Với những công cụ khác nhau được phân thành những nhóm cơ bản trên, các quốc gia cũng có những cách thức thực hiện chính sách đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) không đồng nhất, trong đó có ba phương thức thực hiện chính sách phổ biến nhất hiện nay, cụ thể như sau [1]:

Thành lập các cơ quan chuyên trách về DNVVN

Chính phủ Mỹ và chính quyền Đài Loan đã luật hóa các chính sách đối với DNVVN và thành lập các cơ quan chuyên trách về DNVVN, như Cơ quan điều hành doanh nghiệp nhỏ (SBA – Mỹ) và Cơ quan hành chính DNVVN (Đài Loan). Đây là những cơ quan bảo trợ với những quyền đặc biệt nhằm phát triển, phối hợp và thực hiện các mục tiêu của chính sách đối với DNVVN. Ban về doanh nghiệp nhỏ của Vương quốc Anh cũng được xây dựng theo cách tương tự như vậy, là một cơ quan đặc biệt có quyền tác động vào chính sách phát triển của các ban ngành khác nếu chính sách đó có ảnh hướng tới các doanh nghiệp nhỏ. Ba trường hợp trên, những nội dung chính sách liên quan đến DNVVN chủ yếu nằm trong văn bản của các cơ quan chuyên về DNVVN được chính quyền thành lập, nhưng các cơ quan khác của chính phủ cũng có thể có những mục tiêu riêng hướng tới DNVVN. Những cơ quan chuyên về DNVVN phải duy trì liên kết chặt chẽ với các bộ ngành khác để điều phối chính sách chung về DNVVN. Thách thức quan trọng đối với phương thức này là hiệu quả tác động đối với những biện pháp mà các cơ quan, đơn vị khác đưa ra, đồng thời bảo đảm những cơ quan, đơn vị đó chú trọng tới những tác động của các chính sách đối với DNVVN. Tuy nhiên, do chịu trách nhiệm quản lý những chương trình của bản thân cơ quan này, nên trên thực tế, cơ quan này dành có thể nhiều thời gian cho việc quản lý chiều dọc hơn là phối hợp theo chiều ngang với các cơ quan, đơn vị khác.

Thực thi chính sách đối với DNVVN theo chiều ngang

Phương thức tiếp cận thứ hai là theo chiều ngang, liên bộ như tại Hà Lan, Phần Lan và Tây Ban Nha áp dụng. Theo đó, nhiều bộ và các cơ quan chính phủ ở nhiều cấp sẽ tham gia thực hiện chính sách theo một tầm nhìn chung nhằm tăng cường hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quốc gia đó. Bộ các vấn đề Kinh tế của Hà Lan phối hợp thực hiện chính sách về DNVVN, nhưng có sự đồng thuận và phối hợp cao trong việc thiết kế và thực hiện chính sách giữa các cơ quan của chính phủ. Tại Phần lan, Đề án về DNVVN chịu sự quản lý của Bộ Thương mại và Công nghiệp, nhưng việc điều hành có sự tham gia của 9 bộ và Hiệp hội các cơ quan địa phương và khu vực thông qua một ủy ban điều phối. Người đứng đầu ủy ban điều phối này là Chủ nhiệm đề án về DNVVN, trực thuộc Ban chính sách doanh nghiệp thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp. Tại Tây Ban Nha, sự phối hợp và điều phối chính sách giữa các bộ được thực hiện thông qua nhóm công tác về trợ giúp tài chính, thủ tục hành chính, thị trường lao động, các vấn đề về tài chính và thuế, nhằm giảm thiểu các rào cản đối với việc thành lập doanh nghiệp mới và sự phát triển của DNVVN. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Kinh tế còn thường xuyên trao đổi với nhóm công tác.

Thông qua cơ chế này, tính liên kết của chính sách hay chương trình nghị sự về DNVVN được lưu tâm và tôn trọng, mặc dù việc thực hiện các chương trình và giải pháp được phân cấp mạnh mẽ cho các cơ quan cấp vùng/địa phương. Chương trình nghị sự của chính sách được minh bạnh, gắn kết và tích hợp, thường được đưa ra trong một văn bản kết hợp được các mục tiêu và chính sách của một số bộ khác nhau. Thách thức đối với việc thực hiện phương thức này là hiệu quả quản lý nhiều mạng liên kết khác nhau giữa các bộ, các cơ quan của chính phủ.

Thực thi chính sách đối với DNVVN theo chiều dọc

Phương thức tiếp cận thứ ba là “theo chiều dọc”, theo đó, trách nhiệm thực hiện chính sách về DNVVN được phân cho nhiều cơ quan khác nhau, mỗi cơ quan chịu trách nhiệm một số nội dung nhất định liên quan đến ngành, vùng hoặc mục tiêu mà bộ đó chịu trách nhiệm, với sự phối hợp thực hiện ở mức tối thiểu. Australia, Canada là những quốc gia tiêu biểu thực hiện cách tiếp cận này. Tại những quốc gia thực hiện phương thức này, rất khó để xác định tất cả các biện pháp liên quan đến chính sách đối với DNVVN. Các mục tiêu của chính sách được trải rộng trong nhiều văn bản của các cơ quan chính phủ (như về lao động/việc làm, thương mại/ngoại giao, công nghiệp/kinh tế, phát triển vùng, khoa học và công nghệ…). Mỗi cơ quan tập trung vào thực hiện hoạt động của mình, nên khó có sự gắn kết và phối hợp trong thực hiện chính sách. Những biện pháp thiện trên cấp độ khu vực hay vùng có sự phối hợp nhưng ở mức độ tối thiểu.

Tham khảo

1. Anders Lundstrom và Lois Stevenson, “Patterns and trends in Entrepreneurship/SME policy and practice in ten economies”, Volume 3 of the Entrepreneurship for the Future Series”.

2. Đinh Mạnh Tuấn (2015). Chính sách của EU đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ năm 2000 đến nay.

Share.