1. Những nghiên cứu về phát triển năng lực học sinh trên thế giới

Trên thế giới, phát triển năng lực (NL) đã, đang là một trong những vấn đề được quan tâm đặc biệt. Tìm hiểu về phát triển NL cho học sinh (HS), các nhà nghiên cứu đã chỉ ra được những yếu tố tác động, từ đó đề ra chiến lược và mô hình phát triển NL. Xây dựng chương trình dựa trên tiếp cận NL được áp dụng rộng rãi trên thế giới, đặc biệt là ở những nước phát triển.

1.1. Nghiên cứu về tác động của môi trường học tập đến quá trình phát triển NL của học sinh

Nghiên cứu về những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển NL của học sinh, môi trường học tập là yếu tố được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Môi trường học tập chịu ảnh hưởng của bối cảnh quốc gia. Anne Gilleran và Caroline đã chỉ ra ảnh hưởng của bối cảnh quốc gia đến sự hình hành và phát triển của các NL khi HS học qua e Twinning. Trong đó, bối cảnh giao tiếp là yếu tố ảnh hưởng quyết định đến quá trình hình thành NL [2]. Cùng quan điểm này, Wege cho rằng việc học chính là sự tham gia vào một cộng đồng thực hành, không chỉ bao gồm các sự kiện địa phương hay sự tham gia trong một số hoạt động nhất định cùng với một số người nhất định mà còn là quá trình tham gia tích cực thực hành vào cộng đồng xã hội hơn và xây dựng các bản sắc liên quan đến các cộng đồng này [3, tr.3-4]. Thuật ngữ “cộng đồng thực hành”cung cấp một bối cảnh học tập, nhấn mạnh vào khâu then chốt hình trong quá trình thành NL (thực hành).

Với quan niệm phát triển NL gắn liền với nhận thức về văn hóa, ngay từ năm 1993, Lev Vygotsky [4] đã nhấn mạnh rằng bản chất của việc học tập vốn là được trải nghiệm vào một môi trường văn hóa cụ thể. Trong cộng đồng này, người học sẽ phải thích nghi, hình thành các chuẩn, hành vi, kỹ năng, niềm tin, ngôn ngữ, thái độ phù hợp với bối cảnh. Giới nghiên cứu cũng thống nhất cao với quan điểm người học sẽ có thể được trải nghiệm nhiều hơn khi tham gia vào một nhóm thực hành. Clancey cho rằng việc học cách trở thành một thành viên của cộng đồng không được chuyển giao bằng các quy tắc và bàn giao các công cụ vì các khái niệm không thể được thực hiện bằng cách mô tả [5]. Điều này có nghĩa là HS không thể học khái niệm “chay” và “đơn độc” mà phải học trong môi trường và có tương tác với người khác. Vì thế, môi trường học tập nên trở thành trung tâm của quá trình này, nhằm làm rõ nội dung kiến thức, hình thành NL và đánh giá việc học của HS một cách thường xuyên đồng thời bắt kịp cách tiếp cận chung với cộng đồng. DeSeCo chỉ rõ hơn vai trò của môi trường thông qua việc gắn kết nhận thức, động cơ, đạo đức, ý chí, xã hội tạo trong quá trình tạo nên những phần tử quan trọng của bối cảnh học tập.

Môi trường học tập không phải là một yếu tố riêng biệt mà là sự tổng hòa của tất cả các yếu tố từ môi trường chính trị, văn hóa xã hội cho đến môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Đây là yếu tố tác động lớn nhất đối với quá trình phát triển NL của học sinh. Ann S.Masten, J. Douglas Coatsworth chỉ ra rằng những HS được giáo dục trong môi trường thuận lợi có khả năng hình thành và phát triển NL tốt hơn so với những em được giáo dục trong môi trường không thuận lợi [6, tr. 205-220]. Môi trường học tập hiện đại với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin giúp HS có thể phát triển NL nhanh và toàn diện hơn. Aleksandrs Gorbunovs và cộng sự đã mô tả lợi ích của hệ thống e – Portfolio do nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kĩ thuật Riga tạo ra, kết quả được thử nghiệm trong môi trường living lab và khẳng định rằng do hiệu quả của công nghệ thông tin, tỷ lệ bỏ học và kết quả học tập không toàn diện nên việc triển khai ứng dụng này trong quá trình dạy và học ngày càng phổ biến hơn và có tác động tích cực đến người học [7].

Rõ ràng, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của môi trường học tập đối với quá trình phát triển NL cho học sinh. Đây cũng là yếu tố tạo ra sự khác biệt trong giáo dục giữa các vùng miền và cần được đặc biệt chú ý khi phát triển NL cho học sinh. Do đó, khi nghiên cứu về yếu tố này, các nhà nghiên cứu đề cập một cách toàn diện, từ các yếu tố cấu thành, ảnh hưởng cho đến những yếu tố đặc biệt đến môi trường học tập.

1.2. Nghiên cứu về Chương trình dựa trên tiếp cận năng lực

Với quan điểm NL gắn liền với khả năng và nguyện vọng của người học, nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã lựa chọn cách tiếp cận dựa trên NL để xây dựng chương trình và gặt hái được nhiều thành công. Chương trình giáo dục dựa trên NL chú trọng vào phương pháp DH dựa trên thực hành hơn là cách học trừu tượng, lí thuyết.

Chương trình giáo dục của Anh [8] chú ý đến hai nhóm kĩ năng (KN) thiết yếu HS cần có là: KN chức năng và KN cá nhân, tư duy, học tập và hướng đến 2 nhiệm vụ trọng tâm: cung cấp cơ hội thành công cho tất cả HS và phát triển đầy đủ NL trí tuệ, tinh thần, đạo đức, xã hội, văn hóa, thể chất để các em có trải nghiệm, hình thành kinh nghiệm và tạo ra các cơ hội cho tương lai. Chương trình nhằm cá thể hóa các NL của người học thông qua những tác động tích cực.

Chương trình giáo dục Hàn Quốc [9] hướng đến các mục tiêu chung nhằm giúp học sinh: Phát triển cá tính riêng của cá nhân, kiến thức và kĩ năng; Khám phá con đường nghề nghiệp với kiến thức và hiểu biết; Tạo ra các giá trị mới dựa trên di sản văn hóa Hàn Quốc; và Cải thiện cộng đồng với tư cách công dân. Các mục tiêu trên đề cao NL sáng tạo của cá nhân trong quá trình vận dụng kiến thức, KN nhằm tạo ra các giá trị mới và cải thiện cộng đồng. Quá trình phát triển NL được thể hiện rõ ở mục tiêu từng cấp học. Với bậc tiểu học, chương trình được xây dựng nhằm giúp học sinh: Phát triển thể chất và tinh thần cá nhân; Phát triển các KN sống cơ bản và có thể thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của bản thân thông qua các công cụ giao tiếp khác nhau; Khám phá sở thích và tiềm năng của bản thân; Kế thừa và đánh giá cao di sản văn hóa và truyền thống Hàn Quốc; và Hình thành thói quen sống lành mạnh và tình yêu quê hương, đất nước. Trong quá trình hình thành những KN sống, HS phát triển phát triển toàn diện với nhiều NL khác nhau.

Chương trình giáo dục Pháp [10, tr.4] chỉ rõ mục tiêu của giáo dục bắt buộc là phải đảm bảo ít nhất cung cấp cho từng HS những công cụ cần thiết để làm chủ một nền tảng chung, bao gồm tổng thể các kiến thức và NL không thể thiếu được để thành công trong quá trình học trong nhà trường, tiếp tục quá trình học tập, tạo dựng tương lai cá nhân, tương lai nghề nghiệp và đạt được thành công trong cuộc sống. Những quy định về NL được thể hiện rõ trong Khung kiến thức và NL thiết yếu cho HS gồm 7 NL chính: làm chủ tiếng Pháp; sử dụng một ngoại ngữ khác; các thành tố cơ bản của toán học và văn hóa, khoa học và công nghệ; làm chủ các kĩ thuật cơ bản của ICT; văn hóa nhân văn; các NL xã hội và công dân; tự chủ và sáng tạo. Ở từng NL này, sự gắn kết giữa kiến thức, kĩ năng và thái độ đều được mô tả rất cụ thể. Đây là những NL xuyên suốt và cũng là yêu cầu đầu ra đối với quá trình dạy học qua tích hợp nội dung, môn học và chọn chủ đề học tập rộng, xuyên môn, gắn với thực tiễn.

2. Những nghiên cứu về phát triển năng lực học sinh ở Việt Nam

Những năm gần đây, dạy học theo hướng phát triển NL, phẩm chất của HS đã và đang trở thành xu thế mới ở Việt Nam trong đổi mới giáo dục, chuyển mục tiêu giáo dục từ coi trọng truyền thụ kiến thức sang giáo dục nhân cách công dân, phát huy tốt nhất tiềm năng của người học. Vai trò của phát triển NL cho HS ngày càng được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn. Điều này thể hiện trước hết qua các văn bản chỉ đạo trong giáo dục, nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nghị quyết số 29/NQ-TƯ ngày 4 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế chỉ rõ: “Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện NL và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội” [11, tr.2]. Nội dung văn kiện đã đề cập đến tính thực hành, mối quan hệ giữa các lực lượng xã hội, tác động của phương pháp giáo dục, môi trường giáo dục đến quá trình phát triển toàn diện NL và phẩm chất người học.

Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 khẳng định một trong những giải pháp phát triển giáo dục là: “Thực hiện đổi mới, chương trình, sách giáo khoa từ sau năm 2015 theo định hướng phát triển NL học sinh, vừa đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc, vừa phù hợp với đặc thù mỗi địa phương” [12; tr.3]. Rõ ràng, định hướng phát triển NL toàn diện cho HS đã được đặt ra cách đây gần 10 năm, thực hiện theo lộ trình, thể hiện rõ trong nội dung chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn học do Bộ giáo dục đào tạo công bố năm 2018 và SGK mới xuất bản năm 2019. Chương trình giáo dục phổ thông cũng đặc biệt chú ý đến tác động của môi trường, tính khu biệt trong giáo dục địa phương, tính khái quát trong vận hành chương trình giáo dục nói chung để tạo ra thành công của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam.

Hiện nay nhiều trường phổ thông đã áp dụng phương pháp dạy học tích cực theo mô hình mới cho thấy GV đã thay đổi từ truyền thụ kiến thức một chiều sang tổ chức, hướng dẫn HS cách học nhằm thúc đẩy các nhóm và từng cá nhân HS hoạt động tích cực. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, nhiều nghiên cứu được thực hiện nhằm đề ra giải pháp hiệu quả phát triển NL học tập của học sinh.

Chương trình giáo dục phổ thông – Chương trình tổng thể đã được công bố vào tháng 12/2018 chỉ rõ mục tiêu của giáo dục phổ thông là: “giúp người học làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời; có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp; biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội; có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú; nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại” [13, tr.6]. Trong đó, mục tiêu của giáo dục tiểu học là: “giúp HS hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, cộng đồng và những thói quen, nề nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt” [13, tr.6]. Hệ thống NL cốt lõi được phân loại thành NL chung và NL riêng. Trong đó, NL chung được hình thành và phát triển trong tất cả các môn học, tình huống và hoạt động giáo dục góp phần hình thành phát triển các Nl, NL giao tiếp và hợp tác; NL giải quyết vấn đề và sáng tạo, tự chủ và tự học [13, tr.6]. Đây là những NL cơ bản, thiết yếu mà bất kỳ ai cũng cần có. Cùng với NL chung, các môn học / hoạt động giáo dục đặc thù cần hình thành được những NL chuyên môn, bao gồm: ngôn ngữ, công nghệ ; tính toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội; thẩm mỹ; thể chất và tin học. Đây là những NL được hình thành và phát triển cùng với những tố chất có sẵn của mỗi người. Bên cạnh các NL chung và NL đặc thù, chương trình giáo dục phổ thông mới còn góp phần bồi dưỡng và phát triển các NL chuyên biệt cho HS và quy định rõ yêu cầu, tăng dần độ khó theo từng cấp học.

Trong hướng nghiên cứu về dạy học phát triển NL cho học sinh, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới những công trình đề cập đến sự khác biệt giữa dạy học phát triển NL cho HS và dạy học theo nội dung. Theo Đỗ Ngọc Thống, sự khác biệt lớn nhất giữa hai cách tiếp cận này là dạy học theo tiếp cận NL là GV sẽ giúp HS rút ra các kết luận, có được hiểu biết, tri thức thông qua tự thực hành và có được hiểu biết, tri thức còn với dạy học theo tiếp cận cận nội dung GV là người dạy giảng giải cho HS nghe và nhìn là chủ yếu [14, tr.22]. Những đặc điểm này làm thay đổi vai trò của người dạy và người học trong quá trình tương tác. Từ việc truyền thụ một chiều, GV là trung tâm, dạy học phát triển NL lấy HS làm trung tâm, trải nghiệm để tự rút ra tri thức. GV là người định hướng, giúp HS từng bước khám phá ra tri thức mới. Từ tiếp thu kiến thức một chiều, thụ động, HS chuyển sang chủ động, tiếp thu thông qua hoạt động thực hành, giúp các em hiểu, nắm vững kiến thức và dễ dàng vận dụng vào cuộc sống hơn.

Với điểm khác biệt đó, các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý đến dạy học tích hợp để phát triển NL, đặc biệt là NL vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong thực tiễn. Đây cũng chính là một trong những NL mà GV tập trung phát triển cho học sinh. Những vấn đề trong thực tiễn thường đòi hỏi sự kết hợp của nhiều lĩnh vực tri thức mà HS nên ngay từ tiểu học, các em cần phải được hình thành và phát triển NL tổng hợp để có góc nhìn tổng thể về thế giới. HS có NL vận dụng kiến thức tốt phải có khả năng tổng hợp để sử dụng kiến thức, KN đã được học vào giải quyết các tình huống thực tiễn trong cuộc sống. Lê Trung Hiếu [15, tr.84-85] đã đưa ra yêu cầu NL vận dụng kiến thức của HS tiểu học là: Có khả năng tiếp cận vấn đề; Huy động kiến thức ban đầu liên quan đến tình huống cần giải quyết; Bước đầu mô tả được kế hoạch để giải quyết tình huống được đặt ra; Huy động kiến thức, thực tiễn qua trải nghiệm liên quan đến tình huống; Đề xuất giải pháp giải quyết tình huống; Thực hiện giải pháp giải quyết tình huống và nhận ra sự phù hợp hay không phù hợp của giải pháp thực hiện.

Đỗ Hương Trà (2015) giới thiệu các chủ đề tích hợp với các mức độ tích hợp khác nhau, từ tích hợp ở mức độ lồng/ghép/liên hệ đến tích hợp ở mức độ chương trình. GV không chỉ được cung cấp cụ thể những chỉ dẫn mà còn nâng cao sự tự tin, tính chủ động và sáng tạo trong việc lựa chọn cách thức tổ chức dạy học các chủ đề tích hợp để đáp ứng mục tiêu dạy học và phát triển đa dạng các NL của học sinh. Theo đó, dạy học không phải là tạo ra kiến thức hay truyền đạt kiến thức mà dạy cho người học học cách đáp ứng hiệu quả các đòi hỏi cơ bản liên quan đến môn học và có khả năng vượt ra ngoài phạm vi môn học để chủ động, thích với cuộc sống trong tương lai [16].

Phát triển và đánh giá NL cho HS phải được tiến hành trong bối cảnh có ý nghĩa và ở những lĩnh vực học tập chủ chốt, từ đó hình thành và phát triển cho HS NL thích nghi với thực tiễn. Lương Việt Thái [17, tr.28] chỉ ra rằng sự thành thạo trong quá trình phát triển NL cho HS phải được phát triển các thành phần và phải được “thực hành” trong những tình huống thực tiễn. Vì thế, trong quá trình dạy học, GV cần phải tạo cơ hội cho HS được trải nghiệm, nhằm đạt được sự thành thạo đối với những NL riêng biệt thông qua các thực hành trong các bối cảnh và kinh nghiệm học tập ở tất cả các lớp.

Tham khảo thêm

  1. Thạch Thị Lan Anh (2020). Dạy học đọc hiểu cho HS lớp 1 giai đoạn Học vần theo định hướng phát triển NL người học. Luận án tiến sĩ khoa học giáo dục (Chuyên ngành: Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Văn và tiếng Việt). Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hà Nội.
  2. Anne Gilleran, Caroline Kearney (2014), Deveoping pupil coptences through eTwinning, Central Support Service for eTwinning Pulisher.
  3. Wenger, E. (1999). Communities of practice: Learning, meaning and identity. Cambridge: Cambridge University Press.
  4. Vygotsky, L. S. (1993). The collected works of L. S. Vygotsky: Vol.2 (J. Knox & C. Stevens, Trans.) New York: Plenum
  5. Clancey,W. J. (1995). A tutorial on situated learning. [Electronic version]. In Self, J. (Eds.) Proceedings of the International Conference on Computers and Education (Taiwan) Charlottesville, VA: AACE.
  6. Ann S. Masten, J. Douglas Coatsworth (1998), The development of competence in favorable and unfavorable environments: Lessons fromm research on successful children, American Psychologist, Vol. 53, No 2.
  7. Aleksandrs Gorbunovs, Atis Kapenieks, Ieva Kudina (2014), Advancement of E- Portfolio System to Improve Competence Levels.
  8. Department for Education (2013), The national curriculum in England.
  9. Ministry of Education, Science and Technology, Korea (2008), The school curriculum of the republic of Korea
  10. Ministry of National Education (2012), School Education in France.
  11. Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (2013), Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
  12. Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020, Ban hành theo Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/06/ 2012.
  13. Bộ Giáo dục Đào tạo (2018), Chương trình Giáo dục phổ thông – Chương trình tổng thể, Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018.
  14. Đỗ Ngọc Thống (2018), Phương pháp dạy học Ngữ văn theo yêu cầu phát triển năng lực, Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 3/2018.
  15. Lê Trung Hiếu (2017), Phát triển NL vận dụng kiến thức cho HS tiểu học thông qua dạy học tích hợp toán học và khoa học, Tạp chí tâm lý học, số 3 (216), 3-2017.
  16. Đỗ Hương Trà chủ biên (2015), Dạy học tích hợp phát triển NL HS, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
  17. Lương Việt Thái (2011), đề tài B2008-37-52 TĐ: Phát triển chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực người học, Viện KHGVN.
Share.