Tiếp tục chủ đề về giáo dục hướng nghiệp, sau khi đã làm rõ nội hàm khái niệm, nội dung quản lý, trong bài viết này Hoa tiêu tri thức sẽ trình bày phương pháp quản lý giáo dục hướng nghiệp (QLGDHN) ở trường trung học phổ thông theo định hướng phát triển nhân lực.
Phương pháp quản lý giáo dục hướng nghiệp là gì?
QLGDHN là cách thức tác động bằng những phương tiện khác nhau của cán bộ quản lý giáo dục hướng nghiệp (chủ thể quản lý) đến hệ thống bị quản lý nhằm đạt được mục tiêu quản lý. Phương pháp quản lý bao gồm việc lựa chọn công cụ, phương tiện quản lý (như quyền lực, quyết định, cơ chế chính sách, tài chính, kĩ thuật – công nghệ…) và lựa chọn cách thức tác động (tác động bằng quyền lực; tác động bằng kinh tế; tác động bằng tư tưởng chính trị…) của cán bộ quản lý giáo dục. Trong quá trình QLGDHN, tùy điều kiện và trường hợp cụ thể, cán bộ quản lý giáo dục có thể vận dụng một số phương pháp quản lý sau:
Phương pháp hành chính – pháp luật
Phương pháp hành chính – pháp luật: là phương pháp quản lý dựa trên cơ sở quan hệ tổ chức và quyền lực Nhà nước để tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên đối tượng quản lý. Mục đích chính của phương pháp này là duy trì kỷ luật, kỷ cương và đạt hiệu quả quản lý. Quan hệ trong phương pháp hành chính – pháp luật là quan hệ giữa quyền uy và sự phục tùng, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa cá nhân và tổ chức. Cấp trên ra lệnh, cấp dưới phải thi hành. Để thực hiện phương pháp này có hiệu quả, các cán bộ QLGDHN phải được giao quyền quản lý theo từng cấp quản lý.
Phương pháp giáo dục – tâm lý
Phương pháp giáo dục – tâm lý: là phương pháp tác động lên trí tuệ, tình cảm, ý thức và nhân cách của những người tham gia giáo dục hướng nghiệp. Mục đích chính của phương pháp này là thông qua những mối quan hệ liên nhân cách, cán bộ, giáo viên làm giáo dục hướng nghiệp tác động lên đối tượng quản lý nhằm cung cấp và trang bị thêm hiểu biết về giáo dục hướng nghiệp; hình thành những quan điểm đúng đắn đối với giáo dục hướng nghiệp; nâng cao khả năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ về giáo dục hướng nghiệp; tác động đến tư tưởng, tình cảm, ý thức trách nhiệm, tính tự giác, tính tự chủ, lòng kiên trì và tinh thần tự chịu trách nhiệm… của các tập thể và cá nhân thực hiện nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp. Có thể sử dụng phương pháp này thông qua hình thức giao lưu, tổ chức các hoạt động văn hóa, hội thảo, tập huấn… Đây là phương pháp quản lý phù hợp và nên tăng cường vận dụng trong quá trình QLGDHN vì đây là hoạt động đòi hỏi tính tự giác cao với lý do:
1/ Hoạt động hướng nghiệp chưa được đưa vào hướng dẫn kiểm tra, đánh giá và chỉ tiêu thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2/ HĐ này rất khó tổ chức thực hiện do không có giáo viên được đào tạo về lĩnh vực giáo dục hướng nghiệp.
3/ Đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều tác nhân trong và ngoài ngành giáo dục và đào tạo cùng thực hiện.
Phương pháp quản lý bằng kinh tế
Phương pháp quản lý bằng kinh tế: là phương pháp sử dụng nguồn lực vật chất và lợi ích kinh tế để tạo động cơ thúc đẩy, phát huy tiềm năng, trí tuệ, tình cảm, ý chí và trách nhiệm của đối tượng quản lý nhằm đạt được hiệu quả tối ưu trong giáo dục hướng nghiệp.
Phương pháp tuyên truyền giáo dục
Phương pháp tuyên truyền giáo dục: là phương pháp tác động tuyên truyền, giáo dục nhằm làm cho đối tượng quản lý có nhận thức đúng đắn về sứ mệnh của giáo dục hướng nghiệp, về trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân đối với giáo dục hướng nghiệp. Có thể thực hiện phương pháp này thông qua các buổi tập huấn, hội thảo, bồi dưỡng, tọa đàm, giao lưu…
Để phát huy hiệu quả của các phương pháp quản lý giáo dục hướng nghiệp, cán bộ quản lý giáo dục hướng nghiệp cần lưu ý:
Một là, lựa chọn và phối hợp sử dụng các phương pháp đúng lúc, đúng cách, đúng “liều lượng” bởi mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế, không có phương pháp nào là vạn năng.
Hai là, mỗi phương pháp quản lý chỉ tác động đến đối tượng quản lý giáo dục hướng nghiệp theo khía cạnh nhất định và tạo động cơ thúc đẩy giáo dục hướng nghiệp ở mức độ rất khác nhau.
Ba là, các phương pháp được lựa chọn sử dụng cần đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn, tình huống và đối tượng quản lý giáo dục hướng nghiệp cụ thể.
Tham khảo:
Phạm Đăng Khoa (2017). Quản lý giáo dục hướng nghiệp ở trường THPT theo định hướng phát triển nhân lực thành phố Hồ Chí Minh.