Nghiên cứu rủi ro tín dụng và hiệu quả kinh doanh ngân hàng được đặc biệt chú ý vì giữa rủi ro tín dụng và hiệu quả kinh doanh ngân hàng có mối quan hệ hai chiều: rủi ro tín dụng có tác động đến hiệu quả kinh doanh ngân hàng trong khi hiệu quả kinh doanh ngân hàng cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng. Mối quan hệ giữa rủi ro tín dụng của ngân hàng với hiệu quả kinh doanh của ngân hàng lần đầu tiên được đưa ra bởi Berger và DeYoung (1997), gắn liền với các giả thuyết có tên: thuyết “không may mắn” (bad luck management), thuyết “quản trị kém” (bad management) và thuyết “tiết kiệm chi phí” (skimping hypothesis).

1. Tác động của rủi ro tín dụng tới hiệu quả kinh doanh của ngân hàng

Theo Berger và DeYoung (1997), khi rủi ro tín dụng tăng lên (các khoản nợ xấu tăng), ngân hàng phải bỏ thêm nhiều khoản chi phí liên quan đến việc giải quyết các khoản nợ xấu này. Các chi phí tăng thêm bao gồm: chi phí để tăng cường giám sát những khách hàng vay quá hạn và các tài sản thế chấp của họ; chi phí phân tích và dàn xếp (thỏa thuận) với khách hàng về các khoản vay này; chi phí duy trì và xử lý tài sản đảm bảo; chi phí liên quan đến việc bảo vệ danh tiếng và sự an toàn của ngân hàng đối với các cơ quan quản lý và thị trường tài chính; chi phí tăng thêm để đảm bảo chất lượng của các khoản cho vay khác. Việc gia tăng các chi phí này làm cho rủi ro tín dụng có thể trở thành một nguyên nhân làm giảm hiệu quả kinh doanh của ngân hàng.

Ở một khía cạnh khác, khi rủi ro tín dụng tăng lên do các điều kiện kinh tế bất lợi nằm ngoài khả năng kiểm soát của ngân hàng thì ngân hàng sẽ phải bỏ thêm chi phí để khắc phục những hậu quả do các khoản nợ đó mang lại. Như vậy, rủi ro tín dụng làm tăng chi phí và từ đó làm giảm hiệu quả của ngân hàng, như đã được đề cập trong thuyết “không may mắn” (bad luck management).

2. Tác động của hiệu quả kinh doanh của ngân hàng tới rủi ro tín dụng

Đánh giá về tác động của hiệu quả kinh doanh của ngân hàng được đề cập trong lý thuyết “quản trị kém” (bad management) của Berger và DeYoung (1997). Trong lý thuyết này, một ngân hàng có hiệu quả kinh doanh (đặc biệt là hiệu quả chi phí) thấp có thể là một dấu hiệu của hoạt động quản trị ngân hàng yếu kém trong đó có việc quản trị hoạt động tín dụng. Liên quan đến quản trị rủi ro tín dụng, các ngân hàng này có thể không thực hiện đúng và đủ các hoạt động cần thiết để kiểm soát các khoản cho vay: thiếu kỹ năng trong việc chấm điểm tín dụng đối với khách hàng xin vay, xác định giá trị các tài sản bảo đảm kém chính xác, hay gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát việc thu nợ khách hàng sau khi cho vay. Tất cả những yếu kém này có thể là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cao và vì vậy rủi ro tín dụng sẽ tăng. Như vậy, theo thuyết “quản trị yếu kém”, hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thấp chính là nguyên nhân có trước và dẫn đến rủi ro tín dụng của của ngân hàng cao.

Berger và DeYoung (1997) cũng đưa ra một giả thuyết khác về mối quan hệ cùng chiều giữa rủi ro tín dụng và hiệu quả kinh doanh của ngân hàng khi một ngân hàng nào đó không giành nhiều nguồn lực để đánh giá các khoản vay nhằm phát hiện những điều bất thường trong các hồ sơ xin vay. Khi đó, chi phí ngân hàng bỏ ra là nhỏ và vì thế ngân hàng đó sẽ có hiệu quả kinh doanh cao trong ngắn hạn vì chi phí giảm nhưng sẽ có nhiều khả năng nợ xấu của ngân hàng sẽ tăng. Hay nói một cách khác hiệu quả kinh doanh tăng trong ngắn hạn thì rủi ro tín dụng cũng tăng. Berger và DeYoung (1997) gọi đây là thuyết “tiết kiệm chi phí” (skimping hypothesis).

Trong thuyết “tiết kiệm chi phí”, Berger và DeYoung (1997) cho rằng có sự đánh đổi giữa việc tiết kiệm chi phí trong ngắn hạn và tình trạng nợ xấu trong tương lai của ngân hàng. Một ngân hàng có thể lựa chọn việc tối đa hóa lợi nhuận trong hiện tại nhờ việc tiết kiệm các chi phí quản trị rủi ro tín dụng và có thể đạt được hiệu quả chi phí trong ngắn hạn nhưng sẽ phải đối mặt với các vấn đề về nợ xấu kéo theo các chi phí để giải quyết các khoản nợ xấu đó trong tương lai. Như vậy, theo giả thuyết này, rủi ro tín dụng của ngân hàng có thể bắt nguồn từ hiệu quả chi phí cao của ngân hàng hay hiệu quả chi phí cao cũng có thể là nguyên nhân của rủi ro tín dụng cao.

Để kiểm định cho các lập luận của mình, Berger và DeYoung (1997) đã thu thập dữ liệu của các ngân hàng thương mại Mỹ trong giai đoạn 1985 đến 1994 và đánh giá mối quan hệ giữa rủi ro tín dụng và hiệu quả thông qua việc phân tích hệ số tương quan Pearson. Kết quả nghiên cứu ủng hộ cho thuyết không may mắn (bad luck), nghĩa là sự gia tăng của nợ xấu kéo theo sự suy giảm trong hiệu quả của ngân hàng vì các ngân hàng có các khoản nợ xấu cao sẽ phải gia tăng chi phí trong việc xử lý các khoản nợ này và chi phí cho việc kiểm soát các khoản vay hiện tại. Xét trong phạm vi tổng thể các ngân hàng, thì kết quả nghiên cứu nghiêng về thuyết quản trị kém (bad management) hơn là thuyết tiết kiệm chi phí (skimping). Tuy nhiên, xét trong phạm vi một số nhóm ngân hàng đang hoạt động hiệu quả thì sự tăng lên của hiệu quả do giảm chi phí lại làm tăng rủi ro tín dụng. Hay nói cách khác, có một sự đánh đổi giữa chi phí trong ngắn hạn và chất lượng các khoản vay trong dài hạn.

Williams (2004) tiếp tục phát triển kết quả nghiên cứu của Berger và DeYoung (1997) về mối quan hệ nhân quả giữa hiệu quả kinh doanh của ngân hàng và rủi ro tín dụng (đo lường rủi ro này bằng tỷ lệ dự phòng rủi ro cho vay trên tổng nợ) đối với các ngân hàng châu Âu trong giai đoạn 1990 – 1998. Kết quả nghiên cứu của Williams (2004) cho thấy một sự sụt giảm trong hiệu quả chi phí và hiệu quả lợi nhuận sẽ làm tăng rủi ro tín dụng, như đã được trình bày trong thuyết “quản trị kém” (bad management hypothesis) của Berger và DeYoung (1997).

Cùng chung mục tiêu nghiên cứu với Williams (2004), Rossi, Schwaiger, và Winkler (2005) cũng sử dụng chỉ tiêu tỷ lệ dự phòng rủi ro cho vay trên tổng nợ để đo lường rủi ro tín dụng trong mối quan hệ với hiệu quả chi phí và hiệu quả lợi nhuận, chỉ khác là dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ 278 ngân hàng ở các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi trong giai đoạn 1995-2002. Kết quả nghiên cứu ủng hộ cho thuyết “không may mắn” (bad luck hypothesis), nghĩa là rủi ro tín dụng tăng có sẽ làm cho hiệu quả chi phí và hiệu quả lợi nhuận giảm.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Thu Nga (2017). Phân tích mối quan hệ giữa rủi ro tín dụng với hiệu quả kinh doanh của các NHTMCP Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
  2. Berger, A. N., De Young, R. (1997), ‘Problem loans and cost efficiency in commercial Banks’, Journal of Banking And Finance, (21) 6, pp. 849-870.
  3. Williams, J., ( 2004), ‘Determining management behaviour in European Banking’ Journal of Banking and Finance 28, pp. 2427-2460.
  4. Rossi, S., Schwaiger, M., and Winkler, G. (2005), ‘Managerial Behaviour and Cost/Profit Efficiency in the Banking Sectors of Central and Eastern European Countries’, Working Paper, No. 96, Austrian National Bank.
Share.