments in Norwegian Manufacturing: A Semi-Proportional Cox Model Approach”, Small Business Economics, 14(1), February, pp.65-82.
  5. Klette, Tor, Astrid Mathiassen (1996), “Job Creation, Job Destruction and Plant Turnover in Norwegian Manufacturing”, Annales d’Economie et de Statistique (Annals of Economics and Statistics), 41/42, pp.97-125.
  6. Audretsch, David, Enrico Santarelli, Marco Vivarelli (1999), “Start-up Size and Industrial Dynamics: Some Evidence from Italian Manufacturing”, International Journal of Industrial Organization, 17, trang 965-983.
  7. Almus, Matthias, Eric A. Nerlinger (2000), “Testing “Gibrat’s Law for Young Firms – Empirical Results for West Germany”, Small Business Economics, 15(1), August, pp. 1-12.
  8. Harhoff, D., K. Stahl, M. Woywode (1998), “Legal Form, Growth and Exit of West-German Firms: Empirical Results for Manufacturing, Construction, Trade and Service Industries”, Journal of Industrial Organization 46, pp. 453-488.
  9. Wagner, Joachim (1992), “Firm Size, Firm Growth, Persistence of Chance: Testing Gibrat’s Law with Establishment Data from Lower Saxony, 1978-1989”, Small Business Economics, 4(2), pp.125-131.
  10. Burgel, Oliver, Gordon Murray, Andreas Fier, Georg Licht, Eric Nerlinger (1998), “The Internationalisation of Britisch and German Start-up Companies in High-Technology Industries”, unpublished manuscript, Centre for European Economic Research (ZEW), Mannheim.
  11. Schwalbach, Joachim, Klaus F. Zimmermann (1991), “A Poisson Model of Patenting and Firm Structure in Germany”, in Zoltan J. Acs and David B. Audretsch, eds., Innovation and Technological Change: An International Comparison, Ann Arbor: University of Michigan Press, pp.109-120.
  12. Acs, Zoltan J. David B. Audretsch (1988), “Innovation in Large and Small Firms: An Empirical Analysis”, American Economic Review, 78 (4), September, 678-690.
  13. Acs, Zoltan J. David B. Audretsch (1990), “Innovation and Small Firms”, MIT Press, Massachusetts.
  14. European Commission (2003), “SMEs in Europe 2003”, Office for Official Publications of the European Communities, Luxembourg.
  15. Johnson, Cathcart (1979), “The Founders of New Manufacturing Firms: A note on the Size of their “Incubator’s Plants”, The Journal of Industrial Economics Vol.CCVIII.
  16. O’Farrell, Crouchley (1983), “An Industrial and Spatial Analysis of New Firm Formation in Ireland’”, Regional Studies, Vol. 18, pp. 221–236.
  17. Tyler Biggs (2002), “Is small beautiful and worthy of subsidy? – Literature review”, http://rru.worldbank.org
  18. ILO (2002), “Small enterprises, big challenges”, International Labour Office, Switzerland.
  19. Davis Steven, Haltiwanger John, Schuh Scott, (1996), “Job Creation and Destruction”, MIT Press, Massachusetts.
  20. Haltiwanger John (1995), “Small Business and Job Creation in the United States: What Do We Know?”, Paper Presented to the High-Level Workshop ‘SMEs: Employment, Innovation and Growth’, Washington DC, 16-17 June, OECD.
  21. Brown .J. David, Earle John S. (2001), “Gross Job Flows in Russian Industry Before and After Reforms: Has Destruction Become More Creative?”, [SITE Working Paper No. 160], Stockholm School of Economics, Stockholm.
  22. OECD (1996), “SMEs: Employment, Innovation and Growth”, The Washington Workshop, Paris.
  23. Levinsohn James (1996), “Firm Heterogeneity, Jobs, and International Trade: Evidence from Chile”, [Working Paper 5808], National Bureau of Economic Research, Massachusetts.
  24. Storey, David J, Steve Johnson (1987), “Job Generation and Labour Market Change”, MacMillan Publishers, London.
  25. The Treaty of the functioning of the European Union, Official Journal of the European Union, C 326, 26.10.2012, pp.0047-0390
  26. Brown Charles, James Hamilton, James Medoff (1990), “Employers Large and Small”, Harvard University Press, Massachusetts.
  27. Fluitmann, F., Momo, J. M. (2001), “Skills and Work in the Informal Sector: Evidence from Yaoundé, Cameroon”, International Training Centre of the ILO Occasional Papers, Turin.
  28. UNIDO (2006), “Productivity enhancement and equitable development: challenges for SME development”.
  29. Salomé, B. and others (1994), “Skills Acquisition in Micro-Enterprises: Evidence from West Africa”, OECD Publishing, Paris.
  30. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Viện Konrad Adenauer (2005), “Vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế – Kinh nghiệm trong nước và quốc tế”, NXB Thế giới, Hà Nội.
  31. Konings Jozef (1995), “Gross Job Flows and the Evolution of Size in U.K. Establishments”, Small Business Economics, 7, pp.213-220
  32. Đinh Mạnh Tuấn (2015). Chính sách của EU đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ năm 2000 đến nay.
Share.