Tín ngưỡng, tôn giáo có vai trò rất lớn trong đời sống văn hóa, tâm linh ở Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu hiểu biết về tín ngưỡng, tôn giáo của bạn đọc, Hoa tiêu tri thức trân trọng giới thiệu các định nghĩa liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Các định nghĩa liên quan đến tín ngưỡng, tông giáo

Tôn giáo: có nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm tôn giáo. Trong bài viết này chúng tôi sử dụng khái niệm tôn giáo theo cách hiểu phổ thông nhất đã được chấp nhận ở Việt Nam hiện nay: Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội gồm những quan niệm dựa trên cơ sở niềm tin vào các lực lượng siêu nhiên, vô hình, mang tính thiêng liêng, được chấp nhận một cách trực giác và tác động qua lại một cách hư ảo, nhằm lý giải những vấn đề trần thế cũng như ở thế giới bên kia. Niềm tin đó được biểu hiện rất đa dạng, tuỳ thuộc vào những thời kỳ lịch sử, hoàn cảnh địa lý – văn hóa khác nhau, phụ thuộc vào nội dung từng tôn giáo, được vận hành bằng những nghi lễ, những hành vi tôn giáo khác nhau của từng cộng đồng xã hội tôn giáo khác nhau. Niềm tin đó tác động đến các cá nhân và các cộng đồng theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực phụ thuộc vào từng tôn giáo cụ thể và hoàn cảnh lịch sử – địa lý cụ thể. Tôn giáo thường đưa ra các giá trị có tính tuyệt đối làm mục đích cho con người vươn tới cuộc sống tốt đẹp và nội dung ấy được thể hiện bằng những nghi lễ, những sự kiêng kị. Những nghi lễ và những sự kiêng kị đó nếu bị đẩy lên đến mức thái quá sẽ dẫn đến mê tín.

Tín ngưỡng: Hiện tại, có nhiều ý kiến khác nhau khi nói tới khái niệm “tôn giáo” và khái niệm “tín ngưỡng”. Có người đồng nhất tín ngưỡng với tôn giáo, có người lại coi tín ngưỡng nằm dưới tôn giáo trong bậc thang phát triển. Theo cách hiểu của chúng tôi trong bài viết này: Tín ngưỡng là hệ thống những niềm tin, sự ngưỡng vọng của con người vào cái “siêu nhiên” hay còn gọi là “cái thiêng” để giải thích thế giới với ước muốn mang lại sự bình an cho cá nhân và cộng đồng. Tín ngưỡng đôi khi cũng được hiểu là tôn giáo. Nhưng điểm khác biệt giữa tín ngưỡng và tôn giáo là ở chỗ, tín ngưỡng mang tính dân gian, gắn với sinh hoạt văn hóa dân gian. Trong tín ngưỡng có sự hòa nhập giữa thế giới thần linh và con người, nơi thờ cúng và nghi lễ còn phân tán, không có những quy định chặt chẽ. Tín ngưỡng thường không có tổ chức hoặc có tổ chức ở dạng sơ khai nhất. Tín ngưỡng cũng không có hệ thống giáo lý mà chỉ có các huyền thoại, thần tích, truyền thuyết. Khi nói đến tín ngưỡng thường nói đến tín ngưỡng của một dân tộc hay một cộng đồng người. Tín ngưỡng trong những điều kiện nhất định đôi khi có thể chuyển hóa thành tôn giáo.

Trong trường hợp khi hai khái niệm này đi liền nhau thành tín ngưỡng tôn giáo thì được hiểu theo nghĩa là sự tin theo một tôn giáo nào đó.

Tổ chức tôn giáo: Trong bài viết, khái niệm tổ chức tôn giáo được sử dụng theo nghĩa là tập hợp của những người cùng tin theo một hệ thống giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận.

Cơ sở tôn giáo: Theo Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, cơ sở tôn giáo là nơi thờ tự, tu hành, nơi đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo; trụ sở của tổ chức tôn giáo và những cơ sở khác của tôn giáo được nhà nước công nhận.

Đạo: Khái niệm đạo có nhiều nghĩa, không phải lúc nào khái niệm này cũng đồng nghĩa với khái niệm tôn giáo. Đạo cũng có thể hiểu là con đường, học thuyết, là cách ứng xử làm người: đạo vợ chồng, đạo cha con, đạo thầy trò. Vì vậy, trong bài viết này chúng tôi sử dụng từ đạo với ý nghĩa là tôn giáo, ví dụ: đạo Phật, đạo Kitô, đạo Cao Đài, v.v…

Giáo: Khái niệm giáo có nhiều nghĩa. Trong bài viết này chúng tôi sử dụng khái niệm giáo theo nghĩa là tôn giáo và nó thường đứng sau tên một tôn giáo cụ thể, chẳng hạn như: Phật giáo, Nho giáo, Kitô giáo,v.v… Ở đây, từ giáo cũng có thể được dùng để chỉ người theo Công giáo, phân biệt với từ lương tức những người không theo Công giáo, chẳng hạn như: giáo dân, lương dân, đoàn kết lương – giáo.

Tín đồ: Khái niệm tín đồ được sử dụng trong bài viết theo nghĩa là người tin theo một tôn giáo và được tổ chức tôn giáo đó thừa nhận.

Thờ: Trong bài viết sử dụng khái niệm thờ theo nghĩa là tỏ lòng tôn kính thần thánh, tổ tiên hay những vật thiêng, chẳng hạn như: thờ Phật, thờ Thần, thờ Thành hoàng làng, thờ hồn cây đa, thờ ma cây gạo, thờ ông bà, v.v…bằng những nghi lễ cúng bái theo tín ngưỡng hay theo phong tục. Khái niệm thờ thường đi đôi với khái niệm cúng tạo nên một từ ghép là thờ cúng, chẳng hạn như: thờ cúng tổ tiên, thờ cúng Vua Hùng, thờ cúng những người có công với nước với dân,v.v…

Tâm linh: Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm tâm linh. Theo quan điểm của tác giả Minh Chi, khái niệm tâm linh dùng để chỉ cho cái

gì cao cả nhất, sâu sắc nhất trong tâm con người. GS.TS Nguyễn Ngọc Kha thì cho rằng, trên góc độ tôn giáo học, tâm linh là phần còn lại sau khi con người đã chết. Còn Từ điển tiếng Việt lại định nghĩa tâm linh là “khả năng biết trước một biến cố nào đó sẽ xảy ra đối với mình, theo quan điểm duy tâm” [1, tr.297].

Mặc dù chưa có sự thống nhất trong cách hiểu về khái niệm tâm linh cả trong khoa học và trong cuộc sống thường nhật, nhưng thuật ngữ này hiện nay trở thành một từ cửa miệng của nhiều người với những nội hàm rất khác nhau. Vì vậy, theo chúng tôi, cần thiết định khái niệm này trong chừng mực bao quát nhất có thể được. Dù có ý thức rõ ràng hay không, chúng ta đều hiểu tâm như nguồn gốc phát sinh của tư duy, tình cảm, ý chí, ham muốn,v.v… hay nói gọn lại, tâm là nguồn gốc mọi hoạt động của đời sống tinh thần. Còn linh hay linh thiêng là cái có phép lạ, là những điều làm cho người ta phải kính sợ, là sự tác động hay hiệu lực “vật chất” lên cuộc sống của con người hay tồn tại của vật thể.

Mẫu: Theo GS.TS. Ngô Đức Thịnh, Mẫu là một danh xưng gốc từ Hán – Việt, còn từ thuần Việt là Mẹ. Nghĩa ban đầu của Mẫu hay Mẹ đều dùng để chỉ người phụ nữ đã sinh ra một người nào đó gọi là con. Ngoài ý nghĩa thông thường này, Mẫu – Mẹ còn bao hàm ý nghĩa tôn xưng, tôn vinh, chẳng hạn như Mẹ Âu Cơ, Mẫu Liễu Hạnh, v.v…

Đạo Mẫu: Đây là một tín ngưỡng dân gian Việt Nam thờ các nữ thần (thường gọi là các Thánh Mẫu). Đạo Mẫu được thờ tại các đền, phủ. Ở miền Bắc Việt Nam, hầu hết trong các chùa đều có bàn thờ Mẫu (Tiền Phật, hậu Mẫu). Đạo Mẫu Việt Nam là một tín ngưỡng bản địa có nguồn gốc từ lâu đời cùng với những ảnh hưởng ngoại lai từ đạo giáo, tín ngưỡng lấy việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo vệ và che chở cho con người. Tín ngưỡng mà ở đó đã được giới tính hoá mang khuôn hình của người Mẹ, là nơi mà ở đó người phụ nữ Việt Nam đã gửi gắm những ước vọng giải thoát của mình khỏi những thành kiến, ràng buộc của xã hội Nho giáo.

Thánh Mẫu: Khái niệm Thánh Mẫu dùng để chỉ các vị nữ thần được tôn thờ trong đạo Mẫu, chẳng hạn như Thánh Mẫu Tây Thiên.

Tam phủ: Đây là một khái niệm trong đạo Mẫu chỉ ba miền khác nhau trong vũ trụ, bao gồm: Thiên phủ (miền trời); Nhạc phủ (miền rừng núi); Thoải phủ hay Thủy phủ (miền sông nước). Mỗi phủ do một vị Thánh Mẫu cai quản: Mẫu Thượng Thiên (Thượng Thiên Thánh Mẫu) cai quản Thiên Phủ; Mẫu Thoải (Thoải Thánh Mẫu) cai quản Thoải phủ; Mẫu Thượng Ngàn (Thượng Ngàn Thánh Mẫu) cai quản Nhạc phủ.

Mẫu Tam phủ: Khái niệm Mẫu Tam phủ dùng để chỉ ba vị Thánh Mẫu trong hệ thống tín ngưỡng thờ MẫuViệt Nam, gồm: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Mỗi vị Thánh Mẫu cai quản một phủ hay một miền trong vũ trụ. Mẫu Thượng Thiên là vị thần sáng tạo ra bầu trời, trước hết là đại diện cho nguồn sinh lực vô biên, cốt lõi của sự sống và mọi nguồn hạnh phúc. Mẫu Thượng Ngàn là mẹ thế gian gắn với người Việt từ thời nguyên thủy. Trước đây, bà không chỉ có mặt ở rừng núi mà còn có mặt ở khắp mọi miền theo cơ cấu của làng xóm cổ truyền. Mẫu Thoải là vị thần sáng tạo ra mọi miền của nước, biển, sông, suối, đầm, hồ. Bà được người nông dân Việt hết sức kính trọng, hệ thống thờ ngài và các thần linh liên quan có mặt hầu như ở khắp mọi nơi, như một sự đảm bảo cho nguồn nước nông nghiệp luôn được đầy đủ.

Tứ phủ: Đây là một khái niệm trong đạo Mẫu chỉ bốn miền khác nhau trong vũ trụ, bao gồm: Thiên phủ (miền trời); Nhạc phủ (miền rừng núi); Thoải phủ hay Thuỷ phủ (miền sông nước) và Địa phủ (miền đất). Mỗi miền do một Thánh Mẫu cai quản.

Mẫu Tứ phủ: Khái niệm Mẫu Tứ phủ dùng để chỉ bốn vị Thánh Mẫu trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, gồm: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu

Thượng Ngàn, Mẫu Thoải và Mẫu Địa (Địa Tiên Thánh Mẫu) cai quản Địa phủ (quản lí vùng đất đai, là nguồn gốc cho mọi sự sống).

Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN): Trong bài viết, tên gọi này dùng để chỉ tổ chức Phật giáo duy nhất được thành lập vào năm 1981 và đang tồn tại cho tới hiện nay, đại diện cho tăng ni, Phật tử Việt Nam về mọi mặt trong quan hệ đối nội và đối ngoại.

Hòa thượng: Trong bài viết khái niệm hòa thượng được sử dụng theo nghĩa là hàng giáo phẩm Phật giáo có tuổi đời từ 60 và tuổi đạo từ 40 trở lên; có đạo hạnh và công đức với đạo pháp và dân tộc, được GHPGVN tấn phong theo Hiến chương của Giáo hội và được Nhà nước thừa nhận.

Pháp chủ: Là Hòa thượng được Đại hội toàn quốc GHPGVN suy tôn làm thành viên của Hội đồng Chứng minh, được Hội đồng Chứng minh suy cử làm người đứng đầu Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh và được Nhà nước thừa nhận.

Thượng tọa: Là hàng giáo phẩm có tuổi đời từ 45, tuổi đạo từ 25 trở lên, có đạo hạnh và công đức với đạo pháp và dân tộc, được GHPGVN tấn phong theo Hiến chương của Giáo hội và được Nhà nước thừa nhận.

Đại đức: Khái niệm đại đức được dùng để chỉ nam tu sĩ Phật giáo đã thụ giới tỳ kheo, nghĩa là đã thụ 250 giới theo luật Phật và theo quy định của GHPGVN.

Ni sư: Khái niệm ni sư được sử dụng theo nghĩa là hàng giáo phẩm của Ni giới (tín đồ Phật giáo giới nữ) có tuổi đời từ 45, tuổi đạo từ 25 trở lên có đạo hạnh và công đức với đạo pháp và dân tộc, được GHPGVN tấn phong theo Hiến chương của Giáo hội và được Nhà nước thừa nhận.

Ni trưởng: Khái niệm ni trưởng được sử dụng trong bài viết theo nghĩa là hàng giáo phẩm ni sư có tuổi đời từ 60 và tuổi đạo từ 40 trở lên, có đạo hạnh và công đức với đạo pháp và dân tộc, được GHPGVN tấn phong theo Hiến chương của Giáo hội và được Nhà nước thừa nhận. Trong dân gian còn gọi là sư cụ.

Công giáo: Trong Kitô giáo có bốn nhánh chính: Công giáo, Chính Thống giáo, Tin Lành giáo và Anh giáo. Trong bốn nhánh đó, Công giáo là nhánh lớn nhất. Ở Việt Nam, từ khi du nhập đến nay, nhánh này được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau như: Thiên Chúa giáo, đạo Gia Tô, đạo Cơ Đốc, Công giáo, v.v…Trong bài viết này chúng tôi sử dụng khái niệm Công giáo.

Giáo phận: Theo Từ điển Công giáo của Hội đồng Giám mục Việt Nam, giáo phận là một cộng đoàn Kitô hữu trong một khu vực nhất định được trao phó cho một giám mục chăm sóc, với sự cộng tác của linh mục đoàn. Giáo phận còn được gọi là giáo hội địa phương.

Giáo xứ: là thành phần của giáo phận, đơn vị cơ sở của Giáo hội Công giáo do linh mục chính xứ trông coi việc đạo cho giáo dân với sự giúp việc của một hoặc nhiều linh mục phó xứ, dưới quyền của giám mục giáo phận.

Giám mục: Theo Từ điển Công giáo của Hội đồng Giám mục Việt Nam, giám mục là người kế vị các thánh tông đồ để chăm sóc mục vụ cho công đoàn Kitô hữu. Thông thường giám mục là người đứng đầu giáo phận. Trong giáo phận, cùng lúc có thể tồn tại ba phẩm cấp giám mục: giám mục chính tòa, giám mục phó, giám mục phụ tá. Người Công giáo Việt Nam thường gọi giám mục bằng Đức Cha hay Đức Giám mục. Trong bài viết chúng tôi sử dụng khái niệm giám mục.

Linh mục: Theo Từ điển Công giáo của Hội đồng Giám mục Việt Nam, linh mục là cộng tác viên của giám mục, liên kết với hàng giám mục trong phẩm chức tư tế và tùy thuộc các ngài trong công tác mục vụ. Linh mục được mời gọi chia sẻ trách nhiệm với giám mục về giáo hội địa phương: rao giảng Phúc Âm, hướng dẫn các tín hữu, cử hành phục vụ, chăm sóc cộng đoàn giáo xứ hay một công việc phục vụ Hội Thánh. Người Công giáo Việt Nam gọi linh mục là cha và xưng mình là con.

Linh mục chính xứ: là người cai quản chính, coi sóc mục vụ giáo xứ dưới quyền của giám mục giáo phận. Người Công giáo Việt Nam gọi linh mục chính xứ là linh mục quản xứ, cha xứ, cha chính xứ, v.v… Trong bài viết chúng tôi sử dụng khái niệm linh mục chính xứ.

Đạo Tin Lành: Đây là những cộng đoàn Kitô giáo được hình thành và phát triển trong cuộc Cải cách tôn giáo ở Châu Âu, bắt đầu từ thế kỷ XVI do Martin Luther và John Calvin khởi xướng và lãnh đạo. Đạo Tin Lành có rất nhiều giáo phái. Hiện nay, ở Việt Nam có hai Hội Thánh là Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Hội Thánh Tin Lành Việt Nam ( miền Nam) cùng một số giáo phái nhỏ lẻ khác.

Mục sư: Đây là một trong những chức danh chính của các giáo sĩ trong các Hội Thánh của đạo Tin Lành. Chức năng chính của mục sư là giảng Kinh Thánh và quản trị Hội Thánh cơ sở. Để được bổ nhiệm là mục sư, họ là người đã tốt nghiệp trường Kinh Thánh, được bổ chức truyền đạo ít nhất hai năm và được Hội đồng phong mục sư phong chức.Theo giới luật của đạo Tin Lành, mục sư là người chăn chiên nhưng không có quyền thay mặt Chúa Kitô ban phúc, xá tội. Và giới luật cũng không áp dụng luật độc thân cho mục sư.

Hiện tượng tôn giáo mới: Trong bài viết, khái niệm hiện tượng tôn giáo mới được sử dụng để chỉ các hiện tượng tín ngưỡng mới xuất hiện ở nước ta nói chung và trên địa bàn Vĩnh Phúc nói riêng từ cuối những năm 80 đầu những năm 90 thế kỷ XX cho tới nay như: Long hoa Di lặc, Ngọc Phật Hồ Chí Minh, Hội Tiên Rồng, Tổ tiên Chính giáo, Thanh Hải Vô thượng sư, v.v…mà có người còn gọi là đạo lạ, tà đạo. Tuy nhiên, theo GS. Đặng Nghiêm Vạn, giới khoa học đều gọi những hiện tượng tôn giáo mới nảy sinh là phong trào hay hiện tượng tôn giáo mới, chứ không gọi là tín ngưỡng hay niềm tin tôn giáo. Vấn đề tín ngưỡng hay tôn giáo còn cần được thảo luận thêm.

Tham khảo

  1. Nguyễn Ngọc Kha, Hiện tượng tâm linh dưới các góc độ nhìn
  2. Lê Thị Vân Anh (2013). Tín ngưỡng, tôn giáo ở Vĩnh Phúc hiện nay: thực trạng, đặc điểm và những vấn đề đặt ra.
Share.