Nhiều nghiên cứu cho thấy, có nhiều nhân tố tác động có thể ảnh hướng tới mức độ của hoạt động làm chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), và do đó cũng ảnh hưởng tới chính sách đối với DNVVN vì các chính sách và giải pháp của chính phủ có thể ảnh hướng tới yếu tố này.
Những nhân tố tác động
Việc xác định những nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động làm chủ DNVVN không thể gói gọn trong một nguyên tắc đơn lẻ. Những nghiên cứu về tâm lý tập trung vào động cơ và đặc điểm của người chủ doanh nghiệp (tiềm năng), nghiên cứu về xã hội học tập trung vào nền tảng của các cá nhân chủ doanh nghiệp, trong khi nghiên cứu kinh tế tập trung vào tác động của môi trường kinh tế.
Những nhân tố ảnh hướng tới hoạt động làm chủ DNVVN cũng có thể được nghiên cứu theo những cấp độ phân tích khác nhau, qua đó phân biệt rõ mức độ vi mô, trung mô và vĩ mô của chính sách đối với DNVVN. Đối tượng của những nghiên cứu này gắn với những cấp độ phân tích, đó là cá nhân chủ doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp, ngành hoặc lĩnh vực, hay ở cấp độ nền kinh tế quốc gia.
Những nghiên cứu ở cấp độ vi mô tập trung vào quá trình ra quyết định của các cá nhân và động cơ để mọi người trở thành chủ những doanh nghiệp nhỏ. Theo đó, những yếu tố có ảnh hưởng tới quá trình ra quyết định của cá nhân, như đặc điểm tâm lý, trình độ học vấn đào tạo chính thức và những kỹ năng khác, tài sản tài chính, nền tảng gia đình và những kinh nghiệm công việc trước đó.
Những nghiên cứu ở tầm trung thường tập trung vào những yếu tố ảnh hướng quyết định tới thị trường, như cơ hội thu được lợi nhuận và cơ hội gia nhập cũng như rời bỏ thị trường. Nghiên cứu ở tầm vĩ mô tập trung vào những yếu tố môi trường, như điều kiện về công nghệ, kinh tế và văn hóa và những quy định của chính phủ.
Những nhân tố tác động đến hoạt động làm chủ DNVVN trên phạm vi một quốc gia cụ thể cũng có thể được giải thích thông qua sự phân biệt những yếu tố phía cung và phía cầu về hoạt động của DNVVN.
Theo nghiên cứu của Audretsch (2002) [*], các nhân tố ảnh hưởng được phân chia thành hai nhóm, đó là những nhân tố phía cung về các hoạt động của DNVVN và những yếu tố phía cầu về các hoạt động của DNVVN.
Phía cầu về hoạt động của DNVVN phản ánh cơ hội tham gia các hoạt động kinh doanh, gồm những nhân tố như: công nghệ, phát triển kinh tế, cơ cấu ngành…. Nó cho thấy cơ hội đối với mỗi cá nhân và doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh doanh không phải tất cả đều cố định, nhưng khá khác biệt giữa các vùng và quốc gia. Ngược lại, khía cạnh cung về hoạt động của DNVVN lại được định hình bởi những nhân tố như: dân số (bao gồm cơ cấu nhân khẩu học), trình độ giáo dục, mức thu nhập và tỷ lệ thất nghiệp, những chuẩn mực văn hóa….
Đặc biệt, nguồn lực và khả năng của các cá nhân, cùng với thái độ của họ đối với việc làm chủ doanh nghiệp là những nhân tố chính ảnh hưởng tới khía cạnh cung về các hoạt động làm chủ DNVVN. Hai yếu tố văn hóa và thể chế cũng góp phần hình thành nên phía cung về làm chủ DNVVN. Nhân tố thể chế bao gồm khả năng tiếp cận tài chính, gánh nặng thủ tục hành chính, mức thuế .
Kết luận
Qua những nghiên cứu từ nhiều góc độ, có thể thấy có nhiều nhân tố khác nhau có thể có tác động tới hoạt động của DNVVN, do đó chính phủ và các cơ quan chính phủ ở mỗi quốc gia cần có những nghiên cứu và phân tích để từ đó tạo cơ sở cho việc hoạch định, thực thi và đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách đối với DNVVN.
Tham khảo:
– David Audretsch, Roy Thurik, Ingrid Verheul (2002), “Entrepreneurship: Determinants and Policy in a EU-US Comparison”, Kluwer Academic Publishers, New York/Boston/Dordrecht/London/Moscow.
– Đinh Mạnh Tuấn (2015). Chính sách của EU đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ năm 2000 đến nay.