Tùy từng quan điểm và đối tượng áp dụng, chính sách đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) có thể gồm nhiều chính sách công cụ khác nhau, nhằm hướng tới mục tiêu chung. Mỗi quốc gia/khu vực có những biện pháp khác nhau trong chính sách đối với DNVVN, tuy nhiên theo nhiều nghiên cứu, những công cụ của của chính sách (biện pháp) được thực hiện có thể được gộp thành những nhóm giải pháp chủ yếu sau:

Công cụ của chính sách theo Lois Stevenson và cộng sự (2003)

Theo nghiên cứu của Lois Stevenson, Anders Lundström (2003) [1], chính sách đối với DNVVN gồm những nhóm công cụ chủ yếu sau đây:

(i) Môi trường pháp lý đối với việc khởi nghiệp

Chính phủ triển khai điều tra tác động của những quy định, thủ tục pháp lý và hành chính đối với những doanh nghiệp đang hoạt động và những doanh nghiệp mới thành lập. Nguyên nhân chính thực hiện biện pháp này là nhằm giảm gánh nặng hành chính không phù hợp đối với DNVVN, đặc biệt là khi so sánh với những quy định áp dụng đối với các doanh nghiệp quy mô lớn.

(ii) Khuyến khích tinh thần kinh doanh

Nhằm mục tiêu tạo ra sự nhận thức rộng rãi về vai trò của DNVVN trong xã hội và nâng cao vai trò pháp lý của đối tượng doanh nghiệp này thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này là đặc biệt quan trọng đối nếu tại quốc gia đó, quan niệm về DNVVN không mấy tích cực hoặc chưa có vị trí phù hợp trong văn hóa địa phương.

(iii) Đưa kiến thức kinh doanh vào hệ thống giáo dục

Hầu hết các quốc gia đều nhận thức được tác động đối với giới trẻ về tinh thần kinh doanh là chưa đủ để xây dựng văn hóa kinh doanh mạnh mẽ. Giáo dục kiến thức về kinh doanh cần được đưa vào chương trình giảng dạy của các trường hợp từ cấp tiểu học đến đại học bằng nhiều hình thức.

(iv) Thành lập các trung tâm, văn phòng trợ giúp DNVVN

Các quốc gia đều có địa chỉ trợ giúp doanh nghiệp như các văn phòng phát triển kinh tế, trung tâm phát triển doanh nghiệp nhỏ, trung tâm doanh nghiệp và trung tâm dịch vụ doanh nghiệp. Mục tiêu của các văn phòng và trung tâm này là cung cấp hoạt động tư vấn, dịch vụ lập kế hoạch kinh doanh cho các doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp nhỏ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp này tồn tại và phát triển. Nhiều giải pháp trong số đó là trợ giúp DNVVN tiếp cận dễ dàng hơn tới nguồn lực về tài chính, tiếp cận thị trường và công nghệ…. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và sự dịch chuyển trọng tâm chính sách, ngày nay đã có nhiều thay đổi trong các biện pháp trợ giúp này, như hình thức văn phòng một cửa, cổng thông tin trực tuyến, chương trình chia sẻ kinh nghiệm của chủ doanh nghiệp thành đạt, vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm trợ giúp nhóm người nhất định trong xã hội.

(v) Chiến lược hướng tới nhóm mục tiêu

Dựa trên thực tế cho thấy, có một số nhóm người trong xã hội có tỷ lệ trở thành chủ doanh nghiệp rất thấp, nên nhiều chính phủ đã hướng trọng tâm chính sách tới việc trợ giúp những nhóm dân số đặc biệt này. Nhóm mục tiêu phổ biến nhất là những người trẻ tuổi, phụ nữ, người thiểu số, người nhập cư, người thất nghiệp, sinh viên mới ra trường, người khuyết tật. Bên cạnh đó, các chính phủ còn trợ giúp các doanh nghiệp công nghệ có khả năng phát triển nhanh.

(vi) Trợ giúp tiếp cận tài chính và vốn khởi nghiệp

Lý do cần có biện pháp trợ giúp này là do thất bại của thị trường. Người đi vay thích cho vay những khoản tiền lớn (nhờ đó chi phí giao dịch thấp hơn) và dành cho các doanh nghiệp đang hoạt động (với rủi ro thấp hơn). Vì vậy, doanh nghiệp nhỏ gặp nhiều bất lợi trong thị trường vốn do thiếu tài sản thế chấp hoặc do bị đánh giá là rủi ro cao cho vay cao trong khi lợi nhuận mang lại thấp hơn so với doanh nghiệp lớn. Chính phủ đưa ra giải pháp nhằm trợ giúp DNVVN tiếp cận nguồn tài chính, nhưng có nhiều khác biệt giữa các quốc gia. Trong những năm gần đây, các quốc gia có xu hướng ít sử dụng biện pháp trợ cấp và tài trợ cho vay, mà chuyển sang thực hiện nhiều hình thức khác như cho vay bảo đảm và tài trợ bằng vốn cổ phần. Xu hướng khác là giảm chi phí cho doanh nghiệp nhỏ vay thông qua đơn giản hóa quá trình xem xét cho vay, sử dụng dịch vụ khai hồ sơ vay trực tuyến, kỹ thuật xếp hạng tín dụng và chấp thuận cho vay trước khi đủ điều kiện.

Công cụ của chính sách theo UNCTAD (2012)

Tương tự, theo UNCTAD (2012) [2], chính sách đối với DNVVN gồm 6 nhóm chính sách công cụ, đó là:

(i) Xây dựng chiến lược đối với DNVVN quốc gia

Cần thiết có chính sách khuyến khích DNVVN một cách có hệ thống, với mục tiêu xây dựng chiến lược đối với DNVVN phù hợp với điều kiện của từng quốc gia, gắn kết với các chính sách khác của quốc gia, tăng cường khuôn khổ thể chế và có thể đo lường được hiệu quả mang lại.

(ii) Tối ưu hóa môi trường pháp lý

Chính sách này có những mục tiêu cơ bản là: Đánh giá được những thủ tục cần thiết đối với hoạt động khởi sự doanh nghiệp, từ đó giảm thiểu những rào cản pháp lý đối với quá trình khởi sự doanh nghiệp, xây dựng lòng tin của chủ doanh nghiệp vào môi trường pháp lý, hướng dẫn các chủ doanh nghiệp về các thủ tục khởi sự doanh nghiệp.

(iii) Đẩy mạnh giáo dục kiến thức và phát triển kỹ năng về kinh doanh

Chính sách này có những mục tiêu cơ bản gồm: Lồng ghép khuyến khích tinh thần kinh doanh vào hoạt động giáo dục chính quy và không chính quy; Xây dựng và phát triển chương trình giảng dạy kinh doanh hiệu quả; Đào tạo và khuyến khích giáo viên giảng dạy về kinh doanh; Khuyến khích lĩnh vực tư nhân tham gia và hợp tác.

(iv) Tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi công nghệ và hoạt động sáng tạo

Chính sách này gồm những mục tiêu cơ bản: Khuyến khích sự phát triển rộng rãi công nghệ thông tin trong khu vực tư nhân; Thúc đẩy mạng lưới liên kết giữa các doanh nghiệp giúp chuyển giao công nghệ và sáng tạo; Xây dựng cầu nối giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức nghiên cứu, các trường đại học và khu vực tư nhân; Trợ giúp các doanh nghiệp công nghệ cao khởi sự.

(v) Cải thiện khả năng tiếp cận tài chính

Chính sách này gồm những mục tiêu cơ bản: Cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính dựa trên những điều khoản phù hợp; Thúc đẩy cung cấp nguồn quỹ cho hoạt động sáng tạo; Nâng cao năng lực của khu vực tài chính phục vụ hoạt động khởi sự doanh nghiệp; Đào tạo kiến thức về tài chính cho các chủ doanh nghiệp và tăng cường quản lý thông tin về đối tượng vay.

(vi) Nâng cao nhận thức về DNVVN và tăng cường kết nối mạng lưới giữa các doanh nghiệp

Chính sách này gồm những mục tiêu cơ bản: Nhấn mạnh những giá trị của tinh thần kinh doanh đối với xã hội và chỉ ra những yếu tố tiêu cực của những thành kiến đối với hoạt động kinh doanh; Tăng cường nhận thức về các cơ hội của hoạt động kinh doanh; Khuyến khích các sáng kiến của khu vực tư nhân và tăng cường mạng lưới liên kết giữa các doanh nghiệp.

Kết luận

Như vậy, có những những công cụ khác nhau mà một quốc gia hay một tổ chức có thể sử dụng để trợ giúp loại hình doanh nghiệp này, và những công cụ này được phân loại theo những cách khác nhau, trong đó cách phân loại của UNCTAD như trình bày ở phần trên là phù hợp nhất khi sử dụng phân tích chính sách của một liên kết như EU

Tham khảo

  1. Lois Stevenson, Anders Lundström (2003), “Entrepreneurship Policy: Theory and Practice”, Kluwer Academic Publishers, New York…
  2. UNCTAD (2012), “Entrepreneurship Policy Framework and Implementation Guidance”, http://unctad.org
  3. Đinh Mạnh Tuấn (2015). Chính sách của EU đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ năm 2000 đến nay.
Share.