Giáo dục hướng nghiệp có vai trò rất quan trọng trong nền giáo dục của Việt Nam, mục tiêu của giáo dục hướng nghiệp là định hướng, làm thay đổi suy nghĩ của học sinh, để phân luồng được học sinh ngay sau trung học cơ sở, còn quản lý giáo dục hướng nghiệp (QLGDHN) là định hướng, điều hòa, điều chỉnh hoạt động giáo dục hướng nghiệp đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra trong điều kiện biến động của môi trường (giáo dục, kinh tế, chính trị, xã hội…).

Quản lý là gì?

Có nhiều khái niệm về “quản lý” được tiếp cận theo nhiều khía cạnh khác nhau, trong khuôn khổ bài viết này sẽ sử dụng một những khái niệm thường được dùng như sau: “quản lý là hoạt động có ý thức của con người nhằm phối hợp hành động của một nhóm người hay một cộng đồng người để đạt được các mục tiêu đề ra một cách hiệu quả nhất” [1].

Nói cách khác, có thể xem quản lý là sự tác động liên tục, có tổ chức, có định hướng của chủ thể quản lý (người quản lý) tới khách thể quản lý trong một tổ chức bằng một hệ thống các luật lệ, chính sách, nguyên tắc, các phương pháp và giải pháp cụ thể… nhằm làm cho tổ chức vận hành và đạt mục tiêu chung của tổ chức hoạt động quản lý có bốn chức năng cơ bản, bao gồm: Kế hoạch hóa – tổ chức – lãnh đạo – kiểm tra [2].

Quản lý giáo dục hướng nghiệp là gì?

Từ khái niệm về “quản lý”, có thể cho rằng QLGDHN trong nhà trường chính là một bộ phận không thể thiếu của nhiệm vụ quản lý giáo dục mà mọi cán bộ quản lý giáo dục đều thực hiện. Do đó, có thể xem công tác này trong nhà trường phổ thông là hệ thống những tác động có định hướng, có chủ đích, có kế hoạch và hợp quy luật của cán bộ quản lý giáo dục đến giáo dục hướng nghiệp nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục tiêu giáo dục hướng nghiệp cho học sinh”.

Nói cách khác, QLGDHN chính là những biện pháp tại chỗ và những giải pháp lâu dài trong công tác quản lý giáo dục mà cán bộ quản lý giáo dục phải thực hiện nhằm đẩy mạnh hiệu quả của giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường, giúp nhà trường đạt được mục tiêu hướng nghiệp cho học sinh một cách khoa học, giúp các em có được đầy đủ thông tin về bản thân và thế giới nghề nghiệp để chọn cho mình một hướng đi phù hợp nhất khi ra trường.

Nội dung quản lý?

Nội dung quản lý giáo dục hướng nghiệp ở trường trung học phổ thông theo định hướng phát triển nhân lực bao gồm:

– Quản lý mục tiêu
– Quản lý việc đổi mới phương pháp
– Quản lý nội dung chương trình
– Quản lý thông tin
– Quản lý xây dựng đội ngũ thực hiện
– Quản lý tài chính – cơ sở vật chất – thiết bị
– Quản lý công tác xã hội hóa, phối hợp thực hiện
– Quản lý công tác kiểm tra, đánh giá

Phương pháp quản lý?

Bao gồm 4 phương pháp sau đây:

– Phương pháp hành chính – pháp luật
– Phương pháp giáo dục – tâm lý
– Phương pháp quản lý bằng kinh tế
– Phương pháp tuyên truyền giáo dục

Kết luận

Như vậy, quản lý tốt giáo dục hướng nghiệp sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh đồng đều ở các mặt đức, trí, thể, mỹ; giúp học sinh có thái độ yêu lao động và biết chọn nghề một cách khoa học hơn. Nói cách khác, những tác động của QLGDHN giúp nhà trường thực hiện tốt hơn việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh, góp phần cung cấp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thị trường lao động.

_______

Nguồn trích dẫn:

1. Nguyễn Quốc Chí và Nguyễn Thị Mỹ Lộc (2002), Lý luận đại cương về quản lý, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

2. Nguyễn Thị Mỹ Lộc (2010), Lý thuyết tổ chức và quản lý, Bài giảng chuyên ngành quản lý giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

Share.