Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng gia tăng, các công ty đa quốc gia (MNCs) và các tập đoàn kinh tế phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và cơ cấu tổ chức. Với sự khác biệt về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và chế độ ưu đãi thuế giữa các nước thì vấn đề chuyển giá, tránh thuế không chỉ phát sinh tại Việt Nam mà còn diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các nước phát triển. Đây là vấn đề “nóng” của toàn cầu và được nhiều quốc gia đưa ra để bàn thảo tại nhiều hội nghị quốc tế trong suốt nhiều thập kỷ qua, như hội nghị các nước G8, G20, diễn đàn thuế quốc tế…, trong bài viết này, Hoa tiêu tri thức làm rõ chuyển giá là gì và các khái niệm liên quan.

1. Định giá chuyển giao là gì?

Trong công tác quản trị tài chính ở các công ty đa quốc gia (Multinations Company – MNCs), việc định giá chuyển giao được xem là một phương pháp quản trị ứng dụng và được các nhà quản trị áp dụng một cách thuần thục nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Về nguyên tắc, giá chuyển giao giữa các thành viên, các công ty có vị thế kinh tế độc lập sẽ hướng đến giá giao dịch độc lập, nghĩa là hai bên độc lập thỏa thuận chuyển giao cho nhau dựa trên nguyên tắc giá thị trường. Trong thực tế việc định giá chuyển giao trong các MNCs là không theo căn bản giá thị trường mà có thể được tính toán theo một mức giá cao hơn hoặc thấp hơn nhằm đạt được mục đích nào đó của MNCs, chứ không chỉ nhằm một mục tiêu về thuế.

Giá chuyển giao trong “chuyển giá” có thể được định ở mức thấp hoặc cao hơn giá thị trường tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh của nhóm liên kết nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là gia tăng lợi ích tổng thể. Do đó bằng cách sử dụng các phương pháp để xác định giá chuyển giao trong các giao dịch nội bộ giữa các công ty có quan hệ liên kết của các MNCs sai lệch với giá thị trường, từ đó các MNCs đã chuyển lợi nhuận trước thuế từ một quốc gia này sang một quốc gia khác để tối đa hóa tổng lợi nhuận sau thuế. Các MNCs điều phối thu nhập, làm cho lợi nhuận của các Doanh nghiệp thành viên tại các quốc gia có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cao xuống mức thấp nhất và làm tăng tương ứng lợi nhuận tại các doanh nghiệp của MNCs ở các quốc gia có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn.

Theo thuật ngữ tài chính, “định giá chuyển giao” là việc sử dụng các phương pháp để xác định giá cả của các nghiệp vụ chuyển giao nội bộ trong một MNC phù hợp với thông lệ quốc tế và được chấp nhận tại các quốc gia mà các công ty con của MNC đang hoạt động. Với mức giá xác định cao hơn hay thấp hơn giá thị trường trong từng giao dịch lại tác động trực tiếp đến nghĩa vụ nộp thuế cho các quốc gia và sự di chuyển ngoại tệ giữa các nước.

Để làm rõ vấn đề định giá chuyển giao, tại Thông tư số 66/2010/TT-BTC ngày 22/4/2010 của Bộ Tài chính [2] đã giải thích từ ngữ để áp dụng trong việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết, cụ thể:

“Giá thị trường” là cụm từ để chỉ giá sản phẩm theo thỏa thuận khách quan trong giao dịch kinh doanh trên thị trường giữa các bên không có quan hệ liên kết (các bên độc lập).

“Giao dịch liên kết” (GDLK) là giao dịch kinh doanh giữa các bên liên kết.

“Giao dịch độc lập” (GDĐL) là giao dịch kinh doanh giữa các bên không có quan hệ liên kết.

“Khác biệt trọng yếu” là khác biệt về thông tin hoặc dữ liệu làm tăng hoặc giảm ít nhất 1% đơn giá sản phẩm giao dịch hoặc khác biệt về thông tin hoặc dữ liệu làm tăng hoặc giảm ít nhất 0.5% tỷ suất lợi nhuận gộp hoặc tỷ suất sinh lời.

“Biên độ giá thị trường” là tập hợp các giá trị về mức giá hoặc là tập hợp các giá trị về tỷ suất lợi nhuận gộp hoặc là tập hợp các giá trị về tỷ suất sinh lời của sản phẩm được xác định từ các GDĐL được chọn để so sánh.

“Cơ sở dữ liệu của cơ quan Thuế” là các thông tin, dữ liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp do cơ quan thuế thu thập, phân tích, lưu giữ, cập nhật và quản lý từ các nguồn khác nhau.

2. Chuyển giá là gì?

Hiện nay trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến hoạt động chuyển giá (Tranfer pricing), chuyển nhượng đối với các MNCs với nhiều cách tiếp cận, mục tiêu, phương pháp nghiên cứu khác nhau để làm rõ khái niệm về chuyển giá. Tiêu biểu là nghiên cứu của các tác giả:

Theo Baistrocchi R. Roxan I (2012), “Chuyển giá là hoạt động mang tính chủ quan, cố ý của các tập đoàn đa quốc gia nhằm tối thiểu hóa số thuế phải nộp bằng cách định giá mua bán sản phẩm, nguyên vật liệu…giữa các công ty trong cùng một tập đoàn, không theo giá thị trường nhằm thu được lợi nhuận cao nhất [3].

Theo Andrew Lymer & John Hasseldine, The Internatinal Taxation System, Kluwer Academic Pblishers “Chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế phải nộp của các công ty đa quốc gia trên toàn cầu” [4].

Theo BorKowski Susan C (1997), “Chuyển giá là một chiến lược về giá cả hàng hóa hữu hình và dịch vụ vô hình chuyển giao giữa công ty mẹ và các công ty con, hoặc giữa các công ty con với nhau, để tối đa hóa lợi nhuận, giảm thiểu thuế, duy trì mục tiêu đồng dư, và/hoặc đánh giá kết quả quản lý. Các chuyển đổi đó có thể xảy ra đối với các công ty cùng ở trong nước hoặc các công ty giao dịch xuyên biên giới. Đây chỉ là hoạt động chuyển đổi giá quốc tế, tức là cho mượn tiềm năng chuyển đổi thu nhập và tái phân bổ thuế xuyên quốc gia để mang lợi cho các MNCs” [5, tr. 322].

Theo OECD (2010): “Chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với sản phẩm (tài sản hữu hình, tài sản vô hình, dịch vụ, lãi tiền vay) được chuyển dịch giữa các bên có quan hệ liên kết không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường, nhằm tối thiểu hóa số thuế phải nộp của tất cả các bên liên kết trên toàn cầu” [6].

Các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý của Việt Nam trong thời gian gần đây cũng đã tiếp cận khái niệm về chuyển giá ở nhiều góc độ khác nhau, song cơ bản thống nhất với các nhà nghiên cứu quốc tế và OECD về khái niệm chuyển giá.

Theo Trần Xuân Hải (2012), “Chuyển giá là một hành vi do các chủ thể kinh doanh thực hiện nhằm thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ với các bên liên kết hay đơn giản hơn là không theo giá thị trường, đối tượng chính của hành vi ấy là giá cả” [7, tr.30].

Theo Nguyễn Trọng Cơ (2012), “Chuyển giá được hiểu là một hoạt động được sắp đặt trước bởi các chủ thể kinh doanh có mối quan hệ liên kết làm thay đổi mức giá trong quan hệ mua, bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, vốn, tài sản

(hoặc bất kỳ đối tượng nào của giao dịch) có sự khác biệt so với giá thị trường. Mục tiêu của chuyển giá là nhằm tối đa hóa lợi nhuận của cả một nhóm có quan hệ liên kết kinh tế (tập đoàn, công ty đa quốc gia hay nhóm công ty có mối quan hệ liên kết) trên cơ sở giảm thiểu nghĩa vụ về thuế [8, tr.13].

Theo Nguyễn Minh Phong (2012), “Chuyển giá là hành vi xuất phát từ quyền tự do định đoạt trong kinh doanh và mối quan hệ gắn bó chung về lợi ích giữa nhóm liên kết để thực hiện chính sách chuyển giao sản phẩm (tài sản hữu hình, tài sản vô hình, dịch vụ; vay, mượn vật tư, tiền vốn) giữa các thành viên của cùng một tập đoàn kinh tế, công ty đa quốc gia không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường, nhằm tối thiểu hóa nghĩa vụ tính thuế, nhằm tối đa hóa lợi nhuận trong tập đoàn dựa vào chính sách ưu đãi thuế hoặc sự khác biệt về thuế suất giữa các vùng, miền hay quốc gia”[9, tr.136].

Theo Phạm Hùng Tiến (2012), “Chuyển giá là việc xác định bằng tiền đối với một loại hàng hóa hay sản phẩm nào đó, tuy nhiên chỉ bao hàm những mặt hàng mà các bên giao dịch không phải mua từ bên ngoài (hay bên thứ ba), tức là những mặt hàng được trao đổi giữa các đơn vị thành viên trong phạm vi của một doanh nghiệp với nhau – còn gọi là các chủ thể có mối quan hệ liên kết. Khái niệm chuyển giá chỉ áp dụng cho những tập đoàn gồm tập hợp nhiều doanh nghiệp (đơn vị) liên kết có tư cách pháp nhân độc lập, hoặc các chủ thể kinh tế cơ cấu theo mô hình công ty mẹ, công ty con và có hoạt động kinh doanh quốc tế” [10, tr.36].

Từ các khái niệm trên cho thấy hầu hết các nghiên cứu ở nước ngoài và ở Việt Nam thời gian qua đều có cùng quan điểm:

(i) Chủ thể thực hiện hoạt động chuyển giá là các tập đoàn, công ty đa quốc gia, hay nhóm các công ty có mối quan hệ liên kết;

(ii) Chuyển giá là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản không theo giá thị trường (giá giao dịch giữa các bên độc lập);

(iii) Chuyển giá chủ yếu được thực hiện thông qua các giao dịch qua biên giới;

(iv) Chuyển giá nhằm mục đích chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao (hoặc nơi không được ưu đãi thuế) về nơi có thuế suất thấp (hoặc nơi được ưu đãi thuế) nhằm tối thiểu hóa số thuế phải nộp của các (MNCs) trên toàn cầu.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng ngoài các MNCs thực hiện chuyển giá còn có các DN trong nước, các DN sân sau của các DN nhà nước, chủ sở hữu các DN có quan hệ thân nhân với nhau cũng có thể thực hiện hành vi chuyển giá thông qua lợi dụng những chính sách ưu đãi thuế, ngoài ra các MNCs chuyến giá còn nhằm nhiều mục đích khác như để thu hồi vốn nhanh, chiếm lĩnh thị trường, thôn tính đối tác…

Các nghiên cứu ở nước ngoài và ở Việt Nam đều cho rằng, giá cả có thể xác định lại trong những giao dịch có quan hệ liên kết, xuất phát từ:

(i) Quyền tự do định đoạt trong kinh doanh, các chủ thể hoàn toàn có quyền quyết định giá của một giao dịch, do đó họ hoàn toàn có quyền mua hay bán hàng hóa, dịch vụ với giá họ mong muốn;

(ii) Do mối quan hệ gắn bó chung về lợi ích giữa nhóm liên kết nên sự khác biệt về giá giao dịch được thực hiện giữa các chủ thể kinh doanh có cùng lợi ích không làm thay đổi lợi ích toàn cục;

(iii) Việc quyết định chính sách giá giao dịch giữa các thành viên trong nhóm liên kết không thay đổi tổng lợi ích chung nhưng có thể làm thay đổi tổng nghĩa vụ thuế của họ.

Chắt lọc những hạt nhân hợp lý từ những khái niệm nói trên, có thể khái quát chung về khái niệm “chuyển giá” như sau:

“Chuyển giá là một thuật ngữ quốc tế phản ánh cách tính giá có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá thị trường trong các giao dịch kinh tế thuộc nội bộ giữa các bên trong cùng một tập đoàn, công ty đa quốc gia nhằm nhiều mục tiêu khác nhau, trong đó mục tiêu chủ yếu là tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế phải nộp và tối đa hóa lợi nhuận của tập đoàn, công ty đa quốc gia”. Trong bài viết này chỉ tập trung trình bày về hoạt động chuyển giá với mục tiêu trốn thuế ở nước nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Hiểu đúng và nắm chắc khái niệm chuyển giá đóng vai trò quan trọng trong tổ chức chống chuyển giá. Khảo sát 190 cán bộ công chức thuế trực tiếp làm công tác thuế đối với DN có vốn FDI cho thấy chỉ có 34,2% hiểu rõ khái niệm này và 40% hiểu một cách đại khái, thậm chí có 3 cán bộ trả lời là không hiểu gì về khái niệm chuyển giá.

Với nội dung như đã nêu trên, trong khái niệm về chuyển giá có một số khái niệm cụ thể được hiểu như sau:

3. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là gì?

Theo quy định tại Khoản 6, Điều 3, Luật Đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29/11/2005 của Việt Nam, định nghĩa: “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam hoặc là doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại” [11].

Theo quy định tại Khoản 14, Điều 3, Luật Đầu tư số: 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Việt Nam, định nghĩa: “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam” [12].

Pháp luật hiện hành quy định tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài thành lập DN có vốn FDI theo các loại hình công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh theo quy định của Luật doanh nghiệp. Bên cạnh các quy định của pháp luật áp dụng chung, phù hợp với các cam kết quốc tế, pháp luật về DN và về đầu tư áp dụng riêng đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực đầu tư có điều kiện, quy định trong việc thành lập công ty cổ phần, DN tư nhân, thủ tục đầu tư, đầu mục hồ sơ dự án và địa điểm thực hiện đăng ký doanh nghiệp.

Theo quy định trên có thể hiểu khái niệm DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như sau:

Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam là hình thức đầu tư mà ở đó các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư một phần hoặc toàn bộ vốn để lập ra pháp nhân mới tại Việt Nam theo quy định của luật đầu tư tại Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu chung của các nhà đầu tư.

4. Công ty đa quốc gia là gì?

Công ty đa quốc gia(Multi Nations Company – MNC, hoặc Multi National Enterprises – MNE) là khái niệm để chỉ các công ty có cơ sở hoạt động kinh doanh (sản xuất hay cung cấp dịch vụ) ở ít nhất hai quốc gia trở lên, gồm có công ty chính (công ty mẹ) tại một quốc gia và các công ty, chi nhánh (công ty con) hoạt động ở các quốc gia khác nhau.

Công ty đa quốc gia khác với công ty quốc tế, vốn là tên gọi chung chung của một công ty nước ngoài tại một quốc gia nào đó. Nó thể hiện quyền sở hữu tập trung, khi mà các chi nhánh, công ty con trên khắp thế giới đều thuộc quyền sở hữu tập trung của công ty mẹ, mặc dù chúng có những hoạt động cụ thể hằng ngày không hoàn toàn giống nhau. Các MNCs hoạt động thường xuyên theo đuổi những chiến lược quản trị, điều hành và kinh doanh có tính toàn cầu và đóng một vai trò quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa.

Dựa vào mô hình tổ chức của các MNCs, cho thấy hiện nay trên thế giới có ba loại mô hình của các MNCs:

(i) Công ty đa quốc gia “theo chiều ngang”, các công ty, chi nhánh có mô hình quản lý gần giống nhau, sản xuất các sản phẩm cùng loại hoặc tương tự ở các quốc gia khác nhau. Mô hình tổ chức này phổ biến trong các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, thương mai (ví dụ: McDonalds).

(ii) Công ty đa quốc gia “theo chiều dọc”, mô hình tổ chức của các công ty đảm nhận những công đoạn sản xuất khác nhau, tạo ra sản phẩm không hoàn toàn giống nhau, có các cơ sở sản xuất ở một số nước khác nhau (ví dụ: ADidas).

(iii) Công ty đa quốc gia “nhiều chiều”, có các cơ sở sản xuất ở các nước khác nhau, song mô hình tổ chức của các MNCs theo cả chiều ngang và chiều dọc (ví dụ: Microsoft).

5. “Các bên có quan hệ liên kết” là gì?

Theo hướng dẫn của OECD (2010) xác định doanh nghiệp có quan hệ liên kết khi:

(i) Một doanh nghiệp tham gia vào quản lý, điều hành hay góp vốn vào doanh nghiệp kia một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua trung gian;

(ii) Hai doanh nghiệp có cùng một hoặc nhiều người hay những thực thể khác tham gia quản lý, điều hành hay góp vốn một cách trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc thông qua trung gian [6].

Theo quy định của Chính phủ Việt Nam tại Thông tư 66/2010/TT-BTC ngày 22/4/2010: “Các bên có quan hệ liên kết” là cụm từ được sử dụng để chỉ các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp [2, tr. 2]:

(i) Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư dưới mọi hình thức vào bên kia;

(ii) Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư dưới mọi hình thức của một bên khác;

(iii) Các bên cùng tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư dưới mọi hình thức vào một bên khác.

Trong thực tế, các doanh nghiệp tự do cạnh tranh, mua, bán hàng hóa theo giá thị trường, nhưng khi bên mua và bên bán có chung lợi ích thì thường họ thỏa thuận với nhau về giá cả hàng hóa, dịch vụ… nhằm đạt được mục tiêu chung của các bên có quan hệ liên kết.

Như vậy, chuyển giá cũng được hiểu là một hành vi do các chủ thể kinh doanh thực hiện bằng việc định giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ cao hơn hoặc thấp hơn giá thị trường trong quan hệ với các bên liên kết; “Quan hệ liên kết” là một trong những điều kiện để các doanh nghiệp thực hiện chuyển giá.

6. Chuyển giá trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là gì?

Từ các khái niệm trên đây, có thể thấy hầu hết các DN có vốn FDI đều có quan hệ liên kết trong kinh doanh. Chuyển giá trong các DN có vốn FDI là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường, nhằm tối thiểu hóa số thuế của các MNCs.

Từ việc khái quát các nhận thức trên về chuyển giá và trên cơ sở đặc điểm của khái niệm, là luôn vận động và phát triển theo tính quy định của thực tiễn, cũng như tuân thủ nguyên tắc của logic hình thức, đi tới tổng hợp một cách hiểu về khái niệm “chuyển giá trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài” như sau:

Chuyển giá trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực chất là việc ấn định giá chuyển nhượng hàng hóa và dịch vụ giữa các doanh nghiệp thành viên có quan hệ liên kết với nhau theo giá nội bộ, không theo giá thị trường, nhằm giảm thiểu số thuế phải nộp để tối đa hóa lợi nhuận của toàn doanh nghiệp.

Vậy, chuyển giá là một hoạt động mang tính chủ quan, là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn nhưng không theo giá thị trường, không theo quy luật cung cầu giữa công ty mẹ và công ty con, nhằm giảm thiểu số thuế phải nộp của các MNCs trên toàn cầu.

 

Tham khảo

  1. Lê Quang Hùng (2018). Chuyển giá và chống chuyển giá trong quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Học viện Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội.
  2. Bộ Tài chính (2010), Thông tư 66/2010/TT-BTC, ngày 22/4/2010, “Hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết”.
  3. Baistrocchi R., Roxan I (2012), “Resolving Transfer Pricing Disputes”, AGlobal Analysis, London, Cambridge University Press.
  4. Andrew Lymer & Jonh Hasseldine, “The Internatinal Taxation System”, Kluwer Academic Pblishers, ISBN 1-4-2-7157-4, tr. 158.
  5. Borkowski Susan C (1997), “The transfer pricing concerns of Developed and Developing countries”, The International Journal of Accounting, (Volume 32, Issue 3, 1997), tr.321-336.
  6. OECD (2010), “Hướng dẫn về giá chuyển nhượng cho các công ty đa quốc gia và các cơ quan quản lý thuế” (Bản dịch tiếng Việt của Tổng Cục Thuế).
  7. Trần Xuân Hải (2012), “Một số vấn đề lý thuyết về chuyển giá trong doanh nghiệp FDI”, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Hoạt động chuyển giá-Những vấn đề lý luận, thực tiễn và biện pháp hạn chế”, Nxb. Tài chính, tr. 30-40.
  8. Nguyễn Trọng Cơ (2012), “Các hình thức chuyển giá ở Việt Nam và giải pháp ngăn chặn”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Hoạt động chuyển giá – Những vấn đề lý luận, thực tiễn và biện pháp, Nxb. Tài chính, tr. 13-20.
  9. Nguyễn Minh Phong (2012), “Chống chuyển giá-cần nhận thức đúng và giải pháp đồng bộ…”, Hội thảo khoa học: Hoạt động chuyển giá-Những vấn đề lý luận, thực tiễn và biện pháp hạn chế, Nxb. Tài chính, tr.136-143.
  10. Phạm Hùng Tiến (2012), “Bàn về chống chuyển giá trong giai đoạn hiện nay”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, số 28 (2012), tr. 36-48.
  11. Quốc hội khóa XI, Luật đầu tư số 59/2005/QH11 thông qua ngày 29/11/2005.
  12. Quốc hội khóa XIII, Luật đầu tư số 67/2014/QH13 thông qua ngày 26/11/2014.
Share.