Kinh nghiệm thu hút và sử dụng vốn FDI của một số địa phương tiêu biểu trong nước và quốc tế như: Thâm Quyến (Trung Quốc), Bắc Ninh, Bình Dương… là bài học quan trọng để các địa phương trong nước quan tâm học hỏi, có cách thức phù hợp để thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn quan trọng này. Cụ thể.
1. Kinh nghiệm về thu hút và sử dụng vốn FDI của Thành phố Thâm Quyến.
Thâm Quyến là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Đông, là đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc được phát triển từ một làng châu thổ Châu Giang. Năm 1980, nông nghiệp là ngành chính trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện. Sau hơn 3 thập niên, Thâm Quyến đã trở thành một trong những siêu đô thị hiện đại của thế giới. Để có được kết quả đó, thành phố đã kiên quyết, mạnh dạn, sáng tạo bước đi trên con đường phát triển: dựa vào ngoại lực để tăng cường, phát triển nội lực; xây dựng nền kinh tế tự chủ, sáng tạo với khoa học kỹ thuật cao, dịch vụ hiện đại, tầm ảnh hưởng và địa vị được nâng cao trên trường quốc tế.
Từ năm 1982, Thâm Quyến đã tăng trưởng thần tốc nhờ các chính sách mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 1992, khu vực này thu hút 4,3 tỷ USD vốn FDI, tương đương 14% tổng vốn FDI vào Trung Quốc. Năm 2015, tổng GDP của Thâm Quyến đạt 270 tỷ USD, cao hơn Bồ Đào Nha, Ireland và thậm chí là Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu xếp thứ nhất trong chín năm liên tục, xếp thứ 2 về sản lượng công nghiệp, thu ngân sách xếp thứ 3 trong 5 năm liên tục, xếp thứ 3 về sử dụng vốn ĐTNN. Thâm Quyến là trung tâm chế tạo lớn của Trung Quốc. “Mỗi ngày một cao ốc, 3 ngày một đại lộ” là khẩu hiệu nổi tiếng của Thâm Quyến cuối thập niên 1990. Thành phố có sự hiện diện của hơn 400 trong 500 công ty lớn nhất thế giới. Là khu vực có nhiều trụ sở của các công ty nổi tiếng như Tencent, Huawei và là nơi đặt nhà máy của các tập đoàn như Hon Hai, ZTE, Konka…
Thu hút FDI đã tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của Thâm Quyến. Thời kỳ đầu, FDI tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp nhẹ đòi hỏi nhiều lao động với trình độ không cao như may mặc, đồ chơi trẻ em, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động. Sau đó, Thâm Quyến tập trung thu hút FDI để phát triển những ngành công nghệ cao như máy tính, phần mềm máy tính với tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm rất cao (khoảng 95%). Năm 2012, thành phố có khoảng 27.000 doanh nghiệp FDI. Nhiều dự án đầu tư lớn với công nghệ hiện đại như IBM, Compaq, Samsung… góp phần biến Thâm Quyến trở thành nơi dẫn đầu về nghiên cứu phát triển và công nghệ cao của Trung Quốc.Khu vực công nghệ cao của Thâm Quyến sản xuất 47% sản phẩm công nghiệp và 15% hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Công nghiệp là ngành phát triển và chiếm tỷ trọng cao nhất ở đây. Các ngành khác chiếm tỷ trọng ít hơn nhưng vẫn có cơ chế ưu tiên để đảm bảo tỷ trọng phát triển các ngành ở mức cần thiết, đa dạng hóa ngành nghề. Thâm Quyến tiếp tục là trung tâm của những cải cách mới về tài chính của Trung Quốc nhằm mục tiêu to lớn như: quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, gia tăng liên kết với thị trường tài chính Hồng Kông và cuối cùng là trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế, sánh ngang với New York, London.
Thâm Quyến cũng thu hút được nhiều dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực giáo dục góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của thành phố. Tuy nhiên, các dự án trong lĩnh vực giáo dục chất lượng cao này thường tập trung vào những người có thu nhập cao. Ngoài ra, Thâm Quyến cũng thu hút được một số dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực y tế, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe.
Thâm Quyến là một trong số các siêu đô thị ở Trung Quốc với những tòa nhà cao chọc trời. Sự phát triển thành siêu đô thị của Thâm Quyến có một phần không nhỏ là từ đóng góp của FDI. Dòng người nhập cư từ nước ngoài, từ địa phương khác tới Thâm Quyến đã thay đổi cấu trúc trong dân số. Lượng dân số đông, cơ cấu tiêu dùng đa dạng, thu nhập cao hơn, đã mang lại cơ hội cho các nhà kinh doanh, đặc biệt trong 3 lĩnh vực bán lẻ, giáo dục và y tế. Quá trình xây dựng và phát triển siêu đô thị Thâm Quyến với rất nhiều “đại công trình” diễn ra ở khắp nơi đã khiến những ngành này tăng trưởng rất mạnh. FDI không chỉ góp phần xây dựng những tòa nhà cao đồ sộ, mà còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại cùng cảnh quan thiên nhiên đẹp và thân thiện với môi trường. Hàng trăm ngôi nhà cao tầng, hệ thống tàu điện ngầm, các trung tâm thương mại, dịch vụ đẳng cấp và nhà máy sản xuất đã khiến Thâm Quyến trở thành thành phố rất hiện đại và năng động. Thâm Quyến cũng đã thu hút lượng đầu tư FDI đáng kể kết hợp với nguồn vốn trong nước để xử lý ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, gắn liền với phát triển kinh tế và đô thị hóa, việc nước thải của cư dân đô thị và rác thải công nghiệp ngày càng tăng gây ô nhiễm và giảm sút đáng kể chất lượng cuộc sống. Trong đô thị tình trạng ô nhiễm không khí do khí thải của các loại ô tô, xe cơ giới, rác thải làm cho môi trường sống phải gánh chịu nhiều rủi ro. Đất nông nghiệp bị thu hẹp diện tích làm môi sinh bị hủy hoại và sức đề kháng với các thảm họa thiên nhiên giảm sút. Thực tế vẫn còn xuất hiện những sự cố ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống cũng như an toàn của người dân. Chẳng hạn như những vụ sụt lún tạo ra những “hố tử thần” trên đường phố ở đây,…
Để tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả FDI, chính quyền thành phố Thâm Quyến đã tập trung vào các chính sách và biện pháp cụ thể là:
Phát triển ngành công nghệ cao: Thâm Quyến tập trung vào thu hút FDI đầu tư vào nghiên cứu triển khai và thu hút nhân tài. Nhiều chính sách thu hút nhân tài đã được áp dụng tại đây và đặc biệt thành phố đã thu hút được rất nhiều nhân tài trong lĩnh vực công nghệ cao. Việc nhập hộ khẩu dành cho các đối tượng này cũng tương đối dễ dàng. Ngoài ra, thành phố còn tạo điều kiện cho vợ, chồng các đối tượng này nhập tịch, tìm việc làm được thành phố hỗ trợ tối đa. Ở các trường đại học của Thâm Quyến, đối với học vị tiến sĩ được hỗ trợ 100.000 nhân dân tệ làm công tác nghiên cứu. Học vị càng cao thì chính sách đãi ngộ càng lớn. Những người có học vị tiến sĩ trở lên có nhu cầu sinh sống ở thành phố sẽ được tạo điều kiện nhập hộ khẩu, cấp tiền mua nhà ở. Việc kiểm soát nguồn hỗ trợ này được tiến hành nghiêm, có quy định theo các khoản, mục rõ ràng đảm bảo kinh phí được sử dụng đúng mục đích.
Đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao: Thâm Quyến thực hiện chính sách mở cửa, tạo môi trường đầu tư tốt cho các nhà đầu tư mở công ty, đặt trụ sở chính tại thành phố để thu hút thêm nhân lực chất lượng cao. Thâm Quyến không có nhiều cơ sở KH&CN, do đó muốn thúc đẩy KH&CN thành phố đã tận dụng nguồn lực KH&CN từ bên ngoài và quan tâm phát triển KH&CN trong doanh nghiệp. Trên địa bàn thành phố có khá nhiều doanh nghiệp trẻ vừa thành đạt về kinh tế vừa có tiềm lực KH&CN mạnh, điển hình là Công ty trách nhiệm hữu hạn Shenzhen Mindray Bio – Medical Electronis thành lập năm 1992 nhưng đã có các sản phẩm được cả thế giới biết đến; công ty hiện có 37% số nhân lực làm việc trong lĩnh vực R&D, đầu tư cho R&D chiếm tới 10% doanh thu…Thâm Quyến chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng thông qua đào tạo từ xa, mở các trường đào tạo, khuyến khích và hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp đào tạo lao động.
Cải cách thể chế hành chính: Thâm Quyến đã tiến hành bảy đợt cải cách thể chế hành chính, giảm 40% hạng mục phê duyệt. Thiết lập các trung tâm phục vụ ngành hàng, trung tâm phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hình thành 21 tổ chức phục vụ với 127 cửa sổ hành chính lấy tôn chỉ là “dân cùng hưởng”, phục vụ từ nhu cầu kinh doanh đến những nhu cầu thường ngày trong cuộc sống dân cư. Thâm Quyến không chỉ huy động trí tuệ mà còn tranh thủ sự đồng thuận của người dân thông qua việc trưng cầu ý kiến nhân dân. Ở Thâm Quyến, từ việc lớn như lên lịch trình xây dựng thành phố hiện đại đến những việc như định hướng đi của một con đường, giá thuê ôtô, giá vé tàu điện ngầm… đều tổ chức lấy ý kiến công chúng và các chuyên gia.
Cải thiện cơ sở hạ tầng: Thâm Quyến không ngừng cải thiện cơ sở hạ tầng và làm tốt công tác quy hoạch phát triển đô thị theo từng thời kỳ phát triển. Đối với doanh nghiệp FDI đồng ý mở trụ sở chính ở thành phố, chính quyền sẽ tặng một khoản kinh phí cho doanh nghiệp như một sự chào đón doanh nghiệp đến với Thâm Quyến.
Về chính sách thuế: Thâm Quyến thực hiện chính sách “2 miễn, 3 giảm” đối với doanh nghiệp. Trong 2 năm đầu doanh nghiệp được miễn thuế và 3 năm tiếp theo được giảm thuế. Chính sách này đã thu hút được rất nhiều doanh nghiệp FDI đến với Thâm Quyến. Thâm Quyến đã thực hiện những chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư riêng biệt, đơn cử như việc doanh nghiệp đầu tư tại đặc khu kinh tế của Thâm Quyến chỉ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là 15%/năm, trong khi đó tại các khu vực bên ngoài đặc khu kinh tế là 33%/năm. Thâm Quyến có những khẩu hiệu thể hiện tư duy phát triển của thành phố như: “Thời gian là tiền bạc, hiệu suất là tính mạng; đừng sáo rỗng mà phải làm việc một cách thực tế”.
Thâm Quyến chú trọng đến hoạt động chuyển giao công nghệ. Đối với việc đầu tư hạ tầng, ngoài nguồn vốn của địa phương, thành phố tranh thủ nguồn vốn của Chính phủ. Đồng thời, huy động thêm nguồn vốn đầu tư từ DN, thu một số loại phí hạ tầng đối với DN, hoặc theo hình thức đầu tư BOT.Thâm Quyến đã sử dụng hoàn toàn nguồn lực từ bên ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại đặc khu kinh tế. Trong việc xây dựng đặc khu kinh tế, vấn đề quy hoạch được ưu tiên hàng đầu và được lãnh đạo thành phố rất quan tâm bởi quy hoạch tạo nên sức sản xuất. Trong quá trình lập quy hoạch, quan trọng nhất là việc định vị đặc khu kinh tế trong bức tranh tổng thể KT-XH.
Ngoài ra, Thâm Quyến còn dành nhiều ưu đãi để thu hút đầu tư như về giá đất, cơ chế, mở rộng đầu tư… Đồng thời tận dụng triệt để những cơ hội để xây dựng, phát triển và quảng bá về thành phố mình, nâng cao danh tiếng và sức ảnh hưởng của thành phố trên trường quốc tế, tạo thêm lực đẩy nhằm thu hút FDI. Đối với việc các doanh nghiệp nợ lương của lao động nhập cư, Thâm Quyến có chế tài nghiêm ngặt buộc các doanh nghiệp phải giải quyết thấu đá, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
2. Kinh nghiệm về thu hút và sử dụng vốn FDI của tỉnh Bắc Ninh
Thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế thế giới, với lợi thế về vị trí địa lý cùng khả năng liên kết vùng và khu vực thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng cùng với sự năng động của chính quyền tỉnh, những năm qua Bắc Ninh đã thu hút có hiệu quả dòng vốn FDI. Thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, tỉnh chỉ có 4 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 177,58 triệu USD, cho đến hết quí I năm 2017, tỉnh Bắc Ninh đã thu hút được gần 1.000 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 15 tỷ USD. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2017, Bắc Ninh thu hút được 2,61 tỷ USD vốn FDI. Với kết quả này, Bắc Ninh dẫn đầu trong tổng số 52 tỉnh, thành phố của Việt Nam có dự án FDI đến đầu tư trong quý I năm 2017. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số hơn 2,6 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh trong quý I thì dự án Samsung Display Việt Nam (thuộc tập đoàn Samsung – Hàn Quốc) đã điều chỉnh tăng vốn 2,5 tỷ USD. Dự án “khủng” của Samsung chính là nguyên nhân làm cho Bắc Ninh trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước trong thu hút FDI những tháng đầu năm 2017.
FDI đầu tư vào Bắc Ninh tập trung ở nhiều lĩnh vực, trong đó nhiều nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử. Không chỉ thu hút được lượng FDI lớn, các dự án FDI ở Bắc Ninh còn được đánh giá cao về chất lượng bởi sự đầu tư của nhiều tập đoàn lớn và thương hiệu toàn cầu như: Canon (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Nokia (Phần Lan), Pepsico (Hoa Kỳ), ABB (Thụy Điển), Ariston (Italia)… Bắc Ninh được biết đến như là: “Thánh địa sản xuất điện thoại di động của khu vực và thế giới”. Đây là điểm đặc biệt đáng chú ý khi trên cả nước, số lượng các tập đoàn lớn đầu tư còn khiêm tốn, không như kỳ vọng. Đến nay, tỉnh đã có 15 KCN tập trung được Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 7.681ha, có 9 KCN đã đi vào hoạt động hiệu quả như Tiên Sơn, Quế Võ, Yên Phong, Thuận Thành III, Quế Võ II, Đại Đồng – Hoàn Sơn, KCN Đô thị và dịch vụ VSIP, HANAKA. Các KCN được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với các ngành sản xuất có tính động lực như điện tử, dệt may, cơ khí với kỹ thuật tiên tiến, làm tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.
FDI từ các nhà đầu tư Hàn Quốc hiện đang dẫn đầu về lượng vốn đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh. Năm 2007, các KCN Bắc Ninh mới bắt đầu tiếp nhận FDI từ Hàn Quốc. Đến nay, có 68 dự án FDI từ Hàn Quốc đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào các KCN của tỉnh với tổng số vốn đăng ký là 1.030 triệu USD, quy mô vốn bình quân là 15,147 triệu USD/dự án. Các dự án FDI của Hàn Quốc chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại di động, cơ khí chính xác, chế biến nông sản thực phẩm, các ngành dịch vụ phục vụ và công nghiệp dân dụng. Dự án do Tập đoàn Samsung đầu tư đã kéo theo 24 dự án vệ tinh với tổng vốn đầu tư đăng ký 203,4 triệu USD, chuyên sản xuất linh kiện cung cấp cho tập đoàn này.
FDI đã đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế của tỉnh, hình thành một số ngành công nghiệp mũi nhọn như: công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao, phát triển cơ sở hạ tầng, tăng nguồn thu ngân sách, tạo nhiều việc làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế với mục tiêu đưa Bắc Ninh liên kết với Hà Nội trở thành trung tâm lớn của cả nước về công nghiệp điện tử, công nghiệp phụ trợ và công nghiệp công nghệ cao. Đến nay, khu vực FDI đã chiếm trên 85% tổng GTSXCN toàn tỉnh, đóng góp 99% tổng kim ngạch xuất khẩu, đưa Bắc Ninh thành tỉnh có giá trị xuất siêu lớn trên cả nước. FDI cũng góp phần quan trọng vào phát triển xã hội trên địa bàn tỉnh. Thu nhập bình quân của lao động trong các KCN đạt 5,578 triệu đồng/người/tháng. Hiện các KCN Bắc Ninh sử dụng hơn 200 nghìn lao động, trong đó lao động địa phương là 66.389 người (33,33%), lao động nữ là 135.963 người (68,25%), lao động nước ngoài 2.543 người. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của các KCN là 100%.
Bắc Ninh có sức hấp dẫn và thu hút nhiều dự án FDI, là vì tỉnh nằm ở khu vực có vị trí địa lý, hạ tầng KT – XH thuận lợi; nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tam giác tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, tiếp giáp và cách Thủ đô Hà Nội 30 km, cách sân bay quốc tế Nội bài 45 km, cách cảng biển Hải Phòng 110 km. Hệ thống giao thông thuận lợi đã tạo cơ hội tốt cho tỉnh thực hiện giao lưu kinh tế và luân chuyển hàng hóa được thuận lợi.
Bắc Ninh hiện có 16 trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề và nhiều cơ sở giáo dục quy mô lớn và chất lượng, là cơ sở để đào tạo và cung ứng cho thị trường lao động ngũ cán bộ khoa học, nguồn nhân lực có chất lượng nhằm tạo sức hút đối với các nhà đầu tư. Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt chính sách giải phóng mặt bằng… tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp.
Môi trường đầu tư của Bắc Ninh đã hội tụ các yếu tố nền tảng: Cơ sở hạ tầng tốt, thủ tục hành chính ngày càng đơn giản, thuận lợi, hình ảnh của Bắc Ninh được gắn liền với các thương hiệu lớn, công nghiệp hỗ trợ bước đầu hình thành và gia tăng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp… Sự hội tụ đó bảo đảm cho các KCN Bắc Ninh và “thương hiệu Bắc Ninh” cần và có thể trở thành địa chỉ tham gia cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu, chứ không đơn giản chỉ cạnh tranh giữa các địa phương trong nước. Với những lợi thế đó, nhà đầu tư có thể cảm nhận được sự khác biệt đem đến hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp trong ngắn hạn và chiến lược phát triển dài hạn.
Bắc Ninh đã khởi động, thực hiện những bước đi của chiến lược phát triển trong giai đoạn mới dựa trên các yếu tố: Chuyển từ phát huy lợi thế so sánh tĩnh sang lợi thế so sánh động; nâng cấp môi trường kinh doanh tốt với chất lượng điều hành kinh tế và đơn giản hóa thủ tục; tái cấu trúc các ngành và không gian kinh tế với tầm nhìn dài hạn nhằm kiến tạo không gian đô thị công nghiệp hiện đại, định vị tọa độ phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Nhà đầu tư có thể tìm thấy ở chiến lược này “điểm tựa” cho chiến lược của doanh nghiệp, thể hiện ở thông điệp: “Bắc Ninh đồng hành cùng doanh nghiệp” mà lãnh đạo tỉnh đã đề ra đang được các cấp, các ngành nỗ lực thực hiện.
Những giải pháp chủ yếu tỉnh Bắc Ninh đã đề ra để thu hút và sử dụng FDI là:
Thứ nhất, lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI theo định hướng “sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai”. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ; tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng: giao thông, điện, nước, xử lý rác nước thải và rác thải; chú trọng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông, cung cấp phần mềm và giải pháp, nghiên cứu và phát triển (R&D),…
Thứ hai, thực hiện cơ chế chính sách ưu tiên, ưu đãi thu hút ĐTNN vào các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh như: Hỗ trợ về giải phóng mặt bằng; Hỗ trợ nhà đầu tư cung ứng và đào tạo lao động; Đối với các dự án có quy mô lớn (vốn đầu tư từ 1.500 tỷ trở lên), sử dụng công nghệ cao, ngoài các ưu đãi theo quy định chung của chính phủ, nhà đầu tư được UBND tỉnh xem xét hỗ trợ xây dựng cơ chế hỗ trợ ưu đãi đặc thù trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận…
Thứ ba, đa dạng hóa các hình thức đầu tư để huy động và nâng tỷ trọng của vốn FDI vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, nước), tỉnh khuyến khích đầu tư theo hình thức BT, BOT, đồng thời nghiên cứu và triển khai mô hình đầu tư hợp tác công tư (PPP) theo Quyết định số 71/2010 ngày 9/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Chính quyền tỉnh Bắc Ninh sớm coi trọng phát triển đồng bộ hạ tầng xã hội như: khu chung cư cho cán bộ, công nhân viên, nhà văn phòng, biệt thự cho chuyên gia, các dịch vụ tiện ích đến tổ hợp vui chơi giải trí… đáp ứng tốt nhất nhu cầu của công nhân làm việc cho các doanh nghiệp trong KCN. Bên cạnh đó, các ngành hữu quan của tỉnh như: Văn phòng Ban quản lý KCN, Bưu chính viễn thông, Ngân hàng, Hải quan Bắc Ninh… có trụ sở đặt ngay tại trung tâm KCN, nên mọi thủ tục pháp lý, thương mại được thực hiện ngay, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Với tất cả những gì đã và đang được thực hiện, Bắc Ninh đang tiến tới mô hình “chuẩn” về quy hoạch, xây dựng KCN-đô thị- dịch vụ để từ đó làm cơ sở cho việc xây dựng, quy hoạch các KCN khác, đồng thời cũng là mô hình cho nhiều địa phương khác của Việt Nam học hỏi.
Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, thẩm định cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư. Việc cấp GCNĐT phải đảm bảo các yêu cầu như: Sự phù hợp của lĩnh vực đầu tư đối với hệ thống quy hoạch của địa phương, quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển ngành..; hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án phải bằng hoặc cao hơn hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, công nghệ sử dụng trong dự án phải là công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường….
Thứ năm, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư sau cấp phép, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật chuyên ngành đối với các dự án đầu tư; tiến hành rà soát, phân loại và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án chậm triển khai hoặc không triển khai thực hiện.
Thứ sáu, đổi mới và nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư. Chú trọng các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ theo định hướng tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư.
Thứ bảy, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, xây dựng, thúc đẩy nhanh việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
3. Kinh nghiệm về thu hút và sử dụng vốn FDI của tỉnh Bình Dương
Là một tỉnh thuần nông, Bình Dương bước vào xây dựng và phát triển công nghiệp ở điểm xuất phát thấp, gần như chưa có cơ sở hạ tầng về công nghiệp. Thực tế đó buộc tỉnh Bình Dương phải có sự đột phá, đi tắt đón đầu. “Cú huých” từ công nghiệp đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo của tỉnh như một “phép màu” kỳ diệu. Đến nay, Bình Dương là một trong 5 địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước, là “địa chỉ đỏ” về thu hút FDI ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tính đến tháng 6 năm 2016, Bình Dương thu hút 2.883 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 25.355.908 triệu USD, đứng vị trí thứ tư sau: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa Vũng Tàu. Lĩnh vực công nghiệp thu hút số dự án và số vốn đầu tư lớn nhất, chiếm tỷ trọng 92.75% trong tổng số dự án và chiếm 71.60% vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chiếm 15,58% tổng vốn đầu tư, có 01 dự án với số vốn đầu tư 1 tỷ 200 triệu USD; dịch vụ chiếm 1.08% số dự án và 3.43% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực xây dựng chiếm 4.86% tổng vốn đầu tư với 43 dự án, lĩnh vực nông, lâm nghiệp chỉ chiếm 0.72% số dự án và 1.18% tổng vốn đầu tư. Quy mô trung bình một dự án FDI ở Bình Dương đạt khoảng 8,8 triệu USD/dự án.
Theo báo cáo tổng kết 25 năm thu hút FDI của Bình Dương, trong khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào đây, các nhà đầu tư của Đài Loan đang dẫn đầu về số dự án với khoảng 35% tổng dự án. Nhiều tập đoàn, công ty xuyên quốc gia có năng lực tài chính và công nghệ đã đầu tư vào tỉnh. Bên cạnh các quốc gia Châu Á có số dự án đầu tư lớn vào Bình Dương còn có các nước Châu Âu và Bắc Mỹ. FDI đã đem đến công nghệ hiện đại và phương thức quản lý tiên tiến góp phần vào công cuộc CNH–HĐH ở địa phương. Hiện, các nước Châu Á chiếm 74% tổng vốn đăng ký, các nước châu Âu chiếm 10%, châu Mỹ chiếm 4%, chủ yếu là Hoa Kỳ. Còn lại 12% thuộc các Vùng lãnh thổ (Samoa, Virgin …) Điểm nhấn trong thu hút FDI của tỉnh là các dự án tập trung vào sản xuất các linh kiện điện tử công nghệ cao, điện gia dụng, dược phẩm, sản phẩm tiêu dùng cao cấp, các dịch vụ cao cấp và bất động sản.
Quan điểm quy hoạch phát triển của Bình Dương là phải mang tính phù hợp và kết nối kinh tế với vùng, ngành; phát triển công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ và đô thị. Khuyến khích FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thu hút các dự án có quy mô lớn và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Những thành công trong thu hút và sử dụng FDI của Bình Dương có được là nhờ áp dụng các biện pháp sau:
Nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn cả 3 yếu tố: Thiên thời địa lợi nhân hòa, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, con người Bình Dương năng động, đoàn kết mà hạt nhân là đội ngũ cán bộ giàu năng lực, đồng sức đồng lòng. Nếu việc giải tỏa đền bù là rất khó khăn ở các địa phương khác, nhưng tại Bình Dương việc giải tỏa vài chục nghìn ha đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, KCN được nhân dân ủng hộ rất cao. Làm được như vậy là do tâm nguyện của lãnh đạo và người dân được thống nhất. Chủ trương nhất quán của tỉnh là phải đền bù giải tỏa sát với giá thị trường, quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng các khu tái định cư, tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân tái hòa nhập và tham gia làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Nhờ đó, Bình Dương đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Với kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tương đối phát triển so với các địa phương trong khu vực, Bình Dương có khả năng kết nối thuận lợi các tuyến giao thông quan trọng trong vùng như đường Xuyên Á từ cửa khẩu Mộc Bài, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cùng các khu đô thị lớn trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, các KCN đều thành công và thu hút rất nhiều dự án vào sản xuất kinh doanh, góp phần đưa công nghiệp tỉnh phát triển nhanh và ổn định. Chính từ hạ tầng các KCN tốt đã đưa Bình Dương trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, hơn 10 năm trở lại đây, vốn FDI vào tỉnh ngày càng tăng, trở thành địa phương hấp dẫn các nhà đầu tư đến từ châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore…
Trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, cơ chế “Một cửa” được tỉnh Bình Dương quán triệt sâu sắc. Ban Quản lý KCN và Sở KH & ĐT là 2 cơ quan “công bộc” cho đến khi cấp phép. Nếu không may bị “tắc” do không thuộc thẩm quyền của tỉnh thì lãnh đạo tỉnh sẽ phối hợp với các nhà đầu tư cùng “gõ cửa” các cơ quan Trung ương để giải quyết. Đã trở thành truyền thống, lãnh đạo tỉnh hàng tháng có chương trình cùng cán bộ đầu ngành tỉnh xuống với các doanh nghiệp để tìm hiểu động viên, giải quyết vướng mắc tại chỗ, “coi khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp là khó khăn vướng mắc của tỉnh”. Ngày Tết, ngày lễ, không chỉ doanh nghiệp đến thăm tỉnh, mà tỉnh còn đến thăm doanh nghiệp, tổ chức hẳn một ngày Tết doanh nghiệp hàng năm để khen thưởng, biểu dương doanh nghiệp hoàn thành tốt kế hoạch. Ngay cả trong những trường hợp yếu tố tâm lý như số giấy phép, biển số xe, ngày khởi công…nhà đầu tư cần số tốt, ngày tốt, tỉnh cũng sẵn sàng tạo điều kiện. Yếu tố tâm lý tưởng đơn giản, thật ra là một cách tiếp thị còn hơn cả những chuyến công du nước ngoài tốn kém bạc tỷ lấy từ ngân sách mà ra về tay không. Các nhà đầu tư không những yên tâm mà còn tuyên truyền, vận động thêm bạn bè, đối tác đến tỉnh Bình Dương đầu tư.
Với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, từ việc phát huy các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Bình Dương đã chủ động, nắm bắt thời cơ, khai thác yếu tố thuận lợi về địa lý; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, xây dựng các chương trình, nội dung xúc tiến, mời gọi đầu tư; luôn lắng nghe và kịp thời giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, tập trung nguồn lực đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng; cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, thực hiện đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Dương tại Hội nghị đánh giá kết quả 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh Bình Dương, tuy nằm trong top đầu về thu hút vốn FDI nhưng thực tế ở Bình Dương vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế như: Còn nhiều doanh nghiệp FDI chậm triển khai dự án đầu tư, kê khai thuế chưa đúng quy định, sử dụng lao động không đúng như báo cáo với cơ quan chính quyền sở tại. Bên cạnh đó, việc thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao còn hạn chế, chuyển giao công nghệ còn chậm. Còn nhiều doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản chưa hiệu quả. Mối liên kết ngang, dọc giữa các DN trong và ngoài nước chưa cao, dẫn đến việc phát huy năng lực của nhau còn hạn chế.
Tham khảo
- Phạm Thanh Tâm (2018). Thu hút và sử dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh Vĩnh Phúc: LATS Kinh tế. Luận án tiến sĩ kinh tế. Học viện Khoa học Xã hội – Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội.
- Nguyễn Ngọc Dung (2016), “Kinh nghiệm quốc tế về mô hình phát triển đặc khu kinh tế, Tạp trí Tài chính, số 2.
- Tô Minh (2017), “Kinh nghiệm từ Thâm Quyến”, Báo Nhân Dân số ra ngày thứ Sáu, 13/01/2017.
- Nguyễn Thị Thoa (2013), “Kinh nghiệm của Thâm Quyến (Trung Quốc) trong thu hút FDI phục vụ phát triển đô thị – bài học rút ra cho thành phố Đà Nẵng”, tạp trí Phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng, số 48, trang 58 – 63.
- Khổng Văn Thắng (2017) “Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với kinh tế tỉnh Bắc Ninh, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Kinh tế và Kinh doanh, Tập 33, Số 1 (2017) tr 100-107.
- Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh (2015), Bắc Ninh số liệu thống kê chủ yếu thời kỳ 2010-2015. Nxb Thống kê, Hà Nội.
- Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh (2016), Niên giám Thống kê tỉnh Bắc Ninh 2016, Nxb Thống kê, Hà Nội.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo tổng kết 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
- Cục Thống kê tỉnh Bình Dương (2016), Niên giám thống kê tỉnh Bình Dương 2015. Nxb Thống kê, Hà Nội.
- Trần Xuân Tùng (2005), Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.